Vị trí đô thị Biên Hòa có tính kế thừa trong quá trình phát triển của nhiều giai đoạn. Thời Nguyễn là trung tâm của dinh, trấn và sau này là của tỉnh Biên Hòa khá rộng.
Cầu Rạch Cát. Ảnh: Huy Nguyễn |
Dưới sự quản lý của chính quyền thuộc địa Pháp, đô thị Biên Hòa được xây dựng với tính chất hiện đại trong cấu trúc đô thị của vùng tiếp cận Sài Gòn. Tính chất trung tâm được xác định là một những yếu tố quan trọng để khởi sự những cơ sở hoạch định phát triển cho đô thị này trong lịch sử. Đặc biệt, Sông Phố chảy qua Biên Hòa mang dấu ấn đặc biệt và cù lao Phố là thương cảng một thời dù đã trải qua thăng trầm. Kinh nghiệm phát triển đô thị khá sớm của người Pháp đã được hoạch định cho chính sách quản lý và khai thác thuộc địa ở Đông Dương. Trên đoạn sông này, chính quyền thuộc địa đã khởi công xây dựng cầu nối bờ của sông và bắc qua cù lao Phố - từ ba làng cổ trở thành xã, phường của Biên Hòa hiện nay.
Đầu thế kỷ XX, hai cây cầu được thiết kế bằng sắt, thép nối hai nhánh sông vượt cù lao Phố thuộc tuyến đường sắt Nha Trang - Sài Gòn. Chiếc cầu qua nhánh sông Rạch Cát (Sa Hà) có 3 nhịp, dài 129m, từ nội ô Biên Hòa đến cù lao Phố/xã Hiệp Hòa (nay là đường Nguyễn Tri Phương, P.Hiệp Hòa). Cầu có tên Rạch Cát bởi lấy tên nhánh sông đặt làm tên. Cầu bắc qua nhánh sông Cái (Phước Long) gọi là cầu Gành (Ghềnh), có 4 nhịp, dài 238m, nối cù lao Phố với P.Bửu Hòa (khu vực Chợ Đồn). Cả hai cây cầu có bề rộng 4,2m.
Tác giả Tôn Thất Quỳnh Ái nhìn cây cầu thân thương cầu Gành với hình ảnh thương nhớ: “Trông xa dải lụa yếm đào, Hững hờ em vắt ngọt ngào Đồng Nai. Cầu Ghềnh mối chẳng đợi mai, lỡ thương Tam Hiệp, Hố Nai hẹn về. Thủy chung ước trọn lời thề, Phố cù lao nhỏ, phu thê nương sào…”. |
Tuyến xe lửa và hai cầu sắt vắt ngang cù lao Phố là trục giao thông quan trọng song song với đường bộ - quốc lộ 1 qua địa bàn Biên Hòa kết nối trung tâm đô thị Sài Gòn với vùng đồn điền cao su Xuân Lộc, đến Nam Trung bộ. Tính chất quan trọng của cầu Rạch Cát, cầu Gành mang tầm khu vực trong giai đoạn chính quyền thuộc địa đẩy mạnh khai thác nguồn lợi từ các thuộc địa. Đây là tuyến đường quan trọng để kết nối Biên Hòa - Sài Gòn và sau đó tiếp cận các vùng lân cận có nguồn lâm sản phong phú nối cực Nam Trung bộ, Nam Tây nguyên.
Bên cạnh các tuyến đường bộ, cầu Rạch Cát, cầu Gành được xem là mạch “hỏa xa” chuyển tải hàng hóa về trung tâm đô thị Sài Gòn và sau này kết nối các tuyến đường xe lửa ở những địa điểm khai thác do các tư bản Pháp đầu tư (lâm sản, cao su…).
Hai cây cầu bắc qua cù lao và nối bờ Sông Phố được thiết kế bởi hãng Eiffel danh tiếng của Pháp. Kiến trúc sư Gustave Eiffel (1832-1923), tác giả công trình tháp Eiffel (Pháp), đã thành lập nhiều công ty tham gia nhiều công trình ở châu Âu, Đông Nam Á.
Địa chí Đồng Nai cho biết hai câu cầu này xây dựng năm 1903 và thông cầu, khai thác tuyến đường sắt Sài Gòn - Biên Hòa - Xuân Lộc vào năm 1904. Trước năm 1975, người dân gọi là cầu Gành với cách lý giải đoạn sông tại đây có dãy đá chắn ngang dòng tạo nên những gành đá. Hiện nay, bảng hiệu ghi là cầu Ghềnh, được lý giải rằng cách ghi tên cầu do những người viết theo cách phiên âm của miền Bắc từ sau năm 1975.
Từ khi xây dựng cho đến nay, hai cây cầu sắt này được sửa chữa, duy tu nhiều lần, trở thành hình ảnh thân thuộc với người dân Biên Hòa qua rất nhiều sự kiện cả niềm vui và cả những nỗi buồn. Trước hết là sự đóng góp vào công sức trong sinh kế khi người dân địa phương tham gia lao động trong công trình này.
Thực dân Pháp đánh chiếm thành Biên Hòa vào nửa sau thế kỷ XIX bằng đường thủy với tàu chiến thì đến lần xâm lược lần thứ 2 bằng xe quân sự vượt cầu vào năm 1945. Hai bên đầu cầu từng là nơi một số người yêu nước, chiến sĩ cách mạng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống kẻ xâm lược qua những lần bị tuyên án, tấn công mục tiêu. Cây cầu in dấu những cuộc hành quân chiến thắng trong ngày đất nước được thống nhất. Hai bên đầu cầu là khu cư dân và địa bàn lưu dấu di sản của nhiều thế hệ cư dân Biên Hòa tạo dựng: đình Bình Kính (đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh), đình Mỹ Khánh (đền thờ Nguyễn Tri Phương), đình Thành Hưng, Thất Phủ cổ miếu (chùa Ông)…
Cầu Rạch Cát, cầu Gành là nét duyên của cù lao Phố trong đô thị Biên Hòa. Đây là những dấu ấn trong chiều kích phát triển cùng vùng đất đô thị Biên Hòa, về lịch sử, giao thông đường sắt và trở thành hình ảnh thân quen, gần gụi. Ven Sông Phố, người dân vẫn nghe tiếng còi vang lên khi tàu chuẩn bị vào cầu, vào ga Biên Hòa hay hướng về Sài Gòn được lập trình mỗi ngày, tiếng động lớn của các toa tàu qua cầu vẫn in bóng trên sông. |
Cầu Gành trải qua hai vụ tai nạn giao thông với hậu quả nghiêm trọng. Năm 2011, đoàn tàu Thống Nhất đâm vào nhiều ô tô giữa cầu làm một số người thương vong. Năm 2016, một sà lan có trọng lượng 800 tấn đã va vào trụ, làm sập nhịp cầu, khiến giao thông đường xe lửa tê liệt trong chặng chặng cuối Biên Hòa - TP.HCM, ảnh hưởng toàn tuyến đường sắt Bắc - Nam và cả giao thông trên sông Đồng Nai.
Khắc phục sự cố gãy cầu năm 2016, sau hơn 3 tháng thi công, cầu Gành được xây dựng mới với 4 nhịp, mỗi dịp 75m, cao 13m với 260 tấn hợp kim thép. Nhịp cũ của cầu Gành hiện đang để trên khu vực vùng lõm ven sông Đồng Nai thuộc địa phận P.Quyết Thắng. Tiếc thay, những dấu tích này chưa được bảo quản tốt và có hướng bảo tồn động trong cuộc sống đương đại để lưu dấu tích của một thời phát triển xứ Biên Hòa cách đây hơn một thế kỷ.
Trong định hướng phát triển lấy hướng sông làm trục chính, đô thị Biên Hòa sẽ phát triển với tầm vóc của đô thị hiện đại thông minh. Đôi bờ Sông Phố đang được đầu tư chỉnh trang bên cạnh hình thành mạng lưới giao thông với những cây cầu đã, đang được xây dựng. Trên đoạn chính của Sông Phố - cầu Rạch Cát, cầu Gành trở thành điểm giữa so với hai cây cầu xây dựng trong thế kỷ XX: cầu Mới và cầu Đồng Nai. Trên hai nhánh sông ôm trọn cù lao Phố có các cây cầu: cầu Hiệp Hòa nối nhánh sông Rạch Cát từ P.Thống Nhất đến ngã tư chợ Hiệp Hòa (năm 2012); cầu Bửu Hòa nối cù lao Phố và P.Bửu Hòa (năm 2013); cầu An Hảo vượt nhánh sông Cái, nối cù lao Phố với P.An Bình theo hướng ngã tư Vũng Tàu (năm 2017). Trong quy hoạch, cầu Thống Nhất (dài 528m, rộng 31m) sẽ được xây dựng nối TP.Biên Hòa và cù lao Phố trên tuyến đường kết từ điểm giao đường Võ Thị Sáu (P.Thống Nhất) và nút giao đường Đỗ Văn Thi đến đường Đặng Văn Trơn (P.Hiệp Hòa).
Hai nhánh sông bỗng phân đôi đầu mỏm cù lao Phố đi vào trong thơ ca trữ tình: “Phải giận hờn mà sông chia hai ngả. Đi chưa xa nhung nhớ lại chung dòng” (Xuân Sách) thì hình ảnh cầu Rạch Cát, cầu Gành được ví như là mạch nối yêu thương”.
Phan Đình Dũng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin