Báo Đồng Nai điện tử
En

Ông Lý Đình Quân, Phó chủ tịch Hội đồng cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia:
Xây dựng thế hệ doanh nhân mang thương hiệu quốc tế

Đào Lê
09:11, 06/01/2024

Vườn ươm khởi nghiệp không còn là khái niệm xa lạ đối với cộng đồng khởi nghiệp quốc tế. Đối với Việt Nam, mặc dù đây là một mô hình còn khá mới mẻ, các vườn ươm cũng đã lần lượt xuất hiện ở các hệ sinh thái khởi nghiệp tại các thành phố lớn.

Ông Lý Đình Quân
Ông Lý Đình Quân

Báo Đồng Nai cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với ông LÝ ĐÌNH QUÂN, Phó chủ tịch Hội đồng cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, Tổng giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn về mô hình hoạt động của trung tâm ươm tạo và những vấn đề mà Việt Nam cũng như các địa phương cần lưu ý liên quan đến chương trình khởi nghiệp.

Vì thế hệ doanh nhân mới của Việt Nam

* Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (Songhan Incubator - Shi) là tâm huyết của ông, vì sao đang làm kinh doanh, ông lại chuyển hướng qua lĩnh vực đào tạo, “truyền lửa” cho hoạt động khởi nghiệp?

- Shi thực sự là tâm huyết của tôi, được thành lập từ khát vọng của cá nhân tôi đến từ những thách thức mà tôi gặp phải trên hành trình khởi nghiệp ban đầu. Trước khi có Shi, tôi đã dành rất nhiều công sức phát triển ngành phòng cháy, chữa cháy thông qua xây dựng và phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp của mình. Chặng đường ấy đã cho tôi nhiều bài học đắt giá, đồng thời thấy được sự cần thiết phải có một môi trường kinh doanh tốt hỗ trợ các doanh nghiệp.

Năm 2017, tôi cùng các chuyên gia có tâm huyết ở Việt Nam thành lập vườn ươm Shi - mô hình ươm tạo tư nhân đầu tiên tại Việt Nam. Shi đặt ra sứ mệnh và tầm nhìn chiến lược rất rõ ràng, đặc biệt lấy ươm tạo làm sứ mệnh lâu dài bởi ươm tạo là trái tim của hệ sinh thái khởi nghiệp, giúp cho các dự án khởi nghiệp vượt qua “thung lũng chết” và đưa sản phẩm mới vào thị trường. Shi xác định doanh nhân đổi mới sáng tạo và KH-CN là lực lượng tiên phong để quốc gia thịnh vượng.

* Để thực hiện được những yêu cầu trên không dễ, ông đã vượt qua các thách thức như thế nào?

- Khi đi vào hoạt động, dù đã có kinh nghiệm từ trước đó nhưng là đơn vị tiên phong của miền Trung triển khai chương trình ươm tạo nên Shi đã gặp rất nhiều khó khăn. Thiếu hạ tầng, thiếu nguồn lực, thiếu tài chính, trong rất khó tìm được người đồng hành tâm huyết vì đây là lĩnh vực mới và tầm nhìn dài. Một người phải có khát vọng lớn, dám nghĩ và hành động, và đặc biệt phải trau dồi tri thức liên tục mới có thể đi xa. Chúng tôi phải nỗ lực rất nhiều mới có thể thu hút được nhân lực giỏi, người đi theo mình đều có thành công nhất định, từ đó tạo động lực để bước tiếp.

May mắn là ý tưởng, các hoạt động của chúng tôi ngày càng nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ KH-CN cũng như Đà Nẵng. Đây xem như đòn bẩy, là “đất diễn” để Shi phát huy hết sức năng lực của mình.

* Hơn 5 năm qua, điều gì giúp ông cảm thấy vui nhất khi đi theo con đường truyền lửa cùng với Shi?

- Cái được lớn nhất là Shi đã cùng các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, đặc biệt là Bộ KH-CN, các tỉnh, thành xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp của địa phương cũng như cả nước. Chúng tôi cũng là đơn vị tiên phong hỗ trợ cho các địa phương như: Bình Định, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Huế, Cần Thơ, Đồng Nai… cùng với các trường đại học tiếp cận với tư duy đổi mới sáng tạo. Thông qua hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngày càng năng động, hiệu quả, tôi tin rằng Việt Nam sẽ sớm có một thế hệ doanh nhân mới hội nhập và có thương hiệu quốc tế.

“So với các bạn trẻ thì tôi là người đi trước, chính vì thế hỗ trợ cho họ tiếp cận được với công nghệ, tư duy đổi mới luôn là trách nhiệm của bản thân mình. Với đội ngũ mentor, người hướng dẫn, cố vấn hỗ trợ khởi nghiệp ngày càng chất lượng thì Việt Nam sẽ có nhiều hơn nữa các thế hệ doanh nhân liên kết với nhau, cùng nhau phát triển mạnh mẽ, thậm chí vươn tầm khu vực và thế giới”.

Sứ mệnh này là điều chắc chắn chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện. Thành công lớn nhất chính là giúp cho nhiều địa phương, tổ chức quan tâm đến khởi nghiệp và tôi luôn sẵn sàng giúp đỡ để họ thay đổi, phát triển. Như đã nói thì mong muốn của tôi là tạo môi trường tốt nhất cho các bạn trẻ khởi nghiệp và làm sao để đưa sản phẩm, dịch vụ đổi mới sáng tạo cũng như KH-CN vào nền kinh tế, khắc phục những khó khăn đã và đang gặp phải trong thời gian qua.

Ưu tiên đầu tư khởi nghiệp và kinh tế tri thức

* Những năm qua, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được nhắc đến nhiều ở Việt Nam nhưng vẫn chưa thực sự có nhiều chuyển biến. Theo ông, còn những hạn chế nào cần phải được gỡ bỏ?

- Hạn chế lớn nhất là giáo dục khởi nghiệp, chúng ta cần đưa chương trình đào tạo khởi nghiệp có mặt nhiều hơn ở cấp độ nhà trường, kể cả khu vực phổ thông lẫn trường đại học, cao đẳng bởi những người trẻ là tương lai của sự phát triển. Thứ hai là kết nối các mạng lưới, nguồn lực bởi hiện tại đang đứt gãy rất nhiều giữa khối viện trường với khối doanh nhân; sự đầu tư của các doanh nghiệp, tập đoàn đối với đổi mới sáng tạo, thế hệ trẻ. Bên cạnh đó, nhận thức về đổi mới sáng tạo ở các sở, ngành chuyên môn vẫn còn ở mức rời rạc, sơ khai.

Đồng Nai là địa phương có nhiều điều kiện để khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp theo hướng đổi mới sáng tạo. Ảnh minh họa
Đồng Nai là địa phương có nhiều điều kiện để khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp theo hướng đổi mới sáng tạo. Ảnh minh họa

* Vậy theo ông các sở, ngành, địa phương nên thay đổi nhận thức ra sao?

- Chúng ta cần khẳng định rằng đổi mới sáng tạo chính là nền tảng, động lực cho sự tăng trưởng kinh tế - xã hội, định hình tương lai của địa phương. Cần phải đầu tư vào hạ tầng tri thức mới có thể có được đòn bẩy để phát triển theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tri thức phát triển hiệu quả.

Hay nói đúng hơn, doanh nghiệp trong tương lai phải có hàm lượng về KH-CN, phải có hàm lượng của tri thức đổi mới sáng tạo mới có thể hội nhập quốc tế cũng như có thể mang lại giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Bản thân tôi cũng đặt niềm tin rất lớn rằng, Việt Nam cần phải đi theo con đường này để trở thành một đất nước thịnh vượng.

* Riêng Đồng Nai, ông đánh giá ra sao về tiềm năng của tỉnh đối với mục tiêu phát triển kinh tế, trong đó có đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo?

- Ðồng Nai là một trong những tỉnh phát triển công nghiệp lớn nhất cả nước, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam với rất nhiều tiềm lực và điều kiện thuận lợi. Cơ sở hạ tầng giao thông phát triển, lực lượng lao động dồi dào và cơ cấu lao động trẻ, chất lượng nguồn nhân lực ngày càng được nâng cao, có nhiều khu công nghiệp lớn, công nghiệp hỗ trợ phát triển. Ðây chính là các yếu tố sẽ giúp kinh tế Ðồng Nai phát triển bền vững trong thời gian tới, cũng là điều kiện cực kỳ thuận lợi cho các bạn trẻ khởi nghiệp.

Cái quan trọng nhất là chúng ta đang tái cấu trúc nền kinh tế, làm sao để doanh nghiệp ứng dụng KH-CN, ứng dụng đổi mới sáng tạo vào hoạt động, tạo động lực, tạo sự cạnh tranh. Cái khó nhất ở địa phương là đang gặp vấn đề này. Để hoạt động khởi nghiệp phát triển bền vững, hình thành môi trường năng động và sáng tạo thì Đồng Nai cần nhiều hơn nữa các hoạt động kết nối, tạo thêm các diễn đàn, cầu nối về khởi nghiệp. Nói chung là phải tạo điều kiện nuôi dưỡng, ươm mầm cho các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo, nhất là trong các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh.

* Xin cảm ơn ông!

Đào Lê (thực hiện)

Tin xem nhiều