Nhiều cán bộ và nhân dân tỉnh Đồng Nai thuộc thế hệ sau tháng 4-1975 biết đến ông Lê Quang Thành (thường gọi là Tư Thành), Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhưng rất ít người biết tên thật của ông Tư Thành là Đoàn Văn Tý. Đến ngày 10-4-2024 này, cụ Đoàn Văn Tý đúng 100 tuổi.
Ông Lê Quang Thành. |
Trong cuộc đời hoạt động sôi nổi của mình, cụ Lê Quang Thành từng đảm trách hai chức danh khá hy hữu. Đó là Chủ nhiệm đầu tiên và cũng là duy nhất của Báo Đồng Nai những năm mới thành lập (từ đầu năm 1976) và Bí thư Đặc khu ủy Vũng Tàu - Côn Đảo, một chức danh cũng… vô tiền khoáng hậu.
Khá bất ngờ là có đến 12 năm làm nhân vật số 1 của miền biển đảo này, vậy mà trước đó cụ Tư Thành lại kém duyên hạnh ngộ với Vũng Tàu. Mùa hè năm 1937, trò Đoàn Văn Tý lớp Nhì năm thứ hai của trường làng Trung An (Mỹ Tho) xếp hạng 3, được nhà trường đài thọ cho đi nghỉ mát tại Ô Cấp (Vũng Tàu ngày nay), nhưng làng gửi giấy báo đến trễ nên ông mất một cơ hội hiếm có này. Mãi đến năm 1954, khi được trao trả ra miền Bắc, ngồi trên tàu Gascogne, chiến sĩ cách mạng Đoàn Văn Tý mới qua ánh đèn pha, lần đầu tiên lờ mờ nhìn thấy Ô Cấp.
Trong bàn tay kẻ thù hung bạo
2 giờ trưa ngày 1-6-1952, anh bào chế viên của nhà thuốc gác gần chợ Bến Thành vừa dắt chiếc xe đạp ra cử thì bất ngờ có hai tên lính kín ập đến tuyên bố: “Anh đã bị bắt!” và sau một hồi lục soát, thanh niên 28 tuổi này bị đưa về bót Catinat. Tại phòng điều tra số 4, tên Trưởng phòng xem giấy tờ tùy thân của người bị bắt rồi gằn giọng: “Anh không phải Nguyễn Minh Chánh. Chánh là tên giả phải không”. Anh bào chế viên chưa kịp trả lời, thì tên Trưởng phòng chìa ra tờ học bạ có hình ảnh, sơ yếu lý lịch học sinh của anh và nói: “Đoàn Văn Tý, Tý Đoàn mới đúng là tên thật của anh, cựu học sinh Collège de My Tho, đậu bằng Thành Chung, ra trường rồi theo Việt Minh chống lại nhà nước Nam kỳ. Nhà nước đã ra thông báo kêu gọi những người có bằng Thành Chung phải đến trình diện với chính quyền sở tại để được cử đi học trường đào tạo sĩ quan ở Đà Lạt. Anh ngoan cố không ra trình diện, giờ đây lại về Sài Gòn làm gì?”.
Ông Tý Đoàn biết là không thể chối cãi về tông tích và quá khứ của mình nhưng cũng biết là bọn mật thám chưa nắm được hoạt động của mình, nên bình tĩnh khai: “Sau khi ra trường Collège de My Tho tôi có đi làm việc cho Pháp. Đến khi Nhật đảo chánh Pháp, tôi nghỉ làm, tham gia phong trào Thanh niên Tiền phong năm 1945, thuở đó ai ai cũng bị lôi cuốn. Đến tháng 8-1945, dân chúng nổi dậy, dựa vào phong trào Thanh niên Tiền phong lật đổ chính quyền thân Nhật, lập chính quyền cách mạng chưa đầy một tháng thì quân Pháp trở lại. Chính quyền cách mạng do Việt Minh lãnh đạo chủ trương và kêu gọi mọi người dân phải kháng chiến chống Pháp. Trong tình thế đó, tôi theo Việt Minh kháng chiến, cũng là theo xu hướng của phong trào lúc bấy giờ… Đến nay cuộc kháng chiến đã kéo dài, sức khỏe tôi lại giảm sút, bệnh hoạn, nên phải tự động về Sài Gòn. Các anh hỏi: về Sài Gòn làm gì? Tôi về Sài Gòn để chữa bệnh, bồi dưỡng sức khỏe rồi tìm việc làm, kiếm tiền nuôi thân…”.
Nghe đến đây, mắt tên Trưởng phòng gườm gườm. Hắn ta đổi giọng: “Mày ngoan cố, quanh co, chúng tao có cách làm cho mày phải khai”. Rồi ra lệnh cho 3 thủ hạ xáp lại lột hết quần áo của ông Tý Đoàn, thi nhau đấm đá cực kỳ hung bạo. Trân mình chịu đau, trong đầu người chiến sĩ Cộng sản trẻ vẫn kiên định ý chí kiên gan, giữ tròn khí tiết người cách mạng, quyết không khuất phục, không khai báo điều gì làm hại cho tổ chức. Cùng những tiếng “hự! hự!” chịu đòn tra tấn, Bí thư Tỉnh Đoàn Mỹ Tho Đoàn Văn Tý (đã lấy tên mới là Đoàn Hồng Đoàn trước ngày tham dự Đại hội đại biểu Đoàn Thanh niên Cứu quốc Nam Bộ và được bầu vào Ban Chấp hành Xứ Đoàn do Trần Bạch Đằng làm Xứ Đoàn trưởng) bỗng nhớ lại chuyện được cử đi học Trường Đảng trung cao cấp Trường Chinh khóa 2. Vào giữa tháng 3-1951, khi khóa học sắp kết thúc thì được báo tin: Theo đề nghị của đồng chí Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh) - Bí thư Đặc khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, Xứ ủy đồng ý quyết định điều chuyển đồng chí Đoàn Hồng Đoàn thôi công tác ở Xứ Đoàn Thanh niên Cứu quốc, về công tác nội thành Sài Gòn - Chợ Lớn. Chỉ kịp trở về cơ quan Xứ Đoàn để chúc mừng anh Trần Bạch Đằng và chị Nguyễn Thị Chơn vừa làm lễ kết hôn, Đoàn Hồng Đoàn phải vội vã tìm đường đến Đất Cuốc - nơi đặt căn cứ Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn. Hơn một tháng được Bí thư Đặc khu Mười Cúc giới thiệu về tình hình nội đô và phương pháp hoạt động nội thành, tháng tiếp sau đó lại được giao liên đặc biệt đưa vào Rừng Sác, phía xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch (tỉnh Biên Hòa) để được Trưởng ban Cán sự II Nguyễn Hộ truyền đạt nhiệm vụ công tác với chỉ thị: “Vào thành sẽ được anh Tám Chiêu thu xếp chỗ ở. Khi có chỗ ở ổn định rồi, tự tìm việc làm, hướng về vùng Khánh Hội, xóm Chiếu, khu cảng Sài Gòn”.
Cán bộ nội thành Đoàn Văn Đoàn nhanh chóng thích nghi với cuộc sống đô thị, móc nối được các cơ sở chỉ định và tìm lại quan hệ với bạn bè, người quen cũ ở Mỹ Tho lên Sài Gòn làm ăn, có cảm tình với cách mạng. Ông có nơi ở trên đường Belland gần chợ Bà Chiểu và nhà quen gần chợ Nancy, lại được nhận vào làm ở nhà thuốc gác… Thế nhưng không biết vì sao ông lại lọt vào tay bọn mật thám bót Catinat.
Sau trận đòn đấm đá là những màn tra tấn rất dã man gọi là “đi tàu lặn” rồi lại “đi tàu bay”, “châm điện”… liên tục 3 ngày đêm vẫn không khuất phục được người cán bộ Cộng sản, chúng tống ông vào xà lim rồi ra các phòng giam, qua Khám Lớn. Vào giữa tháng 8-1952 Đoàn Hồng Đoàn ra Tòa án binh của thực dân Pháp, bị kết án 3 năm tù giam, 5 năm biệt xứ về tội “hành động nguy hại cho quốc phòng”. Sau đó ông được chuyển qua Khám Thủ (Khám tỉnh Thủ Dầu Một).
10 năm trên đất Bắc
Thi hành Hiệp định Genève, sáng ngày 19-9-1954 Đoàn Hồng Đoàn nằm trong số 300 tù chính trị tại Khám Thủ và các khám lẻ Lái Thiêu, Hớn Quản, Lộc Ninh, Bà Rá được Pháp trao trả. Đến Sầm Sơn (Thanh Hóa) ngày 21-9, đoàn “cán bộ trao trả” được đưa về thị trấn Quảng Xương tham dự lớp học chính trị, tự kiểm điểm trong thời gian bị bắt, bị tù đày. Sau đó, theo nguyện vọng, ông được bố trí đi cải cách ruộng đất. Đầu tiên ông được dự khai mạc hội nghị tổng kết giảm tô và cải cách ruộng đất ở các tỉnh Việt Bắc tại huyện Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ). Được phiên chế vào lực lượng “cán bộ chủ lực Cải cách ruộng đất”, ông tham gia cải cách ruộng đất đợt 3 ở xã Chu Minh (tỉnh Sơn Tây), rồi đợt 4 ở xã Thanh Phong (tỉnh Hà Nam), đợt 5 ở huyện Tiên Hưng (tỉnh Thái Bình). Đợt 5 cải cách ruộng đất đang được tiến hành nửa chừng thì có Nghị quyết sửa sai của Trung ương Đảng. Ông lại được tham gia vào công tác sửa sai.
Vào tháng 6-1956, thật hết sức bất ngờ, ông Đoàn nhận được thư khẩn của Trung ương Đoàn Thanh niên lao động Việt Nam gọi về Hà Nội nhận nhiệm vụ mới. Tại trụ sở Trung ương Đoàn ở số 55 đường Quang Trung, ông được thông báo là Đại hội lần thứ 2 của Đoàn đã quyết định đổi tên Đoàn là Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam và bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, trong đó Đoàn Hồng Đoàn là Ủy viên chính thức. Ông được bố trí nhà ở và làm việc tại số 3 đường Hồ Xuân Hương. Đến tháng 7, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Đoàn Hồng Đoàn nhận được quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng công nhận đảng tịch và giới thiệu sinh hoạt Đảng tại cơ quan Ban Thanh vận Trung ương. Tiếp đó, Ban Bí thư Trung ương Đoàn phân công ông Đoàn làm Trưởng ban Nông thôn. Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng về việc cử cán bộ về các tỉnh tham gia cấp ủy và cùng cấp ủy địa phương tiến hành công tác sửa sai cải cách ruộng đất, đầu năm 1957, ông Đoàn được điều động về tỉnh Hưng Yên trực tiếp tham gia Ban Thường vụ Huyện ủy Kim Động.
Tháng 6-1958, với tư cách Trưởng ban Nông thôn, ông Đoàn tháp tùng đoàn tham quan “phong trào nhảy vọt, hợp tác hóa nông nghiệp” ở Trung Quốc.
Với chủ trương xây dựng Phú Thọ, tỉnh trung du giàu tiềm năng thành một tỉnh công nghiệp, vào cuối năm 1958 Đoàn Hồng Đoàn được Ban Bí thư Trung ương Đảng điều về tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Phú Thọ, trực tiếp làm Bí thư Tỉnh đoàn. Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ diễn ra từ ngày 26-1 đến 3-2-1959, Đoàn Hồng Đoàn được bầu vào Ban Chấp hành. Đến tháng 5, Tỉnh ủy viên Đoàn Hồng Đoàn được Tỉnh ủy bầu bổ sung vào Ban Thường vụ và phân công làm Trưởng ban Dân vận - Mặt trận. Sau đó ông được bầu làm Phó chủ tịch Mặt trận tỉnh Phú Thọ.
Đầu năm 1961, ông Đoàn Hồng Đoàn lại được điều trở lại Trung ương Đoàn. Và tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 3, ông được bầu làm Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đoàn, Bí thư Đảng ủy các cơ quan Trung ương Đoàn. Tháng 8, ông Đoàn được cử sang Liên Xô học trường Đảng cao cấp.
3 năm sau, trở về nước, ông lại tiếp tục công tác tại Trung ương Đoàn ở Hà Nội với vai trò là Bí thư Đảng ủy tổ chức thực hiện nhiệm vụ trước mắt là đưa các cháu đi sơ tán. Vào cuối tháng 2-1965, Bí thư Đảng ủy Đoàn Hồng Đoàn bất ngờ nhận được quyết định của Trung ương Đảng điều động về Nam nhận công tác Đoàn thanh niên. Kèm theo là lời căn dặn: “Do trong đó sắp mở Đại hội Đoàn, đồng chí phải khẩn trương để kịp đi chuyến đặc biệt vào chiều chủ nhật”.
Trở về chiến trường miền Nam
Đúng một tuần lễ sau, Đoàn Hồng Đoàn đã có mặt tại R. Ông bắt tay tham gia khâu chuẩn bị nội dung cho Đại hội Đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng Việt Nam lần thứ 1. Ngày 26-3-1965, Đại hội long trọng khai mạc và vinh dự được đón tiếp các đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Cục, trong đó có đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng đến dự và chỉ đạo.
Ông Đoàn Hồng Đoàn được bầu vào Ban Chấp hành, được phân công làm Bí thư Trung ương Đoàn, Bí thư Ban Thanh vận miền Nam. Ngay trong tháng 4, Tổng đội Thanh niên xung phong giải phóng miền Nam được thành lập. Cùng cán bộ Thành đoàn Sài Gòn, ông Bí thư Trung ương Đoàn bí mật vào tận Bến Cát, Củ Chi để làm công tác Đoàn. Trong những đợt Tổng công kích Tết Mậu Thân 1968, ông Đoàn cũng cùng cán bộ Phân khu Đoàn I bám sát thị trấn Trảng Bàng (Tây Ninh) để kịp thời sơ kết rút kinh nghiệm và mở hội nghị Thanh niên Tiên tiến diệt Mỹ.
Ông Lê Quang Thành (thứ 2 từ trái qua) cùng các nguyên lãnh đạo Báo Đồng Nai, Đàiphát thanh và truyền hình Đồng Nai. |
Năm 1972 để chuẩn bị đón thời cơ mới, khu Đông Nam bộ được lập lại, ông Đoàn Hồng Đoàn được Ban Thường vụ Trung ương Cục điều động tham gia vào Khu ủy Đông Nam Bộ, phụ trách Trưởng ban Tuyên huấn nhanh chóng hình thành các bộ phận trực thuộc (được gọi bằng mật danh B1,… B6 ), phối hợp mở liên tiếp hai lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ cho 40 cán bộ trung sơ cấp.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Trưởng ban Tuyên huấn Khu ủy Lê Quang Thành được phân công chỉ đạo tỉnh Biên Hòa nông thôn, bao gồm 5 huyện: Thống Nhất, Vĩnh Cửu, Long Thành, Nhơn Trạch, Duyên Hải. Sát cánh cùng Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông, ông Lê Quang Thành thường xuyên có mặt tại Suối Quýt, Cầu Vạt, Phước Thái, Cẩm Đường, xóm Đồi 61, Vũng Gấm, Bà Trường, Suối Cả, Sông Buông… cho đến tận ngày hoàn toàn giải phóng 30-4-1975.
Nhận xét về cuộc đời và sự nghiệp của nhà cách mạng Lê Quang Thành (Đoàn Văn Tý, Đoàn Hồng Đoàn), Trầm Hương - nhà văn chuyên viết về lịch sử cách mạng cho rằng: “Một người đáng được kính trọng không phải là người giàu nhất, nắm giữ những chức vụ quan trọng nhất, mà là một người có nhân cách cao đẹp với tấm lòng trong sáng, trung thực, không ngừng kiên trì, nỗ lực vượt qua những thách thức, khó khăn. Ông may mắn được hưởng một nền giáo dục gia đình với truyền thống trọng nhân nghĩa, với cốt cách nghĩa khí Nam Bộ: ghét xu nịnh, xem trọng sự trung thực, nhân ái với đồng bào, đồng chí; cần cù lao động, đã dấn thân vào con đường cách mạng là hết mình…”.
Bùi Thuận
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin