Báo Đồng Nai điện tử
En

Có nên giới hạn nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện giao thông?

Kim Liễu
07:49, 03/03/2024

Mấy tuần nay, thông tin Bộ Y tế triển khai lấy ý kiến chuyên gia, đơn vị y tế về vấn đề nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển các phương tiện giao thông được dư luận rất quan tâm.

Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn tài xế trên các tuyến đường nội thành Biên Hòa vào ban đêm. Ảnh: Đ.Tùng
Lực lượng Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn tài xế trên các tuyến đường nội thành Biên Hòa vào ban đêm. Ảnh: Đ.Tùng

Nhiều ý kiến nhất trí ủng hộ việc xử lý vi phạm hành chính đối với người có nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông vì việc này đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực cho xã hội. Tuy vậy, để việc xử lý vi phạm về nồng độ cồn công bằng, thuyết phục người dân đề nghị cần phải có quy định rõ ràng về giới hạn nồng độ cồn. Giới hạn này dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học của cơ quan chuyên môn đảm bảo tính phù hợp, thực tế.

* Xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn tạo nhiều chuyển biến tích

Việc kiểm soát, xử lý người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn đang được lực lượng chức năng trong tỉnh triển khai quyết liệt với tinh thần: “Không có vùng cấm, không ngoại lệ, không ngày nghỉ”.

Dù chưa có con số thống kê, phân tích cụ thể nhưng có thể khẳng định, việc xử lý nghiêm vi phạm nồng độ cồn khiến số người điều khiển phương tiện tham gia giao thông có sử dụng rượu, bia giảm rõ rệt. Hạn chế được người điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia sẽ góp phần đáng kể trong việc kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) ở cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương.

Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh Hồ Văn Hải cho hay, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận từ 170-180 ca cấp cứu (các bệnh như: nhồi máu cơ tim, đột quỵ não, TNGT…). So với những năm trước, số ca cấp cứu do TNGT có giảm và phần lớn bệnh không quá nặng, được điều trị ngay tại bệnh viện. Một trong những nguyên nhân dẫn đến điều này là do cơ quan chức năng thực hiện nghiêm kiểm tra và xử lý vi phạm nồng độ cồn. Do vậy, nhiều người dân đã chấp hành nghiêm quy định đã lái xe thì không uống rượu, bia.

Ông ĐỒNG ĐẠI THÀNH (ngụ phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa) nêu quan điểm: “Mức độ tăng nặng của hình phạt không mang tính quyết định mà ở việc thực thi pháp luật. Để quy định pháp luật có hiệu quả cần kết hợp chặt chẽ giữa chế tài đủ mạnh và thực thi đủ nghiêm túc, minh bạch”.

“Thông tin xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nồng độ cồn được báo chí trong tỉnh đưa tin liên tiếp đã tác động mạnh đến thói quen sử dụng rượu, bia của nhiều người. Lực lượng chức năng kiểm tra gắt gao, bất kể ngày lễ, Tết, ai vi phạm cũng xử lý nghiêm không có chuyện xin cho qua… Điều này đã tạo tác động tích cực, giúp phòng ngừa từ xa các vụ TNGT xuất phát từ việc điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia. Thực tế, nhiều người không dám lái xe sau khi đã có hơi men” - ông Nguyễn Xuân Anh (ngụ xã sông Thao, H.Thống Nhất) chia sẻ.

Theo ông Xuân Anh, việc cơ quan chức năng xử lý nghiêm vi phạm về nồng độ cồn không chỉ dừng lại ở việc hạn chế TNGT mà giúp thay đổi thói quen cứ gặp nhau là mời bia, rượu của nhiều người. Với quy định và xử phạt vi phạm giao thông gắt gao như hiện nay, mỗi người tự biết chấp hành, từ chối một cuộc nhậu có lý do chính đáng. Ngoài ra, giảm uống rượu, bia cũng sẽ hạn chế các tệ nạn bạo lực gia đình, ẩu đả do mâu thuẫn phát sinh trong cuộc nhậu…

* Quy định cần hài hòa, phù hợp thực tế

Chính những chuyển biến tích cực nêu trên, việc xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn đã nhận được sự đồng tình của dư luận. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cần phải có quy định rõ ràng về giới hạn nồng độ cồn để việc xử lý vi phạm về nồng độ cồn công bằng, thuyết phục.

Ngày 14-2, Bộ Y tế có công văn gửi các chuyên gia, một số đơn vị chuyên khoa nghiên cứu, cho ý kiến đề xuất về vấn đề nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở của người điều khiển các phương tiện giao thông. Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, cần xử lý hình sự tài xế có nồng độ cồn mức cao dù chưa gây hậu quả. Vấn đề này đang được người dân bàn luận rất nhiều.

Ông Nguyễn Bảo Quốc (ngụ phường Thống Nhất, thành phố Biên Hòa) cho rằng, việc xử phạt nghiêm những trường hợp lái xe có sử dụng rượu, bia là đúng bởi tính mạng con người là trên hết. Thế nhưng, cần phải có quy định rõ ràng về giới hạn nồng độ cồn chứ không nên hễ có hơi men là phạt. Vì có trường hợp không sử dụng rượu, bia như ăn những loại trái cây chín có lên men; trường hợp uống rượu, bia từ tối hôm trước nhưng sáng hôm bị kiểm tra nồng độ cồn vẫn dương tính hoặc chỉ uống một, hai chai bia nhưng vẫn tỉnh táo... “Do vậy cần có quy định rõ ràng hơn về nồng độ cồn để làm căn cứ xử phạt phù hợp” - ông Quốc nói.

Tương tự, ông Đồng Đại Thành (ngụ phường Long Bình Tân, thành phố Biên Hòa) cũng cho rằng, đề xuất xử lý hình sự tài xế có nồng độ cồn mức cao dù chưa gây hậu quả là chưa phù hợp bởi đưa một người vào tù vì một hậu quả chưa xảy ra là quá nặng. Pháp luật đã quy định có nồng độ cồn sẽ là tình tiết tăng nặng khi phạm tội. Vậy nên nếu muốn có hình phạt bổ sung cho việc vi phạm nồng độ cồn khi chưa có hậu quả thì nên áp dụng những hình thức nhân văn, có tính giáo dục hơn, chẳng hạn như phạt lao động công ích. Thực tế chính việc xử lý quyết liệt của lực lượng chức năng đối với vi phạm nồng độ cồn đã mang lại những chuyển biến tích cực. Điều này cho thấy, để quy định pháp luật có hiệu quả thì ngoài chế tài đủ mạnh cần thực thi đủ nghiêm túc, minh bạch.

Kim Liễu

 

Tin xem nhiều