Báo Đồng Nai điện tử
En

Tuần lễ Văn hóa 325 năm Biên Hòa - Đồng Nai

Hải Yến
07:40, 23/12/2023

Tuần lễ văn hóa kỷ niệm 325 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai diễn ra từ ngày 23 đến 31-12 gồm nhiều hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, giải trí tại công viên Biên Hùng, công viên - phố đi bộ Nguyễn Văn Trị, công viên Dương Tử Giang.

Cổng chào 325 năm Biên Hòa - Đồng Nai tại công viên Biên Hùng. Ảnh: H.YẾN
Cổng chào 325 năm Biên Hòa - Đồng Nai tại công viên Biên Hùng. Ảnh: H.YẾN

Hội thảo khoa học về văn hóa Biên Hòa

Để nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa cần có sự đối thoại, sự chung tay góp sức của nhà khoa học, nhà quản lý và quần chúng nhân dân. Trong đó, tiếng nói của nhà khoa học góp phần xây dựng cơ sở lý luận trong nghiên cứu hệ thống di sản văn hóa; đề ra bộ phương pháp cụ thể cho từng di sản văn hóa, từng cụm di tích và trong tổng thể vùng văn hóa. Do đó, trong Tuần lễ Văn hóa 325 năm Biên Hòa - Đồng Nai, UBND TP.Biên Hòa đã tổ chức các hội thảo, tọa đàm khoa học với sự tham gia của nhiều nhà khoa học.

Tọa đàm khoa học về phát huy giá trị di sản văn hóa ở TP.Biên Hòa diễn ra ngày 17-12, thu hút khoảng 200 đại biểu tham dự. Tọa đàm có 33 bài tham luận của các nhà nghiên cứu đến từ 5 trường đại học trong và ngoài tỉnh, thu nhận được nhiều ý kiến quý báu cho công tác nhận diện, bảo tồn và phát huy giá trị di tích Lăng mộ Trịnh Hoài Đức, lễ hội chùa Ông trong đời sống đương đại.

Tiếp đó, Hội thảo khoa học quốc gia Bảo tồn, phát triển gốm Biên Hòa - Đồng Nai kết hợp khai thác, phát triển du lịch trên địa bàn TP. Biên Hòa diễn ra vào ngày 22-12 được kỳ vọng sẽ là tiền đề để phát triển du lịch làng nghề gốm truyền thống trong thời gian tới.

Lễ hội chùa Ông là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia

Lễ hội chùa Ông ở cù lao Phố mới được Bộ VH-TTDL đưa vào danh mục văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đây cũng là di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của Đồng Nai nằm trong danh mục này.

Chùa Ông được khai tạo năm 1684, thờ Quan Thánh đế quân. Đây là ngôi chùa của người Hoa có niên đại sớm nhất ở Nam bộ, gắn với cộng đồng di dân do Tổng binh Trần Thượng Xuyên đưa đến định cư ở cù lao Phố - Biên Hòa năm 1679, tạo lập Nông Nại Đại Phố - một thương cảng đô hội sầm uất đầu tiên ở vùng đất phương Nam.

Tuần lễ văn hóa kỷ niệm 325 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai diễn ra từ ngày 23 đến 31-12.

Lễ hội chùa Ông diễn ra từ ngày 10 đến 13 tháng Giêng hàng năm. Những năm trước đây, lễ hội chùa Ông tổ chức đơn giản, ít nghi thức. Từ năm 2013, lễ hội chùa Ông chính thức được tổ chức hoành tráng, phục dựng các nghi thức truyền thống xứng tầm với công lao của các bậc tiền nhân. Theo đó, phần lễ sẽ diễn ra nhiều nghi thức như: lễ cúng Trời, cúng Quan Thánh Đế Quân, lễ nghinh Thần, lễ thả phúc khí cầu và đèn hoa đăng trên sông Đồng Nai. Riêng trong tối mùng 10 tháng Giêng sẽ khai mạc lễ hội chùa Ông với các hoạt động: dâng hương, chương trình ca múa nhạc Việt - Hoa; biểu diễn nghệ thuật với trích đoạn sân khấu Rạng ngời trang sử…

Năm 2023, đúng dịp kỷ niệm 325 năm Biên Hòa - Đồng Nai, lễ hội chùa Ông (P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa)
được Bộ VH-TTDL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể
Trong ảnh: Lễ nghinh Đức Ông Quan Thánh đế quân, nghinh Thần của lễ hội chùa Ông trên sông Đồng Nai
Ảnh: VĨNH HUY
Năm 2023, đúng dịp kỷ niệm 325 năm Biên Hòa - Đồng Nai, lễ hội chùa Ông (P.Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa) được Bộ VH-TTDL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể Trong ảnh: Lễ nghinh Đức Ông Quan Thánh đế quân, nghinh Thần của lễ hội chùa Ông trên sông Đồng Nai. Ảnh: VĨNH HUY

Việc trở thành di sản văn hóa phi vật thể có ý nghĩa rất quan trọng; giúp cho lễ hội có sức sống rộng lớn, lan tỏa trong các cộng đồng ở địa phương. Lễ công bố quyết định được tổ chức vào tối 28-12 tại công viên Biên Hùng, trong chương trình chào mừng 325 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.

“Biên Hòa - Thành phố mến yêu”

Đó là chủ đề của cuộc thi thuyết trình về các di tích của TP.Biên Hòa do Thành đoàn Biên Hòa phối hợp Trung tâm Văn hóa thông tin và thể thao thành phố tổ chức. Cuộc thi đã thu hút hơn 100 học sinh các trường tiểu học, THCS trên địa bàn thành phố dự thi ở vòng sơ loại.

Chủ đề thuyết trình mà các em lựa chọn là giới thiệu về những di tích lịch sử, những đặc trưng văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố. Trong đó, các di tích lịch sử như Thành Kèn Biên Hòa, Đền thờ Thượng đẳng thần Nguyễn Hữu Cảnh, Văn Miếu Trấn Biên, Nhà lao Tân Hiệp, Đền thờ Hùng Vương được nhiều thí sinh lựa chọn cho bài thuyết trình.

Các bài thuyết trình đều được chuẩn bị một cách công phu, chu đáo và mang tính nghệ thuật khi lồng ghép những video clip, hình ảnh minh họa sinh động. Những bài thuyết trình xuất sắc nhất đã được chọn trao giải nhân dịp Tuần lễ Văn hóa giáo dục TP.Biên Hòa lần thứ nhất (tổ chức tháng 11). Các thí sinh đoạt giải sẽ có phần thuyết trình trước công chúng trong Tuần lễ Văn hóa 325 năm Biên Hòa - Đồng Nai, diễn ra vào lúc 19 giờ ngày 25-12 tại công viên Biên Hùng.

Khai mạc Con đường ánh sáng

Con đường ánh sáng là công trình chào mừng 325 năm Biên Hòa - Đồng Nai, chính thức khai mạc vào tối 23-12.

Theo đó, Con đường ánh sáng có chiều dài dự kiến khoảng 600m từ ngã ba Hoàng Minh Châu - Nguyễn Văn Trị đến cổng chào cầu Hóa An. Ở giai đoạn 1, Con đường ánh sáng được thực hiện tại khu vui chơi thiếu nhi cũ, gồm đại cảnh chính là cây ánh sáng với các hạng mục: Cụm trụ trung tâm gồm trụ tán đèn LED 2 tầng cao 7m và logo Biên Hòa, sàn trung tâm, cụm trang trí tiểu cảnh, cụm 12 con giáp, cụm bình gốm…

TP.Biên Hòa còn kết hợp trưng bày sản phẩm gốm Biên Hòa ở Con đường ánh sáng. Trong đại cảnh Con đường ánh sáng giai đoạn 1 sẽ có 6 bình gốm lớn gồm: 2 bình gốm với kích thước khoảng 1,8m, 2 bình gốm 1,5m và 2 bình gốm 1m. Trên các bình gốm, các nghệ nhân khắc, vẽ các di tích lịch sử của TP.Biên Hòa. Các nghệ nhân tập trung thực hiện từ khâu chọn loại đất nung, khắc, vẽ, tráng men để đưa ra sản phẩm đặc trưng nhất của thành phố. Ngoài ra, trong đại cảnh giai đoạn 1 được trưng bày 12 con giáp màu men xanh đồng - là màu đặc trưng của men gốm Biên Hòa.

Đường sách đi vào hoạt động

Không gian sách Biên Hòa được bố trí cố định tại công viên Biên Hùng, hướng đi về phía hồ nước. Không gian sách Biên Hòa hoạt động theo mô hình Đường sách của TP.HCM, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 24-12.

Không gian sách gồm 15 gian: 9 gian sách (trong đó có gian trưng bày của Báo Đồng Nai); 2 gian trưng bày sản phẩm gốm Biên Hòa (trải nghiệm tự làm gốm, vẽ gốm…); 2 gian tổ chức các hoạt động sinh hoạt cho thanh niên; 1 gian giới thiệu về du lịch Biên Hòa… Cùng với đó, không gian sách còn có nhà lục giác dành làm khu đọc sách, không gian luyện tập thể thao ngoài trời, không gian trò chơi trẻ em, có sân khấu để tổ chức các hoạt động giao lưu, tọa đàm và các hoạt động văn hóa văn nghệ…

“Những dấu son rạng ngời”

Đó là chủ đề của chương trình nghệ thuật chào mừng 325 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, diễn ra vào tối 28-12 tại công viên Biên Hùng. Chương trình nghệ thuật được tổ chức công phu, hoành tráng trên sân khấu nổi ngay tại hồ nước công viên Biên Hùng.

Cụm đại cảnh trong công trình Con đường ánh sáng giai đoạn 1 đang được thi công những công đoạn cuối. Đồ họa: Hải HÀ
Cụm đại cảnh trong công trình Con đường ánh sáng giai đoạn 1 đang được thi công những công đoạn cuối.

Chương trình nghệ thuật có thời lượng 60 phút do các nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai và các diễn viên Trường múa TP.HCM biểu diễn. NSƯT Quế Anh, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai cho biết, có khoảng 120 nghệ sĩ, diễn viên được huy động tham gia chương trình này.

Đây là lần đầu tiên một chương trình nghệ thuật của Đồng Nai được dàn dựng sân khấu nổi trên mặt nước, phần nào phản ánh được quá trình lịch sử của những lớp lưu dân người Việt, người Hoa xuôi theo dòng sông đến khai hoang, lập ấp tại vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Đặc biệt, kết thúc chương trình sẽ là màn bắn pháo sáng nghệ thuật.

Chương trình được kỳ vọng sẽ mang đến sự thăng hoa trong cảm xúc cho người xem. Sân khấu này sẽ được giữ nguyên để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ từ nay đến Tết Nguyên đán 2024.

Gần 700 người tham gia đồng diễn dân vũ, xếp hình nghệ thuật

Một trong những hoạt động huy động lực lượng diễn viên không chuyên nhiều nhất trong chuỗi sự kiện văn hóa chào mừng 325 năm Biên Hòa - Đồng Nai là màn đồng diễn dân vũ, xếp hình nghệ thuật  diễn ra vào chiều 28-12 tại khu vực công viên Biên Hùng.

Theo đó, sẽ có gần 700 người từ 28 đơn vị trong và ngoài thành phố tham gia. Các thành viên được chọn tham gia màn đồng diễn đều bày tỏ niềm vui khi được tham gia vào sự kiện đáng nhớ của thành phố.

Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Chủ tịch Liên đoàn Thể dục tỉnh cho biết, liên đoàn đã triển khai bài tập luyện từ hơn 2 tuần trước để các thành viên có thể tập luyện. Các CLB tự tập sau đó tổng duyệt  đảm bảo sự kiện thành công tốt đẹp.

Đêm hội Countdown sôi động

Chương trình nghệ thuật chào đón năm mới (lễ hội Countdown) sẽ tổ chức đêm 31-12, tại công viên Dương Tử Giang (P.Tân Tiến), bắt đầu từ 19 giờ đến thời khắc đếm ngược chào đón năm mới.

Chương trình có các ca sĩ, nghệ sĩ khách mời nổi tiếng như: DJ Mie, Đinh Tùng Huy, Phạm Lịch, rapper Cà Nâu… sẽ mang đến không khí sôi động, vui tươi, hứng khởi để chào đón năm mới 2024.

Chương trình dự kiến sẽ thu hút hơn 20 ngàn người tham gia. TP.Biên Hòa đã lên các phương án để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ... Chương trình văn nghệ dự kiến sẽ kéo dài đến 2 giờ sáng 1-1-2024 để phục vụ người dân, giãn dần lưu lượng xe cộ, hạn chế tình trạng kẹt xe kéo dài do lượng người tham gia quá đông.

600 người đạp xe kết nối di sản

Ngày 24-12, TP.Biên Hòa tổ chức chương trình đạp xe tuyên truyền 325 năm Biên Hòa - Đồng Nai.

Hành trình di chuyển bằng xe đạp đến viếng, thắp hương, tham quan các danh thắng, di tích lịch sử trên địa bàn TP.Biên Hòa đi qua các địa điểm: công viên Biên Hùng, lăng mộ Trịnh Hoài Đức, Thành Biên Hòa, di tích quốc gia Văn miếu Trấn Biên, Khu du lịch Bửu Long, đình Tân Lân, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Thất phủ cổ miếu Biên Hòa, Nhà lao Tân Hiệp, tượng đài chiến thắng sân bay Biên Hòa.

Hoạt động thu hút khoảng 600 thanh niên, hội viên các CLB xe đạp trên địa bàn TP.Biên Hòa tham gia. Các vận động viên bắt đầu xuất phát lúc 7 giờ ngày 24-12 tại công viên Biên Hùng, đi qua các địa điểm có trong lộ trình và quay về công viên Biên Hùng.

Nhiều hoạt động đặc sắc khác

Bên cạnh các chương trình văn nghệ, Tuần lễ Văn hóa 325 năm Biên Hòa - Đồng Nai còn có nhiều buổi biểu diễn nghệ thuật lân sư rồng. Trong đó, nổi bật nhất là đêm biểu diễn lân sư rồng TP.Biên Hòa mở rộng sẽ được tổ chức tại công viên Biên Hùng vào tối 29-12.

Ngoài ra, TP.Biên Hòa còn tổ chức các hoạt động thường xuyên tại công viên Biên Hùng để phục vụ nhu cầu vui chơi, thưởng lãm của người dân như: khu vực ẩm thực gồm 11 gian hàng, phục vụ thực khách nhiều món ngon, độc đáo; triển lãm gốm Biên Hòa trong đó có nhiều sản phẩm gốm cổ và gốm nghệ thuật đương đại; triển lãm điêu khắc đá mỹ nghệ; trưng bày các sản phẩm OCOP của Đồng Nai; triển lãm sách gắn liền với Không gian sách Biên Hòa...

 

Hải Yến

Tin xem nhiều