Báo Đồng Nai điện tử
En

Giang Tô 40 năm phát triển

Nguyễn Sơn Hùng
20:47, 15/03/2024

Giang Tô là một tỉnh ven biển phía đông Trung Quốc. Nơi đây được biết đến qua câu nói nổi tiếng: “Thượng hữu thiên đường, hạ hữu Tô Hàng” (tạm diễn nghĩa: Thượng giới có Thiên đường, hạ giới có Tô Châu, Hàng Châu). Không chỉ gìn giữ được vẻ đẹp cổ kính, vùng đất này còn là nơi phát triển kinh tế sôi động. Điều này khiến Giang Tô vừa cổ kính, vừa hiện đại…

Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai thăm, làm việc với lãnh đạo tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) tháng 12-2023.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai thăm, làm việc với lãnh đạo tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) tháng 12-2023.

Giang Tô có thủ phủ là Nam Kinh, diện tích 102 ngàn km²; phía Bắc giáp Sơn Đông; phía Tây giáp An Huy, phía Nam giáp Chiết Giang và Thượng Hải.

* Giang Tô - từ cổ kính đến hiện đại

Một đặc điểm độc đáo của Giang Tô là nơi đây nằm ở vùng chuyển giao giữa miền Bắc và miền Nam Trung Quốc. Khí hậu và thảm thực vật mang cả đặc điểm của phương Bắc và phương Nam. Điều đó góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh này.

Gần đây, Giang Tô là vùng trọng yếu tại Trung Quốc với các ngành: điện tử, dệt may, hóa dầu, vật liệu xây dựng... Giang Tô có nhiều tài nguyên: than đá, dầu mỏ, khí thiên nhiên nhưng quan trọng nhất là thạch diêm, lưu huỳnh, phốt pho và đá hoa. Các mỏ muối tại Hoài Âm (quê Hàn Tín - một danh tướng thời Hán Cao Tổ), có trữ lượng khoảng 0,4 ngàn tỷ tấn và là một trong những khu vực có trữ lượng lớn nhất Trung Quốc.

Theo số liệu năm 2018, Giang Tô là tỉnh đông dân thứ năm (80,4 triệu người), đứng thứ hai về kinh tế Trung Quốc đại lục (sau Bắc Kinh), đứng thứ tư toàn quốc (sau Ma Cao, Hồng Kông, Bắc Kinh), GDP đạt 9,29 ngàn tỷ nhân dân tệ (tương đương 1,4 ngàn tỷ USD, tương đương với Úc). GDP bình quân đầu người là 115.768 nhân dân tệ, khoảng 17.438 USD.

Giang Tô có mạng lưới giao thông đa dạng gồm cả đường thủy, đường sắt, đường không, đường bộ. Đại bộ phận các đô thị Giang Tô nhờ ưu thế giao thông đường thủy mà phát triển phồn vinh. Hệ thống cảng Tô Châu (gồm: Thái Thương, Thường Thục và Trương Gia Cảng) là cảng lớn nhất Giang Tô và cũng là đường sông lớn nhất Trung Quốc. Năm 2011, Giang Tô có hơn 2,3 ngàn km đường sắt. Đoạn Nam Kinh - Thượng Hải của đường sắt Kinh - Hổ vào lúc cao điểm cứ mỗi 5 phút có 1 chuyến tàu. Cách đây gần 15 năm, ngày 28-9-2009, cầu đường sắt vượt Trường Giang thứ 2 ở Giang Tô đã hợp long.

Giang Tô có hơn 152 ngàn km đường bộ (mật độ 148km/100km²), trong đó có hơn 4,1 ngàn km đường cao tốc (mật độ 4,02km/100km2), đứng thứ năm cả nước, đứng đầu các tỉnh và khu tự trị Trung Quốc. Đó là số liệu cách đây trên 10 năm. Về đường không, cũng cách đây 10 năm, Giang Tô có 185 chuyến bay quốc nội và 39 tuyến bay quốc tế. Có thể kể đến là sân bay quốc tế Lộc Khẩu, Nam Kinh. Do nằm ở hạ lưu Trường Giang, con sông lớn đổ ra biển nên Giang Tô có những cây cầu lớn từ Tây sang Đông vượt Trường Giang.

Trường Giang chảy qua Giang Tô dài 425km và diện tích mặt hồ là hơn 6,8 ngàn km2. Có lẽ vì thế, từ năm 1915, Trường Kỹ thuật Hà Hải được thành lập tại Nam Kinh, đến năm 1952 là Viện Thủy lợi Hoa Đông. Năm 1985, được đặt tên Đại học Hà Hải. Một trong những đóng góp lớn của trường là có dự án chuyển nước từ Nam ra Bắc. Trường tập trung vào các lĩnh vực: chế tạo thông minh, trí tuệ nhân tạo, năng lượng mới, vật liệu mới và các lĩnh vực khác để trở thành trung tâm giáo dục và khoa học tài nguyên nước toàn cầu, trung tâm nhân tài, trung tâm sáng tạo của các ngành công nghiệp mới và phát triển xanh.

Người Trung Quốc có câu “Thượng hữu thiên đường, hạ hữu Tô Hàng” (tạm diễn nghĩa: Thượng giới có Thiên đường, hạ giới có Tô Châu, Hàng Châu) để diễn tả nét đẹp của Giang Tô. Vẻ đẹp ấy được giữ lại cho đến ngày nay. Đồng thời, sự phát triển kinh tế vượt bậc trong thời gian qua đã biến Giang Tô thành vùng đất vừa cổ kính vừa hiện đại. Trong đó, sự cổ kính với bề dày văn hóa truyền thống làm nền tảng, trở thành bệ phóng để Giang Tô phát triển, hưng thịnh.

* Đồng Nai - Giang Tô, gần hơn sau 4 giờ bay

Từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đến sân bay quốc tế Phố Đông, Thượng Hải để về Nam Kinh, Giang Tô mất khoảng 4 giờ bay.

Từ năm 1995, chính quyền tỉnh Đồng Nai và Giang Tô đã ký kết hợp tác trên các lĩnh vực: kinh tế, mậu dịch, khoa học kỹ thuật, y tế, giáo dục - đào tạo, thể dục - thể thao… theo nguyên tắc hữu nghị, bình đẳng, cùng có lợi. Năm 2010, hai bên tiếp tục ký kết “thỏa thuận về tăng cường giao lưu và hợp tác” dựa trên nguyên tắc cùng có lợi trên các lĩnh vực ưu tiên.

Giang Tô được mệnh danh là “ngư mễ chi hương” (vùng đất của cá và gạo, vùng đất giàu có). Và cũng mệnh danh là “thủ đô rượu trắng” với phương pháp chưng cất rượu truyền thống kết hợp với chưng cất hiện nay, rượu trắng Giang Tô có các danh hiệu nổi tiếng.

Tháng 12-2023, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân đã có chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam. Trong khuôn khổ chuyến thăm này, hai bên đã nhất trí xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại.

Tiếp nối hoạt động hợp tác của 2 nước, lãnh đạo 2 địa phương Đồng Nai và Giang Tô đã có cuộc gặp ngay sau chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Việt Nam. Theo đó, ngày 18-12-2023, tại thành phố Nam Kinh, Bí thư Tỉnh ủy Giang Tô Tín Trường Tinh đã hội kiến với Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường và đoàn đại biểu tỉnh Đồng Nai.

Ông Tín Trường Tinh cho rằng, việc 2 nước ra tuyên bố chung cùng xây dựng “Cộng đồng chia sẻ tương lai” đã mở ra cục diện mới trong phương hướng tăng cường giao lưu hợp tác ở cấp tỉnh. Giang Tô có mối quan hệ 25 năm ký kết hữu nghị với Đồng Nai, quan hệ giao lưu hợp tác 2 tỉnh không ngừng đi vào chiều sâu và triển vọng hợp tác vô cùng lớn. Với điểm khởi đầu mới, Giang Tô muốn cùng Đồng Nai tiếp tục triển khai hợp tác trên các lĩnh vực: kinh tế, thương mại, năng lượng, nhân văn… cả về chiều rộng lẫn chiều sâu; nâng cao hơn nữa đời sống người dân 2 tỉnh, góp phần vào công cuộc xây dựng cộng đồng chung chia sẻ tương lai Trung Quốc - Việt Nam.

Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai Quản Minh Cường cho biết, tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc rất sâu đậm, quan hệ Đồng Nai - Giang Tô rất mật thiết. Hy vọng 2 tỉnh có thể phát huy hơn nữa thế mạnh của mỗi tỉnh, tăng cường giao lưu học hỏi lẫn nhau, thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị lên một tầm cao mới, nâng cao phúc lợi của nhân dân 2 tỉnh.

Đồng Nai - Giang Tô vì thế gần hơn sau 4 giờ bay.

Nguyễn Sơn Hùng

Tin xem nhiều