Nhật Bản hiện đang xếp thứ 3 trong hơn 43 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Đồng Nai. Trong thời gian qua, nhiều hoạt động kết nối giao thương, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đã được triển khai trên địa bàn tỉnh.
Bà Ueda Mayuko |
Trong đó, từ năm 2017, được sự hỗ trợ của Cục Kinh tế, thương mại và công nghiệp vùng Kansai (METI-Kansai), Đồng Nai đã thành lập Tổ Điều phối viên để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Tổ Điều phối viên). Báo Đồng Nai cuối tuần có cuộc trao đổi với bà UEDA MAYUKO, Giám đốc Bộ phận kinh doanh quốc tế, Phòng Quan hệ quốc tế (METI-Kansai) về những kết quả đạt được và định hướng hợp tác giữa Đồng Nai và METI-Kansai trong thời gian tới.
Tổ Điều phối viên có nhiều nỗ lực và ngày càng trưởng thành
* Thưa bà, Đồng Nai và METI-Kansai đã có những ký kết hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trong thời gian qua, hợp tác giữa hai bên như thế nào?
- METI-Kansai đã ký văn kiện hợp tác kinh tế đầu tiên vào năm 2013, bắt đầu mối quan hệ hợp tác với Đồng Nai. Từ năm 2017, chúng tôi đã triển khai dự án phát triển nguồn nhân lực điều phối kết nối các công ty Nhật Bản, công ty Việt Nam và các trường đại học trong nước. Trong đó, có hỗ trợ Đồng Nai thành lập Tổ Điều phối viên để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh.
Hàng năm, tổ đã duy trì tổ chức hoạt động kết nối giao thương giữa DN Việt Nam và DN Nhật Bản để tạo cơ hội cho các bên tìm đối tác, phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường tình hữu nghị Nhật Bản - Việt Nam.
Năm vừa qua, chúng tôi đã mở rộng phạm vi ra ngoài tỉnh Đồng Nai và tiến hành đào tạo quản lý cho các nhà quản lý DN Việt Nam. Trong đó, các hội nghị kết nối giao thương giữa DN Nhật Bản và DN Việt Nam được tổ chức như một phần của dự án trao đổi kinh tế vùng Kansai và các địa phương ở Việt Nam, trong đó có Đồng Nai.
Bà UEDA MAYUKO, Giám đốc Bộ phận kinh doanh quốc tế, Phòng Quan hệ quốc tế (METI-Kansai) chia sẻ, hiện Việt Nam là điểm đến hấp dẫn để các công ty Nhật Bản mở rộng kinh doanh, xây dựng chuỗi cung ứng tới các nước lân cận ở châu Á. |
* Vai trò của Tổ Điều phối viên trong thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh được thể hiện ra sao?
- Trong 6 năm hợp tác vừa qua, chúng tôi cũng đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm, kiến thức về cách tìm kiếm, kết nối DN Việt Nam và Nhật Bản đối với thành viên Tổ Điều phối viên, qua đó phối hợp cùng với địa phương tháo gỡ những khó khăn trong việc tiếp cận các doanh DN Nhật Bản và làm thế nào để tìm kiếm, kết nối DN và các nhà cung ứng Việt Nam một cách phù hợp.
METI-Kansai nhận thấy các thành viên của Tổ Điều phối viên đã hết sức nỗ lực trong việc kết nối doanh nghiệp, họ đã trưởng thành và có thêm rất nhiều kinh nghiệm.
Đơn cử như việc tổ chức các hội nghị kết nối giao thương giữa DN Nhật Bản và DN Việt Nam hàng năm. Nếu như những năm trước đây, chúng tôi có hỗ trợ về tài chính, chuyên gia người Nhật và một số phương diện tổ chức khác thì năm vừa qua, địa phương nói chung và các thành viên Tổ Điều phối viên đã có sự nỗ lực rất lớn, qua đó tự lực tổ chức hội nghị trên tất cả phương diện. Sự kiện đã diễn ra thành công là một sự nỗ lực hết sức to lớn, thể hiện sự trau dồi, nỗ lực của tất cả thành viên Tổ Điều phối để có thể tổ chức một sự kiện lớn như vậy.
Đặc biệt, trong năm 2023, Tổ Điều phối của tỉnh đã ký kết ghi nhớ hợp tác về phát triển công nghiệp hỗ trợ với nhiều DN, ngân hàng có vốn đầu tư từ Nhật Bản như: Ngân hàng Ikeda Senshu, Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam, Công ty TNHH Đầu tư Long Đức… Điều này càng chứng tỏ sự nỗ lực, trưởng thành từ các thành viên của Tổ Điều phối, cũng như thể hiện những kết quả tích cực từ sự hợp tác giữa METI-Kansai và Đồng Nai…
Hiện có 235 công ty Nhật Bản đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các công ty Nhật Bản mở rộng đầu tư sang Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng cần mở rộng hoạt động thương mại tại địa phương để tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh và mong muốn được hợp tác với các nhà cung cấp địa phương.
Tăng hợp tác về phát triển nguồn nhân lực
* Bà mong muốn như thế nào về sự hợp tác giữa METI-Kansai và Đồng Nai trong thời gian tới, nhất là đối với việc tổ chức các chương trình kết nối giao thương DN hai nước?
- Trong những năm tiếp theo, METI-Kansai có thể sẽ không tiếp tục hỗ trợ địa phương tổ chức các hoạt động kết nối giao thương trên các phương diện về tài chính, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng duy trì mối quan hệ hợp tác, hỗ trợ phía tỉnh Đồng Nai cũng như Tổ Điều phối viên của tỉnh, nhất là việc tìm kiếm DN Nhật Bản, tạo môi trường kết nối giữa các công ty Nhật Bản và Việt Nam cùng với Tổ Điều phối viên của tỉnh.
Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông, giới thiệu các sự kiện, chương trình kết nối, thông tin đầu tư tại Đồng Nai đến cộng đồng DN Nhật Bản. Tôi hy vọng thông qua các hoạt động này có thể thúc đẩy thêm mối quan hệ hợp tác giữa METI-Kansai và tỉnh Đồng Nai. Chúng tôi mong muốn phát triển hơn nữa tình hữu nghị và hợp tác giữa vùng Kansai và Việt Nam, đồng thời mở rộng trao đổi kinh doanh giữa vùng Kansai và các địa phương ở Việt Nam, trong đó có Đồng Nai.
Các doanh nghiệp Đồng Nai tham gia kết nối giao thương tại hội nghị kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản năm 2023 |
* Những lĩnh vực nào dự kiến sẽ tiếp tục được hai bên hợp tác trong thời gian tới?
- Trong thời gian tới, METI-Kansai dự kiến sẽ tiếp tục duy trì, phát triển nhiều phương diện về công nghiệp hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp, các hoạt động liên quan đến cải tạo môi trường. Đồng thời, xem xét, mở rộng thêm hợp tác, ký kết các thỏa thuận hợp tác mới giữa 2 bên, tăng cường các hoạt động kết nối giao thương, thông tin về thị trường đầu tư… Trong đó, một số các hoạt động, chương trình sẽ được triển khai theo các chủ đề lớn như: hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực để thúc đẩy chuyển đổi số, vấn đề về trung hòa carbon…
* Xin cảm ơn bà!
Hải Quân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin