Đặt tên đối với đơn vị hành chính là vấn đề xưa nay các thể chế quản lý đã thực hiện. Tên gọi các đơn vị hành chính thường bắt nguồn từ các tên mà cộng đồng cư dân sử dụng để chỉ về một vùng đất, địa bàn, khu vực, địa điểm.
Quảng trường Sông Phố xưa |
Tên gọi đơn vị hành chính được đặt mới cũng phụ thuộc vào quan điểm của cấp có thầm quyền.
Từ buổi đầu đặt nền móng cho sự quản lý trên vùng đất mới của Nam Bộ, vùng Đồng Nai được xem là “địa đầu”, trong tình hình “đất rộng, người thưa”, vẫn còn ẩn chứa những bất ổn, tên gọi hành chính được chúa Nguyễn sử dụng là dinh Trấn Biên, huyện Phước Long. Trấn Biên ở đây có nghĩa là vùng đất để bảo vệ, gìn giữ nơi giáp bờ cõi, vì ở phía dưới còn có Phiên Trấn là “phên dậu”. Thời Tây Sơn đặt sự quản lý, Trấn Biên được đổi thành Biên Trấn cũng không ngoài ý nghĩa trên. Trấn ở đây là đơn vị hành chính nhưng có tính chất quân sự (quân quản). Trong diễn trình lịch sử tiếp nối, qua những giai đoạn, cấp của đơn vị hành chính được nâng lên, thành lập mới theo quan điểm của thể chế quản lý (triều Nguyễn, thời Pháp thuộc…).
Thời Nguyễn, tên đơn vị hành chính thường dùng những mỹ tự đẹp, hàm nghĩa về sự tốt lành mà cả chính quyền hay người dân đối với vùng đất, cộng đồng, hướng về một tương lai tươi đẹp. Đơn vị tổng, thôn, làng, xã, ấp ở Biên Hòa, Đồng Nai được đặt với các mỹ tự: An, Bình, Định, Vĩnh, Phước, Hòa, Hưng, Thạnh, Lợi, Khánh, Phú, Qưới, Trường, Mỹ, Tân…
Số phận của những tên gọi khác nhau
Long Thành ban đầu là một trong bốn tổng (cùng với Phước Chánh, Bình An, Phước An) thuộc huyện Phước Long được nâng lên thành huyện. Mặc dù địa giới cho đến nay có những thay đổi nhưng tên gọi này được xem là tồn tại có tính chất bền vững nhất, xuyên suốt trong lịch sử các đơn vị hành chính của Trấn Biên đến hiện nay với tư cách là tổng, huyện, quận. Vào tháng 6-1871, tòa Tham biện Long Thành bị thống đốc Nam Kỳ xóa bỏ, nhập vào các tòa lân cận là Bà Rịa, Biên Hòa. Thế nhưng, sau này, Long Thành được thành lập lại và tồn tại cho đến nay. Một số tên gọi khác của các đơn vị hành chính cùng thời với Long Thành hầu như bị xóa sổ, thay thế, bị sát nhập vào đơn vị mới.
“Số phận” tên gọi hành chính hay địa danh chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố. Cùng với những loại hình địa danh dân gian, tên gọi các đơn vị hành chính được xem là những tấm bia ký ức về lịch sử, văn hóa gắn với cộng đồng cư dân. Những tên gọi là những mảnh ghép phản ảnh những chiều kích, sự kiện liên quan của cư dân, vùng đất, tạo nên sự độc đáo trong tính đa dạng của bức tranh nhiều sắc thái.
Long Khánh là tên gọi hiện nay của thành phố trực thuộc tỉnh (đô thị loại III) có tên gọi từ 2 thủ Long An và Phước Khánh từ thời vua Minh Mạng. Thủ là đơn vị hành chính, có tính chất đồn trú của quân lính có nhiệm vụ trông giữ ở một địa bàn cụ thể. Từ năm 1837, huyện Long Khánh được thành lập trên cơ sở hai chữ ghép chữ đầu của thủ Long An và chữ sau của thủ Phước Khánh. Đây là địa bàn khá rộng và nơi có những tộc người thiểu số sinh sống khá nhiều. Đối với chính quyền cách mạng thì Long Khánh từng là huyện, sau là tỉnh và cùng ghép với các tỉnh khác để hình thành tỉnh rộng trong chỉ đạo chiến trường thực hiện nhiệm vụ (tỉnh Bà Rịa - Long Khánh, tỉnh Long - Bà - Biên). Long Khánh trong chính quyền trước năm 1975 trở thành đơn vị cấp tỉnh (1957-1975).
Sau 1975, tên gọi Long Khánh không được duy trì và địa giới trước đó nằm trong huyện Xuân Lộc (vốn là 1 quận của Long Khánh). Từ năm 1991, tên gọi Long Khánh được dùng đặt tên cho huyện (1991), thị xã Long Khánh (2004) và sau đó là thành phố (2019).
Châu Thành là tên gọi đơn vị hành chính, mang tính chất của trung tâm công sở, xuất hiện nhiều ở các địa phương của Nam Bộ thời Pháp thuộc. Từ năm 1867, sau khi chiếm trọn Nam Kỳ, Pháp nhiều lần thay đổi tên gọi, khi đặt hạt thanh tra thì có tên gọi Châu Thành. Tỉnh Biên Hòa lúc đó có 5 hạt thanh tra: Biên Hòa, Bà Rịa, Thủ Dầu Một, Long Thành, Thủ Đức và mỗi hạt đều có Châu Thành. Tại Biên Hòa, Châu Thành được chính quyền Sài Gòn sử dụng với tư cách là một quận của tỉnh, tồn tại đến năm 1963 thì đổi thành quận Đức Tu. Đối với cách mạng thì quận Châu Thành được sử dụng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp với các tổ chức tương ứng trong phong trào đấu tranh.
Bổ sung và lựa chọn từ tên gọi trước
Tỉnh Biên Hòa xưa trải qua nhiều lần điều chỉnh về tên gọi và địa giới hành chính. Một số đơn vị cấp tổng của Biên Hòa trước đây do những yếu tố từ gia tăng dân số và thuận lợi để quản lý đã có sự bổ sung thêm trong tên gọi trước đó với các từ ngữ chỉ vị trí, phương hướng.
Thời Minh Mạng, tổng Chánh Mỹ của huyện Phước Chánh được chia làm ba đơn vị với tên gọi bổ sung từ có tính chất định vị để phân biệt: Chánh Mỹ Thượng, Chánh Mỹ Trung và Chánh Mỹ Hạ; tổng Thành Tuy của huyện Long Thành chia thành 2, gồm Thành Tuy Thượng, Thành Tuy Hạ… Một số thôn, xã, phường, ấp khi chia tách thêm chữ chỉ phương hướng: Tân Vinh Đông, Tân Vinh Tây (tổng Phước Vinh Trung) khi được chia làm hai; Tân Quan Chánh, Tân Quan Đông, Tân Quan Tây (tổng Phước Vinh Hạ) khi được chia làm ba.
Quảng trường Sông Phố |
Về sát nhập các đơn vị hành chính ở mỗi giai đoạn cũng không hề đơn giản. Sự sát nhập cũng gặp một số trường hợp không đồng thuận từ phía cộng đồng nhưng căn cứ trên số đinh, diện tích canh tác, nguồn ngân sách cũng như nhân lực nên cuối cùng phải thực hiện để quản lý. Đó là trường hợp vào năm 1909, làng Bình Qưới nhập vào làng Phước An, làng Long Điền nhập vào làng Phước Thiện, làng Khánh Lâm chia làm ba và nhập vào các làng khác (Tập Phước, Tam Thiện, Phước Thái). Những trường hợp sát nhập này, tên làng cũ không được sử dụng lại.
Bên cạnh đó, một số trường hợp sát nhập thì cách đặt tên cũng không giống nhau, tùy thuộc vào từng địa phương, thể chế quản lý đương thời. Một số đơn vị khi sát nhập, tên mới được chọn lọc từ tên có trước đó. Năm 1899, hai làng Tân An, Tân Hóa của tổng Chánh Mỹ Thượng nhập thành Hóa An (tên gọi phường Hóa An hiện nay). Năm 1927, ở tổng Thành Tuy Thượng (Long Thành) có làng Tam Thiện nhập với làng Phước Thái thành làng Thái Thiện, làng Phước Kiển nhập với làng Mỹ Khoan thành làng Phước Mỹ. Ở tổng Thành Tuy Hạ có làng Long Hiệu nhập với Tân Tường thành làng Long Tân, làng Phú Mỹ nhập với Mỹ Hội thành làng Phú Hội… Rất nhiều trường hợp tên gọi mới từ tên chữ chọn lọc của các làng được nhập vào. Thời Việt Nam cộng hòa, ngày 21-3-1959, nhập hai xã Tân Bình, Long Bình thành xã Long Bình Tân. Đây là cấu trúc tên mới khá đặc biệt gồm 3 chữ nhưng đầy đủ tên gọi đã có của hai xã (trùng chữ).
Dùng tên mới mang ý nghĩa của sự hòa nhập
Rất nhiều trường hợp khi sát nhập, tên cũ không còn và thay vào đó tên mới hoàn toàn. Lịch sử tên gọi của đơn vị hành chính của phường Hiệp Hòa (thành phố Biên Hòa) khá lý thú. Năm 1879, 12 làng của cù lao Phố (tổng Phước Vinh Thượng) được sát nhập thành 3 làng mới. Theo đó, các làng Hưng Phú, Tân Giám, Bình Tự, Bình Xương thành làng Nhứt Hòa; các làng Thành Đức, Tân Hưng, Tân Mỹ, Bình Kính thành làng Nhị Hòa; các làng Long Qưới, Hòa Qưới, Bình Quan, Bình Hà thành làng Tam Hòa. Như vậy, tên gọi 3 làng mới không sử dụng hay ghép các chữ của tên làng trước đó nhưng thể hiện được số lượng làng và đặc biệt chữ Hòa mang ý nghĩa mà có lẽ cư dân 12 làng trước đó đều thấy tên làng mình trong tên mới đó. Đến năm 1927, cả 3 làng Nhứt Hòa, Nhị Hòa và Tam Hòa thành làng Hiệp Hòa. Tên gọi này sau này thành đơn vị cấp xã, phường. Ngoài trường hợp này, ở Biên Hòa cũng có sự thay đổi tên gọi mà thể chế đương thời dùng từ khá hay, đó là trường hợp các làng Vĩnh An, Tân Mai, Vĩnh Cửu thành làng Tam Hiệp. Tên gọi làng mới dùng chữ HIỆP của 3 làng có trước, không sử dụng một chữ nào của tên gọi đã có dù đều là mỹ tự.
Năm 1976, Biên Hòa có sự thay đổi tên gọi về đơn vị hành chính cấp phường. Các xã với định danh trước đó được chia tách, sát nhập thành các đơn vị mới. Năm khu (I, II, III, IV và V) của xã Bình Trước thành các phường: Hòa Bình, Thanh Bình, Quyết Thắng, Trung Dũng, Quang Vinh, Tân Tiến, Thống Nhất. Tám ấp của xã Tam Hiệp thành lập các phường Tam Hiệp, Tam Hòa và An Bình và phường Tân Mai trên cơ sở của xã Bùi Tiếng trước đó.
Phan Đình Dũng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin