Hơn 22 năm làm cầu nối cho hoạt động tuyển sinh, lấy cái gốc là hướng nghiệp, TS TRẦN ĐÌNH LÝ, Phó hiệu trưởng Trường đại học (ĐH) Nông lâm TP.HCM kiêm Giám đốc Phân hiệu Trường ĐH Nông lâm TP.HCM tại Ninh Thuận đã tham gia nhiều chương trình tư vấn, giúp hàng ngàn học sinh chọn đúng hướng để trở thành tân sinh viên và ngần đó sinh viên tốt nghiệp ĐH đã gắn bó với ngành và nghề, mang kiến thức về xây dựng các vùng đất xa.
Thầy Trần Đình Lý. Ảnh: L.V.NHÂN |
Người nối nhịp cầu tri thức cho bạn trẻ vào ĐH đã trò chuyện với Đồng Nai cuối tuần.
Có duyên với sinh viên nghèo
* Hơn 22 năm qua, hầu hết các thế hệ sinh viên của Trường ĐH Nông lâm TP.HCM đều ấn tượng với sự tận tâm của thầy giáo Trần Đình Lý. Xin ông cho biết duyên nào để đưa mình đến với nghề giáo và gắn bó với Trường ĐH Nông lâm TP.HCM?
- Tất cả đều là nhân duyên của bản thân. Với nghề giáo, thực tình, ban đầu tôi cũng không nghĩ đến, bởi tính tôi thích làm việc ở một môi trường thực tiễn sinh động nhiều hơn.
Khi ra trường, thầy lãnh đạo khoa lúc đó có bảo tôi ở lại trường giảng dạy, nhưng tôi nói với thầy sẽ chọn môi trường khác. Và tôi ra ngoài dự tuyển vào… ngành cao su vì phù hợp với tấm bằng kinh tế nông nghiệp đã học.
Tình cờ năm 1990 khi về thăm trường cũ gặp thầy hiệu trưởng, nói chuyện với thầy rất vui và cuối cùng thầy nói: “Cậu làm thư ký cho thầy đi”. Thấy ý cũng hay hay, vui vui, nghiêm nghiêm, tôi suy nghĩ vài ngày rồi quyết định làm công việc chưa nghĩ đến bao giờ. Và tôi bắt đầu với những công việc bận rộn từ đó…, vừa làm quản lý, vừa tham gia công tác chuyên môn gắn bó với học trò - nghề giáo.
* Từ khi là giảng viên cho đến khi làm công tác quản lý, TS đều chọn sự gắn kết với sinh viên. Ông là “cha đẻ” của Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và quan hệ doanh nghiệp của Trường ĐH Nông lâm TP.HCM giúp cho các thế hệ sinh viên của trường có chỗ dựa vững chắc?
- Khi vào làm quản lý, lãnh đạo, công việc của tôi không hoàn toàn được quyền tự lựa chọn nữa. Tuy nhiên, hiệu trưởng và tập thể lãnh đạo nhà trường đều đã gieo duyên cho tôi với các công việc luôn gắn liền với sinh viên. Tôi rất vui và hạnh phúc vì nó phù hợp với mong muốn của tôi.
Khi làm Trưởng phòng Kế hoạch tài chính của trường, ngoài công việc chuyên môn đặc thù, tôi gắn liền với 2 công việc thường trực là “kế hoạch chiến lược” và “ngày hội việc làm”, luôn muốn làm những điều tốt đẹp nhất cho sinh viên, học viên - khách hàng thân thiết của nhà trường.
Khi tôi làm Trưởng phòng Công tác sinh viên kiêm Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và quan hệ doanh nghiệp, lại một lần nữa, tôi có điều kiện phụng sự khách hàng và kết nối với doanh nghiệp và các đơn vị sử dụng nguồn nhân lực.
Khi làm Trưởng phòng Đào tạo, việc đầu tiên của tôi là mở toang cánh cửa để đón, nhận những trao đổi, chia sẻ, cả những bắt bẻ, phản biện… của thầy cô, phụ huynh và sinh viên, học viên. Bởi tôi tâm niệm rằng: ở trường ĐH, công việc phục vụ của bộ phận đào tạo là hết sức cần thiết, áp lực vô cùng lớn, rất cần sự chia sẻ hiểu thông. Đặc biệt, thật sự hạnh phúc khi nhận được những góp ý đề xuất hợp lý, tích cực của các em.
* Mọi người nói ông là người rất có duyên với việc “tìm học bổng” cho sinh viên nghèo và là “người xin để cho” sinh viên?
- Nói chính xác là có duyên chưa đủ, mà phải có may mắn nữa. May mắn từ sự đồng quan điểm của người đứng đầu tổ chức và là truyền thống của tập thể Trường ĐH Nông lâm TP.HCM từ trước đến nay. Nhà trường làm cầu nối “đúng” và “trúng”, tổ chức những sự kiện giao lưu chia sẻ với doanh nghiệp, doanh nhân. Doanh nhân thấy các em sinh viên thông minh, tài năng, một số em có hoàn cảnh khó khăn..., họ có thể sẽ tài trợ cho các em có điều kiện học tốt hơn. Cứ thế lan tỏa.
* Bao thế hệ sinh viên rời trường có nhận xét ở cương vị nào, ông vẫn là người thầy tận tâm với sinh viên?
- Để được các thế hệ sinh viên yêu quý, người thầy giáo phải luôn thân thiện, chân thành và trách nhiệm thông qua suy nghĩ và hành động hợp lý và có lý. Tạo môi trường học tập thoải mái; hiểu và quan tâm đến cá nhân từng sinh viên. Thúc đẩy sự tương tác. Truyền đạt kiến thức một cách rõ ràng: Giảng dạy một cách dễ hiểu, rõ ràng và cung cấp ví dụ thực tế. Sử dụng các phương pháp giảng dạy phù hợp với độ tuổi và trình độ của sinh viên. Tạo cơ hội phát triển kỹ năng mềm; hỗ trợ và động viên; tạo mối liên kết và gắn kết với sinh viên; tạo cơ hội cho phản hồi; thể hiện đạo đức và giá trị; tạo ra cơ hội phát triển cá nhân.
Những hành động này giúp thầy giáo xây dựng mối quan hệ tích cực với sinh viên và được họ yêu quý.
“Trang Facebook của tôi được tick xanh một phần là do những hoạt động vì cộng đồng có ý nghĩa, lan tỏa. Tôi sử dụng kênh chính chủ này để lan tỏa thông tin đến các em sinh viên và khách hàng. Rất cần một trang chính thống (của trường) và chính chủ để tạo niềm tin cho sinh viên và khách hàng”.
Đưa trường học đến thí sinh
* Hơn 22 năm qua, ông là người “Đưa trường học đến với thí sinh” và là người đã tiếp tục kế thừa phát triển mô hình “Ăn cơm nhà nhận bằng ĐH”?
- Tôi may mắn được Ban tổ chức chương trình “Đưa trường học đến thí sinh” mời tham gia từ những ngày đầu. Chương trình mang đậm chất hướng nghiệp, có khi đi rất xa, rất sâu, nơi mà các em học sinh thiếu thốn thông tin, thiệt thòi thua thiệt trong việc học và hành... Những người làm chương trình đã rất hạnh phúc khi thước đo là lấy từ thành công của chính các em.
Nền móng “ăn cơm nhà lấy bằng ĐH” là cụm từ đến từ câu chuyện quốc gia khi quy hoạch mạng lưới trường địa phương và hình thành các phân hiệu của các trường ĐH lớn ở thị thành mở ra cơ hội cho các em học sinh vùng sâu xa được đón nhận kiến thức từ những ngôi trường lớn đến với các địa phương.
Khi đó, các em không cần đi xa vẫn có được kiến thức của trường chính, xem như việc “du học tại chỗ”, các em nhận được tấm bằng ĐH danh giá ngay trên quê hương của mình.
TS Trần Đình Lý trong một chương trình tư vấn |
* TS đã tham gia tư vấn giúp hàng ngàn sinh viên đồng bào dân tộc Ê đê, Ba na tốt nghiệp, mang kiến thức đi khắp các buôn làng, bản xa, giúp thương hiệu “Nông lâm” lan tỏa?
- Nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp lớp 12 là khăn gói lên các thành phố lớn thi ĐH. Các em thường truyền cho nhau câu nói: “Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa” để chọn ngành. Các em thi ĐH theo phong trào chứ không căn cứ vào thực lực, khả năng của mình.
Với học sinh nông thôn, vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số thì thông tin về ngành nghề, các trường ĐH càng hạn chế hơn. Chương trình “tiếp thị”, đưa thông tin trường ĐH đến với học sinh ra đời từ đó. Nhờ có chương trình đưa thông tin thiết thực đến với thí sinh mà thời gian sau đó, học sinh đã có nhiều cơ hội lựa chọn đúng ngành nghề, trường ĐH để dự thi, cũng như đăng ký vào Trường ĐH Nông lâm TP.HCM.
Nhờ vậy, “thương hiệu” Trường ĐH Nông lâm TP.HCM đến với các em. Năm 2006, Phân hiệu Trường ĐH Nông lâm TP.HCM tại Gia Lai được thành lập. Sau gần 20 năm hoạt động, hàng ngàn sinh viên đồng bào dân tộc Ê đê, Ba na đã tốt nghiệp với thương hiệu “Nông lâm TP.HCM” và tỏa ra khắp các nơi. Năm 2010, Phân hiệu Trường ĐH Nông lâm TP.HCM tại Ninh Thuận tiếp tục ra đời. Học sinh đồng bào dân tộc Chăm, Ê đê, Ba na... không phải khăn gói vào TP.HCM, mà lên giảng đường ngay ở quê nhà.
* Được ví là người thầy “lắm trò”, ông có nhiều sinh viên là người Đồng Nai?
- Mỗi năm, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM đào tạo, cung cấp cho xã hội hơn 4 ngàn kỹ sư, cử nhân, bác sĩ thú y. Những công trình, sản phẩm khoa học của thầy, trò Trường ĐH Nông lâm TP.HCM được ứng dụng, tổ chức sản xuất thành sản phẩm phục vụ đời sống.
Đồng Nai là địa phương có số lượng thí sinh và sinh viên học ở trường thuộc tốp 5 của cả nước, nhiều cựu sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh của tỉnh đã rất thành danh và thành công ở cả các lĩnh vực quản lý nhà nước, doanh nghiệp và làm chủ.., trường và địa phương có nhiều hợp tác về đào tạo, nghiên cứu và phát triển cộng đồng.
* Nhân dịp 20-11, TS chia sẻ gì về nghề của mình?
- Ngày 20-11 là Ngày Nhà giáo Việt Nam, là dịp để tôn vinh công lao và đóng góp của các thầy cô giáo trong việc giảng dạy và hướng dẫn học sinh, sinh viên. Ngày Nhà giáo là thời điểm để thầy cô giáo tự hào về sự lựa chọn nghề nghiệp của mình, vì họ đã và đang đóng góp vào sự phát triển của xã hội thông qua việc truyền đạt kiến thức và giáo dục thế hệ trẻ. Những suy nghĩ này giúp người thầy thấu hiểu giá trị của công việc giáo dục và định hướng cho tương lai trong việc cống hiến cho sự phát triển của xã hội.
* Xin cảm ơn TS Trần Đình Lý!
Lê Việt Nhân (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin