Giáo sư, tiến sĩ khoa học Trần Xuân Bách. Ảnh:V.Thế |
Nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo là động lực để thúc đẩy xã hội phát triển. Với giới trẻ, sinh viên thì nghiên cứu khoa học vừa hàn lâm nhưng lại là vấn đề thực tiễn. Đổi mới sáng tạo, nghiên cứu khoa học với bất kỳ nhà khoa học nào đều được thôi thúc từ nhu cầu của cộng đồng phía sau mình.
Nhân buổi nói chuyện chuyên đề về nghiên cứu khoa học trong thanh niên, sinh viên tại Đồng Nai mới đây, GS-TSKH Trần Xuân Bách đã chia sẻ với Đồng Nai cuối tuần những cảm nhận của mình về khát vọng của thế hệ trẻ.
Nghiên cứu khoa học rất cần sự đam mê
Thưa giáo sư, trong thời đại công nghệ số, nghiên cứu khoa học có những điểm cần lưu ý gì?
- Khởi đầu của nghiên cứu khoa học đều bắt nguồn từ những nhu cầu thiết thực trong đời sống của con người. Chúng ta đã trải qua 4 cuộc cách mạng công nghiệp, nhìn chung đều hướng tới nâng cao hiệu suất lao động và là hành trình đi tìm sự đổi mới, sáng tạo. Đổi mới sáng tạo cũng không xa rời với thực tế ngày hôm nay.
Đối với sinh viên, nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ quan trọng và không chỉ giới hạn ở nhà trường. Thông điệp mà tôi muốn nói ở đây là trong thời kỳ chuyển đổi số, không gian đã thoát ra khỏi giới hạn vật lý thông thường. Sự thôi thúc dường như không phải là từ các đơn vị cung ứng hay đơn vị sản xuất thuần túy mà chủ thể là từ mỗi đơn vị, cá nhân. Có thể thấy hàng hóa, dịch vụ được tạo ra để đáp ứng nhu cầu của cá nhân. Do đó chúng ta cần tận dụng những lợi thế của không gian số để tạo ra những hàng hóa đáp ứng được nhu cầu của con người hơn, nhất là khi nhu cầu ấy ngày càng được mở rộng.
Như vậy, công nghệ tạo ra những sự thay đổi mạnh mẽ như thế nào?
- Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Chúng ta có thể thấy rằng, với chuyển đổi số, có thể những kiến thức chúng ta được học ở nhà trường ngày hôm nay rất nhanh chóng sẽ được thay thế. Sinh viên, tuổi trẻ ngày nay là những chứng nhân của giai đoạn lịch sử, chúng ta phải chuẩn bị tâm thế những gì có ngày hôm nay, chưa chắc ngày mai còn là lợi thế của mình. Điều đó bắt buộc chúng ta phải chuyển đổi sang nhóm ngành nghề mới, dịch vụ mới. Công nghệ là công cụ để làm mới bản thân mình và tiến đến một cấp độ phát triển mới.
Cùng với sự thôi thúc từ nhu cầu thiết thực của con người thì đối với nhà khoa học, niềm đam mê cũng phải được coi là yếu tố hàng đầu, thưa giáo sư?
- Cho dù bất cứ lĩnh vực nào thì yếu tố thúc đẩy then chốt nhất là tình yêu. Dành tình yêu, đam mê, trăn trở vào trong từng công việc, lĩnh vực đó là động lực thôi thúc mỗi cá nhân vươn lên gặt hái thành công. Chúng ta chính là những người vẽ lên thành công trong cuộc đời của mình. Và một trong những phác thảo của hình ảnh thế hệ sinh viên hôm nay trong tương lai sẽ làm chủ, ứng dụng thành thạo khoa học công nghệ.
Nghiên cứu khoa học không phải cái gì quá hàn lâm. Do yêu cầu phát triển của cuộc sống, tư tưởng khoa học ngày càng gần gũi hơn. Sinh viên nghiên cứu khoa học bắt nguồn từ yêu cầu cuộc sống để tạo ra giá trị cuộc sống. Khi bắt đầu một nghiên cứu nào đó chính là sự thôi thúc để tạo ra giá trị cho cả cộng đồng người ở phía sau mình.
5 kỹ năng chính mà người làm nghiên cứu khoa học cần có là kỹ năng nghiên cứu, năng lực sáng tạo; kỹ năng xây dựng đội hình; tầm nhìn chiến lược; lãnh đạo và quản trị. Năng lực quản lý để sắp xếp các ưu tiên và tổ chức được đội hình và tổ chức hệ thống của mình là điều quan trọng. Nếu không tổ chức được đội hình thì không thể đi xa trong công việc nghiên cứu.
Cần tạo môi trường cho nhà khoa học trẻ
Thưa giáo sư, vai trò của trường đại học trong nghiên cứu khoa học hiện nay cần được nhìn nhận ra sao?
- Nghiên cứu khoa học là động lực của tất cả những ứng dụng của nó, thường được gọi là đổi mới sáng tạo. Như vậy, nền tảng đổi mới sáng tạo, của khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chính là ở trong trường đại học. Trường đại học là cái nôi để các bạn nuôi dưỡng ý tưởng, vun đắp khát vọng nghiên cứu khoa học của mình.
Sinh viên Trường đại học Lạc Hồng, trường đi đầu trong hoạt động sinh viên nghiên cứu ứng dụng tại Đồng Nai. Ảnh: Đ.LÊ |
Nhưng trường đại học cũng không chỉ là nơi truyền thụ kiến thức hàn lâm. Giáo dục đại học là nơi sinh viên nên được khuyến khích theo đuổi đam mê và sáng tạo. Các trường đại học cần chia sẻ sự phát triển với cộng đồng địa phương và đóng vai trò là nguồn năng lượng cho sự sáng tạo ấy.
Là nhà khoa học trẻ, từ những trải nghiệm thực tế của mình, theo giáo sư, chúng ta cần tạo ra môi trường như thế nào để thu hút người trẻ tài năng?
- Trong chặng đường đã qua, tôi cũng nếm đủ những khó khăn, thậm chí tuyệt vọng. Nhưng suy cho cùng, đó là những bài học, những kho báu trong hành trang trưởng thành của mình. Thử thách chỉ là động lực để sáng tạo, vươn lên.
Xã hội phát triển, bên cạnh các khuôn mẫu dù rất cần thiết, lúc nào cũng tìm ra cơ chế cho con người phát triển đột phá. Việc thu hút các nhà khoa học trẻ tài năng cũng cần đáp ứng những nhu cầu cao cấp hơn của họ, chứ không thể chỉ bằng các quy luật tuần tự.
Là người làm nghiên cứu khoa học trẻ, chúng tôi cần sự hỗ trợ, định hướng và dẫn dắt. Nhưng điều quan trọng hơn nữa là sự tin tưởng, môi trường để phát triển, cơ hội được thử thách, điều kiện cho chúng tôi phát huy năng lực của mình, gắn kết đội ngũ những người tri thức trẻ với nhau.
Với cương vị là Phó chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, giáo sư đã có những hoạt động gì để góp phần tập hợp thanh niên, tri thức trẻ?
- Chúng tôi cùng nhau tạo ra các diễn đàn để kết nối những người trẻ, tri thức trẻ ở trong và ngoài nước. Nhiều chương trình, hội thảo, đào tạo, chia sẻ và bàn luận những vấn đề mà đất nước đang quan tâm, thu hút đã được thực hiện. Điều này tạo cơ hội cho trí thức trẻ, các nhà khoa học có điều kiện đóng góp những hiểu biết của mình để phục vụ phát triển đất nước.
Từ năm 2017, mang trọng trách của một cán bộ Đoàn Thanh niên để thu hút và tập hợp trí thức Việt trẻ khắp thế giới, dù việc nhiều hơn nhưng với tôi đây là điều may mắn khi được tin tưởng, giao phó.
Xin cảm ơn giáo sư!
Đào Lê (thực hiện)
Năm 2023, GS-TSKH Trần Xuân Bách vinh dự nhận Giải thưởng Nghiên cứu xuất sắc ISPOR 2023 của Hiệp hội Nghiên cứu về hiệu quả và kinh tế y tế lớn nhất thế giới. Đây là lần đầu tiên giải thưởng được dành cho người Việt Nam. Kết quả sau chặng đường 15 năm nghiên cứu đánh giá hiệu quả và tìm ra những rào cản trong việc mở rộng các công nghệ y tế mới, bao gồm cả vaccine và các liệu pháp điều trị, góp phần kiểm soát các đại dịch như HIV/AIDS và Covid-19.
GS-TSKH Trần Xuân Bách ngoài giảng dạy tại Trường đại học Y Hà Nội còn là giảng viên thỉnh giảng cho nhiều cơ sở giáo dục đại học trong và ngoài nước như: Đại học Troy (Hoa Kỳ), Đại học Griffith (Úc), Đại học VinUni (Việt Nam). Ông cũng đã nhận được nhiều giải thưởng về nghiên cứu khoa học ở trong và ngoài nước. Năm 2023, Trần Xuân Bách được công nhận chức danh giáo sư ở tuổi 39, trẻ nhất Việt Nam.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin