Tôi tự nhận mình là kẻ tha hương đáng thương. Bởi thân xác tôi ở trời Nam nhưng tâm hồn tôi luôn thả trôi ở đất Bắc xa xôi, nơi đấng sinh thành ngày càng già đi. Nhất là căn bệnh Alzheinmer tàn phá sức khỏe của ba từng ngày.
Niềm vui tuổi già |
Cách đây ba năm khi tôi về thăm quê, ba tôi tuy đã già, lưng đã còng nhưng vẫn ra tận ngõ để mở cổng và đón con gái bằng nụ cười thật rạng ngời, ba hỏi để thăm xem ở nơi xứ người, tôi có sống tốt không? Ba còn cười bảo “Nếu mệt mỏi quá về ba nuôi”. Thế mà năm nay, khi tranh thủ trong chuyến đi tập huấn ngắn ngày tại thủ đô, tôi bắt xe về quê nhà thăm ba mẹ vào chiều mưa bay giăng giăng, mở cổng bước vào, thấy ba ngồi thẫn thờ bên hiên nhà cũ. Tôi gọi ba, ánh mắt bàng bạc nhuốm màu u sầu nhìn tôi và hỏi: “Cô là ai?” khiến tôi bất giác cảm thấy trời đất như sụp xuống chân mình, đầu óc tôi choáng váng, con tim tôi chết lặng.
Không ngờ em trai tôi luôn nói dối về bệnh tình của ba để tôi nơi phương xa yên tâm làm việc. Tôi đứng chôn chân không thể nhúc nhích, hai hàng nước mắt cứ thế lăn dài hòa vào cơn mưa chiều, tôi không thể ngờ bệnh tình của ba càng ngày càng trầm trọng.
Tôi cảm thấy hối hận vô cùng. Tôi nhớ ngày ba níu tay tôi ở sân ga. Ba không yên tâm khi con gái của ba một thân một mình đi đến nơi xa lập nghiệp. Ba ít nói vô cùng. Nhưng thời khắc ấy ba dặn dò dài đủ điều: “Đừng tiết kiệm quá, có khó khăn gì gọi ngay về nhà, nếu con không muốn ở nữa, về nhà với ba mẹ nghe không”. Lúc ấy, tôi nuốt nước mắt vào trong, nín thinh gật đầu lặng lẽ lên tàu. Ba đứng trong sân ga, bóng ba xiêu đổ gầy gò, cô độc và bất lực, lưng ba còng theo bóng chiều liêu xiêu. Nhưng tôi lại quá vô tâm, gạt nước mắt lăn dài, quyết đi cho bằng được.
Cuộc đời vốn không có chữ nhưng, thời gian trôi về phía trước, ngày mai ba sẽ quên đi tất cả, nhưng tôi biết trong sâu thẳm trái tim ba vẫn luôn yêu thương con gái vô cùng. Và tôi như bao kẻ tha hương khác luôn đau đáu một nỗi niềm khôn nguôi…
Vòng xoáy cuộc đời khiến tôi luôn tất bật với công việc, quên đi ở chốn quê nhà ấy, ba mẹ càng ngày càng già đi. Năm nào đến Tết ở phương nam tôi quay cuồng trong muôn vàn công việc nên không thể sắp xếp thời gian về quê, thực tình nỗi lo cơm áo gạo tiền đè nặng lên đôi vai làm đôi lúc tôi muốn gục ngã. Khi hai năm dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng quá lớn đến cuộc sống của gia đình, công ty cắt giảm nhân sự, tiền lương không tăng còn giảm vì không còn thường xuyên tăng ca, tôi cuồng quay trong muôn vàn nỗi lo của cuộc sống thường nhật mà quên đi sự ngóng trông trong vô vọng của ba vào buổi chiều cuối năm.
Cho đến khi tôi mệt nhoài sau một ngày căng thẳng trở về căn nhà nhỏ, mở điện thoại ra thấy người bạn thân nơi chốn quê nhà gửi cho con hình ảnh của ba, bạn kể lại chiều hôm ấy: “Ba của bạn đứng thẫn thờ trong cơn mưa phùn gió bấc, mưa giăng giăng trên mái tóc bạc trắng những vết hằn thời gian. Bác cứ đứng đó, đôi mắt vô hồn nhìn về phía đường cái xa xăm. Ai hỏi gì cũng không nói, nhắc hoài “Sao con tôi nó chưa về, Tết đến nơi rồi”. Đến khi mẹ và em trai tôi năn nỉ mãi, ba lẳng lặng trở về, chốc chốc lại ngoái đầu xem có chuyến xe Bắc Nam nào dừng trả khách không. Lúc ấy trái tim tôi như ngàn mũi dao đâm, tôi muốn bỏ lại tất cả mà chạy về ngay bên ba mẹ.
Bạn an ủi: “Thôi lỡ rồi, Tết không sắp xếp được thì thôi, nhưng ra Tết thì về thăm ông bà đi, ông bà không nói ra nhưng trong lòng ngóng bạn lắm đó”. Lúc ấy tôi thấy mình bế tắc, tôi lại tự chất vấn mình “con đã làm gì khi những lúc trái gió trở trời, ba mẹ cần con nhất thì lúc này con lại ở nơi quá xa xôi”, nhưng trong ví lúc ấy chỉ còn vài trăm ngàn, tôi đành nuốt nước mắt vào trong lỡ chuyến tàu về Tết năm đó.
Nay tôi trở về, căn bệnh Alzheinmer diễn biến nhanh, khiến ba không nhận ra con gái mà ba hết mực yêu thương. Vài ngày ở nhà, tôi nhận ra bệnh tình ba mình, nhận ra sự vô tâm của mình suốt thời gian dài. Tôi lỡ đánh rơi chiếc xoong xuống sàn nhà, tiếng choang kêu lên đinh tai. Ba ôm đầu sợ hãi, đi tìm nơi để trốn. Trong tâm trí ba bao ký ức đau khổ, chết chóc, bom đạn… thời chiến tranh lại ào ào quay lại, khiến ba hoảng loạn, sợ hãi... Trái tim tôi lúc ấy như vỡ thành từng vụn nhỏ. Nhưng chỉ nửa giờ sau, ba lại quên ngay việc đó.
Tôi thấy căm ghét căn bệnh Alzheinmer vô cùng, nó chẳng khác gì con quỷ dữ chuyên đi ăn mất ký ức của người mắc phải nó để tồn tại. Căn bệnh ấy đang tàn phá ký ức đẹp đẽ giữa ba và các thành viên trong gia đình, với tình làng nghĩa xóm, nhưng chúng tôi đành bất lực. Tôi ghét chính mình, ghét một đứa con đã vô tâm quá lâu để giờ phải sống trong nuối tiếc không thể chăm sóc đấng sinh thành khi khoảng cách địa lý quá xa xôi.
Nụ cười ngày mới |
Những kẻ tha hương dẫu có thành công nơi xứ người vẫn luôn đau đáu một niềm thương, một nỗi lo lắng thường trực. Nỗi đáng sợ nhất trong lòng chính là lúc nửa đêm, giật mình thảng thốt khi tiếng chuông điện thoại reo lên. Tôi ám ảnh nhất năm tôi bị nhiễm Covid-19 ngay trong lúc cao điểm, nằm ở bệnh viện nơi bức tường trắng lạnh ngắt, tiếng bíp bíp của máy móc, mùi khử trùng nồng nặc, tiếng bước chân rầm rầm đẩy xe cấp cứu người bệnh. Ba gọi điện, tôi khó nhọc nhấc máy. Ba tôi hỏi tôi thật nhiều về sức khỏe, động viên tôi hãy cố gắng nhưng không thông báo cho tôi rằng bà nội đã về với miền mây trắng. Cho đến khi tôi từ cõi chết trở về, ba mới nói cho tôi biết đêm ấy ba tính thông báo, nhưng ba sợ, sợ cú sốc tinh thần sẽ khiến tôi suy sụp. Ba khóc, khóc thật nhiều. Còn tôi cảm thấy sự bất lực cùng cực của một kẻ lỡ bỏ chốn quê nhà mà đi xa vạn dặm. Đến lúc người thân cần mình, thì mình lại chẳng thể làm gì được. Đó là nỗi niềm đau đáu thương đau của tất cả những người xa quê chứ nào riêng mình tôi...
Nguyễn Thắm
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin