Là một trong những ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, gỗ và thủ công mỹ nghệ thời gian qua gặp nhiều sóng gió trước các tác động của tình hình kinh tế thế giới. Mặc dù vậy, nhìn một cách toàn diện, khó khăn là trước mắt song cơ hội cho ngành đồ gỗ nội thất của nước ta vẫn rất lớn từ nhu cầu đang từng bước hồi phục.
Ông Trần Quốc Mạnh |
Ông Trần Quốc Mạnh, Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu thủ công mỹ nghệ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn nhận định, để trụ vững và tìm cơ hội phát triển, không cách nào khác, doanh nghiệp (DN) phải tái cấu trúc phù hợp với xu hướng, thị hiếu của người tiêu dùng thế giới.
Đừng quá bi quan
* Thưa ông, dưới góc độ là nhà sản xuất, xuất khẩu gỗ và hàng thủ công mỹ nghệ, ông nhìn nhận thế nào về tổng quan ngành gỗ Việt Nam, đặc biệt là lĩnh vực xuất khẩu?
Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, giải pháp cho các DN ngành gỗ là tái cấu trúc sản xuất, chuyển đổi từ sản xuất tới khâu tiếp thị, xúc tiến thương mại ra thị trường nước ngoài và tạo nên các sản phẩm phù hợp với các điều kiện của từng thị trường để tồn tại, phát triển. |
- Ngành gỗ là ngành sản xuất truyền thống của Việt Nam, trước đây chủ yếu phục vụ nhu cầu trong nước. Từ năm 2000 đến nay, ngành gỗ từng bước phát triển nhờ chính sách mở cửa của Nhà nước, thu hút ngày càng nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài vào xây dựng nhà máy. Từ đó, tạo cơ hội cho DN Việt liên doanh, liên kết và tự chủ sản xuất, từng bước tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh chất lượng cao, phù hợp xu hướng tiêu dùng thế giới. Hàng loạt công ty chế biến gỗ lớn của Việt Nam ra đời với máy móc, công nghệ hiện đại hơn.
Thị trường xuất khẩu của các DN ngành gỗ ngày càng được mở rộng, nhất là tới các quốc gia có mức sống cao ở khu vực châu Âu, Mỹ. Đến năm 2020, Việt Nam đã vượt Trung Quốc trở thành nhà xuất khẩu sản phẩm gỗ lớn nhất vào thị trường Mỹ với doanh số 7,4 tỷ USD. Các tổ chức nghiên cứu thế giới đánh giá, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 6 về xuất khẩu gỗ trên thế giới. Như vậy, tiềm năng, cơ hội của ngành gỗ là rất lớn.
Các doanh nghiệp tham gia một chương trình xúc tiến thương mại quốc tế về ngành gỗ được tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh |
* Tuy vậy, năm 2023 vừa qua, xuất khẩu gỗ của Việt Nam lại sụt giảm so với kế hoạch, nguyên nhân là do đâu?
- Không chỉ gỗ mà hầu như phần lớn các ngành hàng xuất khẩu đều bị ảnh hưởng trong năm 2023, thể hiện qua sự giảm sút đơn hàng.
Khảo sát từ 100 thị trường lớn trong năm 2022, ngành gỗ toàn cầu tăng trưởng khoảng 4%. Các thị trường khu vực châu Mỹ chiếm 60% xuất khẩu sản phẩm gỗ Việt Nam. Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu ngành là 16,9 tỷ USD nhưng sang năm 2023 chỉ còn lại 13,6 tỷ USD, đây được coi là năm khó khăn nhất của ngành gỗ từ trước tới nay.
* Bỏ qua khó khăn trong năm cũ, hiện tình hình đồ gỗ xuất khẩu thế nào, thưa ông?
- Khó khăn tất nhiên là vẫn còn tiếp diễn và triển vọng vẫn còn dài. Theo tôi, đừng quá bi quan, bởi nhu cầu về sản phẩm gỗ nói riêng, gỗ nội thất trên thế giới nói chung còn rất lớn. Dư địa thị trường tiêu thụ từ người tiêu dùng sẽ là điều kiện cho ngành sản xuất này của Việt Nam. Đáng chú ý là thị trường Trung Quốc đang dần phục hồi, thị trường Ấn Độ cũng nổi lên với mức tăng trưởng kinh tế nhanh, chúng ta hy vọng sẽ có thêm các thị trường tiêu dùng lớn bên cạnh khu vực truyền thống (Mỹ, châu Âu) như Trung Quốc, Nam Mỹ…
Từ cuối năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, xu thế tăng trưởng xuất khẩu của ngành gỗ đã ngày càng rõ nét hơn. Gần đây, dấu hiệu lạm phát ở Mỹ, thị trường nhập khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam đã bớt gay gắt. Thêm vào đó, hàng tồn kho ở nước này được tích lũy trước dịch tới nay đã bán gần hết và họ sẽ quay vòng để đặt trong năm 2024, đặc biệt là quý 3 năm nay. Chính những tín hiệu này tạo hy vọng, củng cố niềm tin cho DN rằng đơn hàng sẽ quay trở lại.
Gia tăng vị thế của đồ gỗ Việt Nam
* Nói là đã khởi sắc hơn song trên thực tế, dường như ngành gỗ vẫn còn gặp nhiều khó khăn khác, thưa ông?
- Khó khăn thì rất nhiều như: chi phí sản xuất ngày càng tăng, khó tiếp cận vốn vay, lãi suất cao dẫn đến giá thành sản phẩm cao, nguồn nguyên liệu gỗ trong nước thiếu, các DN chưa đủ nguồn lực để đầu tư vào việc thiết kế, dẫn dắt xu hướng thị trường…
Một phát sinh mới hiện nay là cước vận tải đi châu Âu, Mỹ bị đội lên khá cao. Riêng thị trường Mỹ, cước vận tải tăng trên 200% so với trước. Đây là 2 thị trường chủ lực của ngành gỗ Việt Nam nên ảnh hưởng không nhỏ. Bên cạnh đó, thời gian giao hàng bị kéo dài so với trước đây và quay lại tình trạng khan hiếm container đang gây áp lực cho DN.
* Ông nhận định thế nào về việc nhiều ý kiến cho rằng những áp lực sẽ tạo ra kim cương?
- Với các DN gỗ, năm 2024 là năm thứ 3 của giai đoạn khó khăn. Lúc này, DN không thể nói “đứng trước khó khăn” mà phải “thích nghi” với khó khăn. Vấn đề hiện nay của họ là làm sao nhà máy tiếp tục tồn tại, phát triển được.
“Chúng tôi mong Nhà nước hỗ trợ DN khai thác thị trường, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đơn cử như việc xây dựng kho hàng tập trung tại các nước trọng điểm để DN có thể trực tiếp cung cấp vào hệ thống phân phối của các nước” - ông Trần Quốc Mạnh nói. |
Như chúng tôi hiện nay không đánh mạnh vào các đơn hàng dài hạn như trước đây, mà thay vào đó làm các đơn hàng ngắn hạn, làm hàng mẫu theo yêu cầu của khách hàng. Đơn hàng hiện khác trước rất nhiều, không còn xuất khẩu ồ ạt hàng chục hay hàng trăm container mà thay vào đó DN tập trung vào hàng mẫu để phù hợp với nhu cầu của thị trường.
Xu hướng thị trường xuất khẩu gỗ hiện đã có nhiều thay đổi. Do đó, việc tham gia xúc tiến thương mại sẽ giúp DN cập nhật xu hướng mới, nắm bắt thị hiếu của khách hàng để có những chiến lược kinh doanh phù hợp. Việc tham gia các hội chợ là cách quảng bá thương hiệu tốt nhất cho DN, nhất là trong thời điểm hiện nay. Qua các hội chợ, chúng tôi đã tìm được khách hàng, đi đến những ký kết hợp đồng sau đó.
* Ông vừa nói tới xu hướng tiêu thụ, phải chăng đây là chìa khóa để phát triển ngành gỗ nếu DN năng động nắm bắt?
- Tình hình kinh tế khó khăn đã tác động tới thị trường bất động sản, khiến nhu cầu đối với đồ gỗ trên thế giới giảm rất mạnh. Tuy nhu cầu mua sắm mới giảm sút nhưng nhu cầu thay thế cho các sản phẩm cụ thể thì vẫn có. Do đó, nếu các DN quan tâm đến những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường trong giai đoạn này thì vẫn có thể duy trì và phát triển.
Các nước nhập khẩu đang đặt ra yêu cầu về sản phẩm thân thiện với môi trường. Các DN cần chuyển sang sản xuất xanh, sản phẩm gỗ phối hợp với nguyên vật liệu thân thiện với môi trường, thậm chí có những sản phẩm gỗ tái chế hoặc tận dụng những sản phẩm từ nguyên liệu tái chế kết hợp với gỗ… Khi làm được những điều này thì giá cả cạnh tranh, chất lượng được nâng lên, phù hợp với người tiêu dùng và khả năng của DN Việt Nam vẫn có thể đảm bảo được.
* Xin cảm ơn ông!
Đào Lê (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin