Báo Đồng Nai điện tử
En

Những làng nghề ẩm thực truyền thống ở Biên Hòa

Bình Nguyên
07:00, 23/12/2023

Từ nhiều thập niên trước, TP.Biên Hòa đã hình thành những làng nghề ẩm thực truyền thống với quy mô lớn. Các làng nghề này chủ yếu tập trung ở các phường Tân Biên, Hố Nai, Tân Mai - nơi tập trung đông dân cư, có hoạt động buôn bán diễn ra khá sôi động.

Phơi miến của làng nghề truyền thống làm miến Bắc ở P.Tân Biên (TP.Biên Hòa)
Phơi miến của làng nghề truyền thống làm miến Bắc ở P.Tân Biên (TP.Biên Hòa). Ảnh: B.NGUYÊN

Có những làng nghề tập trung nhiều cơ sở sản xuất các món ăn truyền thống mang đậm chất Bắc, được tiếp nối qua nhiều thế hệ trong gia đình góp phần tạo nên nét văn hóa ẩm thực đa dạng, độc đáo của TP.Biên Hòa như: làng làm bánh chưng, làng làm miến, hủ tiếu; làng nghề bánh gai; làng nghề làm chả lụa, chả giò, bánh ướt…

Nhiều làng nghề truyền thống

Làng nghề truyền thống khá nổi bật của TP.Biên Hòa là làm miến, bún, hủ tiếu, mì khô... với hàng chục cơ sở làm nghề tập trung ở P.Tân Biên, Hố Nai. Đây từng được mệnh danh là làng nghề làm miến thủ công truyền thống lớn nhất ở miền Nam vì sản phẩm chủ đạo là miến Bắc làm từ củ dong. Thời phát triển thịnh vượng, làng nghề này có hàng chục lò hoạt động. Hầu hết các hộ dân sinh sống ở KP.2, KP.3 của P.Tân Biên đều làm gia công cuộn miến cho các cơ sở chế biến quy mô lớn.

Bánh chưng size nhỏ
Bánh chưng size nhỏ

Tại làng nghề này, nhiều cơ sở tồn tại qua nhiều thế hệ trong gia đình từ thời ông bà truyền lại cho con cái rồi đến thế hệ cháu chắt nối tiếp và vẫn giữ chất thủ công truyền thống đòi hỏi sự công phu với nhiều công đoạn sản xuất tỉ mỉ. Ông Nguyễn Văn Quang, chủ Cơ sở miến Quang Nguyễn (P.Tân Biên) kể: “Làm miến là nghề truyền thống của gia đình tôi. Lò làm miến thủ công của cha mẹ tôi đã nuôi 7 anh em trong gia đình nên người. Từ nhỏ, mấy anh em trong gia đình đã phụ cha mẹ rồi từ từ rành nghề. Đến nay, các anh em, con cháu trong gia đình tôi vẫn gắn bó với nghề gia truyền này vì cho thu nhập tốt”.

Nổi tiếng ở Hố Nai còn có làng nghề làm bánh chưng đúng chuẩn vị Bắc. Hiện vùng này có hơn 10 cơ sở sản xuất bánh chưng quy mô lớn, hoạt động quanh năm. Đa số các cơ sở này đều tồn tại hàng chục năm nay, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong gia đình. Vào mùa sản xuất Tết, nhu cầu về sản phẩm bánh chưng truyền thống tăng cao, địa phương này tăng lên hàng chục cơ sở làm bánh chưng là các hộ gia đình làm quy mô nhỏ lẻ.

Sản phẩm ẩm thực của các làng nghề ẩm thực truyền thống của TP.Biên Hòa đáp ứng yêu cầu cao của những kênh tiêu thụ hiện đại. Nhiều cơ sở còn xuất khẩu tốt các sản phẩm đi nhiều nước trên thế giới.

Theo bà Nguyễn Thị Mai, chủ cơ sở làm bánh chưng lâu năm ở P.Hố Nai, các cơ sở làm bánh chưng đều là người gốc Bắc nên bánh chưng làm ở thành phố công nghiệp phương Nam nhưng vẫn giữ nguyên chất truyền thống đất Bắc. Bánh chưng được làm từ nếp Bắc ngon, gói bằng lá dong, buộc bằng sợi lạt chẻ từ tre, nứa. Để có mẻ bánh chưng ngon, người làm phải trải qua nhiều công đoạn cầu kỳ khác nhau, từ khâu chọn lá, gạo, đậu, thịt ngon đến tay nghề của người gói. Theo đó, thợ gói bánh đều là người trong gia đình gồm vợ chồng, con cái, dâu, rể. Chỉ vào tháng cuối năm, nhu cầu tiêu thụ bánh chưng tăng hơn gấp nhiều lần, các cơ sở ở làng nghề bánh chưng Hố Nai mới thuê thêm đội ngũ lao động thời vụ, chia ca làm việc suốt 24/24 giờ để có nguồn cung bánh dồi dào cung cấp ra thị trường.

Mang hơi thở của thành phố công nghiệp

Tuy là làng nghề truyền thống nhưng các cơ sở của làng nghề rất năng động, mang đậm hơi thở của thành phố công nghiệp.

Ông Nguyễn Đình Lân, chủ cơ sở gói bánh chưng lâu năm ở P.Hố Nai chia sẻ, gia đình ông có quê gốc ở tỉnh Hải Dương, xứ sở nổi tiếng về làm bánh chưng ngon. Nhưng ở quê nhà, Tết đến, hầu hết các gia đình đều tự gói bánh chưng, ngày thường nhu cầu tiêu thụ món ăn này cũng không lớn nên không hình thành được cả làng nghề hoạt động với quy mô lớn, chuyên nghiệp như làng nghề làm bánh chưng ở TP.Biên Hòa. Chính vì vậy, hơn 20 năm trước, mỗi mùa Tết, vợ chồng ông vào Biên Hòa làm thợ gói bánh thuê, thấy cơ hội phát triển nên quyết định ở lại lập nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Thân, tiểu thương chợ Thái Bình (P.Tân Hòa) có gần 60 năm kinh doanh các món đặc sản của những làng nghề ẩm thực truyền thống của TP.Biên Hòa
Bà Nguyễn Thị Thân, tiểu thương chợ Thái Bình (P.Tân Hòa) có gần 60 năm kinh doanh các món đặc sản của những làng nghề ẩm thực truyền thống của TP.Biên Hòa

Theo ông Lân, ở thành phố công nghiệp này, bánh chưng trở thành món bánh ăn thường ngày, nguồn khách hàng lớn nhất chính là công nhân và người lao động. Nhờ đó, cơ sở đỏ lửa quanh năm làm bánh chưng cung cấp ra thị trường. Ngày thường, cơ sở chủ yếu làm loại bánh nhỏ, bán lẻ đến tay người dùng chỉ từ 10-15 ngàn đồng/cái để người lao động đều mua được.

Bắt kịp xu hướng đô thị hóa ngày càng nhanh, các cơ sở sản xuất ở các làng nghề phải thay đổi, mở rộng hơn về quy mô hoạt động, điều chỉnh quy trình sản xuất, ứng dụng máy móc, thiết bị, chuẩn hóa khâu sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Ông Nguyễn Văn Quang cho biết thêm, trước cơ sở chỉ làm đôi ba trăm ký bột thì nay tăng lên làm cả tấn bột/ngày. Để đa dạng hơn các chủng loại sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường, ngoài sản phẩm miến dong truyền thống, cơ sở làm thêm các mặt hàng hủ tiếu, miến từ nguyên liệu bột mì. Cơ sở cũng đầu tư thêm nhiều máy móc ở một số công đoạn như tráng bánh, cắt sợi… để sản phẩm làm ra đồng đều hơn với sản lượng lớn, giảm được chi phí nhân công.

Bà Nguyễn Thị Thân, tiểu thương chuyên kinh doanh ẩm thực đắt khách nhất tại chợ Thái Bình (P.Tân Hòa) cho biết, TP.Biên Hòa có nhiều làng nghề ẩm thực nổi tiếng xưa nay như: làng làm chả lụa, nem Bắc, làng bánh chưng, bánh gai, bánh ướt… Sản phẩm của các làng nghề này cung cấp đi khắp nơi trên địa bàn TP.Biên Hòa, các địa phương trong và ngoài tỉnh. Tiêu biểu nhất là chợ Thái Bình - nơi tập trung cả chục điểm chuyên kinh doanh các món đặc sản làng nghề của TP.Biên Hòa. Riêng bà Thân đã bán ở chợ này gần 60 năm vì từ khi còn nhỏ đã theo mẹ buôn bán. Các món ẩm thực được lấy hàng ngày từ những làng nghề ẩm thực truyền thống ngay ở TP.Biên Hòa nên khi đến người mua lẻ vẫn giữ được sự tươi ngon. Ki-ốt bán hàng của bà Thân mở cửa suốt 24/24 để phục vụ người tiêu dùng. Ngoài người dân tại địa phương, khách hàng từ nhiều tỉnh, thành đi qua đoạn quốc lộ 1 này cũng ghé đặt mua rất nhiều. Các món quà quê này còn theo chân các Việt kiều được đưa đi nhiều nước trên thế giới.

Tuy các làng nghề ẩm thực ở TP.Biên Hòa hoạt động quanh năm, nhưng cao điểm sản xuất thường tập trung vào dịp cuối năm phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán với sản lượng sản xuất tăng gấp nhiều lần so với bình thường. Chính quyền địa phương rất quan tâm việc quản lý, giám sát về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và tạo điều kiện cho các cơ sở phát triển sản xuất, vì đây là mô hình kinh tế hiệu quả, giải quyết tốt lao động nhàn rỗi tại địa phương.

Bình Nguyên

Tin xem nhiều