Tôi không nhớ mình quen biết Lê Thanh Xuân tự khi nào, dường như đã vài chục năm. Làm báo, anh không có những thiên phóng sự, điều tra nổi đình nổi đám hay các bài chính luận cháy lên giữa đời thường. Uống rượu, chưa thấy uống say bao giờ. Ca hát, cũng chưa từng nghe qua. Tướng mạo hơi lầm lì. Cư xử, nhiều người nói, đôi lúc ương ngạnh.
Vậy mà, đọc thơ, lại thấy một Lê Thanh Xuân rất khác. Đa phần các nhà thơ tự cho ít người hiểu mình. Sự ương ngạnh như là cách phản kháng ngầm, hờn dỗi. Lê Thanh Xuân cảm thấy xa lạ, đôi khi lạc lõng hơn là gần gũi với chung quanh bởi anh đang cùng sống với một không - thời - gian đã mất; điệu hồn anh dằng dặc nỗi niềm mà chỉ có riêng anh mới hiểu và chính anh cũng không thoát ra được. Nghề báo có lẽ là chỗ Lê Thanh Xuân nương nhờ để làm việc khác - làm thơ.
Đến nay, Lê Thanh Xuân đã xuất bản 14 tập thơ và đoạt nhiều giải thưởng về văn học (thơ) ở tỉnh và trung ương.
Lê Thanh Xuân sinh ngày 7-2-1948, tức ngày 28 tháng Chạp năm Đinh Hợi. Ấy là ngày Nhâm Tuất - Đại Hải Thủy, tháng Quý Sửu - Tang Đố Mộc của năm Đinh Hợi - Ốc Thượng Thổ. Anh bảo xưa mẹ nói lúc sinh anh, người trong làng đã bắt đầu ra đồng cày bừa, độ năm giờ sáng, tức giờ Quý Mão - Kim Bạc Kim. Tháng ấy, vùng Bắc Trung bộ mưa tuy không nhiều nhưng tiết trời lạnh lẽo. Trong tứ trụ, không có lửa. Nhưng có Thổ đủ làm nên một loại vàng để người đời dùng trang sức. Mộc cũng mềm yếu, bởi đấy là mộc của cây dâu. Tạo hóa tạo nên anh hùng để dời non lấp biển và sinh ra thi sĩ/nghệ sĩ để làm đẹp cho đời, hát khúc hoan ca và cả những bài tang lễ đó chăng?
Lại nói, người được sinh ra từ đất rồi sẽ trở về với đất. Đó là cái lẽ chung của nhân loại. Lê Thanh Xuân mệnh Cấn, cũng là Thổ, nên làm thơ quanh đi quẩn lại có nói về làng, đường làng; về đất quê, người quê hẳn không có gì lạ.
Quê Lê Thanh Xuân là làng Bất Căng, xã Thọ Nguyên, H.Thọ Xuân, bên dòng sông Chu, thuộc vùng đồng bằng của xứ Thanh, nhưng chỉ ở quê chưa đến 20 năm rồi rời làng đến xứ Mường - Hòa Bình từ năm 1964. Đến năm 1978, anh vào miền Nam sinh sống, chuyển sang làm báo (Đài PT-TH Đồng Nai) cho tới lúc về hưu.
Cả ba vùng đất đều ghi dấu trong thơ Lê Thanh Xuân: Quê nhà, làng Bất Căng, Thọ Nguyên; thị trấn miền rừng (Hòa Bình), nơi anh từng công tác hơn 10 năm và Đồng Nai, nơi làm việc và cư ngụ đến nay đã 45 năm.
Sâu đậm và dìu dặt là quê nhà Lê Thanh Xuân. Anh có một tập thơ lấy tên: Âm điệu quê hương (2001). Nhiều bài thơ viết về làng, quê của mình: Làng, Làng tôi, Lan man, Làng, Thọ Nguyên, Thị trấn Thọ Xuân, Gửi quê hương, Sông Chu mê đắm, Một khúc sông quê, Cánh đồng tuổi thơ tôi, Cánh đồng mùa thu, Đường làng, Nghĩa địa làng...
Nơi chôn nhau cắt rốn hiển hiện đủ đầy, chân thật trong thơ Lê Thanh Xuân. Kho từ ngữ dân dã không thiếu để nhà thơ giới thiệu làng mình với thế giới. Thơ anh tràn ngập các hình ảnh của một làng quê châu thổ miền Trung, với cánh đồng chiêm trũng, với bến sông, con đò, với bờ tre, cánh diều, với áo nâu, mái tranh, với cây lúa, củ khoai... và cả con đường gầy guộc lâm thâm. Âm thanh trong thơ là âm thanh của làng, với tiếng chim, tiếng ve, tiếng ếch, tiếng cò, tiếng cuốc, tiếng mưa, tiếng gió; tiếng xào xạc bờ tre, tiếng sáo diều,... Màu sắc không rực rỡ, chói lòa, mà thường là màu nâu thẫm của áo người làng, màu xoan tím dọc đường ướt sũng, màu của cọng rơm vàng, màu của nắng mưa, sương khói, màu đất làng, sông quê...
Cách nhìn, lối nghĩ Lê Thanh Xuân gần với người làng: Hạt thóc dầm mình nơi đồng chiêm trũng (Nhớ bạn); Được mùa nhớ kẻ đi xa / Cọng rau, con cá, quả cà ngóng trông (Nghĩa địa làng)...
Tôi nói, gần với người làng chứ không phải của người làng. Hai cách nhìn, lối nghĩ khác nhau. Bởi người con trai ấy rời làng đã lâu, anh đang kể về làng, nhớ về làng. Quê hương trong thơ Lê Thanh Xuân thuộc về ký ức, chìm trong ký ức: Những ký ức sáng chớp chân trời/ Làng tôi phía bờ đê ắp đầy kỷ niệm (Làng tôi).
Ngay cả lúc nhà thơ về làng thật thì trong thơ anh, đấy vẫn là làng trong ký ức, làng của thuở xa xưa, làng của người xưa: Bến sông giờ vẫn vậy/ Dấu chân gầy dù đã kín phù sa/ Con trở về vẫn nhận ra dấu mẹ.
Bởi trong ký ức nên làng của Lê Thanh Xuân được phủ một màn sương tâm trạng, khi buồn thương, nuối tiếc, khi day dứt, ngậm ngùi: Từ khúc sông âm thầm lặng lẽ/ Từ con đường gấp khúc hoàng hôn/ Và nỗi buồn đốt trên đồng vắng/ Cả ánh trăng vàng nhạt khu vườn (Khúc đầy).
Và nỗi buồn đốt trên đồng vắng là câu thơ thật hay. Ai từng ở quê hẳn cảm nhận rất rõ cảnh những làn khói từ rơm rạ sau mùa gặt, buồn đến nao lòng. Trong thơ Lê Thanh Xuân, cảnh ấy không còn thực nữa mà đã chuyển sang siêu thực để diễn tả một điều rất thực tự cõi lòng.
Ký ức về làng đã thành nỗi ám ảnh đối với Lê Thanh Xuân. Nhà thơ sống với thời quá khứ hơn là hiện tại: Chiều loang khói nhạt nhòa thăm thẳm/ Phía bên sông đò đã nghếch bến nằm... (Phía ấy).
Lê Thanh Xuân sống với làng, mang làng đi khắp nơi: Tôi đi xa vẫn một mạn quê nhà/ Gió hiu hắt bờ tre xóm cũ/ Mùa màng nào cơn lũ chẳng qua... (Gửi quê hương).
Anh gặp lại làng mình ở những nơi anh đến: Giữa phố, chợt tiếng chim gù/ Cu cườm gọi bạn biết thu đang về (...)/ Tiếng gù não nuột trong lòng/ Tiếng gù bàng bạc nhớ đồng nhớ quê (Tiếng chim gù).
Bài thơ Nghe tiếng gà gáy trong thành phố của Lê Thanh Xuân như một kiểu Chân quê mới: Đêm chưa sang giấc canh khuya/ Bỗng nhiên cả phố lắng nghe tiếng gà.
Tiếng gà hay tiếng quê mà như lửa trong hồn khiến người ta sực tỉnh? Nhớ quê và thương quê. Đúng hơn là thương người quê: Người quê giờ đã thị thành/ Nết ăn, dáng đứng đã cành uốn cây.
Cuối bài thơ là lời nhắc nhở. Tác giả không cho tiếng gà giữa phố thị là lạc lõng, nhưng anh tội nghiệp bởi dường như không đúng nơi, dường như đang nhầm chỗ: Lạc loài xin trả lại lời/ Về nơi xóm cũ đi thôi tiếng gà.
Trong nỗi nhớ quê của Lê Thanh Xuân luôn có nỗi lo của sự mất mát. Với Người S’tiêng vào thành phố, anh dõi theo từng bước chân ngập ngừng của người ấy, sợ như chính mình bị lạc, không phải lạc phố mà là lạc rừng: Rừng hoang ta vốn tỏ từng/ Về đây ta lại lạc rừng trong ta...
Cứ thế, Lê Thanh Xuân miên man trong dòng ký ức về làng, về quê. Đừng nghĩ làng Bất Căng của anh giàu có và tươi đẹp lắm. Trái lại, đằng khác: Làng nghèo những cấy với trồng/ Nghìn năm cây lúa uốn cong dáng người... (Quê hương).
Vậy, lẽ gì mà anh lưu luyến, khóc thương? Trăng nửa tha hương/ Giấu trong sợi tóc/ Trăng nửa quê nhà/ Giấu trong tiếng khóc (Thu).
Quê hương như mẹ ta. Lẽ nào mẹ nghèo mà mình không nhớ thương? Ta thương làng, nhớ quê cũng tự nhiên như với đấng sinh thành: Tôi đi khắp xa gần xứ sở/ Nơi đâu cũng làng đầy ắp giấc mơ/ Nhưng chỉ có một làng trong tôi tháng ngày thương nhớ/ Như con thuyền xa vẫn nhớ bến bờ (Làng tôi).
Có phải những người tha hương mới cảm nhận hồn quê, tình quê đủ đầy hơn chăng?
Trong xa cách tôi thành người khôn lớn/ Giữa biển khơi thành người biết lái thuyền/ Quê là bến. Con tim khẽ gọi/ Ấy là lời tôi cất đầu tiên (Thọ Nguyên).
Cần lắm những nhà thơ biết hát khúc trữ tình sâu lắng như là lời thủ thỉ của mẹ hiền, như sự nhắn nhủ âm thầm của đất đai, cây cỏ, ruộng vườn, như tiếng suối, lời sông thao thức của quê nhà… Chính những khúc hát trữ tình như thế sẽ khiến người đời luôn nhớ thương nguồn cội và gần gụi nhau hơn. Lê Thanh Xuân không luận bàn to tát, cũng không đi con đường cái quan. Đường của anh là đường làng, đường quê. Khao khát của anh chỉ là được làm ngọn gió để dù đi đâu vẫn về bến quê nhà. Và, có lẽ vì thế, nhà thơ hiểu được nghĩa đời qua những điều bé nhỏ, chân thật: Khi đi xa những nghĩa đời thấm tháp/ Lúc lạnh đông, phút cạn kiện sức người/ Con mới hiểu cái vực sâu lòng mẹ/ Hiểu lửa khói quê mình trong da thịt hồng tươi (Lửa khói).
Từ đó, rộng hơn, nhà thơ thấu hiểu được nghĩa tình sâu nặng, khoan dung của cả nhân dân: Bà đi để lại cháu con/ Chum sành nước ngọt tựa mòn gốc cau (...) Truyền cho cái dáng làm người/ Như thân cau thẳng giữa trời chẳng nghiêng (Cây cau).
Chính vì đi đường làng, đường quê mà Lê Thanh Xuân không ít lần bắt gặp được đạo lý nghìn đời của dân tộc: Nỗi buồn/ Đừng ném/ Đừng quăng/ Đừng mua/ Đừng bán/ Đừng mang tặng người/ Biết đâu có buổi đẹp trời/ Biết đâu có lúc trên đời cần nhau (Không đề II).
Đọc thơ, hẳn biết Lê Thanh Xuân vốn là chàng trai không ở yên một chỗ, dù đó là quê nhà. Nhưng nơi nào người con trai ấy đã qua, một thời sinh sống, đều chất chứa bao yêu thương, trìu mến. Anh da diết nhớ căn nhà nhỏ, phố phỏ ở Hà Đông - nơi tình yêu còn gửi bóng sân lầu (Một năm mười hai tháng). Ở buổi chiều Nam bộ đầy sương khói, anh thao thức với Đê sông Hồng úp mặt rưng rưng (Nhớ Hà Nội thu) hay tơ tưởng với sa mù Mai Châu nơi mình từng có một thời hoang dại (Nhớ về nơi mình ra đi)…
Sống đầy ắp yêu thương như thế nên vùng đất nào của Tổ quốc, đối với Lê Thanh Xuân cũng là mồ hôi và máu thịt đời đời không mất. Còn ngay tại nơi mình đang sống, nhà thơ cảm nhận thật sâu cái tình, cái nghĩa của một vùng đất phóng khoáng và bao dung: Con sóng tha hương vỗ mãi giấc nằm/ Đất nhân hậu, người trăm năm tri kỷ (Cù lao Phố).
Lê Thanh Xuân có nhiều bài thơ về người thân. Sâu đậm nhất, lẽ dĩ nhiên rồi, là người mẹ người cha. Họ là người làng và hơn thế nữa, với nhà thơ, đấy là hồn vía quê hương: Khi tiếng khóc oa oa, những sợi nắng dát vàng/ Nhuộm con vào hồn quê khoai lúa/ Tiếng ru đắm đò xoáy vào mưa lũ... (Hoa ngâu); Cha như đất đai, như mái nhà, ao nước/ Như bờ tre con gió thở dài.../ Làm nên quê, người là hồn vía của quê (Cha tôi).
Bài Anh tôi viết nhân ngày giỗ người anh ruột hy sinh trên dòng sông Thạch Hãn mùa hè năm 1972 thật thắm thiết. Đã bao năm hình hài anh đã thấy đâu, nên người em than khóc và nguyện cầu: Mong anh hãy trở về nhà/ Xóm làng vẫn giữ tiếng gà báo canh/ Con đường giữ dấu chân anh/ Bờ ao tiếng cuốc vẫn thanh đêm hè.
Người đời chỉ thật sự chết trong ký ức của người đang sống. Và, không ai có thể tước đoạt được họ nếu như ký ức vẫn tròn đầy, vẹn nguyên: Hình như thấp thoáng con đò/ Bóng anh hiển hiện vừa qua sông đầy...
Trên đất nước mình, có biết bao tiếng khóc và lời nguyện cầu như thế! Dương Tường có câu thơ hay đến kỳ lạ: Tôi đứng về phía nước mắt. Mượn lời ông, cũng có thể nói, Thơ ở về phía nước mắt. Đấy cũng là lý do nhân gian này cần đến thi sĩ để hát khúc tráng ca và nhiều hơn là, những bài ca tang lễ.
*
Thơ Lê Thanh Xuân kết cấu theo lối tự tình để dòng ký ức, tâm trạng hiển hiện và tuôn chảy. Khi dòng tự tình miên man thì hình ảnh này gọi hình ảnh kia, dòng này nối tiếp dòng khác. Suy tư của nhà thơ neo vào dòng tự tình ấy.
Một khi làm thơ theo lối tự tình nên sự lựa chọn thể thơ từ nhu cầu ấy. Nhiều bài thơ của Lê Thanh Xuân như khúc hát, lời ru. Anh có một tập thơ lấy tên là Tiếng ru đêm. Nhưng số bài thơ theo thể lục bát không nhiều, ngay bài Tiếng ru đêm là thơ tự do.
Cũng bởi thơ tự tình nên Lê Thanh Xuân khá tinh nhạy với những khoảnh khắc của thời gian, nhất là lúc giao mùa. Khi ấy, tất cả các giác quan của nhà thơ như chợt bừng tỉnh để mà sống lại với quá vãng, lòng hoang mang, bàng bạc nhiều nỗi: Cuối năm mưa móc đã thưa/ Cuối năm đồng bãi cũng vừa gặt xong... (Cuối năm).
Tôi yêu những dòng thơ này của Lê Thanh Xuân: Trên cánh đồng mùa thu/ Mây vàng vương vãi nỗi niềm no ấm/ Cỏ may dệt đang những sợi gió âm thầm/ Tôi mượn mùa thu thổi vào lồng ngực/ Ngọn gió heo may run rẩy bùn non (...)/ Rơm rạ rối bời bước chân đồng áng/ Sương khói lan man che khuất dấu mòn.../ Tôi mang miền quê lang thang khắp xứ/ Để một ngày trở lại làng xưa... (Cánh đồng mùa thu).
Lê Thanh Xuân không đi đường cái quan. Anh đi trên đường làng, đường quê. Nhưng nhờ đi trên con đường ấy mà nhà thơ đã bắt gặp con đường của Tổ quốc và Nhân dân mình.
Chớm Đông, Quý Mão.
Bùi Quang Huy
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin