Trong chuyên luận Một thời đại trong thi ca in ở đầu sách Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh nói về các nhà thơ Mới tiêu biểu với những định ngữ không thể xác đáng hơn: “Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kỳ dị như Chế Lan Viên… và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu”. Trong sự khác biệt ấy, các nhà thơ Mới cảm nhận về Xuân tất nhiên cũng có sự khác nhau.
4 câu thơ của Chế Lan Viên không chỉ nằm trong sổ tay mà trong đầu những anh chàng, cô nàng chẳng may mắn lắm nhất thời trong chuyện tình duyên chẳng hạn; nâng tầm hơn như Vũ Hoàng Chương “Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ” thời ấy thì cũng có phần đúng.
Tôi có chờ đâu, có đợi đâu;
Đem chi Xuân đến gợi thêm sầu?
- Với tôi tất cả đều vô nghĩa,
Tất cả không ngoài nghĩa khổ đau!
(Bài Xuân trong tập Điêu tàn)
Thế nhưng trong số các nhà thơ Mới nổi danh ấy, lại nằm trong nhóm Bàn thành tứ hữu là Xuân Diệu thì nói như Hoài Thanh có cái “thiết tha, rạo rực, băn khoăn” khác hẳn:
Xuân đương tới, nghĩa là Xuân đương qua
Xuân còn non, nghĩa là Xuân đã già
Mà Xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất
(…)
Thiết tha, rạo rực đến mức nhà thơ bật lên:
Và non nước, và cây, và cỏ rạng
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng.
Cho no nê thành sắc của thời tươi;
Hỡi Xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!
(Vội vàng trong tập Thơ thơ)
“Cắn” vào “Xuân hồng” chỉ có thể là Xuân Diệu.
Sau lễ Giáng sinh năm 1939, Hàn Mặc Tử viết lời tựa cho tập thơ Xuân như ý: “Thi nhân sẽ vừa say sưa, vừa điên cuồng, ọc ra từng búng thơ sáng láng, phương phi như một mùa XUÂN NHƯ Ý”. Có lẽ Hàn còn “kỳ dị” hơn cả Chế Lan Viên, bạn thơ cùng thời ở Quy Nhơn. Tập thơ ngoài 20 bài, như tựa Xuân như ý, mấy bài lấy tựa có từ Xuân, có bài tựa là “Nhớ thương” vẫn mang hơi Xuân dù đó là câu chuyện buồn của nàng cung nữ vì yêu vua mà bị trảm quyết:
Ôi chao, thánh thượng vô tâm quá!
Lòng thiếp buồn như một tấm nhung.
(…)
Ngoài kia Xuân đã thắm duyên chưa?
Trời ở trong đây chẳng có mùa
Không có niềm trăng và ý nhạc
Có người cung nữ nhớ thương vua.
Thơ Mới, Xuân và Tết, một nhà thơ được nhắc đến nhiều về đề tài này là Đoàn Văn Cừ. Theo cách diễn đạt ngày nay thì Hoài Thanh đã viết những “lời có cánh” về thơ Đoàn Văn Cừ: “Đoàn Văn Cừ trước sau đăng báo chỉ có 6, 7 bài thơ. Bài nào cũng hay. Cũng có bài đăng Ngày nay số thường, nhưng nghĩ đến Đoàn Văn Cừ là tôi nghĩ đến Tết”.
Quả có vậy thật, các bài Chợ Tết, Đám cưới mùa Xuân, Đám hội rất tươi vui, “rất Tết” thời ấy cách nay non thế kỷ vẫn còn cảm nhận được để yêu thương mùa Xuân, mùa Tết:
Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết.
Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc;
Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon
(…)
Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm,
Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ.
Bà cụ lão, bán hàng bên miếu cổ,
Nước thời gian gội tóc trắng phau phau.
(bài Chợ Tết, in báo Ngày nay)
“Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm” khiến ta nhớ bài Ông đồ của Vũ Đình Liên, một không gian, hình ảnh tết, đẹp nhưng khó giữ, có chút ngậm ngùi: Nhưng mỗi năm mỗi vắng/ Người thuê viết nay đâu?/ Giấy đỏ buồn không thắm/ Mực đọng trong nghiên sầu…
Nguyễn Bính thì tươi vui hơn rất nhiều và ai cũng mong vậy:
Đã thấy Xuân về với gió đông,
Với trên màu má gái chưa chồng.
Bên hiên hàng xóm, cô hàng xóm
Ngước mắt nhìn trời, đôi mắt trong.
(Xuân về trong tập Tâm hồn tôi)
“Đôi mắt trong” là hy vọng, Xuân về cứ phải hy vọng như Đông Hồ trong bài Cô gái Xuân:
Tưng bừng hoa nở, bóng ngày Xuân
Rực rỡ lòng cô, hoa ái ân.
Như đợi, như chờ, như nhớ tưởng,
Đợi, chờ, tưởng, nhớ bóng tình quân.
Xuân về là cứ hy vọng, thơ những “chàng và nàng” trong thơ Mới (1930-1945) vẫn là Xuân hy vọng.
Trung Phi
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin