Lần đầu tiên cũng là dịp đặc biệt, các thầy cô cùng hàng trăm học sinh Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức (thành phố Biên Hòa) được nghe nhà văn Nguyễn Thái Hải kể chuyện văn chương trong Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2024.
Nhà văn Nguyễn Thái Hải tặng sách cho học sinh Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức (thành phố Biên Hòa). Ảnh: Ly Na |
Với các em sinh, được gặp gỡ, giao lưu với nhà văn chuyên viết truyện cho thiếu nhi Đồng Nai không chỉ là niềm vui mà qua đó, các em được truyền cảm hứng, lan tỏa tinh thần yêu văn chương.
Chia sẻ nhiều câu chuyện viết văn
Để mở đầu cho chương trình giao lưu, nhà văn Nguyễn Thái Hải kể, ông quê ở Thái Bình và chuyển vào sinh sống tại Biên Hòa - Đồng Nai từ năm 1956 đến nay. Sau tốt nghiệp phổ thông, năm 1968 ông thi đậu vào Trường đại học Dược khoa Sài Gòn (trường hoạt động từ năm 1961 đến 1975 thì giải thể). Thời đó, ông không muốn học dược nhưng cha ông khuyên: “Nên học để có cái nghề vững chắc trong tay mà sống sau này”. Ra trường, ông hành nghề dược sĩ để sống, trở thành một nhà văn để thỏa chí viết…
“Hơn 50 năm trước, ở tuổi hai mươi ba, tôi tốt nghiệp dược sĩ, trong tay đã có 7 quyển sách tuổi hoa được in và 1 quyển xong bản thảo, nhà xuất bản đang đọc. Đến nay, tôi đã là một ông già viết văn, quá tuổi “thất thập”, có trên 74 đầu sách với nhiều thể loại truyện ngắn, truyện vừa, truyện dài, tiểu thuyết, trong số đó có hơn một nửa là sách viết cho thiếu nhi” - nhà văn Thái Hải chia sẻ.
Từ năm 2011 đến nay, mỗi năm nhà văn NGUYỄN THÁI HẢI đã trao tặng từ 300-500 cuốn sách cho các em học sinh trong và ngoài tỉnh. Riêng tại buổi giao lưu với học sinh Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức vừa qua, nhà văn Nguyễn Thái Hải đã trao tặng hơn 100 cuốn truyện thiếu nhi cho nhà trường và học sinh.
Nhiều học sinh hỏi vì sao nhà văn Nguyễn Thái Hải lại mê thế giới tuổi thơ đến thế? Ông cười hiền nói rằng, từ năm 16 tuổi ông đã viết truyện thiếu nhi, đến nay 74 tuổi vẫn viết truyện thiếu nhi. Tuổi thơ của ông chỉ biết lấy sách vở làm bạn. Bạn của ông thuở thiếu thời là những nhân vật trong sách vở, những con vật như: Dế mèn của Tô Hoài, rồi những con chuột Mickey, vịt Donald, thám tử Tin Tin… Gần gũi hơn là những bạn bè lối xóm mà ông thường ngồi nhìn chúng đùa nghịch, chơi chọi đáo, nhảy lò cò.
Có học sinh lại đặt câu hỏi: “Nguồn cảm hứng, năng lượng nào để nhà văn có thể sáng tác dồi dào như thế?”. Nhà văn Nguyễn Thái Hải hào hứng cho biết, đó là từ yêu thích và đam mê với viết văn. Hơn ai hết, nhà văn là người sử dụng tiếng Việt nhiều, viết ra ý tưởng của mình bằng văn xuôi hay thơ rồi in trên giấy (sách, báo…), có nhiều người đọc nên phải đồng thời tìm hiểu, nghiên cứu tiếng Việt thường xuyên.
Bởi vậy, nhà văn Nguyễn Thái Hải luôn xem việc “học” tiếng Việt là một phần quan trọng trong công việc truyền tải văn chương của mình.
Truyền cảm hứng viết văn đến học sinh
Cũng theo nhà văn Nguyễn Thái Hải, viết văn, nhất là tiểu thuyết không hề nhanh, viết về lịch sử càng không thể nhanh, cho dù không tính thời gian đọc các sử liệu liên quan trước đó. Quyển tiểu thuyết “xoàng nhất” của ông thì thời gian từ khi viết đến khi hoàn chỉnh cũng mất nửa năm. Có quyển phải mất đến 5 năm.
“Lịch sử vốn là một môn học “khó nhằn” trong trường học, cũng không được nhiều người lớn ưa thích. Tôi nắm được tâm lý ấy nên chọn cách chuyển tài liệu qua chuyện kể. Ví dụ khi cùng các em học sinh đi thực tế ở huyện Long Thành, Nhơn Trạch, tôi kể chuyện về Lãnh binh Nguyễn Đức Ứng chống Pháp ở lũy Ký Giang, kể chuyện về địa đạo Phước An thời chống Mỹ. Đi huyện Vĩnh Cửu, tôi kể chuyện về những anh hùng nông dân trại Lâm Trung chống Pháp. Ở Biên Hòa, tôi kể chuyện về ông thầy Đoàn Văn Cự lập chiến khu ở Bình Đa…” - nhà văn Nguyễn Thái Hải chia sẻ.
Qua những lần kể chuyện, nhà văn Nguyễn Thái Hải nhận thấy các em học sinh khá thích thú, trả lời được những câu hỏi tóm tắt câu chuyện, nhớ được những điểm chính trong câu chuyện. Có em còn có thể kể lại câu chuyện theo cách của mình, khá hấp dẫn. Ngoài ra, không chỉ các em học sinh mà nhiều người lớn có dịp cùng nghe cũng cho biết, nhờ nghe chuyện mà họ dễ nhớ được nhiều giai đoạn lịch sử của địa phương, biết thêm nhiều tên tuổi người xưa gắn liền với vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.
“Những đứa trẻ lớn lên với tâm hồn đầy nhân văn, biết sống có lý tưởng đều được ươm mầm từ những trang sách. Bởi vậy, để phong trào đọc sách, nhất là sách văn học cho lứa tuổi thanh thiếu nhi, cần một sự chung tay đồng bộ giữa xã hội, nhà trường, phụ huynh và chính các em” - nhà văn Nguyễn Thái Hải nhấn mạnh.
Với hơn nửa thế kỷ lao động cần mẫn và đạt được nhiều thành tựu trên con đường viết văn chuyên nghiệp, ở tuổi 74, nhà văn Nguyễn Thái Hải vẫn dành nhiều thời gian viết và “truyền lửa” cho các thế hệ học trò trong và ngoài tỉnh. Ông luôn mong mỗi người yêu văn sẽ được bồi đắp thêm tình yêu, tìm thấy, lựa chọn đúng con đường và phát huy khả năng của mình, có nhiều đóng góp vào sự nghiệp văn học nghệ thuật của Đồng Nai nói riêng, Việt Nam nói chung.
Ly Na
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin