Cánh đồng Dâu (thuộc ấp Thọ Lâm 1 và ấp Thọ Lâm 2, xã Phú Thanh, huyện Tân Phú) có trên 500 hécta lúa nước 3 vụ/năm, năng suất đạt trung bình 7 tấn/vụ/hécta. Riêng ruộng lúa của nông dân Trần Văn Hòa (ngụ ấp Thọ Lâm 1, xã Phú Thanh) luôn đạt năng suất từ 8-9 tấn/vụ/hécta.
Nông dân Trần Văn Hòa đầu tư máy xới để cày đất thuê cho nông dân nơi cánh đồng dâu xã Phú Thanh (huyện Tân Phú). Ảnh: Đ.PHÚ |
Những ngày đầu tháng 3-2024, đi ngang cánh đồng Dâu ở xã Phú Thanh, tôi cảm nhận được hương lúa sớm mai phảng phất trên những tuyến đường nội đồng đã được bê tông hóa. Dòng nước thủy lợi hồ Đa Tôn vẫn uốn lượn quanh cánh đồng để tưới nước cho những chân ruộng lúa đang làm đồng, ngậm sữa hoặc trổ vàng.
* Nỗ lực bám đồng
“Nông dân ấp Lộc Lâm 1, xã Phú Thanh chủ yếu chuyên canh cây lúa và hoa màu. Ấp có 13 nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp huyện, trong đó giỏi nhất vẫn nông dân Trần Văn Hòa với tổng thu nhập trên 700 triệu đồng/năm. Do đó, ấp đã thống nhất đề xuất lên xã, huyện, tỉnh bầu chọn ông Hòa là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh”- Trưởng ấp Lộc Lâm 1, xã Phú Thanh NGUYỄN THỊ THU SƯƠNG cho biết. |
Lớn lên từ cánh đồng Dâu, năm 1997, khi lập gia đình với cô thôn nữ nghèo Nguyễn Thị Dung (cùng quê tỉnh Thanh Hóa), nông dân Trần Văn Hòa được cha mẹ chia cho 800m2 đất cao nơi cánh đồng Dâu (thuộc ấp Thọ Lâm 1) làm nơi ở. Vợ chồng ông Hòa cũng như bao thanh niên thời đó, lo đám cưới xong là tới lo việc đồng áng, cùng ra đồng làm đất, cấy sạ.
Không có ruộng cày cấy riêng, vợ chồng ông Hòa đi làm thuê cho nông dân khắp cánh đồng Dâu và các cánh đồng khác trong xã để lấy tiền công; đồng thời mượn thêm đất ruộng bỏ trống của nông dân khác để dọn dẹp trồng rau, màu; trang trải cuộc sống.
Thời điểm đó, cánh đồng Dâu ngày càng được nông dân trong vùng mở rộng, khai vỡ hết những bưng, gò thành ruộng. Tận dụng cơ hội này, vợ chồng ông Hòa nghĩ tới chuyện nuôi trâu để vừa cày ruộng nhà vừa đi cày thuê, cho đỡ vất vả, lại kiếm thêm thu nhập.
Ban đầu từ 1 con nghé cái hơn 1 tuổi, chỉ trong 3 năm nuôi dựng và nhân đàn, ông Hòa đã có đôi trâu mộng cày bừa thuê và 2 nghé con. Dần dần, ông đã gầy dựng được đàn trâu lên đến 16 con và mua được 2 hécta ruộng vào năm 2011.
Ngoài thời gian đưa trâu đi cày thuê, vợ chồng ông Hòa lại tất bật trên đồng với những đám lúa, thửa rau. Nông dân cánh đồng Dâu nhìn thấy vợ chồng ông siêng năng làm việc mà nể phục.
Ngoài trồng lúa, cày bừa thuê, vợ chồng nông dân Trần Văn Hòa còn trồng rau xanh để tăng thu nhập. |
Những năm gần đây, sức trâu dần bị máy móc thay thế và không còn phù hợp với xu hướng sản xuất mới của nhà nông nơi cánh đồng Dâu. Chính vì vậy, vợ chồng ông Hòa mạnh dạn bán hết đàn trâu lấy tiền mua máy cày, máy xới để cày bừa, kéo lúa thuê. Ông lấy số tiền dành dụm sau nhiều năm tích lũy mua được tổng cộng 8 hécta ruộng, xây mới ngôi nhà khang trang và lo cho 6 người con học hành.
“Cũng nhờ vợ chồng tôi đồng lòng, lao động không ngại khó, vất vả mới có được như ngày nay”- ông Hòa bộc bạch.
Nông dân Trần Văn Hòa (trái) trao đổi kinh nghiệm trồng lúa năng suất cao với nông dân cánh đồng Dâu (xã Phú Thanh). |
* Lúa tốt nhờ cày ải, siêng năng thăm đồng
Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Thọ Lâm 1 Hà Quốc Đức cho biết, cánh đồng Dâu rộng trên 500 hécta là vùng đất thấp, bưng biền nên trước và sau năm 1975 được người dân địa phương và người dân di cư từ các tỉnh, thành khác đến khai phá thành ruộng lúa nước 2 vụ. Từ năm 1986, khi công trình thủy lợi hồ Đa Tôn được hình thành và cung cấp nước tưới tiêu cho các xã, trong đó có xã Phú Thanh thì cánh đồng Dâu bắt đầu gieo trồng được 3 vụ lúa/năm.
Nguồn nước thủy lợi hồ Đa Tôn cung cấp nước tưới cho cánh đồng Dâu theo hệ thống kênh mương nội đồng vụ Đông - Xuân. |
Do chủ động được nguồn nước, cộng với sự chăm chỉ, cần cù của nhà nông nên năng suất lúa nơi cánh đồng Dâu đạt năng suất trung bình 7 tấn/hécta/vụ. Vụ đông - xuân cuối năm 2023, do thời tiết thuận lợi nên năng suất lúa nơi cánh đồng Dâu đạt trung bình từ 7,5-8 tấn/hécta/vụ. Riêng hộ ông Hòa đạt năng suất 9 tấn/hécta/vụ.
“Số tiền vợ chồng tôi kiếm được từ công việc cày, bừa, kéo lúa thuê và trồng rau xanh là đắp hết vào cây lúa. Đến ngày thu hoạch lúa thì đó là số tiền dư của gia đình để dành được” - nông dân TRẦN VĂN HÒA bày tỏ. |
Nông dân cánh đồng Dâu đa phần là dân chuyên trồng lúa nước từ các tỉnh phía Bắc như: Thanh Hóa, Thái Bình, Ninh Bình... di cư vào nên họ vốn có kinh nghiệm và cần cù. Dù vậy, ruộng lúa của họ cũng không sánh kịp ruộng lúa ông Hòa.
Mặc dù, ruộng lúa của nhà ông Hòa là ở những thửa ruộng xấu được các nông dân khác nhượng lại nhưng năng suất lúa của nông dân Hòa bao giờ cũng vượt trội so với các ruộng khác từ 0,8-1 tấn/hécta/vụ. Hỏi bí quyết để làm nên thành công, ông Hòa chia sẻ, đó là nhờ sắm được trâu, máy móc và cả sự siêng năng thăm đồng từ khi hạt giống được gieo xuống đất đến ngày thu hoạch của vợ chồng ông. Bí quyết trồng lúa năng suất cao của ông vẫn là sạ dày nhưng phải đều và cung cấp lượng phân phải đủ so với mật độ của cây lúa trên ruộng.
Nông dân Trần Văn Hòa (trái) cùng cán bộ ấp Thọ Lâm 1 (xã Phú Thanh) đi thăm đồng. |
Nông dân Đỗ Văn Hà (ngụ ấp Thọ Lâm 1) bày tỏ: “Tất cả nông dân ở đây đều biết muốn ruộng lúa đạt năng suất cao thì phải thường xuyên thăm đồng, xem chỗ nào thưa thì cấy dặm, thừa nước thì lấy bổ sung, dư thì rút ra, phân bón thì phải bón đủ lượng, đúng loại theo chu kỳ sinh trưởng, phát triển của cây lúa. Tuy vậy, chúng tôi vẫn không thể kiên trì làm được như ông Hòa ở khâu làm đất, mặt ruộng khi gieo sạ phải phẳng, không có chỗ thấp, chỗ cao; không bị úng nước”.
Dù đến nay, cuộc sống đã khấm khá hơn nhưng nông dân Trần Văn Hòa vẫn siêng năng lao động. Ông có mặt nơi cánh đồng Dâu nhiều hơn là ở trong ngôi nhà khang trang được tạo dựng bởi sự nỗ lực bám đồng của vợ chồng ông suốt mấy chục năm qua.
Đoàn Phú
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin