Báo Đồng Nai điện tử
En

Chính sách nhân văn trong lộ trình tăng học phí

Minh Ngọc
09:01, 06/01/2024

Mấy năm nay, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 và những khó khăn chung của nền kinh tế, mức học phí các cấp học được giữ nguyên nhằm chia sẻ một phần khó khăn đối với những gia đình đang có con trong độ tuổi đến trường mặc dù theo lộ trình, các cơ sở giáo dục, nhất là ở bậc đại học đều đã đủ điều kiện để tăng học phí.

Giáo viên Trường tiểu học Trảng Dài (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) luyện những nét chữ đầu tiên cho học sinh lớp 1. Ảnh: C.Nghĩa
Ảnh minh họa: C.Nghĩa

Mới đây, Nghị định số 97/2023/NĐ-CP ngày 31-12-2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27-8-2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo tiếp tục được dư luận hết sức đồng tình vì sự nhân văn trong chính sách này. Theo đó, Nghị định số 97/2023/NĐ-CP điều chỉnh lộ trình học phí như sau: Giữ ổn định học phí từ năm học 2023-2024 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông bằng mức học phí năm học 2021-2022. Lùi lộ trình học phí của giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp công lập 1 năm so với quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP (tức là học phí năm học 2023-2024 tăng so với học phí năm học 2022-2023 nhưng mức tăng thấp hơn so với lộ trình quy định tại Nghị định 81) để phù hợp với điều kiện thực tiễn và giảm bớt khó khăn cho học sinh, sinh viên.

Các chính sách miễn, giảm học phí được quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP tiếp tục được giữ nguyên để hỗ trợ cho các đối tượng chính sách và có điều kiện khó khăn. Chính phủ cũng yêu cầu Bộ GD-ĐT tiếp tục rà soát, đảm bảo chính sách miễn, giảm học phí cho các đối tượng chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn để đảm bảo việc tiếp cận bình đẳng trong giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học; chính sách phổ cập giáo dục, phân luồng ở cấp phổ thông.

Có thể thấy, với chính sách này, người học tiếp tục được quan tâm và tạo điều kiện tốt nhất để đến trường. Đặc biệt với bậc đại học, việc lùi thời gian tăng học phí và với mức tăng thấp nhất hy vọng sẽ tiếp tục chia sẻ, hỗ trợ cho sinh viên. Tất nhiên, với các trường đại học, nhất là với những trường tự chủ, lùi tăng học phí ngày nào là áp lực ngày ấy vì đây là nguồn thu chủ yếu để trang trải tất cả các khoản chi phí cho hoạt động. Thế nhưng trong thời điểm này, việc tăng học phí ở mức thấp hơn so với lộ trình là phù hợp, rất cần được chia sẻ nhằm đảm bảo lợi ích hài hòa.

Nhiều ý kiến cho rằng, Nghị định 97 đã tạo cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng cho người học nhưng cũng không bỏ qua cơ hội phát triển của các cơ sở giáo dục. Lộ trình này được xác định phù hợp trong bối cảnh hiện nay, là chính sách an sinh xã hội có ý nghĩa thiết thực cho người học, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn.

Minh Ngọc

Tin xem nhiều