Nhằm có cơ sở để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ chuyên môn tại đơn vị, nhiều nữ cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh đã và đang tích cực tham gia nghiên cứu khoa học.
Thạc sĩ Hà Thị Thu Quỳnh (thứ 2 từ phải qua), Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai, cùng đồng nghiệp xem tài liệu liên quan đến lĩnh vực sản khoa. |
Nhiều đề tài được thực hiện công phu, nghiên cứu kỹ, là tiền đề để họ triển khai các hoạt động có ý nghĩa tại đơn vị, có tác động đến cộng đồng.
Xây dựng chương trình giảng dạy, truyền thông
Những năm qua, ThS Hà Thị Thu Quỳnh, Trưởng bộ môn Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai đã chủ trì, phối hợp thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến vấn đề chăm sóc sức khỏe sinh sản. Mới đây, cô Quỳnh cùng cộng sự đã thực hiện đề tài “Thực trạng và yếu tố ảnh hưởng đến kiến thức về nhiễm khuẩn đường sinh sản của học sinh một số trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Đồng Nai năm học 2022-2023”.
Kết quả nghiên cứu từ hơn 1,1 ngàn học sinh từ 15-18 tuổi cho thấy, có gần 52% học sinh phản đối vấn đề quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên; gần 24% học sinh đồng tình với vấn đề này, còn lại có ý kiến khác. Đáng lưu ý, có đến 21,6% học sinh chưa từng tiếp cận hoặc được tư vấn, truyền thông về nhiễm khuẩn đường sinh sản. Nguồn thông tin về các biện pháp tránh thai và nhiễm khuẩn đường sinh sản mà các em học sinh tiếp cận chủ yếu qua mạng xã hội.
ThS Hà Thị Thu Quỳnh (Trưởng Bộ môn Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai) cho biết, năm 2024, cô cùng các giảng viên trong Bộ môn sẽ tiếp tục thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến kiến thức của các bạn trẻ về vấn đề khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh, sơ sinh, hỗ trợ sinh sản, vô sinh.
Từ kết quả nghiên cứu này, cô Thu Quỳnh cùng cộng sự đưa ra đề xuất có thể dựa vào mạng xã hội để tuyên truyền, giáo dục kiến thức hoặc tạo ra những App (ứng dụng trên điện thoại) dành riêng cho học sinh về vấn đề nhiễm khuẩn đường sinh sản. Việc truyền thông giáo dục sức khỏe sinh sản cho học sinh trung học phổ thông cần được quan tâm và thực hiện rộng khắp nhằm bổ sung cho các em những kiến thức quan trọng trước khi bước vào ngưỡng cửa hôn nhân, giúp các em dự phòng những rủi ro có thể gặp phải do không có kiến thức về vấn đề này.
ThS Hà Thị Thu Quỳnh chia sẻ, bên cạnh nhiệm vụ giảng dạy lý thuyết, lâm sàng, hướng dẫn sinh viên thực tập lâm sàng tại các bệnh viện, các giảng viên còn có một nhiệm vụ rất quan trọng là nghiên cứu khoa học. Để sinh viên tin tưởng vào những kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ mà giảng viên truyền đạt thì bắt buộc giảng viên phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học.
Bộ môn Chăm sóc sức khỏe sinh sản chủ yếu nghiên cứu các vấn đề liên quan đến sản phụ khoa, nhi, sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. Thông qua các kết quả khảo sát, nghiên cứu của từng đề tài khoa học, giảng viên sẽ xây dựng bài giảng và xây dựng chương trình học, chương trình truyền thông tại cộng đồng phù hợp với điều kiện thực tế đang diễn ra trong xã hội.
“Qua nghiên cứu, chúng tôi rất trăn trở vì độ tuổi quan hệ tình dục lần đầu của các em học sinh ngày càng trẻ hóa. Không ít trường hợp đã phải phá thai khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, khả năng sinh sản của các em trong tương lai. Do vậy, cần có sự chung tay giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc nâng cao kiến thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho các em học sinh, sinh viên”- cô Quỳnh cho hay.
Chăm sóc người bệnh được tốt hơn
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Phạm Văn Dũng cho biết, công tác nghiên cứu khoa học là một trong những hoạt động được bệnh viện tổ chức hàng năm. Trong đó, tỷ lệ bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên xét nghiệm là nữ tham gia nghiên cứu khoa học chiếm khá cao. Từ kết quả nghiên cứu, các bác sĩ, điều dưỡng sẽ có được những thông tin bổ ích liên quan đến nhiệm vụ mà họ đang thực hiện tại đơn vị. Từ đó, nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện.
BS CKII Nguyễn Thị Thúy Hằng, Trưởng Khoa Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai khám bệnh cho bệnh nhân điều trị tại bệnh viện. Ảnh: H.DUNG |
Trưởng phòng Điều dưỡng Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Nguyễn Đỗ Thị Ngân Trang cho hay, trong năm 2023, chị cùng cộng sự đã thực hiện đề tài “Đánh giá chất lượng cuộc sống và yếu tố liên quan của người bệnh suy tim mạn tại Khoa Nội tim mạch - lão học, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất năm 2023”.
Kết quả nghiên cứu đối với 168 bệnh nhân cho thấy, đa số các bệnh nhân suy tim có chất lượng cuộc sống khá thấp. Nhóm bệnh nhân nữ có chất lượng cuộc sống tập thể, thể chất, tinh thần thấp hơn bệnh nhân nam. Nhóm người bệnh bị suy tim mức độ I, II có chất lượng cuộc sống cao hơn nhóm bị suy tim độ III, IV.
Theo chị Ngân Trang, từ kết quả nghiên cứu này, các điều dưỡng sẽ đưa ra những quyết định chăm sóc phù hợp. Ngoài ra, những mong muốn của người bệnh cũng sẽ được các bác sĩ, điều dưỡng ghi nhận, có kế hoạch hỗ trợ và cải thiện cuộc sống cho người bệnh.
Cũng thường xuyên tham gia thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, BS CKII Nguyễn Thị Thúy Hằng (Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai) bộc bạch, các bác sĩ phải lựa chọn đối tượng nghiên cứu đúng, có các phương pháp nghiên cứu tốt, thực hiện thu thập, phân tích và giải thích dữ liệu để tạo ra những phát hiện đáng tin cậy và có thể kiểm chứng.
Vừa qua, bác sĩ Hằng và cộng sự đã thực hiện đề tài “Vai trò của thay huyết tương trong xử trí cơn bão giáp báo cáo lâm sàng và hồi cứu y văn”. Đối tượng nghiên cứu là nữ bệnh nhân 25 tuổi, vào viện với tình trạng lơ mơ, tụt huyết áp, mang thai 8 tuần ngưng tiến triển, có dùng thuốc phá thai trước đó. Bệnh nhân được chẩn đoán bị cơn bão giáp, suy gan cấp, toan chuyển hóa, rối loạn đông máu. Sau 2 lần thay huyết tương và các biện pháp hồi sức tích cực, tri giác của bệnh nhân hồi phục, các xét nghiệm sinh hóa cải thiện.
Qua nghiên cứu, nhóm tác giả nhận thấy cơn bão giáp là tình trạng cấp cứu nội tiết, có nguy cơ cao dẫn đến tử vong, cần được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Khi những biện pháp thông thường không cải thiện hoăc có chống chỉ định thì liệu pháp thay huyết tương có thể là một lựa chọn nên được cân nhắc.
“Kết quả nghiên cứu khoa học có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác khám và điều trị cho người bệnh tại bệnh viện. Thông qua đó, các bác sĩ sẽ có những chỉ định phù hợp với từng bệnh nhân, từng nhóm bệnh nhân nhằm nâng cao chất lượng điều trị, hướng tới sự hài lòng của người bệnh” – bác sĩ Hằng nhấn mạnh.
Hạnh Dung
Thạc sĩ ĐOÀN THỊ TUYẾT LÊ, Khoa Khoa học và công nghệ thực phẩm, Trường đại học Lạc Hồng:
Mê nghiên cứu về đông trùng hạ thảo:
Qua nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy đông trùng hạ thảo là một loại dược liệu quý, có đặc tính sinh học và chu kỳ sống, có rất ít trong tự nhiên. Do đó, để nâng cao sản lượng cũng như chất lượng cần phải phát triển nuôi trồng đông trùng hạ thảo trong điều kiện nhân tạo theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Đồng thời hướng đến khắc phục những vấn đề tồn đọng như thoái hóa giống, kiểm soát nghiêm ngặt các khâu trong quá trình sản xuất.
Chị NGUYỄN THỊ MỴ, Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc (huyện Trảng Bom):
Tận dụng thân lá chuối để trồng nấm rơm
Nghiên cứu khoa học giúp tôi và các đồng nghiệp rút ra được nhiều vấn đề liên quan đến điều kiện sinh trưởng, phát triển của nấm rơm. Từ đó tận dụng nguyên liệu sẵn có tại địa phương là thân lá chuối để nhân giống sản xuất và nuôi trồng nấm rơm thay vì sử dụng rơm rạ hay mùn cưa như cách làm trước đó. Cách làm này giúp giảm giá thành đầu vào cho nguyên liệu sản xuất nấm rơm.
An Yên (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin