Báo Đồng Nai điện tử
En

Lễ hội cúng thần lúa của các tộc người thiểu số sống lâu đời ở Đồng Nai

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Ân
07:30, 20/04/2024

Trong đời sống tâm linh của cư dân nông nghiệp, tín ngưỡng thờ thần cây, trong đó đặc biệt là thờ cây lúa, có vị trí rất quan trọng. Đối với họ, cây lúa là cây thiêng, là tất cả cuộc sống, là một tặng vật của thần linh, là lương thực chính của con người và các vị thần.

Lễ cúng thần lúa của người Chơro ấp Đức Thắng, xã Túc Trưng, huyện Định Quán.
Lễ cúng thần lúa của người Chơro ấp Đức Thắng, xã Túc Trưng, huyện Định Quán.

Vì vậy, thần lúa trở thành vị thần thiêng liêng nhất và từ đó niềm tin mãnh liệt vào hồn lúa được nảy sinh và phát triển.

Nguồn cội của lễ hội

Truyện cổ dân gian Cây lúa của dân tộc Kinh, truyện Bó khâu quang của dân tộc Tày đều có nội dung giống nhau, nói về quá trình thuần dưỡng cây lúa. Một cô bé đi cắt lúa, gặt xong khóm này, tiến lên gặt khóm khác thì gốc lúa ở khóm gặt rồi lại nảy sinh ra khóm mới. Gặt mãi không xong, cô ngồi khóc và cầu cứu đến Bụt. Bụt hiện lên và bày cho cách làm lúa đã gặt xong không trổ bông nữa.

Truyện kể rằng: Nữ thần lúa là một cô gái xinh đẹp, dáng người ẻo lả và có tính hay hờn dỗi. Nàng là con gái Ngọc Hoàng. Sau những trận lụt lội ghê gớm xảy ra, sinh linh cây cỏ đều bị hủy diệt, trời bèn cho những người còn sống sót sinh con đẻ cái trên mặt đất, sai thần lúa xuống trần gian, nuôi sống loài người. Nữ thần làm phép cho những hạt giống gieo xuống đất nảy mầm, mọc thành cây, kết bông mẩy hạt. Lúa chín tự về nhà không cần gặt và phơi phóng gì cả. Cần ăn, cứ ngắt bông bỏ vào nồi là lúa sẽ thành cơm.

Lễ hội cúng thần lúa của các tộc người thiểu số sống lâu đời ở Đồng Nai rất cần sự hỗ trợ về kinh phí từ phía nhà nước, các tổ chức xã hội và những nhà hảo tâm, cũng như sự đóng góp của cả cộng đồng để chung tay, góp sức vào bảo tồn và phát huy vốn văn hóa phi vật thể đặc sắc này.

Một hôm, cô con gái nhà kia đang bận việc. Sân chưa quét dọn, cửa kho cũng chưa mở, lúa ở ngoài đã ùn ùn kéo về. Cô gái nổi cáu. Sẵn tay đang cầm cái chổi, cô đập vào đầu bông lúa mà mắng: “Người ta chưa dọn dẹp xong đã bò về. Gì mà hấp tấp thế”. Thần lúa đang dẫn các bông lúa vào sân, thấy sân, đường bẩn thỉu rác rưởi đã bực trong lòng, lại bị phang một cán chổi vào đầu, tức lắm. Cả đám lúa đều thốt lên: “Muốn mệt thì ta cho mệt. Từ nay có hái tre, liềm sắt cắt cổ tao, tao mới về”.

Từ đó, thần lúa dỗi, nhất định không cho lúa bò về nữa. Người trần gian phải xuống tận ruộng lấy từng bông. Thấy vất vả mệt nhọc quá, người ta mới chế ra liềm hái để cắt lúa cho nhanh. Và lúa cũng không tự biến thành cơm nữa, mà phải phơi phóng, xay giã cho ra gạo.

Sự hờn dỗi của thần lúa còn cay nghiệt hơn nữa trước sự phũ phàng của con người, nên nhiều lần đã cấm không cho các bông lúa nảy nở. Có kết hạt thì cũng chỉ là lúa lép mà thôi. Vì thế, sau này mỗi lần gặt xong người trần gian phải làm lễ cúng thần lúa (có nơi thì gọi là cúng cơm mới). Cúng hồn lúa, cơm mới, do các gia đình tổ chức, rồi đến các làng, các bản cũng phải mở lễ hội chung để tạ ơn thần lúa. Trong những ngày hội ấy, mở đầu cho các cuộc tế tự và trò vui, là một tiết mục hấp dẫn, gọi là “Rước bông lúa”. Các trò Trám (Vĩnh Phú), trò Triêng (Thanh Hóa), trò thổi tù và cây Hồng (Nghệ An, Hà Tĩnh)... đều có rước bông lúa như vậy.

Nét văn hóa độc đáo ấy càng thể hiện rõ nét và được bảo lưu, phát triển mạnh mẽ đối với các tộc người thiểu số…

Lễ hội cúng thần lúa của các tộc người sống lâu đời ở Đồng Nai

Các tộc người sống lâu đời ở Đồng Nai bao gồm Chơro, Mạ, S’tiêng và Kơ Ho thuộc nhóm loại hình nhân chủng Anhđônêdiêng; ngữ hệ Môn - Khmer, dòng Nam Á, chưa có chữ viết riêng của dân tộc mình.

Người Chơro thực hiện lễ cúng thần lúa (Sayangva) từ bao đời nay, theo thông lệ hàng năm và theo kiểu “xưa bày nay theo”, cộng đồng người Chơro lại tổ chức cúng lúa mới. Khoảng từ tháng 2-3 âm lịch, người Chơro tổ chức cúng thần lúa tại nhà dài. Lễ hội thường kéo dài trong nhiều ngày đêm. Mọi người trong làng và du khách đều được tham dự…

Trang trí cây nêu trong Lễ hội Cúng thần lúa của người
Chơro ấp Lý Lịch, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu.
Trang trí cây nêu trong Lễ hội Cúng thần lúa của người Chơro ấp Lý Lịch, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu.

Để chuẩn bị cho lễ cúng lúa mới, người Chơro phải sửa soạn sạch đẹp ngôi nhà sàn, trang trí cây nêu, bàn thờ Yang và kho lúa. Chọn rẫy lúa, rẫy mì tốt và các vật cúng cần thiết trong buổi lễ. Rẫy lúa và vạt lúa chọn cúng có vị trí quan trọng trong tâm linh và lễ thức của họ, khi thu hoạch lúa, người Chơro chọn và để lại một vạt lúa tốt, được che chắn cẩn thận. Vạt lúa để lại được xem là nơi trú ngụ tạm thời của hồn lúa cho đến khi lễ cúng thần lúa được tổ chức và nghi thức rước hồn lúa là công việc đầu tiên, rất quan trọng trong toàn bộ lễ hội.

Trong không gian ngôi nhà sàn, bàn thờ Yang chiếm vị trí quan trọng, với ba tầng gắn vào vách nhà phía đông (phía mặt trời mọc). Các lễ vật bày trí trên bàn thờ gồm cây nhang có bôi huyết của vật hiến tế (heo, gà), đèn sáp, vỏ cây chùm hum để tạo hương; bông lúa rước từ vạt lúa về, các loại rau quả giống (bầu, mướp…), các loại thịt và đồ lòng của các con vất hiến tế, bánh dày, cơm lam… nhưng tất yếu và không thể thiếu đó là ché rượu cần đặt trang trọng trước bàn thờ Yang, được nối dây (bắc cầu thang) để các vị thần về đón nhận lễ vật.

Trong tri thức thẩm mỹ, hồn lúa bao giờ cũng rất đẹp. Vì thế, các tộc người đều có tục thờ cúng thần lúa và tổ chức nhiều lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc nhằm tôn vinh cây lúa.Trang trí cây nêu trong Lễ hội Cúng thần lúa của người Chơro ấp Lý Lịch, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu.

Phía dưới sân nhà được dọn dẹp sạch sẽ. Cây nêu được dựng giữa sân để báo tin và định hướng cho các vị thần về chứng giám. Gốc cây nêu là nơi cột những con vật sẽ làm thịt để hiến tế trong lễ hội, cũng là nơi diễn ra phần hội đối với những người đến dự lễ, nơi ẩm thực, đánh cồng chiêng, trình diễn các loại nhạc cụ và giao lưu văn hóa với các cộng đồng.

Kho lúa được làm theo kiểu nhà sàn nhưng quy mô nhỏ hơn, dựng theo hướng đông - tây, để mặt trời không đi ngang qua đòn dông, tránh sự xúc phạm đến thần lúa và mùa màng sẽ không tươi tốt. Với người Chơro, chỉ có người đàn ông trong gia đình mới được đưa lúa vào kho và đem mâm lễ vật, cây nhang bôi huyết vật hiến sinh lên thực hiện các nghi lễ cúng thần lúa.

Ngược lại, lễ rước hồn lúa do người phụ nữ chính trong gia đình thực hiện, nội dung lời khấn hàm nghĩa báo cáo cho hồn lúa biết hôm nay nhà tổ chức lễ cúng thần lúa và mời hồn lúa từ rẫy về nhà dự lễ cúng, cầu xin hồn lúa thuận ý và phù hộ cho mọi sự diễn ra tốt đẹp. Khấn xong, người phụ nữ lấy nước trong trái bầu khô đem theo thực hiện nghi thức tắm rửa, tẩy sạch và tươi tắn cho hồn lúa, rồi dùng liềm cắt những bông lúa mang về. Ngoài ra, họ còn chọn những ngọn mía, ngọn chuối con (một cặp) với lời khấn cho con cái trong nhà được bình an, lớn nhanh như cây mía, cây chuối.

Sau khi hoàn tất các khâu chuẩn bị, người gọi Yang (thường là già làng) ngồi trước ché rượu cần, hai tay ôm con gà trống, mắt hướng về bàn thờ Yang đọc lời khấn. Nội dung của lời khấn tại kho lúa tương tự như lời khấn trước bàn thờ Yang trong ngôi nhà, mục đích là cầu xin Yangva phù hộ cho mùa màng, cây cối, nương rẫy của thân chủ trồng mau xanh, mau lớn, mưa thuận gió hòa, lúa cho nhiều hạt, chất đầy kho để nuôi sống gia đình…

Lễ hội mừng lúa mới của người Mạ, người S’tiêng nhìn chung có những nét tương đồng về mục đích, nghi thức cúng, lời khấn cầu với người Chơro, nhưng có những nét đặc sắc riêng. Tại Bù Cháp (ấp 4, xã Tà Lài, huyện Tân Phú), nơi có cộng đồng dân tộc Mạ và S’tiêng sinh sống lại tổ chức chung lễ hội mừng lúa mới theo cách luân phiên. Các vật hiến tế phong phú hơn, gồm trâu, dê, heo, gà, vịt; trong đó nghi thức đâm trâu được xem như nghi thực chính của lễ hội (vì thế còn gọi là lễ đâm trâu). Lễ hội thường được tổ chức tại một khoản đất rộng, bằng phẳng nằm giữa hai làng; họ dựng hai cây nêu và nhà sàn nhỏ để thực hiện các nghi thức cúng. Con trâu hiến tế được cột vào cây nêu chính, cây nêu còn lại cột dê, heo, gà, vịt…

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Ân

Tin xem nhiều