Nói về ẩm thực của vùng Tây Bắc không thể không nhắc đến các món ăn chế biến từ hạt nếp. Điểm khác biệt là cơm nếp Tây Bắc rất đa dạng về màu sắc, hương vị, mỗi vùng, mỗi dân tộc có bí quyết chế biến riêng từ những loài hoa cỏ thiên nhiên. Ngày nay, văn hóa ẩm thực này vẫn đậm nét trong cuộc sống hàng ngày cũng như hoạt động lễ hội của người dân vùng Tây Bắc.
Xôi nhiều sắc màu bắt mắt |
Những ngày đầu đông với những cơn gió lạnh đã bắt đầu thổi mạnh, các tỉnh Tây Bắc là địa chỉ thú vị thu hút du khách khắp nơi tìm về thưởng thức cảnh sắc cũng như những món đặc sản, trong đó có xôi nếp thơm.
Vùng đất thơm nếp xôi
Nét ẩm thực độc đáo này đã đi vào thơ văn. Trong đó, câu thơ mang nỗi nhớ về vùng đất và con người Tây Bắc của nhà thơ Quang Dũng trong bài thơ Tây Tiến được nhiều người nhắc nhớ:
“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”
Mai Châu là huyện cực Tây của tỉnh Hòa Bình, có nhiều dân tộc sinh sống nhưng tập trung đông cộng đồng dân tộc Thái nên nét văn hóa “Ăn cơm nếp, ở nhà sàn” của dân tộc này được thể hiện khá đậm nét. Hình ảnh cơm lên khói tỏa hương thơm của nếp xôi ngày mùa thường gắn với hình ảnh về những người mẹ, những chị, những em trong mùa lúa chín. Nếp xôi là món thay thế cơm phổ biến ở vùng cao Tây Bắc, tiếng Thái gọi là “kháu càng nòi” - nghĩa là gạo dẻo thơm. Đến Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, thưởng thức được nếp xôi do chính phụ nữ Thái làm mới có thể cảm nhận hết vị ngon.
Người Thái luôn chọn nếp nương để làm xôi. Đó là loại nếp được trồng trên những thửa ruộng bậc thang ở thung lũng. Người phụ nữ Thái không đồ xôi bằng nồi, xửng hấp như người Kinh mà cho nếp vào chõ gỗ. Nếp tự chín bằng hơi chứ không nấu. Cách chế biến này không khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo. Sau khi được ngâm nhiều giờ liền, gạo được đồ tới hai lần. Lần thứ nhất đủ chín, đảo cho thật đều, còn lần thứ hai khiến xôi mềm và dẻo hơn, nhất là mỗi khi mở nắp nồi, hương thơm của nếp chín như lan tỏa cả vùng. Xôi nếp thường ăn kèm với thịt gà đồi, lợn rừng nướng hoặc đơn giản chỉ với muối vừng cũng đủ làm người thưởng thức khó quên.
Độc lạ những món xôi đầy màu sắc
Xôi nếp nương dẻo thơm còn được đồng bào khéo léo chế biến thành rất nhiều màu sắc bắt mắt. Để làm nên món xôi nhiều màu sắc, họ thường sử dụng những nguyên liệu chắt lọc từ thiên nhiên để tạo màu như sắc đỏ của gấc, củ dền, sắc xanh của lá dứa…
Xôi ngũ sắc là một món ăn truyền thống của vùng Tây Bắc mang nhiều ý nghĩa quan trọng. Chính vì vậy, đây là món xôi không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết quan trọng. Đặc biệt, trong đám cưới, đám giỗ cũng không thể thiếu món xôi này. Cách chế biến các món xôi này cũng mang đậm chất núi rừng. Nguyên liệu chính là gạo nếp thơm và các loại lá, hoa rừng, được nấu với nước suối tinh khiết và lửa bếp củi.
Đối với người dân ở vùng cao, ý nghĩa xôi ngũ sắc ngoài việc thể hiện “ngũ hành” còn thể hiện khát vọng yêu thương. Xôi màu đỏ sẽ tượng trưng cho khát vọng sống và những ước mơ về tương lai tươi sáng. Xôi màu tím tượng trưng cho màu của đất đai trù phú. Xôi màu vàng thì tượng trưng cho sự no ấm và phồn thịnh. Xôi màu xanh sẽ tượng trưng cho màu của núi rừng, nương rẫy. Cách trang trí xôi ngũ sắc tạo hình cánh hoa là để thể hiện tình yêu thương và lòng tôn kính đối với cha mẹ, ông bà, tổ tiên.
Hoa bó phón dùng nấu xôi tạo ra màu vàng đẹp mắt |
Theo bạn Trần Hiền, người dân tỉnh Sơn La, trong thực đơn đãi khách của bà con xã Ngọc Chiến, H.Mường La, tỉnh Sơn La không thể thiếu món xôi bó phón. Loại xôi này được nấu bằng gạo nếp Tan Ngọc Chiến, loại gạo đặc sản được trồng và tưới bằng nước của con suối Ta Khiết, ai đã ăn một lần sẽ nhớ mãi vị dẻo, thơm. Xôi nấu chín có màu vàng mật ong rừng. Để nấu ra màu sắc này, người dân ở đây sử dụng hoa bó phón, loài hoa chỉ có ở một số bản vùng cao của xã Ngọc Chiến và mọc ở khe đá nơi khí hậu ẩm, lạnh, nhiều sương mù. Loại hoa này có thân mềm, hoa nở thành chùm màu vàng, chỉ nở vào tháng Giêng và thu hái đến hết tháng 3. Do thời gian ngắn, số lượng hoa ít, hiếm, nên người dân nơi đây thường phơi khô để có nguồn nguyên liệu làm xôi bó phón quanh năm.
Du khách chọn mua các loại gạo, gạo nếp đặc sản tại tỉnh Lào Cai |
Cách chế biến món xôi này khá kỳ công, trước tiên phải đun hoa bó phón đến khi nước chuyển màu vàng, sau đó chắt nước ra để nguội rồi cho gạo nếp đã vo sạch vào ngâm qua đêm. Sáng sớm, gạo được vớt ra cho ráo rồi đổ vào chõ làm bằng gỗ và đun trên bếp lửa, có như thế, xôi mới dẻo và không nhão. Đun đến khi gạo chín và chuyển sang màu vàng mật ong là được.
Ngày nay, xôi nếp nương là món ăn không thể thiếu vào những dịp lễ tết, hội hè của dân tộc vùng Tây Bắc. Du khách đến Tây Bắc cũng thường chọn món xôi nếp nương ăn kèm với các loại thịt nướng, tận hưởng món quà của thiên nhiên, núi rừng Tây Bắc.
Bình Nguyên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin