Tại Tuần lễ Văn hóa kỷ niệm 325 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai, khu trưng bày gốm truyền thống Biên Hòa thu hút đông đảo người dân tham quan. Trong một góc nhỏ khu trưng bày gốm của Công ty Gốm Trường Thạnh thu hút khá đông trẻ em, thanh niên, thậm chí cả người lớn đến đây để tự tay thực hiện những món đồ gốm theo sở thích.
Trải nghiệm nặn gốm từ đất sét. Ảnh: N.Liên |
Khu workshop làm gốm với hàng trăm mẫu gốm mộc, đất sét để những ai muốn trải nghiệm làm những công việc như vuốt, nặn ra các sản phẩm gốm, chấm men, trang trí các mẫu gốm mộc đã làm sẵn với chỉ 35 ngàn đồng/sản phẩm, nếu có nhu cầu nung sản phẩm do chính mình làm ra thì khách hàng sẽ trả phí nung gốm thêm 35 ngàn đồng/sản phẩm.
Tập làm thợ gốm
Sau khi dắt con đi dạo chơi quanh công viên Biên Hùng qua khu vực biểu diễn nghệ thuật, thưởng thức các món ngon tại khu ẩm thực, chị Trần Xuân Hương bị con giữ chân tại khu làm gốm để chờ bé chấm men cho chiếc bình tí hon đã làm sẵn. Không sốt ruột vì chờ lâu bởi chính chị Hương cũng bị thu hút bởi những chiếc bình gốm được trưng bày xung quanh và chăm chú theo từng nét cọ của con. Thi thoảng, con gái lại quay sang tham khảo mẹ nên chọn màu nào cho bông hoa lớn hoặc bông hoa nhỏ… Chị Hương cho biết, những lần trước, mỗi khi đến công viên dạo chơi, con chị rất thích tô tượng nên khi gặp các sản phẩm gốm mộc bé đã chọn khá nhiều mẫu để làm và sau đó sẽ gửi nung thành sản phẩm gốm có thể sử dụng trang trí phòng ngủ của mình.
Trẻ em thích thú tô màu men cho gốm |
Khu làm gốm dành cho khách hàng luôn có những người thợ sẵn sàng hướng dẫn khi khách cần hỏi hoặc hỗ trợ khách nhào nặn sản phẩm từ đất để thành hình. Lần đầu tiên được cầm đất để nặn thành những chiếc bình, cái chén với sự hướng dẫn của nhân viên khu gốm, Nguyễn Phương Hoàng (P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) chia sẻ khá thích thú khi thấy cục đất sét “biến hình” theo bàn tay nhào nặn của mình. Lần đầu trải nghiệm, sự vụng về trở thành niềm vui thú bởi chiếc bình hết cao lại thành thấp, sang méo mó rồi sau đó trở lại tròn trịa khi được nhân viên ra tay chỉnh lại. Đến khu trải nghiệm làm gốm lần thứ 2, tối hôm trước, Hoàng làm quen với công việc của người thợ chấm men trên chiếc bình gốm mộc, sau đó gửi nung đang chờ lấy về. Hôm sau, Phương Hoàng đổi sang trải nghiệm tạo hình nặn gốm từ đất sét. Sau khi trải nghiệm 2 công việc của người thợ làm gốm, Phương Hoàng nhận xét: “Làm thợ nặn cực hơn thợ chấm men nhưng vui hơn và lôi cuốn người thợ vào sự sáng tạo nhiều hơn. Em thích công việc nặn gốm hơn, hy vọng sau tuần lễ, Biên Hòa sẽ có chỗ trải nghiệm gốm để em có thể tới đó tập làm gốm khi rảnh rỗi và thư giãn khi bị căng thẳng”.
Ngoài không gian trải nghiệm làm gốm, tại khu vực workshop làm gốm còn có những sản phẩm gốm đã hoàn thiện mang hình dáng các con vật được bán sẵn, đồ chơi trẻ em có giá từ 20 ngàn đồng trở lên.
Sân chơi sáng tạo
Khu trải nghiệm làm gốm có hàng trăm mẫu gốm mộc với các loại bình có hình dáng khác nhau, hình các con thú, con vật thân thiết như chó, mèo, heo, gà… hay những sản phẩm thân thiết với đời sống hàng ngày như bình, chậu, hình trái cây… Cùng với sự phong phú về kiểu dáng, để tạo ra chiếc bình lung linh màu sắc, người thợ gốm có thể pha trộn màu men, tự do phối màu trên sản phẩm để tạo ra những màu sắc riêng theo ý tưởng cá nhân.
Không gian trải nghiệm làm gốm Biên Hòa |
Bên cạnh khu trải nghiệm làm gốm, có những sản phẩm gốm thành phẩm với nhiều kích cỡ từ nhỏ đến lớn với hoa văn, màu sắc lung linh. Đặc biệt, nhiều du khách tìm đến đây chỉ để chiêm ngưỡng những sản phẩm có màu men tạo nên đặc trưng gốm Biên Hòa, đó là màu xanh đồng trổ bông.
Anh Hứa Mạnh Tài (ngụ P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) cho biết, anh cùng gia đình đến Tuần lễ kỷ niệm 325 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai vào cuối tuần qua, các con anh rất thích khu trải nghiệm làm gốm. Trong lúc chờ con làm gốm, vợ chồng anh đã tham quan hết các khu trưng bày về gốm. Anh Tài cho hay, gốm Biên Hòa ngày nay sắc sảo và đa dạng về mẫu mã. Tuy nhiên, nếu không có không gian trưng bày này thì anh Tài không biết những giá trị của gốm Biên Hòa. Anh chia sẻ: “Bản thân tôi rất thích gốm, thế nhưng không biết ở Biên Hòa lại có các cơ sở gốm lớn cũng như sự phong phú về chủng loại như vậy. Thành phố nên tạo ra không gian trưng bày hoặc quảng bá hình ảnh và những giá trị của gốm Biên Hòa để tạo hiệu ứng, khai thác du lịch tại địa phương. Một vài làng gốm tôi đến không có mẫu mã, màu sắc phong phú như gốm Biên Hòa. Hy vọng tài nguyên quý giá này không bị bỏ quên, gây lãng phí cho ngành du lịch”.
Ngọc Liên
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin