Báo Đồng Nai điện tử
En

Sự thật về con đường Tơ Lụa

Minh Huyền
20:09, 26/01/2024

Con đường Tơ Lụa (Silk Road) là mạng lưới các tuyến đường thương mại lâu đời nối liền Đông và Tây. Con đường đặc biệt này cũng là nơi giao thoa văn hóa, kỹ thuật chế tác, nghệ thuật… giữa các nền văn minh xưa và nay.

Nguyệt Nha Tuyền - hồ bán nguyệt trên sa mạc Gobi, vùng Đôn Hoàng (Trung Quốc) - tọa lạc trên con đường Tơ Lụa cổ xưa. Nguồn: chinaexpeditiontours.com

Sự trao đổi đa văn hóa, giao thương… góp phần ảnh hưởng đến toàn bộ lịch sử loài người.

Mặt hàng có giá trị cao nhất là tơ lụa

Trong giao thương, mặt hàng có giá trị cao nhất dọc theo tuyến đường chính là tơ lụa. Điều này lý giải rõ ràng cho cái tên con đường Tơ Lụa. Trong nhiều thế kỷ, người Trung Quốc giữ độc quyền sản xuất tơ lụa, bảo vệ chặt chẽ bí mật nhà nước về nghề trồng dâu tằm. Về mặt ngoại giao, Trung Quốc được hưởng lợi rất nhiều từ bí quyết sản xuất tơ lụa. Thời La Mã cổ đại, lụa có giá trị như vàng. Tầng lớp quý tộc La Mã xem vải lụa Trung Quốc như một biểu tượng cho địa vị sang trọng. Những nỗ lực của La Mã nhằm mua chuộc các chuyên gia Trung Quốc về nghề nuôi tằm hoặc buôn lậu trứng tằm đều không thành công. Ở thủ đô Rome (Italy), quần áo và hàng dệt may bằng lụa có giá cao và chỉ các thượng nghị sĩ và quý tộc mới được phép mặc lụa, thể hiện địa vị xã hội cao. Con đường Tơ Lụa - tuyến đường thương mại lịch sử - đã mang bí quyết nuôi tằm đến phương Tây thông qua Trung Á.

Việc giao thương vượt xa các mặt hàng tơ lụa

Con đường Tơ Lụa dài hơn 6 ngàn km nối Trung Quốc và châu Âu. Việc buôn bán không chỉ dừng lại ở mặt hàng duy nhất là tơ lụa, mà còn có nhiều loại hàng hóa khác nhau, gồm: vải, đá quý, ngũ cốc, trái cây, rau, hàng dệt, kim loại quý, đồ thủy tinh và cả cây thảo dược quý hiếm đại hoàng. Vào thời điểm đó, cây đại hoàng được xem là một món ăn ngon, độc lạ ở châu Âu. Trà, ngọc bích, đồ sơn mài, gương đồng và đồ sứ Trung Quốc được đánh giá cao ở thủ đô Rome. Đồ thủy tinh Địa Trung Hải và cobalt cũng được đưa về phương Đông thông qua tuyến đường này. Các loại gia vị như: nhụy hoa nghệ tây, gừng, quế, bạch đậu khấu và hạt tiêu được Trung Quốc và La Mã nhập khẩu. Những vật phẩm đắt tiền như: hương liệu, thuốc nhuộm, gỗ quý, ngà voi và các loài động vật như: sư tử, báo, sừng tê giác cũng khiến hành trình vận chuyển hàng hóa dọc theo con đường Tơ Lụa trở nên nguy hiểm, sự cướp bóc trực chờ. Việc giao thương trên con đường Tơ Lụa chính là động lực của nền kinh tế thế giới trong thời kỳ cổ đại.

Tuyến đường sắt xuyên vùng Siberia (Liên bang Nga). Nguồn: discoverwalks.com
Tuyến đường sắt xuyên vùng Siberia (Liên bang Nga). Nguồn: discoverwalks.com

Mạng lưới giao thông phức tạp, rộng khắp

Một loạt tuyến đường thương mại kết nối với nhau thông qua con đường Tơ Lụa do hàng hóa được mua bán qua nhiều thương lái giữa Trung Quốc và châu Âu. Các tuyến đường bộ chính bao gồm tuyến đường khắc nghiệt phía Bắc qua thảo nguyên Á - Âu, tuyến đường ngang qua các thành phố ốc đảo ở Trung Á và tuyến đường phía Nam qua đất nước Ba Tư. Các tuyến đường hàng hải cũng rất quan trọng, kết nối các cảng ở Trung Quốc và Đông Nam Á với Ấn Độ, Ả-rập. Những thương lái phải lên kế hoạch cẩn thận cho hành trình buôn bán gian khổ, lựa chọn tuyến đường phù hợp với khí hậu, an ninh chính trị và an toàn khỏi bọn cướp. Mạng lưới giao thông phức tạp, rộng khắp gồm cả nhiều tuyến đường bộ và đường biển tạo nên con đường Tơ Lụa.

Lạc đà là phương tiện di chuyển chính

Con đường Tơ Lụa phụ thuộc rất nhiều vào lạc đà để đi qua những vùng đất khô cằn, rộng lớn ở Trung Á. Do có sức bền nên lạc đà Bactrian 2 bướu được ưa chuộng hơn lạc đà Ả-rập 1 bướu. Những con lạc đà thồ các chiếc thúng có chiều rộng 133cm chứa tải trọng hàng lên tới 300kg; trung bình mỗi con lạc đà có thể cõng trên lưng lượng hàng hóa tương đương với trọng lượng của 3 con ngựa. Chúng băng qua những hành trình dài ngày với địa hình khó khăn, đi theo tiếng chuông của con lạc đà đầu đàn và di chuyển thành từng đoàn dài nối đuôi nhau. Một số đoàn thương nhân có thể có tới 1 ngàn con lạc đà, bình thường chỉ dao động khoảng 50 con. Những người làm nhiệm vụ bảo vệ chuyến buôn thường cầm kiếm và cung tên để ngăn chặn các cuộc tấn công của bọn cướp. Lạc đà đã giúp việc giao thương trở nên dễ dàng trong suốt hơn 1 ngàn năm.

Con đường Tơ Lụa là mạng lưới các tuyến đường thương mại cổ xưa, hình thành từ thời nhà Hán (Trung Quốc) vào năm 130 trước Công nguyên, nối liền các khu vực của thế giới cổ đại trong thương mại từ năm 130 trước Công nguyên đến năm 1453 sau Công nguyên.

Tầm quan trọng của con đường Tơ Lụa bắt đầu mờ nhạt

Thế kỷ XV và XVI sau Công nguyên, tầm quan trọng của con đường Tơ Lụa dần suy giảm. Nhờ những tiến bộ trong công nghệ hàng hải, các tuyến đường thương mại trên biển kết nối trực tiếp với châu Á được thiết lập, người châu Âu có thể tránh các tuyến đường bộ hiểm trở và nguy hiểm. Các tuyến đường biển đến phương Đông đã được khai mở. Đáng chú ý nhất là hải trình vào năm 1498 của bá tước - thuyền trưởng Vasco da Gama vòng quanh châu Phi để đến Ấn Độ. Con đường Tơ Lụa trên đất liền dần mất đi tầm quan trọng khi thương mại hàng hải phát triển, các tuyến đường bộ hầu như không còn thiết thực vào thế kỷ XVII. Tuy nhiên, di sản và sự giao thoa văn hóa trên con đường Tơ Lụa vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.

Một công nhân Afghanistan thu thập kén từ lá dâu khô ở H.Zandajan, tỉnh Herat - nơi từng là điểm dừng chân trên con đường Tơ Lụa. Nguồn: dailymail.co.uk

Người La Mã cho rằng vải lụa là một sản phẩm thực vật và định giá theo vàng. Phần lớn vải lụa được đưa đến đảo Kos (Hy Lạp) để dệt thành váy cho phụ nữ ở thủ đô Rome (Italy) và các thành phố khác. Người dân đảo Kos trở nên giàu có nhờ sản xuất quần áo lụa.

Sự hồi sinh của con đường Tơ Lụa

Cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại đã mang lại sức sống mới cho một số tuyến đường thuộc con đường Tơ Lụa trước đây. Đường cao tốc Karakoram nối Trung Quốc và Pakistan bằng cách đi qua các tuyến đường thương mại lịch sử dọc các sườn núi. Tuyến đường sắt xuyên vùng Siberia chạy song song với phía Bắc của con đường Tơ Lụa, nối thủ đô Moscow (Liên bang Nga) với Thái Bình Dương. Ngoài ra, các tuyến đường thương mại khu vực Trung Á đang được nối lại bởi các đoạn đường cao tốc E60. Những tuyến đường bộ giữa châu Âu và châu Á mới này cho phép du khách theo bước chân của những thương nhân cổ xưa, dù phần lớn hoạt động buôn bán hiện nay được thực hiện bằng đường hàng không và đường biển. Những tuyến đường cao tốc và đường sắt uốn lượn qua các thung lũng núi, gợi lại hình ảnh những đoàn thương nhân cùng lạc đà thời xa xưa đang vận chuyển tơ lụa và hàng hóa giữa các nền văn minh.

Minh Huyền (biên dịch theo discoverwalks.com/worldhistory.org)

 

Tin xem nhiều