Báo Đồng Nai điện tử
En

Giấy chuyển tuyến khám chữa bệnh bảo hiểm y tế:
Nên giữ hay bỏ?

Phương Liễu
07:40, 06/04/2024

Vừa qua nhiều ý kiến của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV kiến nghị xem xét, hủy bỏ thủ tục giấy chuyển tuyến  khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) để thuận lợi cho người dân tham gia KCB, bởi thủ tục này đang gây khó khăn cho người tham gia BHYT.

Nhân viên Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tiếp nhận bệnh nhân chuyển từ một bệnh viện tuyến huyện lên. Ảnh: P.Liễu
Nhân viên Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai tiếp nhận bệnh nhân chuyển từ một bệnh viện tuyến huyện lên. Ảnh: P.Liễu

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu không duy trì mô hình KCB theo tuyến, sẽ gây quá tải không cần thiết khi tất cả bệnh nhân dồn hết lên tuyến trên, còn tuyến dưới không có cơ hội được chăm sóc người dân.

Tâm lý thích lên bệnh viện tuyến trên

Theo quy định hiện hành, người tham gia BHYT được đăng ký KCB BHYT ban đầu tại một trong các cơ sở KCB tuyến xã, huyện và tuyến tương đương. Trường hợp bệnh nhân cần chuyển viện lên tuyến cao hơn thì phải có giấy chuyển tuyến mới được thanh toán toàn phần BHYT. Nếu không, người tham gia bảo hiểm sẽ phải tự chi trả viện phí theo tỷ lệ quy định.

Giấy chuyển tuyến là y lệnh và người bệnh sẽ được BHYT chi trả toàn phần ở tuyến tiếp theo. Cho nên, có giấy chuyển tuyến, người bệnh sẽ được hưởng rất nhiều quyền lợi ở tuyến trên, nếu tính ra bằng tiền có thể đỡ được vài chục triệu đồng, thậm chí vài trăm triệu đồng và ngược lại.

Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Phạm Minh Thành cho biết, càng lên tuyến trên, chi phí về tiền công khám bệnh, tiền giường càng cao. Do đó, đối với những loại bệnh không quá phức tạp, người dân không cần phải chuyển tuyến nhằm tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc.

Trường hợp ông Nguyễn Quang Sáng (ngụ phường Trung Dũng, thành  phố Biên Hòa) bị bệnh mạch vành, được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất chỉ định đặt 2 stent. Tuy nhiên, gia đình muốn ông được đặt stent ở Viện Tim Thành phố Hồ Chí Minh nên yêu cầu bệnh viện cho giấy chuyển lên tuyến trên. Mặc dù bệnh viện đã giải thích kỹ thuật này bệnh viện thực hiện thành công cho hàng trăm ca nhưng gia đình không yên tâm mà tự đưa ông đến bệnh viện tuyến trung ương để thực hiện kỹ thuật này và phải chi trả hơn 150 triệu đồng viện phí.

Nhiều người cho biết, họ đã phải trầy trật để có được tờ giấy chuyển viện cho người thân lên tuyến trung ương, nên nhiều ý kiến cho rằng, KCB BHYT đã được áp dụng trong toàn quốc thì không nên khống chế tuyến, hãy để người bệnh tự lựa chọn cơ sở y tế mà mình cho là uy tín, chất lượng để KCB.

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Phạm Văn Dũng cho biết, thời gian qua, bệnh viện chuyển bệnh nhân bị ung bướu, bệnh nhân mắc bệnh tâm thần lên tuyến trên khá nhiều do bệnh viện chưa có chuyên khoa điều trị ung bướu, tâm thần, buộc phải chuyển bệnh nhân, không thể giữ lại.

Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Lê Thị Phương Trâm cho biết, có những trường hợp bệnh quá nặng, bệnh viện buộc phải chuyển lên tuyến trên để đảm bảo an toàn tính mạng cho bệnh nhân, nhưng vẫn có những trường hợp xin đi vì nhiều lý do khác nhau, dù bệnh không quá nặng.

“Vì bệnh viện trung ương là tuyến cuối, mỗi ngày tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân nặng, nên khi tiếp nhận thêm những trường hợp chuyển tuyến có mức độ bệnh lý không quá nguy hiểm sẽ gây thêm quá tải, căng thẳng cho tuyến trên mà người bệnh cũng vất vả, tốn kém, trong khi hoàn toàn có thể điều trị tại bệnh viện” - bác sĩ Trâm cho hay.

Nâng cao chất lượng điều trị tuyến dưới, hạn chế tâm lý đòi chuyển viện

Trao đổi về vấn đề này, Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Bình cho biết, quy định hiện nay, bệnh nhân điều trị ở tuyến huyện, tuyến tỉnh muốn chuyển lên tuyến trung ương phải xin giấy chuyển viện. Chính giấy chuyển tuyến là công cụ giá trị để giữ vững hệ thống y tế và phân tuyến kỹ thuật.

Theo Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Bình, nếu bỏ giấy chuyển tuyến sẽ xảy ra tình trạng: tuyến trên, đặc biệt là tuyến trung ương… “vỡ trận” khi tất cả bệnh nhân đổ về với tâm lý bệnh nhân và người nhà luôn mong muốn được KCB ở tuyến cuối, bất kể bệnh nặng hay nhẹ. Điều này khiến tuyến trung ương quá tải, đội ngũ bác sĩ căng thẳng, không thể phục vụ bệnh nhân hiệu quả; đồng thời gây tốn kém cho người bệnh, từ chi phí di chuyển, ăn ở một cách không cần thiết. Trong khi đó, bệnh viện tuyến cơ sở sẽ rơi vào tình trạng “đói” bệnh nhân.

Giai đoạn 2021-2025, ngành y tế Đồng Nai thực hiện 5 dự án về chuyển đổi số, trong đó có triển khai ứng dụng tư vấn khám, chữa bệnh từ xa nhằm xây dựng hệ thống y tế với các nghiệp vụ hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, tư vấn chẩn đoán hình ảnh, giải phẫu bệnh, hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật giữa các bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới, sẽ góp phần hạn chế tình trạng chuyển tuyến hoặc vượt tuyến.

Cũng theo Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Bình, hiện nay việc KCB BHYT đã thuận lợi, quy định chuyển tuyến về cơ bản đã rất thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân. Từ ngày 1-1-2016 đã thông tuyến KCB BHYT tuyến huyện ngoại trú và từ ngày 1-1-2021 đã thông tuyến KCB BHYT tuyến tỉnh nội trú. Các trường hợp cấp cứu thì có thể đến cơ sở y tế nào và ở bất cứ tuyến nào. Đối với những bệnh nhân bị các bệnh mãn tính theo danh mục, cũng chỉ phải làm giấy chuyển tuyến 1 lần/năm.

Để bệnh nhân yên tâm điều trị tại chỗ, không phải còn tâm lý e ngại chất lượng tuyến dưới mà đòi chuyển tuyến, hiện nhiều bệnh viện đã có kế hoạch nâng cao chất lượng KCB, đặc biệt là phát triển nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao, đa dạng dịch vụ y tế phục vụ người bệnh và thân nhân người bệnh.

Về vấn đề này, bác sĩ Phạm Văn Dũng cho biết thêm, hiện Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất đã cử nhân sự đi đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn để sắp tới sẽ thành lập các khoa: ung bướu, hồi sức tích cực ngoại… nhằm giữ bệnh nhân ở lại bệnh viện điều trị. Ngoài ra, bệnh viện đang hợp tác với nhiều chuyên gia đầu ngành ở Thành phố Hồ Chí Minh để tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật mới, kỹ thuật cao… Điều này không chỉ nâng cao thương hiệu của bệnh viện mà còn giúp bệnh nhân yên tâm yên tâm điều trị, giảm được chi phí tốn kém nếu phải điều trị tại tuyến trên.

Như vậy, để giữ cho cơ cấu hoạt động của các tuyến ổn định, thì rõ ràng vẫn phải duy trì quy định chuyển tuyến theo hệ thống. Tuy nhiên, để giảm bớt tâm lý người bệnh, người nhà muốn lên tuyến trên để được hưởng chuyên môn điều trị tốt hơn thì giải pháp căn cơ nhất vẫn là hệ thống y tế tuyến dưới phải đảm bảo tốt công tác chuyên môn KCB để người bệnh yên tâm điều trị tại chỗ.

Phương Liễu

Tin xem nhiều