Hướng về sự kiện kỷ niệm 325 năm vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai hình thành và phát triển, nhiều cán bộ, đảng viên và người dân trong tỉnh đã bày tỏ kỳ vọng vào sự cất cánh của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai trong tương lai với sự phát triển đột phá về hạ tầng, giao thông, môi trường, văn hóa, du lịch…
Đô thị Biên Hòa nhìn từ trên cao. Ảnh: ĐINH XUÂN TUẤN |
* Chủ tịch UBND P.An Bình (TP.Biên Hòa) PHẠM HOÀNG MINH: Chuyển đổi công năng Khu công nghiệp Biên Hòa 1, tạo diện mạo mới cho cửa ngõ đô thị Biên Hòa
Đầu năm 2021, Chính phủ có văn bản chấp thuận đưa Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1, thuộc P.An Bình ra khỏi quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam. Hiện UBND TP.Biên Hòa được UBND tỉnh giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy để hoàn thiện hồ sơ đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư một phần dự án Khu đô thị - thương mại - dịch vụ Biên Hòa, cùng với đó là chủ trương di dời, xây mới khu Trung tâm hành chính - chính trị. Theo tôi biết, tại đây, trụ sở của Kiểm toán Nhà nước khu vực XIII đã hoàn thành và dự án Trung tâm chỉ huy Công an tỉnh cũng đang được xây dựng.
Chúng tôi rất phấn khởi khi các dự án từ tỉnh, thành phố đã và đang được thúc đẩy nhằm thực hiện chủ trương lớn của tỉnh là phát triển, thay đổi diện mạo đô thị Biên Hòa. Trong sự phát triển đó, tình hình kinh tế, xã hội, an ninh trật tự, bộ mặt cảnh quan, hạ tầng thiết yếu của phường sẽ chuyển biến theo. Chính quyền và người dân P.An Bình rất đồng thuận với các chủ trương, mong tỉnh, thành phố thực hiện chuyển đổi công năng KCN có lịch sử lâu đời nhất của TP.Biên Hòa một cách hiệu quả, sớm triển khai các dự án thành phần, tạo diện mạo mới cho cửa ngõ đô thị Biên Hòa trong tương lai.
* Phó chủ tịch UBND P.Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) HOÀNG NGỌC PHƯƠNG: Phát triển cù lao Phố theo hướng đô thị, du lịch văn hóa
Vùng đất cù lao Phố (P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) gắn liền với sự hình thành và phát triển của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai 325 năm. Cù lao Phố chỉ rộng gần 700ha với dân số trên 16,5 ngàn dân nhưng có tới 22 đình, chùa, tịnh xá, thất phủ cổ miếu (6 đơn vị xếp hạng di tích cấp tỉnh, quốc gia).
Hiện tại, lao động trên địa bàn phần lớn đã chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang các ngành nghề khác như: công nghiệp, dịch vụ, thương mại, kinh doanh nên đa phần dân cư trong phường đều có mức sống trung bình, khá trở lên, thu nhập trung bình đạt trên 80 triệu đồng/người/năm. Dân gốc cù lao Phố và dân nhập cư có rất nhiều đóng góp với chính quyền, hệ thống chính trị, khu dân cư trong việc xây dựng đô thị văn minh, sáng, xanh, sạch, đẹp, mỹ quan.
Thời gian qua, tỉnh và TP.Biên Hòa rất quan tâm tới sự phát triển vùng đất cù lao Phố theo hướng đô thị - thương mại, dịch vụ - du lịch văn hóa. Cụ thể, xây dựng dự án Đường trục trung tâm; dự án Kè chống sạt lở bờ sông Đồng Nai đoạn từ cầu Rạch Cát đến cầu Ghềnh phía cù lao Phố và khu vực trụ cầu T9 cầu Bửu Hòa; dự án Tôn tạo và mở rộng đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh giai đoạn 3; quy hoạch, sắp xếp dân cư tại chỗ khi triển khai các dự án.
Đặc biệt, địa phương và các cấp rất quan tâm xây dựng và phát triển con người, vùng đất cù lao Phố xứng tầm với nhịp sống hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Đây là chủ trương đúng đắn vừa phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vừa giữ gìn được những nét văn hóa, đặc trưng của vùng đất cù lao Phố.
Mô hình dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành |
* Chủ tịch UBND P.Bàu Sen (TP.Long Khánh) ĐINH SỸ NGHĨA: Kỳ vọng TP.Long Khánh sẽ trở thành đô thị loại II vào năm 2025
Sau hơn 4 năm lên thành phố, Long Khánh đã có nhiều đổi thay rõ nét và trở thành đô thị đáng sống. Đặc biệt, trong năm 2023, TP.Long Khánh đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong các lĩnh vực.
Thành phố ngày càng được chỉnh trang, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực; tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn duy trì ở mức cao; nhiều công trình giao thông trọng điểm được xây dựng và hoàn thành đảm bảo sự kết nối nhanh, thông suốt giữa TP.Long Khánh với các khu vực lân cận; các công trình trọng điểm cấp bách được đầu tư nâng cấp, hình thành hệ thống giao thông đô thị đồng bộ và hiện đại, nâng cao khả năng vận chuyển hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao… Nhờ đó, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, góp phần đem lại diện mạo mới, sức sống mới cho TP.Long Khánh.
Thực hiện Nghị quyết của Ban TVTU về phát triển đô thị Long Khánh giai đoạn 2020-2025 và các nhiệm vụ giải pháp nêu trong Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ thành phố về xây dựng Long Khánh đạt đô thị loại II đến năm 2025 và phát triển theo hướng “xanh - văn minh - an toàn - hiện đại”, mục tiêu tổng quát là tập trung xây dựng TP.Long Khánh sớm đạt các tiêu chí cơ bản của đô thị loại II, trở thành đô thị hạt nhân của vùng kinh tế Đông Nam Đồng Nai; tập trung thu hút các dự án đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, dự án thân thiện với môi trường; trung tâm thương mại - dịch vụ du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch văn hóa - lịch sử; xây dựng TP.Long Khánh giàu đẹp “xanh - văn minh - an toàn - hiện đại”.
Kỳ vọng của tôi là TP.Long Khánh sẽ sớm triển khai thực hiện các quy hoạch phân khu từ đó phát triển kết cấu hạ tầng, giao thông, tạo điều kiện thu hút đầu tư trên các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, thương mại dịch vụ logistics, du lịch sinh thái nông nghiệp kết hợp với các di tịch lịch sử văn hóa; phát triển và giữ gìn mảng xanh đô thị, môi trường sống ngày càng văn minh, an toàn và hiện đại.
* Chị Hoàng Nguyễn Hải Yến (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa): Mong sớm kéo dài tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên về Đồng Nai
Hiện việc kết nối giao thông đường bộ giữa Đồng Nai và TP.HCM thông qua đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây qua cầu Long Thành; quốc lộ 1 qua cầu Đồng Nai và quốc lộ 1K qua cầu Hóa An (cả hai tuyến quốc lộ này đều qua địa phận tỉnh Bình Dương kết nối với TP.HCM). Thực tế, tất cả các tuyến kết nối đường bộ trên đều bị quá tải, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Do vậy, việc xây dựng phương án triển khai kéo dài tuyến metro số 1 về Đồng Nai là rất cần thiết.
Tuyến đường sắt trên cao này không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân các địa phương mà còn giúp mở ra nhiều cơ hội kết nối, tạo đà cho sự phát triển chung cho cả vùng Đông Nam bộ. Mong chờ phương án giao thông trên sớm được triển khai, giao thông kết nối giúp việc di chuyển của người dân các địa phương nhanh chóng, thuận lợi, mở ra nhiều cơ hội cho sự phát triển…
* Ông VÕ BẢO QUỐC (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa): Có thêm sân bay, việc đi lại của người dân sẽ thuận tiện hơn
Đồng Nai là địa bàn có đông dân, trong đó có nhiều người dân từ các tỉnh, thành khác đến làm ăn, sinh sống nên nhu cầu đi lại rất lớn. Việc sân bay quân sự Biên Hòa sẽ được đưa vào khai thác lưỡng dụng không chỉ tạo thuận lợi cho người dân địa phương mà còn có tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế, xã hội của các khu vực xung quanh sân bay. Kỳ vọng tới đây khi sân bay Biên Hòa được nâng cấp sẽ góp phần tạo sự chuyển biến tích cực cho thành phố nói riêng và Đồng Nai nói chung. Đây sẽ là cơ hội cho Biên Hòa và các địa phương lân cận nếu biết tận dụng tốt các lợi thế của sân bay.
Một vấn đề cần quan tâm hiện nay của TP.Biên Hòa chính là việc xây dựng hệ thống giao thông kết nối. Hiện nay, hệ thống hạ tầng giao thông của TP.Biên Hòa đang ở trong tình trạng quá tải. Nếu có thêm một sân bay được khai thác dân dụng, áp lực về quá tải giao thông đối với TP.Biên Hòa sẽ càng lớn. Với các phương án nâng cấp mở đường phục vụ sân bay dự kiến sẽ thực hiện, tôi tin rằng tới đây, hạ tầng giao thông ở TP.Biên Hòa sẽ được quy hoạch bài bản…
* Anh NGUYỄN VĂN ĐĂNG, công nhân Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (P.Hóa An, TP.Biên Hòa): Mong có thêm chính sách hỗ trợ công nhân mua nhà ở xã hội
Thời gian qua, Đồng Nai quan tâm xây dựng, triển khai nhiều dự án nhà ở xã hội. Qua đó, cho thấy sự quan tâm hơn đến đời sống của người lao động có thu nhập thấp, giúp họ an cư lạc nghiệp. Tuy nhiên, giá bán nhà ở xã hội hiện nay vẫn còn cao, thường vượt xa so với thu nhập thực tế của nhiều người lao động.
Với mức thu nhập hạn chế, lại chịu áp lực bởi những khoản chi tiêu trong thời buổi giá cả leo thang khiến giấc mơ sở hữu nhà của tôi vẫn chưa thể thực hiện, dù vợ chồng tôi làm cật lực, sống tiết kiệm hết mức có thể. Tôi kiến nghị, Đồng Nai xây dựng nhiều nhà xã hội phù hợp với người lao động có thu nhập thấp, hỗ trợ vay vốn hoặc trả góp trong nhiều năm, có như thế, nhiều người lao động mới có được chỗ ở ổn định, yên tâm làm ăn.
Hiện đại hóa dây chuyền sản xuất. Ảnh: NGUYỄN HỮU DŨNG |
* Ông TRẦN KIẾM HOA, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số xã Cẩm Đường (H.Long Thành): Kỳ vọng cảng hàng không quốc tế Long Thành tạo đà phát triển cho Đồng Nai
Là người dân sống gần khu vực dự án Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành, tôi mong muốn trong tương lai sân bay Long Thành sẽ tạo nên cú hích phát triển kinh tế không chỉ với H.Long Thành mà cả các địa phương khác của Đồng Nai. Trong đó, chúng tôi kỳ vọng nhất là góp phần thu hút các nhà đầu tư lớn, trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, thương mại, du lịch…
Bên cạnh đó, để đồng bộ hóa với sân bay, gia tăng kết nối các khu vực thì vấn đề quan trọng chính là phải có hạ tầng giao thông phù hợp. Muốn làm được việc này, cơ quan chức năng địa phương phải nghiên cứu hiện trạng các tuyến đường đang khai thác, quy hoạch khu dân cư, trường học, bệnh viện sao cho phù hợp. Đồng thời bổ sung các tuyến đường mới để người dân địa phương di chuyển thuận lợi; nhất là phải có các tuyến đường để người dân khu vực lân cận tiếp cận đến sân bay Long Thành.
* Ông VŨ TIẾN DŨNG, tài xế xe tải tại xã Sông Ray (H.Cẩm Mỹ): Tăng kết nối các địa phương nhờ những tuyến đường cao tốc
Hiện nay, đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã giúp việc đi lại từ Đồng Nai sang TP.HCM và tỉnh Bình Thuận được thuận lợi, rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, vận chuyển hành khách từ các địa phương, nhất là từ các huyện xa như: Xuân Lộc, Cẩm Mỹ đi về TP.HCM. Nhờ vậy, mỗi tháng, các doanh nghiệp có thể vận chuyển khối lượng hàng hóa nhiều hơn, tiết kiệm thời gian hơn khi đi quốc lộ 1.
Nhưng tại các tuyến đường cao tốc này lại thường xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông vào dịp cuối tuần. Do đó, để giải quyết tình trạng trên, cơ quan chức năng cần tính toán việc mở rộng các quốc lộ hiện hữu, mở thêm các làn xe trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Có như vậy thì người dân sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn khi di chuyển hoặc giảm tình trạng ùn tắc trên các tuyến đường cao tốc.
Nhóm PV (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin