Mới đây, những hình ảnh xúc động về việc anh Hoàng Anh, một chàng trai vừa tốt nghiệp thạc sĩ ngành Kinh tế luật của Trường đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương) quỳ lạy mẹ trong ngày nhận bằng tốt nghiệp nhận được sự chia sẻ mạnh mẽ của cộng đồng mạng. Nhiều người cảm động bởi tình cảm của Hoàng Anh dành cho người mẹ nghèo làm ở vùng quê Quảng Ngãi cả một đời tần tảo bán buôn lo cho con ăn học.
Trước đó, hình ảnh một cô gái khi tốt nghiệp Khoa Hàn Quốc học Trường đại học Công nghệ TP.HCM mặc áo cử nhân cho anh trai mình cũng gây bão mạng. Đặc biệt, khi biết hoàn cảnh cô gái mồ côi cả cha lẫn mẹ, anh trai làm phụ hồ suốt 7 năm để nuôi em gái ăn học, nhiều người bày tỏ sự đồng cảm, chia sẻ sâu sắc. Một nữ sinh khác ở Vĩnh Long khi tốt nghiệp Trường đại học Cần Thơ cũng đã cởi áo và nón cử nhân của mình để khoác lên người cha, sau đó ôm chầm lấy ông, gương mặt không giấu nổi sự xúc động…
Hành động, nghĩa cử của những người con, người em dành cho cha mẹ, anh em mình sau khi tốt nghiệp thể hiện rõ lòng biết ơn vô hạn đối với công lao sinh thành, dưỡng dục. Đặc biệt, với xuất phát điểm gia đình hầu hết đều khó khăn, để nuôi con em mình ăn học, bậc làm cha, làm mẹ, làm chị, làm anh đã phải hy sinh rất nhiều. Như người mẹ của anh Hoàng Anh cả đời không nghỉ một ngày bán bún, lo tiền cho con ăn học với mong muốn đời con sẽ khác đời mình. Bà chỉ nghỉ bán bún để từ Quảng Ngãi vào Bình Dương với con trong ngày con nhận bằng tốt nghiệp để chia vui với con, để thấy con trưởng thành, sau đó lại quay lại với công việc của mình.
Còn cô gái kia, khi cảm ơn người anh đã dành cả thanh xuân để nuôi nấng mình thay cha mẹ nên người chắc chắn luôn cảm nhận được những khó nhọc, vất vả của anh. Tình cảm khó nói thành lời và hành động của cô gái đã nói hộ lòng biết ơn, sự yêu thương, trân quý với anh trai. Để có được ngày mặc áo cử nhân, anh là người đã hy sinh cho cô nhiều nhất…
Mỗi ngày, những hình ảnh cảm động như thế vẫn xuất hiện trong cuộc sống này, giúp chúng ta hiểu hơn về sự hiếu thảo, lòng biết ơn với gia đình, người thân và cuộc sống. Nhiều hoàn cảnh, trường hợp còn rất khó khăn nhưng đã biết nỗ lực vượt qua, nuôi dưỡng giấc mơ học tập, có việc làm tốt và trở thành những công dân hữu ích. Khốn khó đã không thể quật ngã được ý chí của những cô, cậu học trò nhà nghèo, càng không cản bước bậc làm cha, làm mẹ hy sinh cho con, làm việc không biết mệt mỏi lo tiền nuôi con ăn học. Tấm bằng cử nhân hay thạc sĩ mới là sự khởi đầu, nhưng chắc chắn với nghị lực ấy, họ sẽ thành công trong cuộc sống để cảm ơn cha mẹ, người thân đã dành cả đời, hết lòng nuôi nấng, chăm lo cho mình.
Minh Ngọc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin