Cùng với hồ Trị An, gần đây, rừng Mã Đà là điểm check-in lý thú của dân du lịch sinh thái nhờ cung đường này có những cánh rừng nguyên sinh, mấy dòng suối, thác nước hoang sơ, thơ mộng.
Cảnh sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ trong căn cứ kháng chiến (Mã Đà, Chiến khu Đ). Ảnh tư liệu. Ảnh: Tư liệu |
Không những thế, Mã Đà - nơi được mệnh danh là “lá phổi xanh của miền Đông Nam bộ” còn là “địa chỉ đỏ” của “miền Đông gian lao mà anh dũng”.
* Mã Đà sơn cước anh hùng tận
Trong hồi ký Chiến khu Đ của tôi, nhà báo Nguyên Hùng (Mạc Đăng Thân 1927-2005) - người được xem là “nhà văn tâm huyết với lịch sử kháng chiến” cho biết: “Mã Đà là địa danh của vùng đất rừng núi ở phía Bắc Chiến khu Đ, bên kia con sông Bé. Đây là giang san của đồng bào dân tộc thiểu số… Vùng Mã Đà có 4 dân tộc thiểu số là S’tiêng, Châu Mạ, Chơro và Khmer… Vùng Mã Đà là gạch nối giữa miền Đông Nam bộ lên cao nguyên Trung bộ”.
Nhà văn từng có hàng chục tác phẩm viết về những nhân vật lịch sử còn được “thổ địa” sống ở vùng sơn lam chướng khí, cọp beo, voi gấu, rắn rít… này giải thích câu truyền miệng: “Mã Đà sơn cước anh hùng tận”. Theo đó, do điều kiện sống ở vùng rừng núi ma thiêng nước độc quá khắc nghiệt, làm cho cả những hảo hán, anh hùng sa cơ lỡ vận phải lánh vào ẩn náu nơi đây cũng đều phải đóng… “thuế rừng” (sốt rét ác tính) làm bỏ mạng; nên dân gian đã nhại một câu trong bài sấm Trạng Trình: “Long vĩ xà đầu khởi chiến tranh/ Can qua xứ xứ khởi đao binh/ Mã đề dương cước anh hùng tận/ Thân dậu niên lai kiến thái bình…” rất quen thuộc thành: “Mã Đà sơn cước anh hùng tận”!
Rành hơn Nguyên Hùng và tự hào: “Trong 2 cuộc kháng chiến, tôi… đều có dịp sống và chiến đấu tại đất Mã Đà” nhà văn Lý Văn Sâm (1921-2000) - một cây bút đậm chất mã thượng giang hồ cho rằng: “Sơn cước dịch ra nghĩa Nôm là chân núi, nhưng ở đây chỉ có đồi chứ không có núi: đồi Bằng Lăng, đồi Quít Rừng, đồi Tam Cấp… Mã Đà sơn cước nên hiểu đó là một vùng rừng rậm, bát ngát gần như bất khả xâm phạm đối với con người. Con người trở nên bé nhỏ và bất lực trước thiên nhiên bí hiểm đầy rắn, rết, muỗi mòng và đỉa, vắt; đặc biệt là đối với mầm sốt rét kinh niên và bất trị. Đa số người “khám phá” Mã Đà thời xưa đều mất mạng vì chứng sốt ác tính, một số khác mắc bệnh vàng da, chữa trị lâu ngày mới hết. Anh hùng tận, câu truyền tụng ấy nghe đáng ghê sợ lắm chứ!”.
Nhà văn viết truyện đường rừng nổi tiếng ở Nam bộ còn kể về “huyền thoại Mã Đà” rất lý thú. Vào khoảng những năm 1920-1930, chủ đồn điền cao su ở Rạch Đông (nay thuộc xã Thiện Tân, H.Vĩnh Cửu) là Oderra - nhà tư bản Pháp có nhiều vợ thuộc các sắc tộc khác nhau. Trong số đó, Oderra cưng nhất là Chanh, người Việt. Dân phu và dân địa phương đều kính trọng gọi Chanh là: “Bà lớn”.
Đúng như nhận xét của Trần Bạch Đằng lúc ông còn tại thế: “Gần đây, thỉnh thoảng tôi có trở lại Mã Đà, hoặc men đường ven sông Đồng Nai lên Trị An, hoặc theo đường từ Trảng Bom vào huyện lỵ Vĩnh Cửu. Tất cả đã thay đổi, trừ tấm lòng của Mã Đà, của Chiến khu Đ đối với những người đến đó và từ đó ra đi vì sự nghiệp lớn. Trong lịch sử kháng chiến của miền Nam, Mã Đà có một chỗ đứng rất trang trọng, một địa phương lịch sử của tỉnh Đồng Nai”.
Một hôm, bà Chanh bơi xuồng dạo chơi trên sông Đồng Nai thì bất đồ con sấu đỏ mũi xuất hiện quẫy đuôi hất bà văng xuống sông, kéo đi mất. Oderra liền cho người đắp đập ngăn Rạch Đông để lừa bắt sống con sấu đã thành tinh (?) này phanh thây trả thù. Khi mổ ruột con sấu mũi đỏ, Oderra nhìn thấy rất nhiều nữ trang của vợ.
Sau 3 ngày làm lễ cầu siêu linh đình cho bà lớn Chanh, ông Oderra khai khẩn đất hoang, mở thêm đồn điền cao su khắp các vùng Xuân Lộc, Dầu Giây, Định Quán. Để tưởng thưởng công lao cho nhà tư bản “vàng trắng” Oderra, chính quyền thực dân Pháp quyết định lấy tên ông đặt cho con đường lớn ở tỉnh lỵ Biên Hòa. Sau đó, Oderra cưới Liễu Nam, trang tuyệt sắc giai nhân người Hoa.
Khi đạt đỉnh danh vọng, tài lực, Oderra nảy ra ý định khám phá và chinh phục Mã Đà. Ông ta và Liễu Nam cùng hai phụ tá người Miên là Nặc Ông Ri và Nặc Ông Cương vào đến suối Mã Đà để bắt đầu thiết lập giang sơn mới. Nhưng ý đồ bất thành, vì việc mời gọi người dân tộc bản địa hợp tác không được hưởng ứng. Cặp đôi Oderra - Liễu Nam sống chơ vơ giữa rừng Mã Đà hoang vắng và sự xuất hiện của viên sếp kiểm lâm dẫn đến sự biến mất của “bông hồng Trung Hoa” Liễu Nam. Từ đó, khi có ai hỏi đến bà lớn Nam, ông Oderra trả lời là bà đã bị xà niên bắt mất trong một chuyến đi săn. Thế nhưng trong lòng nhà tư bản thực dân này rất cay đắng: Người vợ Việt tên Chanh của ông bị con sấu mũi đỏ nuốt sống, người vợ Hoa tên Liễu Nam lại bị người đồng chủng Pháp trẻ tuổi đẹp trai cưỡm mất.
Nhà văn Lý Văn Sâm cho là “huyền thoại Mã Đà” đã lùi vào quá khứ; tuy rằng vào năm 1935 người ta phát hiện ở Mã Đà có tấm bia đá trên mộ Oderra khắc chữ Tàu.
* Mã Đà sơn cước anh hùng… tụ
Sau phong trào Đồng Khởi năm 1960, tình hình và cục diện đấu tranh cách mạng ở miền Nam chuyển biến mạnh, từ đấu tranh chính trị chuyển sang kết hợp đấu tranh vũ trang. Để đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng ở miền Nam, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III quyết định giải thể Xứ ủy Nam bộ và thành lập Trung ương Cục miền Nam có căn cứ địa ở Chiến khu Đ - trung tâm đặt tại rừng Mã Đà.
Ngày 10-10-1961, Hội nghị lần thứ nhất Trung ương Cục miền Nam diễn ra tại Mã Đà dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Trung ương Cục Nguyễn Văn Linh với nhiệm vụ đề ra là kiện toàn bộ máy lãnh đạo.
Sửa chữa máy cày phục vụ sản xuất lương thực tại Đồng Bơ, Chiến khu Đ |
Trong bài viết Nhớ những ngày ở Chiến khu Mã Đà, nhà chính trị Trần Bạch Đằng cho biết: “Sau Đồng Khởi, cơ quan lãnh đạo của Xứ ủy Nam bộ đứng chân trên Chiến khu Dương Minh Châu, đầu nguồn sông Vàm Cỏ Đông. Cơ ngơi của tổ chức vừa được gầy dựng thì một sự cố xảy ra. Chính quyền Ngô Đình Diệm cho ủi một con lộ cập biên giới Campuchia từ Sóc Con Trăn, thượng nguồn sông Sài Gòn chạy qua Sa mat, Taxia, “bọc hậu” cơ quan lãnh đạo của Xứ ủy. Giữa ruột Chiến khu Dương Minh Châu, địch ủi một con đường từ Đồng Pan đến cầu Cần Đăng, xuyên trung tâm chiến khu. Trong tình thế ta mới hình thành bộ máy, lực lượng còn rất mỏng, khó mà đứng được giữa 2 gọng kìm, 2 con lộ ủi, thường được gọi là “lộ ủi Trần Lệ Xuân”. Các nhóm di cư từ Bắc vào được Trần Lệ Xuân cho phép khai thác gỗ vùng này nên có tên như thế. Thường vụ Xứ ủy quyết định toàn bộ cơ quan Xứ ủy và trực thuộc chuyển căn cứ sang Chiến khu Đ, chính xác là sang vùng Mã Đà (nay thuộc xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu). Đó là giữa mùa mưa năm 1961…”.
Những tên tuổi mà nhà chính trị Trần Bạch Đằng đã nhắc trong bài viết này đều rất xứng tầm anh hùng trong thời đại Hồ Chí Minh, nhưng ở Mã Đà còn có một nhân vật rất độc đáo, không thể không nói đó là già làng Năm Nổi (1930-2020), một vị “anh hùng đả hổ” được bà con dân tộc Chơro ở vùng rừng Mã Đà tôn kính gọi là Tơ Tơ.
17 tuổi, ông Năm Nổi đã làm liên lạc cho “bộ đội ông Tám Nghệ” và năm 1957 khi trở thành Bí thư Chi bộ xã Lý Lịch, ông đã chỉ huy 4 du kích đánh bật 1 tiểu đoàn dù Việt Nam cộng hòa ập xuống càn quét vùng Mã Đà, đặc biệt là đã cứu đói cho cơ quan Đảng ủy và Ban Quân sự miền Đông cùng Đại đội C59 làm nhiệm vụ bảo vệ đang bị cạn lương thực do Quân đội Sài Gòn phong tỏa càn quét Chiến khu Đ và mở ra hướng giải quyết vấn đề lương thực cho các đơn vị bộ đội đóng quân trong rừng miền Đông. Đó là việc hướng dẫn cách đào và chế biến củ chụp mọc thành đồi trong vùng Mã Đà làm lương thực thay gạo. Được xem là “báu vật sống” và là người “giữ hồn” dân tộc Chơro, già làng Tơ Tơ Năm Nổi còn sưu tập và trồng trong vườn nhà bên Sa Mách thuộc ấp Lý Lịch, xã Phú Lý 100 loại cây đặc hữu bản địa nhằm bảo tồn sự đa dạng thực vật rừng Mã Đà.
Rừng thiêng nước độc cùng lam sơn chướng khí của một thời Mã Đà sơn cước anh hùng tận, sau khi được… anh hùng tụ đã thay đổi thật nhiều.
Bùi Thuận
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin