Báo Đồng Nai điện tử
En

325 năm Biên Hòa - Đồng Nai:
Đồng Nai: Một cái nhìn địa - văn hóa

Nam Nguyễn
21:53, 29/12/2023

Xứ Đồng Nai có quá khứ lịch sử sâu thẳm, hào hùng, không chỉ đánh dấu bằng mốc hành chính hơn 300 năm qua, mà đã có dấu tích hơn 3 thiên niên kỷ trước với sự xuất hiện của người cổ/văn hóa người cổ.

Tượng Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh ở đình Bình Kính (P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa)

Hàng trăm năm qua, các nhà khảo cổ, nhà địa lý, nhà lịch sử, nhà văn hóa… đã không ngừng nghiên cứu, khai quật, đối chứng, lý giải, lật từng trang sử nhằm làm sáng tỏ sự hình thành và phát triển của đất và người Đồng Nai từ ngàn xưa đến nay. Để có một cái nhìn địa - văn hóa đúng đắn về xứ Đồng Nai làm cơ sở cho những hoạch định chiến lược phù hợp trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội Đồng Nai thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước.

Đồng Nai là địa điểm giao lưu, phát triển kinh tế, văn hóa quan trọng

Xứ Đồng Nai nằm trong vùng địa lý - văn hóa Đông Nam bộ, mang những nét đặc trưng tiêu biểu cho vùng địa lý - lịch sử này. Xứ Đồng Nai cũng có vùng địa hình núi thấp độc lập như: núi Gia Lào/Chứa Chan, núi Mây Tàu ở Xuân Lộc, núi Cam Tiên, núi Bể Bạc ở Cẩm Mỹ, núi Đănkar ở Định Quán, hệ thống núi ở Tân Phú (nhánh cuối cùng của dãy Trường Sơn dừng lại); có trung du, gò đồi, thung lũng vùng Long Khánh - Thống Nhất - Trảng Bom; có đồng bằng hạ du ven sông, ven biển vùng Vĩnh Cửu - Biên Hòa - Long Thành - Nhơn Trạch.

Hay nói cách khác, địa hình Đồng Nai thuộc địa hình trung du chuyển tiếp từ vùng cao nguyên Nam Trung bộ đến đồng bằng Nam bộ khá bằng phẳng, độ dốc không cao, độ cao trung bình dưới 100m so với mặt biển, giảm dần từ Đông Bắc sang Tây Nam.

Theo nhận định của cố GS Trần Quốc Vượng “châu thổ Đồng Nai về phía Tây dường như nối liền với đồng bằng sông Cửu Long (mà Long An là một gạch nối), nên sự phân ra Đông/Tây Nam bộ chỉ là tương đối, giữa miền cực Nam Trung bộ với Đồng Nai - Đông Nam bộ cũng vậy, ranh giới chỉ là những dãy đồi baselte đất đỏ mạn Đồng Nai - Bà Rịa với những miệng núi lửa cổ còn tìm thấy ở vùng Tân Phú - Định Quán.

Đây còn là vùng đất có vị trí chiến lược trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đồng Nai ngày nay, phía Đông giáp tỉnh Bình Thuận, phía Bắc giáp tỉnh Lâm Đồng, phía Tây Bắc giáp tỉnh Bình Dương, Bình Phước, phía Tây giáp TP.HCM, phía Nam giáp tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, có quốc lộ và đường cao tốc trực tiếp đến các đô thị trong khu vực, đường sắt xuyên Việt qua địa bàn Đồng Nai, sân bay quân sự Biên Hòa hiện hữu và cảng hàng không quốc tế Long Thành đang được xây dựng là cầu nối hàng không với các sân bay trong nước và quốc tế, bến cảng Thị Vải đủ để giao thương với tàu vạn tấn đến từ khắp nơi. Với vị trí như thế, Đồng Nai là địa điểm giao lưu, phát triển kinh tế, văn hóa quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm ở phía Nam.

Chủ nhân của một nền văn hóa cổ/văn hóa Đồng Nai từ thời đại đồ đá đến giai đoạn kim khí/thời tiền sử cách ngày nay từ 3000-2500 năm - mà các nhà nghiên cứu khảo cổ học Đông - Tây đã tiến hành thăm dò, khai quật từ những thập niên 80 của thế kỷ XIX cho đến nay, vừa hé mở cho chúng ta thấy cả bề dày của thời gian lịch sử và bề rộng của không gian xã hội người cổ Đồng Nai - về cơ bản đã có cái nhìn như thế về vùng đất này.

Người Phù Nam - chủ nhân của nền văn hóa Óc Eo có phạm vi mở rộng lãnh thổ đến vùng lưu vực sông Đồng Nai đã ảnh hưởng sâu sắc đến nền văn hóa Đồng Nai từ thế kỷ I đến thế kỷ VI. Đến thế kỷ VII, vương quốc Phù Nam suy yếu, nước Chân Lạp hùng mạnh từ vùng trung lưu sông Mê Kông đã đánh chiếm và lập ra vương quốc Thủy Chân Lạp, người Khmer thống trị kéo dài đến thế kỷ XVII, về cơ bản cũng giống người Phù Nam có ảnh hưởng và cái nhìn như thế về vùng đất Đồng Nai. Các chúa Nguyễn cai trị Đàng Trong và các vua triều Nguyễn cai trị đất nước cũng có cái nhìn như thế về vùng đất Đồng Nai. Con người hôm nay trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước cũng có cái nhìn như thế về vùng đất Đồng Nai.

Nhân kỷ niệm 325 hình thành và phát triển Biên Hòa - Đồng Nai (1698-2023), những ý kiến tìm hiểu bước đầu coi như lời mở đầu cho những công trình dò tìm quá khứ xứ Đồng Nai từ thời tiền sử, thời sơ sử đền thời kỳ lịch sử để góp phần xác định cái chung, cái riêng của văn hóa Đồng Nai. Thấy được cái riêng của xứ Đồng Nai trong cái chung của vùng Đông Nam bộ thì mới xây dựng được một Đồng Nai phát triển bền vững. Con người mới, nền văn hóa mới không thể bỗng dưng từ đâu mà xuất hiện được phải từ lịch sử hun đúc nên. Vì vậy, mỗi người chúng ta cần phải tự nhận thức và trách nhiệm đối với những gì tiền nhân để lại, nhất là lịch sử phát triển con người và tài sản văn hóa Đồng Nai.     

Một phức hệ văn hóa Đồng Nai

…Khi người Việt di dân vào khai phá vùng đất Đồng Nai đã chọn dải đất ven sông Đồng Nai làm nơi sinh sống đầu tiên. Người Hoa theo chân Trần Thượng Xuyên đến Đồng Nai năm 1679 cũng định cư ở Bàn Lân - đất ven sông Đồng Nai. Ở đây, người Việt và người Hoa phát triển ngày một đông dần, hình thành các thôn làng, bến, chợ, rồi lên thị tứ. Để đến năm 1698, vùng đất được nhập vào nền hành chính của Đại Việt, với sự kiện Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn Phúc Chu vào đất Nông Nại lập Phủ Gia Định, lấy xứ Đồng Nai lập H.Phước Long và lấy xứ Sài Gòn lập H.Tân Bình. Từ đây, văn hóa Đại Việt giao thoa văn hóa Trung Hoa, văn hóa bản địa lan tỏa cả một vùng Đông Nam bộ, tạo nên một phức hệ văn hóa Đồng Nai.

Lễ hội Kỳ yên đình Tân Lân tháng 12-2023. Ảnh: Vĩnh Huy
Lễ hội Kỳ yên đình Tân Lân tháng 12-2023. Ảnh: Vĩnh Huy

Chính vì vậy, ngày nay dọc hai bên bờ tả ngạn sông Đồng Nai vẫn tồn tại đậm đặc các di sản văn hóa quý giá của tổ tiên. Tính riêng cù lao Phố có khoảng 20 đình chùa miếu/40 mộ cổ/12 nhà cổ. Di sản văn hóa ở Đồng Nai tiêu biểu là di tích đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, đền thờ Nguyễn Tri Phương, chùa Ông, đình Tân Lân, Thành cổ Biên Hòa, miếu Tổ Sư, đình Bến Gỗ… Những di sản văn hóa này luôn mãi giữ vị trí, vai trò quan trọng đời sống tâm linh của cư dân Đồng Nai.

Sông Đồng Nai còn gắn liền với thương cảng cù lao Phố - một cảng thị sầm uất bậc nhất Gia Định lúc bấy giờ, ấy là ghi chép các sử gia đời trước như thế. Nhưng chắc chắn với sự phát triển thương nghiệp của người Việt và Hoa với các nước phương Đông, phương Tây thì khu vực dinh Trấn Biên ắt phải có một cảng thị thông thương đường sông rộng hơn phạm vi một cù lao Phố. Tiếp nối quá khứ, ngày nay là các cụm cảng Long Bình Tân, Gò Dầu và Nhơn Trạch trên sông Đồng Nai, sông Thị Vải, sông Lòng Tàu… Đó là những cảng đón nhận và trở thành một khâu của các luồn thông thương quốc tế đường sông, đường biển từ xa xưa cho đến nay. Đó cũng là nơi đón nhận các luồng giao lưu văn hóa quốc tế với Trung Hoa, Nhật Bản và các nước phương Tây một thời và nay chủ yếu là thông thương hàng hóa với thế giới. 

Đã có một xứ Đồng Nai Phật giáo, Hindu giáo từ rất sớm (trước và đầu thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên) và được xem như cái nôi truyền giáo đạo Phật với cơ sở đầu tiên như: chùa Kim Cang, chùa Sắc Tứ, chùa Long Thiền, Đại Giác và Bửu Phong; đã có một đất Đồng Nai trọng sùng Nho học lâu đời (dựng Văn miếu Trấn Biên năm 1715, có đại học sĩ Trịnh Hoài Đức…); đã có một đất Đồng Nai anh dũng chống Pháp, kiên cường chống Mỹ với chiến thắng vang dội ở La Ngà, Trảng Bom, Xuân Lộc, sân bay Biên Hòa…; có một Đồng Nai đoàn kết chung sức, chung lòng xây dựng, bảo vệ và phát triển xã hội chủ nghĩa Việt Nam…

Nam Nguyễn

Tin xem nhiều