Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ngày 17-3-2023 đã ký Quyết định số 252/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đến năm 2045. Điều này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển tỉnh.
Di tích Thành Kèn Biên Hòa. Ảnh: Trần Hữu Cường |
Quy hoạch thành phố sẽ tác động đến sự phát triển của tất cả các lĩnh vực, trong đó có văn hóa. Vì văn hóa vốn là lĩnh vực vừa có tính bao trùm, vừa liên quan trực tiếp và gián tiếp đến tất cả các lĩnh vực của xã hội, nên khi xem xét bất kỳ một quy hoạch nào cũng cần tính toán đến yếu tố văn hóa.
* Yếu tố văn hóa phải được đánh giá đầy đủ trong quy hoạch
Văn hóa định hình trong không gian cụ thể, có tính đặc trưng và đan xen trong dòng chảy lịch sử. Yếu tố văn hóa ở vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai là sự giao lưu tiếp biến và hòa hợp từ văn hóa cổ - văn hóa Óc Eo - văn hóa Chăm Pa đến văn hóa Đại Việt tạo thành một phức hệ văn hóa Đồng Nai, mà những di chỉ khảo cổ Bình Đa, Long Hưng, Gò Me, Tân Lại; những di tích đình chùa, miếu mạo, nhà cổ, mộ táng, danh lam thắng cảnh… phân bố đậm đặc ở thành phố là những minh chứng rõ nét nhất. Ngoài ra, những di sản văn hóa phi vật thể lễ hội truyền thống, thơ ca, hò vè, đờn ca tài tử, bóng rỗi - địa nàng, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống cũng là sản phẩm văn hóa đặc trưng của vùng đất này.
Trong Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung TP.Biên Hòa đến năm 2045 đã nêu quan điểm về văn hóa “Tôn trọng, bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố. Khai thác hiệu quả điều kiện tự nhiên, hệ sinh thái đặc trưng của TP.Biên Hòa để phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu”. Đây thực sự là quan điểm xuất phát từ văn hóa, gắn bó với sự phát triển văn hóa và xem văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, trong các chỉ tiêu, mục tiêu cụ thể đến năm 2045 cho thấy có một sự hẫng hụt cảm xúc khi chỉ tiêu về văn hóa chỉ duy nhất có một dòng trong hạ tầng xã hội “văn hóa cấp đô thị: 14-16 cơ sở, 0,5-2,5ha/cơ sở” là mang tính định lượng; trong khi đó lĩnh vực văn hóa còn rất nhiều chỉ tiêu định lượng khác cần cập nhật như: thiết chế văn hóa, di sản văn hóa, công nghiệp văn hóa, đầu tư cho văn hóa... Như vốn mặc định cứ văn hóa thì là định tính, thì rõ ràng việc không có chỉ tiêu định lượng khiến lĩnh vực văn hóa khó được quan tâm cụ thể, khó có thể huy động nguồn lực đối với những dự án, công trình quan trọng, tạo dấu ấn cho sự phát triển văn hóa thành phố nói chung, tỉnh Đồng Nai nói riêng.
Để văn hóa được đặt ngang hàng và phát triển hài hòa với kinh tế, chính trị, xã hội của địa phương, việc đặt yếu tố văn hóa vào trong Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đến năm 2045 là hết sức cần thiết. Chúng ta hy vọng rằng, khi thực hiện quy hoạch quan trọng này, giá trị văn hóa sẽ góp phần phát huy tối đa lợi thế của thành phố loại I và văn hóa trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển bền vững của một đô thị thông minh trong tương lai. |
Thực ra, văn hóa là lĩnh vực thuộc đời sống tinh thần nên việc định lượng gặp nhiều khó khăn, nhưng không có nghĩa là không thể định lượng được, đặc biệt là trong một quy hoạch quan trọng như thế này. Năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 92/KH-UBND thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Ở đó, nhiều chỉ tiêu cụ thể đã được đặt ra, có thể nghiên cứu, vận dụng, bổ sung dữ liệu cho đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố, để làm căn cứ cho sự đánh giá sau này.
Khi tìm hiểu Đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đến năm 2045 đang lấy ý kiến cộng đồng dân cư, nhận thấy không gian phát triển Biên Hòa phân bố theo 3 vùng: khu thành phố phía Bắc, khu thành phố trung tâm và khu thành phố phía Nam.
Trong đó, khu thành phố phía Bắc duy trì và cải tạo khu vực hiện hữu, phát triển đô thị mới khu vực cù lao Hiệp Hòa và khu vực phía Tây sông Đồng Nai tăng cường liên kết với khu vực hiện hữu, phát huy lịch sử văn hóa của khu vực, hình thành hạt nhân xanh và phát huy không gian ven sông Đồng Nai hình thành không gian biểu tượng cho thành phố. Thực tế, khu vực này tập trung nhiều di sản và thiết chế văn hóa lớn, nhưng chưa được quy hoạch tổng thể hay chi tiết bảo tồn và phát huy, phát triển du lịch; nhiều không gian di tích nhỏ hẹp chưa xứng tầm với giá trị lịch sử - văn hóa vốn có và quy mô các sinh hoạt văn hóa. Như trường hợp không gian các di tích Văn miếu Trấn Biên, Danh thắng Bửu Long, chùa Bửu Phong và miếu Tổ Sư nằm gần nhau, nhưng chưa được xây dựng quy hoạch tích hợp gồm nội dung đô thị, di tích và du lịch. Trường hợp không gian chùa Ông ở P.Hiệp Hòa là quá nhỏ so với quy mô lễ hội thường niên, không thể khai thác các dịch vụ văn hóa, đường giao thông dẫn vào di tích thì nhỏ hẹp là nguyên nhân hạn chế hoạt động tham quan du lịch.
* Đồ án cần có những đề xuất cụ thể về văn hóa và di sản
Chúng ta cần phân tích, đánh giá được quy mô của yếu tố văn hóa trong phát triển không gian đô thị lịch sử, đô thị mới; xác định cho được hệ giá trị văn hóa để đưa ra những tiêu chí định lượng phù hợp quy hoạch; xây dựng quy hoạch các di sản văn hóa nằm trong xây dựng quy hoạch đô thị theo hướng vừa bảo tồn vừa phát triển được du lịch, để xây dựng đô thị không ảnh hưởng tiêu cực tới không gian di sản văn hóa. Phương án đề xuất là tích hợp giữa quy hoạch đất đai, dân cư hiện hữu với quy hoạch di sản, quy hoạch du lịch và quy hoạch cơ sở hạ tầng.
Đối với quy hoạch phát triển không gian ven sông Đồng Nai phải đưa ra được những giải pháp cụ thể như: xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông dọc bờ sông kết hợp các công trình văn hóa công cộng mang tính biểu trưng; xây dựng phát triển tuyến du lịch đường sông Đồng Nai gắn với các di sản văn hóa độc đáo hai bên bờ; tạo dựng một số dịch vụ văn hóa mang đặc trưng của địa phương.
Trong đồ án quy hoạch cần đặt các yếu tố văn hóa trong mối liên kết giữa không gian TP.Biên Hòa với các đô thị, khu vực phát triển đô thị lân cận Thủ Đức (TP.HCM), Tân Uyên, Dĩ An (tỉnh Bình Dương), Phú Mỹ, Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và Nhơn Trạch, Trảng Bom, Long Thành (tỉnh Đồng Nai); đồng thời phân tích rõ mối liên hệ và hợp tác phát triển văn hóa, du lịch giữa TP.Biên Hòa và các huyện, tỉnh xung quanh, tạo sự phát triển vùng văn hóa.
Nam Nguyễn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin