Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhà báo lão thành Trương Thanh Phận: Đọc tập thơ Tình như trong mơ

Tây Sơn Hạ
11:00, 19/04/2024

Khi về làm việc ở Báo Đồng Nai năm 1984, tôi là “lính” của anh Trương Thanh Phận, lúc ấy là Trưởng ban Văn hóa – xã hội, Báo Đồng Nai.

Anh Phận mới qua đời, thọ 85 tuổi và được 60 năm tuổi Đảng. Nay điểm lại tập thơ Tình như trong mơ của anh, như một nén tâm nhang gởi đến một người làm báo nặng lòng với thơ.

Khi về nhận nhiệm vụ, Tổng biên tập Báo Đồng Nai (lúc ấy là anh Nguyễn Nam Ngữ) hỏi tôi thích hợp lĩnh vực nào. Tôi không đắn đo: “Dạ, văn hóa - văn nghệ”, rồi được phân về ban của anh Phận.

Lúc đầu, tôi gọi anh Phận là chú. Anh cười hiền: “Cứ gọi mình bằng anh”. Tháng đầu tiên, coi qua nhuận bút, anh nói như reo, báo rằng tôi vượt định mức được 70 ngàn đồng. Quan tâm tới anh em trong bộ phận, tôi nghĩ ít người như anh Trương Thanh Phận.

Sau đó, tôi chuyển qua Báo Lao Động Đồng Nai (hiện nay đã sáp nhập với Báo Đồng Nai). Một hôm, anh ghé tòa soạn Báo Lao động Đồng Nai, dĩ nhiên là tay bắt mặt mừng và anh tặng tôi tập thơ Tình như trong mơ (Nhà xuất bản Đồng Nai, 2004).

Được các tác giả tặng sách cũng kha khá. Nhiều cuốn biết chắc là mình có mà tìm không ra, không hiểu sao tập thơ anh Phận cứ “lẩn quẩn” trước mắt. Khi còn làm việc chung, anh nói: “Ở ngoài Bắc anh đã in riêng và chung mười mấy đầu sách”.

Nhà thơ Đàm Chu Văn giới thiệu tập Tình như trong mơ của Trương Thanh Phận như sau: “Thơ Trương Thanh Phận là tiếng thơ thủ thỉ, tâm tình. Anh dùng lối nói giản dị, tự nhiên như những tâm sự hàng ngày, không màu mè hoa lá”. Maxim Gorki nói “văn tức là người”, Trương Thanh Phận ứng vào thơ anh.

Anh Phận quê Nam Định. Tôi nhớ anh Hải Ba đã mất có hai câu dễ nhớ “Quê Nghĩa Hưng ở Đồng Nai/ Chân xòe lục bát thành hai quên nhà” thì anh Trương Thanh Phận cùng quê Nam Định cũng vậy, anh chọn thể thơ dân tộc lục bát để nói lên tiếng lòng của mình.

Bài Về Đồng Nai, anh viết: “Làm trai cho đáng thân trai…”/ Muôn nơi được biết Đồng Nai phải từng/ Về đây cây trái thơm lừng/ Sầu riêng đã hóa vui chung muôn nhà.

Về loại trái cây đặc trưng mùi vị này, cũng bài thơ dài 40 câu lục bát, anh “triết” một chút: Sầu riêng nhăn mặt lắm gai/ Mắt cười sắc nhọn đuổi vơi nỗi sầu/ Thương nhau mới hiểu lòng nhau/ Trái ngon nào chỉ nhìn đâu bề ngoài.

Bài Nghĩa tình với Trị An mang cái chân chất của Trương Thanh Phận: Ước mơ xưa đến đây rồi/ Trị An réo gọi muôn nơi đổ về/ Ngăn hồ, chắn thác, tôn đê/ Khơi nguồn thủy điện cho quê hương mình/ Bạn từ Xuyên Mộc, Long Thành/ Em người Tân Phú… còn anh Biên Hòa/ Người thành phố Bác cùng ra/ Tỉnh gần cùng với tỉnh xa cũng vào/ Gặp nhau nón vẫy tay chào/ Vui ngày hội tụ đẹp sao tình người.

Năm 1999 tính đến nay là 25 năm, một phần tư thế kỷ, lúc ấy so với nay đã khác nhiều mà trong bài Cù lao Phố, anh đã nhận ra:  Đây cù lao Phố Biên Hòa/ Dấu xưa cảnh mới như là niềm mơ/ Thăm đền nhớ đức Ông xưa/ Càng yêu cuộc sống bây giờ em ơi.

Tri ân nơi mình chọn là quê hương thứ hai với câu chữ đượm tình là đặc điểm thơ Trương Thanh Phận.

Tây Sơn Hạ

 

Tin xem nhiều