Đồng Nai được hình thành bởi nhiều đợt di dân từ các vùng, miền khác nhau nhưng chung một tổ tiên: Hùng Vương. Hầu hết các địa phương trong tỉnh đều xây đền thờ vọng các Vua Hùng hoặc phối thờ tại các sở tín ngưỡng dân gian.
Nghi thức tế lễ giỗ Tổ Hùng Vương - phường Bình Đa, thành phố Biên Hòa. Ảnh tư liệu |
Đền thờ Hùng Vương ở phường Bình Đa, thành phố Biên Hòa là một minh chứng cho sự kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam, lan tỏa đạo lý uống nước nhớ nguồn, thờ cúng tổ tiên trên vùng đất mới phương Nam.
* Tạo lập để kết nối cội nguồn dân tộc
Theo sách Gia định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, người Việt đến sinh sống ở xứ Đồng Nai rất sớm, từ thế kỷ XVII. Sau cuộc hôn nhân giữa Ngọc Vạn (con gái chúa Nguyễn Phúc Nguyên) với vua Chân Lạp Chey Chetta II (năm 1620), cư dân Việt vùng Thuận Quảng có điều kiện thuận lợi để vào đất phương Nam ngày một đông hơn. Năm 1698, đất Trấn Biên có tên trên bản đồ Đại Việt, nhưng phải đến giai đoạn triều Nguyễn, cái tên Bình Đa mới là một trong 46 thôn của tổng Phước Vinh, huyện Phước Chánh.
Năm 1928, thực dân Pháp sáp nhập Tân Mai, Vĩnh Cửu, Bình Đa, An Hảo thành xã Tam Hiệp. Năm 1957, chính quyền Sài Gòn thu gọn đơn vị hành chính nên xã Tam Hiệp chỉ còn hai làng: Vĩnh Cửu và Bình An; Bình Đa và An Hảo là hai ấp của làng Bình An. Năm 1976, ấp Bình Đa thuộc phường Tam Hòa. Năm 1988, Bình Đa tách ra thành phường thuộc thành phố Biên Hòa cho đến ngày nay.
Có thể thấy, đến đầu thế kỷ XX, Bình Đa vẫn còn là vùng đất hoang sơ rừng rậm, dân cư thưa thớt, họ sống chủ yếu bằng nghề khai thác rừng, làm ruộng. Năm 1954, có thêm nhiều đợt di dân từ đồng bằng Bắc bộ vào lập nghiệp, tạo cho vùng đất thêm đông đúc. Dù người ở nhiều vùng miền đến nhưng họ sinh sống với nhau chan hòa, đoàn kết, giữ gìn truyền thống dân tộc và bản sắc văn hóa quê hương. Mọi người đều có chung tổ tiên, là con cháu Vua Hùng. Trước một thiên nhiên khắc nghiệt, chiến tranh ác liệt như thế, người dân Bình Đa luôn mong muốn dựng xây đền thờ Hùng Vương để cố kết cộng đồng, phát huy sức mạnh tinh thần, kiên cường vượt qua mọi khó khăn gian khổ; đồng thời kết nối, lan tỏa truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, thờ cúng Quốc Tổ ở hai miền Bắc - Nam.
Lễ giỗ Quốc Tổ Hùng Vương ở thành phố Biên Hòa đã, đang và sẽ tiếp tục được nhân dân địa phương gìn giữ, tổ chức một cách quy mô, trọng thể, trang nghiêm vì mục tiêu “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” theo tinh thần Đại hội Đảng lần thứ 5 khóa VIII đề ra; góp phần lan tỏa sâu rộng những giá trị văn hóa quý báu của tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng trong đời sống đương đại ở Đồng Nai.
Và rồi khát vọng ấy thành hiện thực vào năm 1968, khi 14 vị trưởng lão xã Tam Hiệp đứng ra vận động bà con gần xa, kẻ góp công, người góp của dựng xây đền thờ Hùng Vương trên khu đất rộng gần 2 ngàn m2 ngay sát quốc lộ 15 (nay là đường Phạm Văn Thuận). Kiến trúc dạng nhà cấp bốn, ba gian, hai trái, gồm chánh điện và hậu cung, mái lợp tole, tường gạch quét vôi trắng. Trong hậu cung đặt bàn thờ Quốc Tổ Hùng Vương và Quan văn, Quan võ; ngoài chánh điện làm nơi hành lễ. Nhờ sự góp sức của nhân dân Đồng Nai, đến năm 1971, đền thờ Hùng Vương hoàn thành xây dựng và đi vào sử dụng. Mặc dù lúc đó chiến tranh khốc liệt nhưng nhân dân Biên Hòa luôn quyết tâm bảo vệ ngôi đền và duy trì việc thờ cúng tổ tiên cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Năm 1991, Ban Quản lý đền thờ nhận thấy nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân ngày một đông mà không gian tổ chức lễ giỗ nhỏ hẹp. Vì vậy, họ đã đệ đơn xin phép chính quyền địa phương được trùng tu, mở rộng đền thờ Hùng Vương. Ngày 4-6-1991, Sở Xây dựng Đồng Nai đã chấp thuận, cho phép trùng tu Đền thờ Hùng Vương.
Công trình trùng tu, tôn tạo Đền thờ Hùng Vương được khởi công từ ngày 9-9-1991 và đến ngày 1-4-1993 thì hoàn thành. Từ một ngôi đền quy mô nhỏ trở thành một công trình tín ngưỡng kiên cố, rộng rãi; kiến trúc nhà năm gian với sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Đồng thời xây dựng thêm nhà thờ trưởng lão ở bên trái, thờ vong linh các vị trưởng lão khai công xây dựng ngôi đền và tạo lập làng xã - những bậc tiền hiền, hậu hiền.
Đến năm 2020, đền thờ có dấu hiệu xuống cấp, được sự chấp thuận của UBND tỉnh, UBND thành phố Biên Hòa đã tiến hành tu bổ chánh điện và hậu cung, xây dựng cổng tam quan, chỉnh trang hàng rào di tích, tạo diện mạo khang trang như hiện nay.
* Lan tỏa để bảo tồn và phát huy giá trị
Trong tâm thức sâu thẳm của mỗi người dân Đồng Nai nói chung, người dân Biên Hòa nói riêng đều ghi nhớ Vua Hùng là vị Tổ đã có công dựng nên quốc gia Văn Lang - Nhà nước đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng có một vị trí rất quan trọng trong đời sống tâm linh và tình cảm của các thế hệ người dân, vừa thiêng liêng vừa là điểm tựa tinh thần, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân trong quá trình khai phá, chinh phục thiên nhiên và đấu tranh chống giặc ngoại xâm, giành thắng lợi. Người dân Đồng Nai còn tôn vinh các Vua Hùng như những vị thần linh tối cao, ngày đêm nhang khói phụng thờ để được phù hộ, che chở…
Sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa ở đền thờ Hùng Vương Biên Hòa được chính quyền và nhân dân địa phương đặc biệt quan tâm. Vì thế, UBND tỉnh đã quy định rất rõ: Năm chẵn, năm tròn giao cho UBND thành phố Biên Hòa chủ trì phối hợp với các ngành liên quan tổ chức lễ giỗ; năm lẻ giao cho UBND phường Bình Đa chủ trì phối hợp Ban Trị sự Đền thờ Hùng Vương tổ chức lễ giỗ. Đồng thời, đến ngày giỗ Quốc Tổ, UBND tỉnh còn cử một đoàn cán bộ ra tận Đền Hùng ở tỉnh Phú Thọ để dâng hương tri ân các bậc tổ tiên.
Quy mô của lễ hội cũng được mở rộng. Trước đây, lễ giỗ Tổ Hùng Vương ở đền thờ Hùng Vương Biên Hòa chỉ được tổ chức một ngày mùng 10-3 (âm lịch). Ngày nay, lễ được tổ chức kéo dài ba ngày (mùng 8, 9, 10-3 âm lịch), công tác chuẩn bị mọi mặt được thực hiện trước đó cả tháng. Ngày 6 và 7-3 âm lịch, Ban tổ chức lễ hội tiến hành dọn dẹp vệ sinh trong, ngoài di tích; lên thực đơn, chuẩn bị vật phẩm cúng tế; chưng hoa, trái cây, nhang đèn trên các bàn thờ; dựng rạp, treo cờ, băng rôn…
Ngày mùng 8-3 âm lịch, UBND thành phố Biên Hòa và UBND phường Bình Đa tổ chức hội thi kể chuyện về các Vua Hùng. Ngày mùng 9-3 âm lịch, tổ chức hội thi trò chơi dân gian, viết thư pháp, gói và nấu bánh chưng/bánh giầy, trang trí mâm ngũ quả, biểu diễn võ thuật, văn nghệ, hội chợ ẩm thực, biểu diễn đờn ca tài tử… tại đền thờ Hùng Vương và UBND phường Bình Đa.
Sáng ngày 10-3 âm lịch, tổ chức long trọng lễ rước bánh trưng, bánh giầy, rước kiệu, tế lễ và dâng hương lên các Vua Hùng tại đền thờ Hùng Vương; buổi tối cùng ngày biểu diễn cải lương, ca múa nhạc phục vụ nhân dân tại UBND phường Bình Đa.
Lễ giỗ Tổ có ý nghĩa quan trọng là kính nhớ tổ tiên và là dịp để nhân dân xa gần họp mặt xum vầy gia đình, trao đổi công việc, làm ăn buôn bán, kinh nghiệm lao động sản xuất, nuôi dạy con cái học hành đỗ đạt; cùng nhau xây dựng gia đình văn hóa, khu phố văn hóa… Lễ giỗ Tổ đã thu hút hàng ngàn người dân địa phương và các vùng lân cận tham dự, tạo nên một không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, gắn bó trong mối đoàn kết hòa hợp, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau của “tình làng, nghĩa xóm” - truyền thống tốt đẹp ngàn đời của dân tộc Việt Nam.
Xuân Nam
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin