Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhà khoa học Việt kiều Đỗ Tấn Sĩ nặng lòng với quê hương

Bùi Thuận
09:10, 09/03/2024

Trước Tết Nguyên đán 2024, gia đình của bà Đỗ Quyên, họa sĩ trình bày của Báo Đồng Nai nhận được lời nhắn liên quan đến người chú ruột: “Vô cùng thương tiếc báo tin: Monsieur Đỗ Tấn Sĩ sinh ngày 17-12-1942 tại Biên Hòa, đã từ trần ngày 20-1-2024 tại Bruxelles”...

Di ảnh tiến sĩ Đỗ Tấn Sĩ

Cụ Đỗ Tấn Sĩ, nguyên Chủ tịch Hội Sinh viên Việt kiều yêu nước tại Bruxelles, nguyên Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài tại Thành phố Hồ Chí Minh. Tiến sĩ Đỗ Tấn Sĩ còn là trợ giảng của Đại học quốc gia Mons (vương quốc Bỉ) về vật lý hạt nhân và đặc biệt nổi tiếng trong giới khoa học thế giới với nhiều công trình nghiên cứu.

* Cháu ông Cai, con trai ông Quận

Gia tộc của Đỗ Tấn Sĩ thuộc vào hàng danh gia ở đất Biên Hòa. Ông nội của cụ Đỗ Tấn Sĩ là cụ Đỗ Hữu Tính (1880-1956) là Cai tổng Phước Vinh Thượng, là người khởi xướng và vận động xây dựng đình Phước Lư, Tân Lân, chùa Đại Phước và dùng chính ngôi từ đường của mình che giấu cán bộ cách mạng. Cha của cụ Đỗ Tấn Sĩ là cụ Đỗ Hữu Quờn là Quận trưởng Bà Rá, Quận phó Công Thanh (nay là huyện Vĩnh Cửu ); là cánh tay mặt của Tỉnh trưởng Biên Hòa Nguyễn Hữu Hậu.

Mẹ của cụ Đỗ Tấn Sĩ là bà Nguyễn Thị Mỹ, là cơ sở mật trong nội thành của tổ chức quân báo thuộc Chi đội 10. Với vỏ bọc là cô giáo, lại là “bà Quận”, bà Mỹ dùng chiếc xe traction bảng số CT.604 ngang nhiên tiếp tế các mặt hàng quốc cấm vào chiến khu. Anh trai thứ tư của Đỗ Tấn Sĩ là Đỗ Bá Nghiệp khi đang học Trường Nguyễn Du đã bỏ nhà trốn vào chiến khu, theo cách mạng…

Sinh ra trong gia đình khá đặc biệt, “cậu Bảy” Đỗ Tấn Sĩ học rất giỏi, được cho lên Sài Gòn học Trường Pétrus Ký đậu tú tài đôi năm 1962, lên Đà Lạt vào học Trường đại học Khoa học, lấy bằng cử nhân Toán loại xuất sắc năm 1965 và được nhận học bổng du học.

Vào thời điểm bấy giờ, chiến sự ở miền Nam Việt Nam mở rộng, chính quyền Sài Gòn đã ban bố lệnh động viên nhưng vẫn hé chừa cánh cửa khá hẹp cho con của giới thượng lưu, quyền thế thoát được nạn quân dịch là du học tự túc. Thế nhưng, năm 1965, nghe bài diễn văn của Tổng thống Pháp có nội dung phê phán chính sách can thiệp của Mỹ vào Đông Dương, tướng Nguyễn Cao Kỳ, Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương của chính quyền quân sự Sài Gòn lệnh cắt quan hệ ngoại giao với Pháp. Vậy nên việc du học bên Pháp phải chuyển sang Bỉ... Đỗ Tấn Sĩ là một trong số ít du học bằng học bổng quốc gia và đã chọn theo học một ngành còn rất xa lạ với nhiều người thời bấy giờ là vật lý hạt nhân.

Cụ vẫn chăm chỉ, miệt mài ở thư viện, giảng đường Đại học Bruxelles như thuở còn là sinh viên ở Đà Lạt. Đến năm 1966, trong lần tham dự buổi diễn thuyết và tranh luận về vấn đề xâm lược của Mỹ ở Việt Nam do Hội Liên hiệp sinh viên Việt Nam tại Pháp tổ chức ở Bruxelles, cụ Đỗ Tấn Sĩ nhận thức được tình hình đất nước, quyết định chọn con đường đứng cùng những người Việt Nam đang dấn thân đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc ở quê nhà.

* Dấn thân từ nơi xa Tổ quốc

…Cụ Đỗ Tấn Sĩ tình nguyện làm nhiệm vụ phát hành báo của Hội Liên hiệp sinh viên Việt Nam tại Pháp cho sinh viên Việt Nam tại Bỉ, qua đó cụ nhận thấy trong số hàng trăm sinh viên Việt Nam đang du học tại Bỉ có sự phân hóa khá rõ rệt: Nhóm sinh viên thuộc thành phần quyền cao chức trọng trong “chính thể Cộng hòa” hăng hái chống Cộng; nhóm đa số thuộc thành phần gia đình giàu có thì có thái độ cầu an, trung lập hoặc rất thờ ơ với tình hình đất nước; còn nhóm sinh viên có cảm tình với cách mạng thì lại quá ít.

Vì vậy, vào năm 1968, “trong căn phòng ọp ẹp gần nhà ga Watermael ở Bruxelles, các anh Hồ Văn Thi Sĩ, Trần Quang Minh, Ngô Đức Chí, Trương Minh Hùng từ thành phố Liege đến bắt liên lạc với tôi. Quyết định lập tờ báo lấy tên là Giải Phóng. Mục tiêu của báo là: Ủng hộ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, tuyên truyền chống chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam. Báo được chuyển qua đường bưu điện đến các du học sinh ở Bỉ” - theo lời nhớ lại của tiến sĩ Đỗ Tấn Sĩ.

Tiến sĩ Đỗ Tấn Sĩ là trí thức rất tâm huyết với quê hương trong việc tham vấn chính sách dành cho kiều bào về Việt Nam. Có lẽ vì vậy mà ông là Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam liên tiếp 4 nhiệm kỳ, từ năm 1994 cho đến khi chính thức nghỉ hưu.

Tờ báo Giải Phóng in ronéo ra đời như tiếng bom nổ bất ngờ gây xôn xao cộng đồng người Việt tại Bỉ. Với bút danh Hoàng Thị Mỹ Trang, nhà toán học Đỗ Tấn Sĩ viết bút ký, truyện ngắn, tản văn khơi gợi tình yêu quê hương, truyền thống đấu tranh của dân tộc; đặc biệt đề cao gương đấu tranh của sinh viên, các bà mẹ trong các đô thị ở miền Nam; đồng thời, vạch trần tội ác của kẻ xâm lược và nhà cầm quyền tay sai.

Cũng trong năm 1968, Đỗ Tấn Sĩ được bầu làm Chủ tịch Hội Sinh viên Việt kiều yêu nước tại Bruxelles. Nhân các phái đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam sang Pháp tham dự đàm phán về Hiệp định Paris, Đỗ Tấn Sĩ được bồi dưỡng về lý luận cách mạng và được hướng dẫn phương pháp vận động quần chúng, xây dựng phong trào. Cụ bắt tay vào việc vận động sinh viên và tổ chức được 5 nhóm nòng cốt tại 5 thành phố ở Bỉ có trường đại học, đưa phong trào cách mạng trong sinh viên Việt Nam ở Bỉ bước vào cuộc đấu tranh với sắc thái mới.

* Những cuộc đấu tranh

Năm 1972, Sứ quán Việt Nam Cộng hòa tại Bruxelles phát hiện một số sinh viên Việt Nam đang du học tại đây có biểu hiện “thân Cộng” liền báo cáo về Sài Gòn để có quyết định cắt chuyển ngân. Nhóm sinh viên yêu nước lập tức họp bàn và thành lập Ủy ban Bảo vệ quyền lợi sinh viên Việt Nam tại Bỉ để đối phó, đồng thời báo cho Hội Liên hiệp sinh viên Việt Nam ở Pháp và Đức lên tiếng hỗ trợ. Cuộc vận động được mấy chục sinh viên công khai ký tên hưởng ứng.

Tiến sĩ Đỗ Tấn Sĩ tặng sách toán cho Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh ở Biên Hòa
Tiến sĩ Đỗ Tấn Sĩ tặng sách toán cho Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh ở Biên Hòa

Tiếp đó là tổ chức tuyệt thực yêu cầu Sứ quán bãi bỏ lệnh cắt chuyển ngân. Đại diện Ủy ban Bảo vệ quyền lợi sinh viên trực tiếp đến tòa đại sứ Việt Nam Cộng hòa đưa yêu sách nhưng không được đáp ứng mà bị cho là do “Việt Cộng” giật dây. 12 giờ trưa 15-4-1972, một vị tùy viên của tòa đại sứ được hàng chục sinh viên quốc gia hộ tống kéo đến Đại học Tự do Bruxelles để đối thoại với các sinh viên tuyệt thực. Cuộc tranh cãi hết sức căng thẳng, nhóm sinh viên quốc gia lao vào đánh các sinh viên tuyệt thực. Đoán trước tình hình, Ủy ban Bảo vệ quyền lợi sinh viên đã bố trí một số sinh viên Bỉ và nước ngoài kịp thời ứng cứu. Ngay sau đó, Viện trưởng Đại học Tự do Bruxelles ra thông báo chính thức phản đối việc sứ quán Việt Nam Cộng hòa xâm nhập vào khuôn viên đại học bất hợp pháp để đàn áp sinh viên.

Qua cuộc đấu tranh có yếu tố tổ chức thành công, nhóm sinh viên nhận thấy việc thống nhất lực lượng mới có thể tạo thành sức mạnh nên đều tán thành việc thành lập Hội Sinh viên và Việt kiều yêu nước tại Bỉ. Tiến sĩ Đỗ Tấn Sĩ được bầu làm Phó chủ tịch. 5 nhóm sinh viên các trường đại học được xây dựng thành 5 chi hội. Hội quyết định xuất bản tờ Kết Hợp làm diễn đàn thông tin. Tích cực tham gia viết báo, tiến sĩ Đỗ Tấn Sĩ lại có thêm nhiều bút danh với một loạt truyện ngắn đăng trên báo Kết Hợp và tập san Về Nguồn.

Biết tin Hiệp hội Liên minh châu Á chống Cộng sắp tổ chức Đại hội Thể thao lần thứ X tại khuôn viên Trường đại học UCL (Đại học Liege), Hội Sinh viên liền bàn với Chi hội nhà trường lập ra ban hành động để phối hợp với các tổ chức tiến bộ Bỉ đấu tranh không cho treo cờ Việt Nam Cộng hòa trong các buổi thi đấu. Kết quả là cả phái đoàn thể thao của Sài Gòn lẫn nhóm sinh viên quốc gia cực đoan bị rơi vào tình trạng cô lập, sa sút khí thế.

Vào đầu tháng 4-1975, cùng thời điểm quân Giải phóng đánh chiếm Buôn Ma Thuột, Hội Sinh viên và Việt kiều yêu nước và Ủy ban Bảo vệ quyền lợi sinh viên Việt Nam tại Bỉ được mời sang Paris tham dự Đại hội Các phong trào sinh viên và Việt kiều yêu nước trên thế giới. Cụ Đỗ Tấn Sĩ cùng một đại diện Hội người Việt ở Cộng hòa liên bang Đức được phân công mang Nghị quyết cùng Lời kêu gọi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam đến tòa Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Bruxelles. Mấy quan chức ngoại giao của chính quyền Sài Gòn đã tranh luận gay gắt và gọi 2 đại diện này là “hai tên sinh viên ăn cơm quốc gia, thờ ma Cộng sản”; nhưng đấu lý thua cuộc, bị bẽ mặt trước đám nhân viên và lộ vẻ hoang mang, lo sợ.

Sáng 30-4-1975, nhận được điện của bà Nguyễn Thị Bình từ Paris gọi sang thông báo, 2 tiến sĩ Đỗ Tấn Sĩ và Tăng Văn Hải cùng một nữ cán sự hội đến sứ quán Việt Nam cộng hòa tại Bruxelles trao cho vị đại sứ lời kêu gọi của Chính phủ lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam; đồng thời làm nhiệm vụ bảo quản tài sản công để trao lại cho chính quyền cách mạng.

Bùi Thuận

Tin xem nhiều