Báo Đồng Nai điện tử
En

Biên Hòa - Đồng Nai nhìn từ những đường băng

Mai Sơn
23:07, 05/02/2024

Sân bay Biên Hòa và cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành sẽ góp mặt trên bản đồ hàng không quốc tế với những tiềm năng lớn sẽ được khai thác và phát triển.

Mô hình Sân bay Long Thành
Mô hình Sân bay Long Thành

Từ những đường băng tạo đà cho sự cất cánh của Đồng Nai là những câu chuyện của lịch sử và nhân loại…

* Đường băng làm chứng nhân lịch sử

Sân bay Biên Hòa được thành lập từ năm 1953, hình thành từ lực lượng không lực của Pháp và sau năm 1961 trở thành căn cứ không quân của quân đội Mỹ, được xây dựng thành một sân bay phản lực tinh nhuệ của miền Nam Việt Nam.

Cũng từ đây, sân bay Biên Hòa trở thành nơi lưu trữ và chiết nạp chất da cam chính trên chiến trường miền Nam (được quân đội Mỹ gọi là chất khai quang), trở thành nơi tồn dư chất độc dioxin nhiều nhất thế giới. Công cuộc khắc phục tình trạng nhiễm độc, trả lại tình trạng bình thường cho mỗi khối đất của sân bay Biên Hòa có cái giá hàng triệu USD, thời gian tính bằng nhiều thập niên, đến nay đã hơn 60 năm, cùng với quá trình đấu tranh pháp lý kéo dài, chứa đựng biết bao tình cảm và lương tri nhân loại, cùng khát vọng của người Việt Nam muốn bỏ qua tất cả đau thương, hận thù, hướng tới tương lai.

Sân bay Biên Hòa còn là chứng nhân của những trận đánh lịch sử, mang tầm vóc lớn lao, quyết định cho ngày toàn thắng của dân tộc Việt Nam. Đó là những trận đánh tiêu biểu như: trận pháo kích đêm 30-10-1964, được ví như “Trân Châu cảng thứ hai”; hay trận đánh ngày 9-9-1972 làm nổ tung cả sân bay Biên Hòa của lực lượng đặc công; trận đánh 12 ngày đêm (từ 14 đến 26-4-1975) vô hiệu hóa sân bay Biên Hòa, làm bàn đạp chiến lược cho bộ binh tiến về giải phóng Sài Gòn…

Những chiến công đã lưu danh sử sách, cùng với sự hy sinh của hàng ngàn chiến sĩ đặc công, bộ đội chủ lực miền, dân quân… - mà đến nay vẫn còn rất nhiều chiến sĩ chưa biết tên còn nằm lại nơi đây, chưa được quy tập về nghĩa trang.

Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm liệt sĩ, lễ truy điệu tập thể các chiến sĩ hy sinh đêm 31-1-1968 trong chiến dịch Mậu Thân tại sân bay Biên Hòa đã được tổ chức ngày 12-7-2017. Nhiều cuộc tìm kiếm đã và đang diễn ra, làm cho trang sử của sân bay Biên Hòa chưa thể khép lại. Những hy sinh hết sức thầm lặng, với cuộc đời của những người anh hùng như những trang sách khiêm nhường mà vĩ đại. Các anh vẫn đang chờ được trở về vòng tay người thân và đồng đội, biên niên sử đang đợi những thế hệ tiếp theo xoa dịu những đau thương…

Hiện nay, sân bay Biên Hòa được Trung đoàn Không quân 935 thuộc Sư đoàn 370 quản lý, với những máy bay quân sự luôn sẵn sàng cất cánh. Nhờ Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của nước ta, sân bay Biên Hòa sẽ có tên và mã hiệu trong danh sách sân bay (IATA) của thế giới. Bên cạnh đó, kế hoạch làm sạch dioxin khu vực sân bay Biên Hòa đã được khởi động và bước đầu thu được kết quả khả quan, từng bước “hồi sinh” phần đất rất đặc biệt này của TP.Biên Hòa.

Với hai đường băng hiện hữu, sân bay Biên Hòa vẫn là một phần máu thịt trong cuộc sống của người dân thành phố, với những hình ảnh, âm thanh quen thuộc, và chờ đợi một sự chuyển mình đã được hoạch định rõ rệt…

* Đường băng bay vào tương lai

Sân bay Long Thành được thiết kế hiện đại và đồng bộ theo mức 4F (mức cao nhất), đang bước vào thực hiện giai đoạn 2. Có lẽ không cần phải nhắc lại các thông số kỹ thuật và những tiềm năng về phát triển kinh tế mà sân bay Long Thành mang lại, cho Đồng Nai nói riêng, cho miền Nam cũng như cả nước nói chung. 

Nhìn ở góc độ xã hội, sân bay Long Thành sẽ thay đổi cảnh quan, diện mạo một vùng đất, mở ra hàng loạt các cơ hội phát triển mới, mang đến những giá trị mới gắn với kỷ nguyên số của thời đại 4.0. Đồng Nai sẽ có nhiều chuyển biến nhờ vào sự đầu tư, thiết kế hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông, điện, công nghệ thông tin, logistics…

Một không gian văn hóa mới sẽ mở ra cùng với những đường băng mới. Tuy nhiên, để có sân bay Long Thành, cần có sự “mở đường” của nhiều thế hệ và chúng ta luôn ghi nhớ sự hy sinh của nhân dân xã Suối Trầu, đã nhường cái tên cật ruột, đầy yêu thương, gắn bó cho công trình lớn, mang tầm thế kỷ của quê hương.

Đường băng dẫn đến tương lai còn cần một thế hệ công dân mới, năng động và trí tuệ, thích ứng tốt với nhịp sống mới. Một bối cảnh quốc tế hóa rất cần bản sắc văn hóa dân tộc đậm nét, thân thiện và sâu sắc, cần những con người am hiểu và biết hành động để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa này.

* Những kết nối phi thường

Lịch sử đất nước ta luôn gắn liền với những sự kết nối phi thường, đó là tình đoàn kết vượt qua mọi khó khăn gian khổ; là sự tương thân tương ái, đồng lòng, đồng tâm hướng tới tương lai của nhân dân ta. Thời kỳ đổi mới đã tạo ra những cơ hội vô cùng lớn lao, với sự mở cửa về kinh tế đã mang đến một tinh thần mới, một sức mạnh mới cho con người Việt Nam.

Mong rằng từ bối cảnh chung, những câu chuyện, số phận, cuộc đời… sẽ được khắc họa đậm nét, để những người anh hùng trong công cuộc bảo vệ và xây dựng quê hương, Tổ quốc được sống mãi cùng với khí phách, con người Đồng Nai…

Từ sự định hình và lớn mạnh của sân bay Biên Hòa, sân bay Long Thành cho thấy, thời kỳ đổi mới, phát triển và hội nhập của đất nước ta chỉ có khởi đầu chứ không có kết thúc. Đó là con đường nối dài mãi mãi các giá trị văn hóa của người Việt Nam, vì mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại.

Thượng tá, kỹ sư Trần Văn Dự, nguyên Trợ lý Kỹ thuật của Tiểu đoàn Bảo đảm kỹ thuật hàng không thuộc Trung đoàn Không quân 935 chia sẻ: Anh thuộc thế hệ 7X, được đào tạo kỹ thuật hàng không ở Nga. Trong điều kiện khó khăn chung không thể mua toàn bộ thiết bị của máy bay
Su-30MK2, đơn vị của anh đã mày mò chế tạo các thiết bị thay thế và đã thành công. Anh cho rằng: “Câu chuyện đã qua gần 10 năm, sân bay Biên Hòa đang đứng trước những cơ hội mới, nhưng nhìn lại bài học sự nỗ lực của không quân Việt Nam mới thấy quý giá biết chừng nào…”. Tuy nhiên, các công trình khoa học này hầu như không được phổ biến, một phần vì nguyên tắc quân sự, một phần vì không có nhiều người am hiểu để có thể mô tả và giới thiệu.

Sự kết nối lịch sử và tương lai còn cần lắm các công trình nghiên cứu văn hóa, lịch sử, các tác phẩm văn học nghệ thuật để ghi lại tình cảm, cảm xúc và ước vọng, khảm khắc những câu chuyện, những đường nét, hình bóng không thể nào quên được vào lòng người.

Những đường băng vượt qua đau thương mất mát của chiến tranh, và những đường băng kiến tạo đường bay khoáng đạt vào tương lai có lẽ đã đi sâu vào tiềm thức, vào tình yêu và đời sống thường ngày của người dân Đồng Nai. Mong rằng từ đó sẽ nuôi dưỡng và định hình những tác phẩm lớn, xứng đáng với những hy sinh, nỗ lực của quá khứ, mang tầm nhìn mới mẻ, kỳ vĩ.

Mai Sơn

Tin xem nhiều