Nữ văn sĩ Thu Trân sinh ra và lớn lên ở phường Tân Tiến, thành phố Biên Hòa, hiện làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh. Chị có sức viết đáng nể; khoảng thời gian trình làng giữa tác phẩm trước và tác phẩm sau gần nhau đến đáng ngạc nhiên.
Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh Trịnh Bích Ngân (bìa phải) cùng các đồng nghiệp tặng hoa chúc mừng nhà văn Thu Trân (giữa). Ảnh: T.S.HẠ |
Người đi tìm bóng núi – một biên niên bằng tiểu thuyết
Cho đến thời điểm này, không chỉ Đồng Nai mà tính luôn cả nước, ít có nhà văn (chưa nói là nữ) có tiểu thuyết tập trung về đề tài Covid-19 và đề cập đến tai họa nhân loại này. Nhưng Thu Trân có đến 2 tác phẩm. Năm 2021 chị có Thế giới phẳng mùa Covid và nay là cuốn Người đi tìm bóng núi (NĐTBN). Giữa 2 cuốn này là tập truyện ký Miền Nam xưa ngái (2022). Như vậy, trong 3 năm liên tiếp (2021, 2022, 2023), mỗi năm chị gửi đến bạn đọc 1 đầu sách đầy đặn, chưa kể mấy chục đầu sách trước đó đã in và tái bản.
Sách dày 344 trang ruột, dễ đọc khi tác giả chủ tâm chia thành 3 chương lớn và mỗi chương có 14-12-13 phần nhỏ có đầu đề. Tiểu thuyết tái hiện phần nào hiện thực Đồng Nai non nửa thế kỷ mặc dù nhiều tên được đặt khác đi, trừ suối Săn Máu.
NĐTBN (Nxb Đà Nẵng, tháng 6-2023) là tiểu thuyết. Tất nhiên, yếu tố hư cấu trong tác phẩm là đương nhiên, nhưng trong lý luận văn học có nói rằng, biết cuộc đời riêng của tác giả sẽ hiểu thêm tác phẩm. Đối chiếu với cuộc đời riêng của Thu Trân, có thể nói rằng, NĐTBN là một biên niên (ghi lại các sự kiện theo thứ tự thời gian bằng năm) bằng tiểu thuyết. Ở đó, có thể thấy được bóng dáng của Thu Trân qua câu chuyện nhân vật trung tâm Bích Chương (xưng là tôi). Nhân vật nữ này sinh ra và lớn lên bên dòng suối Săn Máu. Đây là một địa danh có thật ở thành phố Biên Hòa, gần trại giam những người hoạt động cách mạng mà trước 1975 và trong tác phẩm gọi là VC (Việt Cộng). Thu Trân sinh ra và lớn lên ở căn nhà gần đó.
Sách NĐTBN có lời đề từ (có người gọi là “phi lộ”), cuối sách có lời vĩ thanh, lời bạt. Đọc lời phi lộ có tựa Tôi đi tìm bóng của “Người đi tìm bóng núi” viết: “Mỗi người đều buộc có một đời riêng không ai giống ai và chưa bao giờ được như mình muốn”. Đoạn cuối sách có viết: “Tôi sợ những người đàn bà, con gái góa bụa trong chiến tranh, vì chiến tranh. Họ lầm lì, kiên cường đến mức khó chịu. Chỉ có nước mắt mới làm họ nhẹ nhàng. Nhưng ít khi họ khóc. Như bầu trời chuyển mưa vần vũ và đen kịt mà không làm sao, làm cách nào mưa nổi. Cứ nặng trình trịch và ứ đầy hơi nước, chỉ chờ sập xuống, nhân loại buồn giăng giăng”.
Số phận của những người phụ nữ
Nhân vật Bích Chương được đặt trong bối cảnh một quãng thời gian rất dài, từ những năm cuối cùng khi phe “Quốc gia” đã có dấu hiệu thua trận trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam cho đến thời điểm xảy ra những vấn đề thời sự hiện nay - tất nhiên nhiều chỗ hư cấu.
Nhân vật “tôi” xuyên suốt câu chuyện trong bối cảnh non nửa thế kỷ là một người phụ nữ đa đoan. Tính tích cực của nhân vật này là luôn đấu tranh chống lại cái xấu, ngay cả với “cha của con gái mình” và các vấn đề xã hội khác. Cuối cùng, cô chấp nhận đẻ con khi cấy tinh trùng được lưu giữ của người chồng đã chết và “nhảy ra ngoài facbook” hẹn hò với người bác sĩ có công lưu giữ tinh trùng của người chồng.
Trong NĐTBN, ngoài chuyện của nhân vật trung tâm là Bích Chương, còn có nhân vật đồng hành là mẹ của Bích Chương và một số nhân vật khác đan xen, trong đó có: chị Tư trong gia đình, con gái Ái Sa, cô gái làm sở Mỹ Mai Anh…
Mỗi nhân vật đều có cú sốc, nghịch cảnh của đời mình, nhất là trong chiến tranh. Như nhân vật “má”, có chồng là sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng hòa nhưng trong tình thế chẳng đặng đừng phải nuôi VC trong hầm, có sự giúp sức của hai con trai. Người chồng biết việc đó, từng mang theo lựu đạn, cầm súng định bắn. Khi Việt Nam Cộng hòa thua trận, chồng sĩ quan mất tích, sau này mới biết là đã di tản. Người vợ không biết tin chồng dằng dặc nhiều năm, sau đi bước nữa với chính người VC nằm hầm. Đột nhiên một ngày, người chồng cũ trở về nhưng rồi lại chọn ra đi (quay trở lại Mỹ).
Tình huống này khiến cho “Ba đi, ba buồn, má buồn, chú Sáu Sơn (người chồng VC-NV) cũng buồn. Chuyện mấy chục năm về trước với những vui buồn khủng hoảng giữa ba người già chưa bao giờ mất dấu trong gia đình tôi. Trong tâm tưởng ba, cái chuồng gà vẫn còn đó, căn hầm bí mật vẫn còn đó, biết làm sao được! Ba nói với chú Sáu là tin vào sự trung trinh của má. Nhưng liệu có phải là ý nghĩ thật sự của người luôn luôn rút lui cho mọi chuyện tốt đẹp hơn? Tôi không tin. Bởi tôi luôn phát hiện vết thương lòng rạng rỡ nơi ba trên những triền xưa yêu dấu” (trích trang 230).
Số phận nhân vật nữ trong chiến tranh còn ở Mai Anh, cô gái giặt ủi trong sở Mỹ trước 1975. Cô kết hôn trước khi chồng ra trận. Quãng thời gian chồng đi lính, cô ở nhà sinh con nhưng là… con lai. Người chồng trở về sau chiến tranh, gương mặt bị biến dạng và mù mắt do vết thương chiến tranh. Anh hết mực yêu thương đứa con lai. Mọi người xung quanh cứ nghĩ anh không biết là con lai. Cho đến khi một chiến hữu khi về phép đã kể cho anh nghe câu chuyện trước đó, anh tự vận và để lại lá thư: “Anh tàn phế trở về, mặt mũi không còn nguyên vẹn, mắt mù, khả năng sinh con cũng không còn - nhưng em vẫn dang rộng vòng tay đón anh về yêu thương chăm sóc, anh đã bật khóc (…) Em xinh đẹp và nhân hậu. Tí Nheo (đứa con lai - NV) dễ thương và ngập tràn sức sống. Thì không ai có quyền tước đoạt những gì mà mẹ con em đáng được hưởng trên cõi đời này”.
Trong tiểu thuyết phải xây dựng cho được cá tính nhân vật và Thu Trân đã làm được điều này đối với nhân vật “tôi”. Dù vậy, dường như việc xây dựng cá tính còn có vẻ quá bề bộn khiến hình ảnh nhân vật “quên quên nhớ nhớ” trong người đọc.
Tác giả ở trong lòng chế độ miền Nam trước đây, trưởng thành sau chiến tranh. Do vậy, có thể thấy hiện thực trong sách chia hai phần rõ rệt, giúp bạn đọc nhận ra nhân vật chính diện tích cực trong mọi biến động của thời cuộc...
Tây Sơn Hạ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin