Báo Đồng Nai điện tử
En

Những người không ngừng mơ mộng với thi ca

Trung Nghĩa
07:06, 11/11/2023

Tuyển tập thơ Lê Thiếu Nhơn - Ngô Nguyệt Hữu - Trần Hoàng Nhân (NXB Đà Nẵng, tháng 11-2023) đánh dấu lần đầu tiên ba cây bút là bạn bè từ thuở thiếu thời in chung tập sách và được các bậc đàn anh Vũ Quần Phương, Nguyễn Nhật Ánh và Lê Minh Quốc giới thiệu.

 

Tác giả Lê Thiếu Nhơn hiện là Trưởng ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn TP.HCM (nhiệm kỳ 2020-2025). Anh đã có các tác phẩm như: Trong bóng người xưa, Bản tường trình giấc mơ đi vắng (thơ), Thi ca nết đất (phê bình), Kế hoạch tỏa sáng khắp hành tinh (truyện trào phúng)…

 Tác giả Ngô Nguyệt Hữu đã có các tác phẩm như: Mai kia mốt nọ mình rời bỏ người ta (thơ), Đi ở nhớ về, Cầm bàn tay con (tản văn).

Tác giả Trần Hoàng Nhân từng có hai tập thơ Nằm im đợi nắng thức và Người mong khoảng cách để mà nhớ thương.

Nhà thơ Trần Hoàng Nhân cho biết bản thân anh và hai người bạn văn chương Lê Thiếu Nhơn, Ngô Nguyệt Hữu “chơi với nhau từ thời sinh viên của hơn 20 năm trước, ngoảnh lại thời gian đã điểm bạc mái đầu”, ai cũng từng có các tập thơ riêng được xuất bản. Tuy vậy, “việc in chung tập thơ hôm nay chính là lưu lại chút gì để nhớ thêm trên dòng thời gian vô cùng vô tận về tình bạn của chúng tôi”.

Mơ mộng với thi ca

Tuyển tập thơ Lê Thiếu Nhơn - Ngô Nguyệt Hữu - Trần Hoàng Nhân gồm đúng 60 bài thơ (mỗi tác giả 20 bài). Họ lý giải rằng 20 đánh dấu việc “chơi thân với nhau từ tuổi đôi mươi, là tuổi đẹp nhất, tuổi mơ mộng nhất của đời người”. Dù đôi lúc có bị gián đoạn bởi dòng đời xô đẩy, mỗi người theo con đường, việc riêng tư…, họ vẫn duy trì tình yêu với văn chương và thi ca.

Tuyển tập quy tụ ba nhà thơ Lê Thiếu Nhơn, Ngô Nguyệt Hữu và Trần Hoàng Nhân

“Làm thơ cũng là cách để sự mộng mơ được duy trì, vì không có giấc mơ thì con người ta dễ bị nhấn chìm vào hiện thực của kiếp người. Con số 20 bài thơ do mỗi tác giả tự chọn tuy không nhiều, nhưng thể hiện được phần nào giấc mơ ấy trong hơn hai mươi năm qua. Chúng tôi vẫn không ngừng mơ mộng” - nhà thơ Trần Hoàng Nhân chia sẻ.

Người đọc bắt gặp nhiều hình ảnh lãng mạn, chan chứa nỗi niềm giao thoa giữa tâm hồn và vạn vật như những câu thơ của Lê Thiếu Nhơn trong tập sách:

Thành phố kẻ làm thơ

Đêm mơ tơ nhện

Biển cồn cào giăng lưới trăng sao” (bài Hoài niệm thành phố tuổi thơ).

Hay: “Chúng ta làm sao tự vệ trước sắc mây bay?

Chúng ta làm sao tự vệ trước chiều mưa muộn?

Chúng ta làm sao tự vệ trước vệt nắng phai?” (Chột dạ khi rời khỏi nhà).

Tác giả Ngô Nguyệt Hữu gây ấn tượng với các bài thơ hầu như có tựa chỉ 1 chữ kèm dấu chấm than (!). Bốn bài thơ về mẹ của anh gây xúc động sâu lắng:

“Xót lòng con gọi, mẹ ơi!

Cụm mây trắng ấy trên trời vẫn bay” (Mẹ ta đã bỏ ta rồi!).

Hay: “Con còn có Mẹ, Mẹ ơi!

Là hạnh phúc của một người sướng vui

Bây giờ, Mẹ ở trên trời

Con mồ côi đội bời bời gió giông!” (Mẹ!).

Và:“Má ở trên trời,

Con ngồi dưới đất…

Má thấy con không,

Những chiều nắng tắt!” (Má!).

Quý nhau nhận xét

Nhận xét về Lê Thiếu Nhơn, nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng tác giả này dù có phần than vãn “giận thân, giận đời” trước những biểu hiện sa sút của lối sống xã hội, nhưng trong sâu thẳm “vẫn đắm đuối tin vào tác động hoàn thiện con người”, tin vào đạo lý, nhân phẩm, cái đẹp thông qua những bài thơ chú trọng thủ pháp diễn đạt, nội dung có ích cho cộng đồng.

Các nhà thơ Vũ Quần Phương, Lê Minh Quốc, Nguyễn Nhật Ánh vì “quý nhau” đã ủng hộ ba tác giả bằng những lời nhận xét súc tích, cô đọng và thú vị.

Nhà thơ Vũ Quần Phương đánh giá Lê Thiếu Nhơn can đảm thể hiện tinh thần trách nhiệm công dân qua câu chữ và bản lĩnh đứng về phía người lương thiện như một lẽ tự nhiên, một phẩm chất tâm hồn và lòng yêu thương con người sâu sắc.

Nhà thơ Lê Minh Quốc nhận xét: “Ngô Nguyệt Hữu là một người yêu chữ. Nâng niu lấy chữ. Lấy đó, làm chất liệu trình bày lòng mình trong cõi sống. Đời sống này, có gì vui? Có gì buồn?”. Ông Quốc cho rằng Nguyệt Hữu có “một đời sống nội tâm đơn độc” không phải ai cũng có thể thấu cảm, dù rằng thơ của anh thể hiện “tâm thế hết sức phóng khoáng lẫn phiêu bồng lãng đãng”.

 

Nhà thơ TRẦN HOÀNG NHÂN bộc bạch: “Bất cứ người viết nào cũng rất hạnh phúc khi tác phẩm của mình được đọc như tìm được tri âm. Nếu ai đó đang cầm trên tay tập thơ này và đang đọc tức người đó là bạn và hy vọng trở thành tri âm của chúng tôi. Mong lắm thay!”.

Trong khi đó, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho biết Trần Hoàng Nhân “con người hàng ngày cà rỡn tếu táo” nhưng đọc thơ anh thì ông thấy tác giả “lặn sâu vào nội tâm để đối diện với chính mình, để lục lọi, tra vấn một cách triệt để” về sự bất toàn của người đời và đời người.

Nhà thơ Trần Hoàng Nhân có những bài thơ giàu ý niệm mà nói như nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là các bài “luận về nhân sinh” theo cung cách rất riêng của tác giả. Nhiều câu tuyệt bút mà độc giả có thể khám phá trong thế giới thơ của Trần Hoàng Nhân như: “Mình tu hoài chưa chín” hoặc:

“Xác thân này nặng nhọc

Bái vọng những người thương” (Lạy).

Trung Nghĩa

Tin xem nhiều