Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, báo chí đóng vai trò ngày càng quan trọng. Để đáp ứng được nhu cầu tiếp nhận thông tin của bạn đọc, đội ngũ phóng viên phải không ngừng tự học, trau dồi kiến thức, kỹ năng…
Các phóng viên tác nghiệp tại sự kiện lãnh đạo tỉnh Đồng Nai gặp mặt các cơ quan báo chí đầu năm 2024. Ảnh: H.Yến |
Không chỉ trang bị kiến thức nền, cập nhật công nghệ, kỹ thuật mà những người làm báo cũng cần làm giàu vốn sống, “phông” văn hóa để ngày càng chuẩn mực, tiên phong.
* Những phóng viên đa năng
Phóng viên Nguyễn Hoàng Hải (bút danh Hải Quân), Ban Kinh tế Báo Đồng Nai là phóng viên trẻ, đa năng. Bên cạnh đưa tin, viết bài theo lĩnh vực được phân công, anh Hoàng Hải còn thường xuyên tham gia thiết kế minh họa cho các bài viết bằng các đồ họa, thực hiện megastory, triển khai các chùm ảnh, phóng sự ảnh… trên cả báo in và báo điện tử. Đây là điều mà không nhiều phóng viên của báo làm được.
Để được điều đó, phóng viên Hoàng Hải đã chủ động tự tìm tòi những cách thức trình bày mới, hiện đại thông qua việc đọc và tham khảo các hình thức trình bày mới, đa phương tiện trên nhiều tờ báo như: Nhân Dân, VietnamPlus, VnExpress, Tuổi Trẻ, Thanh Niên… Trên cơ sở đó, anh sáng tạo thêm, lựa chọn cách thức trình bày, thiết kế phù hợp với nền tảng hiện có của báo mình.
Phóng viên trẻ này cũng được Ban biên tập, ban chuyên môn của Báo Đồng Nai thường xuyên cử đi học tập, tham dự các lớp bồi dưỡng, đào tạo về báo chí đa phương tiện. Các khóa đào tạo này đã giúp ích cho anh khá nhiều trong việc tiếp cận các loại hình báo chí hiện đại, đa phương tiện, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chuyên môn, sản xuất tin bài.
“Tôi còn dành thời gian để tham khảo cách trình bày mới, ngôn ngữ, màu sắc thiết kế, bố cục ảnh… thông qua mạng xã hội, các khóa học trực tuyến. Đồng thời, học hỏi kinh nghiệm từ những phóng viên đi trước và các phóng viên thường trú trên địa bàn”- anh Hoàng Hải chia sẻ.
Chị Lê Xuân là phóng viên thường trú của Thông tấn xã Việt Nam tại Đồng Nai. Với đặc thù phóng viên thường trú, chị hầu như phải bao quát mọi lĩnh vực của tỉnh, sản xuất đa dạng các loại hình báo chí (báo in, phát thanh, truyền hình) để đáp ứng nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền.
Để có thể thực hiện tốt 3 loại hình báo chí, làm việc được trên đa nền tảng, chị Lê Xuân đã phải rất nỗ lực. Trước hết là việc sử dụng nhuần nhuyễn những kỹ năng về kỹ thuật cần thiết trong làm báo như: chụp ảnh, quay phim; sử dụng cả các nền tảng báo chí truyền thống, công nghệ thông tin, internet và mạng xã hội… để thu thập tư liệu, phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền.
Theo chị Lê Xuân, yêu cầu đối với người phóng viên thường trú tại địa phương của Thông tấn xã Việt Nam là phải đảm bảo nhanh, chính xác và nhiều thông tin trong bài viết. Để có thể làm được điều đó, chị phải tự trang bị kiến thức thông qua việc đọc sách, tham khảo những bài viết, những ý kiến của chuyên gia phát biểu trong các cuộc họp bàn về lĩnh vực bản thân đang theo dõi. “Tôi phải thường xuyên đi cơ sở, tham gia các hoạt động thực tế để thu thập được thông tin chính xác cũng như có được những trải nghiệm thực tế để viết bài”- chị Xuân cho biết.
Cùng với đó, nữ phóng viên này cố gắng xây dựng mạng lưới nguồn tin rộng rãi. Mạng lưới nguồn tin bao gồm các chuyên gia, nhà quản lý, cán bộ, người dân... Việc xây dựng mạng lưới nguồn tin giúp chị có được thông tin chính xác, cập nhật và đa chiều.
Trước khi bắt đầu làm việc, chị Xuân luôn phân tích thông tin, xác định đâu là điểm chính của vấn đề, lựa chọn góc nhìn và câu chuyện để tập trung phản ánh. Quá trình tác nghiệp, chị tiếp cận mọi đối tượng có liên quan đến vấn đề mình lựa chọn để thu thập thông tin. Sau đó dùng tư duy logic để xâu chuỗi sự việc và triển khai vấn đề và truyền tải thông điệp một cách rõ ràng, khách quan.
Nhà báo VĂN PHONG, Trưởng văn phòng đại diện Báo Sài Gòn giải phóng khu vực Đông Nam Bộ cho biết, các phóng viên trẻ hiện nay rất đa năng, sử thành thạo công nghệ thông tin, tận dụng tốt mạng xã hội để khai thác đề tài. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ còn hạn chế về nền tảng kiến thức và văn hóa; tác phong, hành vi ứng xử, lối sống đôi khi chưa chuẩn mực nên cần phải uốn nắn, rèn luyện thêm. Để làm được điều này không có cách nào khác là phóng viên phải có ý thức tự học, đọc nhiều để nắm bắt thông tin, tìm hiểu đề tài; học cách viết của đồng nghiệp để vận dụng vào triển khai các đề tài trên báo mình…
* Ý thức tự học
Đồng Nai là địa phương phát triển sôi động và hiện đang có rất nhiều công trình, dự án quy mô lớn. Vì vậy, lĩnh vực kinh tế, hạ tầng được các báo thường trú tập trung khai thác nhiều nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của bạn đọc. Những vấn đề về văn hóa - xã hội dường như còn ít được khai thác, thông tin.
Nhà báo Văn Phong, Trưởng văn phòng đại diện Báo Sài Gòn giải phóng khu vực Đông Nam Bộ cho rằng, thực tế này cũng là điều dễ hiểu. Bởi để thực hiện được các tuyến bài về văn hóa đòi hỏi phóng viên, nhà báo phải có hiểu biết, vốn sống, chiều sâu nhất định về văn hóa; đồng thời phải có tư duy đề tài phù hợp với bối cảnh thời sự.
Theo nhà báo Văn Phong, văn hóa là một lĩnh vực rộng, nhiều đề tài nhưng cốt lõi vẫn là giáo dục. Báo chí phải dành hàm lượng thích đáng cho tuyên truyền các vấn đề văn hóa, giáo dục để góp phần phát triển văn hóa. Trong thời gian tới, cá nhân anh sẽ chỉ đạo phóng viên làm những vệt bài về phát huy vốn quý của văn hóa, con người Đồng Nai trong đời sống hiện nay. Qua đó, góp phần phát huy được các tinh hoa văn hóa của đất và người Đồng Nai trong xã hội hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế.
Nhà báo Phương Hằng phụ trách mảng xây dựng Đảng trên Báo Đồng Nai. Đây là lĩnh vực được bạn đọc, cán bộ và đảng viên quan tâm. Vì vậy, dù công tác lâu năm ở một lĩnh vực nhưng không vì vậy mà chị Phương Hằng chủ quan, sao nhãng việc tự học.
Phóng viên này luôn tự trang bị cho mình những kiến thức về công tác xây dựng Đảng; chịu khó nghiên cứu những chỉ thị, nghị quyết mới được ban hành của Đảng để kịp thời nắm bắt các chủ trương, đường lối. Nhờ vậy, chị luôn tuyên truyền đúng, trúng vấn đề. Bên cạnh đó, chị cũng bám sát những chỉ đạo, triển khai kế hoạch thực hiện nghị quyết của Tỉnh ủy, các cấp ủy; nắm sát các vấn đề tình hình trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền đúng.
“Thời gian qua, Đồng Nai triển khai rất nhiều công trình, dự án trọng điểm cấp quốc gia và của tỉnh. Trong quá trình thực hiện các dự án không tránh khỏi phát sinh nhiều vướng mắc liên quan đến vấn đến giải tỏa, đền bù, tái định cư. Lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp đối thoại với nhân dân, giải quyết thấu đáo các vấn đề vướng mắc. Báo chí đã góp phần truyền tải các chủ trương, chính sách của Đảng; nỗ lực của chính quyền. Từ đó, hóa giải được những phát sinh phức tạp, không để trở thành điểm nóng trên địa bàn tỉnh”- chị Phương Hằng nói.
Hải Yến
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin