Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiếp lửa cho văn hóa đọc ở Đồng Nai

Ly Na
07:00, 20/04/2024

Xây dựng các không gian đọc sách ở cơ sở, ứng dụng công nghệ phát triển văn hóa đọc, đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động thư viện nhằm lan tỏa tri thức, khơi gợi tình yêu sách và xây dựng thói quen đọc sách trong cộng đồng… là những cách làm hay nhằm góp phần phát triển văn hóa đọc trên địa bàn Đồng Nai.

Bạn đọc trên địa bàn thành phố Biên Hòa xem sách, hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam 2024.
Bạn đọc trên địa bàn thành phố Biên Hòa xem sách, hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam 2024. Ảnh:L.Na

Sức lan tỏa mạnh mẽ của các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam (21-4) tại Đồng Nai đã và đang thắp lên ngọn lửa tri thức trong cộng đồng, thu hút đông đảo bạn đọc, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên tham gia.

Lan tỏa mạnh mẽ các hoạt động

Giám đốc Thư viện Đồng Nai Nguyễn Ngọc Thành cho biết, thực hiện kế hoạch của UBND tỉnh về việc tổ chức Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024 trên địa bàn tỉnh, Thư viện Đồng Nai triển khai một chuỗi các hoạt động. Điểm nhấn của hoạt động hưởng ứng năm nay là trưng bày, phục vụ bạn đọc tại thư viện với sự tham gia của các thư viện huyện, thư viện trường học, Nhà xuất bản Đồng Nai. Bên cạnh đó, thư viện còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, số hóa tài nguyên thư viện, xây dựng mã QR cho sách, đưa sách đến gần hơn với bạn đọc.

“Các hoạt động hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam trên địa bàn tỉnh nhằm khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của sách; tôn vinh giá trị của sách và văn hóa đọc. Từ đó, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội và nhận thức của mỗi người dân về ý nghĩa to lớn của việc đọc sách để nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người” - ông Thành chia sẻ.

Định hướng phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng của Thư viện Đồng Nai đến năm 2030, phấn đấu mỗi năm phục vụ trên 320 ngàn lượt bạn đọc với hơn 1,2 triệu lượt sách báo được lưu hành.

Chị Bùi Thị Kim Liên, cán bộ thư viện huyện Tân Phú cho hay, hưởng ứng ngày sách năm nay, Tân Phú thực hiện mô hình xếp sách nghệ thuật chủ đề biển đảo quê hương và biểu tượng 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Với số lượng hơn 56 ngàn bản sách, thư viện huyện vừa đẩy mạnh phục vụ tại chỗ vừa tổ chức các đợt luân chuyển sách lưu động đến các trường học trên địa bàn. Mỗi điểm luân chuyển, thư viện tăng cường các đầu sách mới, sách thiếu nhi, góp phần đưa phong trào đọc sách trở thành thói quen của từng cá nhân, gia đình, xã hội.

Theo Phó giám đốc Nhà xuất bản Đồng Nai Trương Văn Tuấn, nhiều năm nay đơn vị đã luôn nỗ lực trong các hoạt động khuyến đọc, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng. Việc trao tặng các tủ sách, các đầu sách mới cho hệ thống thư viện và cho học sinh vùng sâu, vùng xa, các địa bàn còn nhiều khó khăn được đơn vị thực hiện thường xuyên. Nhà xuất bản Đồng Nai cũng đồng hành với các cá nhân, đơn vị trong các buổi giao lưu giới thiệu sách, đưa tác phẩm, tác giả đến với bạn đọc để lan tỏa mạnh mẽ hơn niềm yêu thích đọc sách và khám phá tri thức mỗi ngày của cộng đồng.

Tạo dựng nhiều không gian đọc sách

Ra đời từ đầu năm 2023, mô hình Biệt thự sách tại phường Tam Hiệp, thành phố Biên Hòa thu hút khá đông người dân đến đọc sách. Với hơn 1 ngàn đầu sách được phân loại theo từng lĩnh vực như: văn học, thiếu nhi, kỹ năng sống, kinh tế, giáo dục, văn hóa… bạn đọc có thể tìm kiếm những cuốn sách yêu thích trong thời gian ngắn nhất.

Anh Đinh Minh Quyền, chủ biệt thự sách cho hay, đến với không gian đọc sách ở biệt thự, những người yêu sách sẽ được làm thẻ thành viên. Biệt thự sách sẽ thu phí 200 ngàn đồng/tháng, người đọc sẽ được mượn sách về nhà. Trong vòng 1 tháng, chỉ cần hoàn thành việc đọc 4 cuốn sách, viết lại nội dung đã đọc sẽ được hoàn lại 200 ngàn đồng. Cách làm này góp phần giúp người dân Biên Hòa - Đồng Nai duy trì thói quen đọc sách.

Thư viện cộng đồng do chị Ka Tuyền (xã Tà Lài, huyện Tân Phú) khởi xướng từ tháng 7-2023 cũng trở thành điểm đến của trẻ em các dân tộc Mạ, S’tiêng trên địa bàn. Phần lớn sách tại thư viện được chị Ka Tuyền kết nối, kêu gọi các mạnh thường quân trong và ngoài tỉnh đóng góp, phục vụ cho cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc. Đến với thư viện cộng đồng, ngoài đọc sách, trẻ em còn được tập vẽ, tô màu và tham gia các trò chơi truyền thống, tìm hiểu về nghề dệt thổ cẩm của đồng bào.

Tương tự, phòng đọc tiếng Chăm tại Thánh đường hồi giáo xã Bình Sơn (huyện Long Thành) thời gian qua được bổ sung khá nhiều loại sách, báo, tài liệu. Hay mô hình Tủ sách mầm xanh dành cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc tại phường Bảo Vinh (thành phố Long Khánh) nhiều năm qua thu hút nhiều học sinh và người dân đến đọc sách và vui chơi miễn phí. Tủ sách do Phòng Dân tộc thành phố phối hợp với Khoa Truyền thông Trường đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện.

Cùng với chú trọng xây dựng thư viện, nhiều trường học còn thực hiện các tủ sách lớp học, tủ sách sân trường, tổ chức các ngày hội đọc sách trong trường học… Cô Nguyễn Thị Bình, giáo viên Ngữ văn Trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn - Tân Mai (thành phố Biên Hòa) cho biết, mỗi năm một lần, nhà trường đều đặn tổ chức ngày hội Lớn lên cùng sách nhằm hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam.

“Trong ngày hội, mỗi lớp sẽ tự chọn một cuốn sách mà mình yêu thích, tổ chức tóm tắt nội dung, thiết kế các mô hình theo cuốn sách đã chọn bằng nhiều hình thức, nhiều chất liệu; đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin để giới thiệu, chia sẻ về nội dung, cảm nhận, bài học rút ra từ cuốn sách đã chọn. Nhờ vậy, học sinh dần xây dựng thói quen đọc sách, tiếp cận tri thức số” - cô Bình nói.

Xã hội hóa để phát triển văn hóa đọc

Một trong những địa phương thực hiện tốt xã hội hóa hoạt động thư viện, phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng phải kể đến huyện Vĩnh Cửu. Theo Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa, thông tin và thể thao huyện Vĩnh Cửu Nguyễn Thị Minh Chi, hiện địa phương đã có 14 Ngôi nhà trí tuệ ở các thiết chế văn hóa; đã và đang triển khai khoảng 25-27 Ngôi nhà trí tuệ trong các trường học. Phần lớn các Ngôi nhà trí tuệ được huy động từ nguồn xã hội hóa.

Một không gian đọc sách của các em thiếu nhi trên địa bàn phường Bảo Vinh, thành phố Long Khánh.
Một không gian đọc sách của các em thiếu nhi trên địa bàn phường Bảo Vinh, thành phố Long Khánh. Ảnh:CTV

“Để bổ sung nguồn sách vào các Ngôi nhà trí tuệ, UBND huyện trực tiếp đi vận động các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ, góp sách và trang thiết bị cho các Ngôi nhà trí tuệ (khoảng 20 triệu đồng/ngôi nhà). Các Ngôi nhà trí tuệ đã giúp người dân, nhất là đối tượng học sinh trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu có thêm không gian học tập, vui chơi sáng tạo, bổ ích, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng xã hội học tập, lan tỏa văn hóa đọc trong cộng đồng” - bà Minh Chi chia sẻ.

Nhiều năm nay, Thư viện Đồng Nai đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa phát triển văn hóa đọc. Trong đó, thư viện đã tiếp nhận hàng ngàn bản sách, hàng trăm đĩa CD/VCD do các đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp trao tặng. Nổi bật có PGS-TS Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Hội đồng trường Trường đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh trao tặng thư viện hơn 3 ngàn bản sách làm tủ sách Huỳnh Văn Tới; Nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Võ Minh Quang trao tặng 200 bản sách; Tập đoàn Trung Nguyên và Công ty Tài chính TNHH MTV Shinhan Việt Nam tặng hơn 3 ngàn cuốn…

Tại buổi làm việc với Liên hiệp thư viện khu vực miền Đông Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ ở Đồng Nai vừa qua, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch) Kiều Thúy Nga cho rằng, xã hội hóa trong phát triển văn hóa đọc hiện nay phụ thuộc rất lớn vào sự chủ động của từng địa phương, nhất là những người làm công tác quản lý thư viện. Đã có nhiều chương trình, dự án xã hội hóa được tổ chức ở các tỉnh, thành phố làm thay đổi diện mạo của hệ thống thư viện, từ cơ sở vật chất được nâng cao đến công nghệ mới được triển khai.

Bà Kiều Thúy Nga kỳ vọng, trong thời gian tới, Đồng Nai nói riêng, các địa phương khu vực Đông Nam Bộ nói chung sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực, kêu gọi cộng đồng cùng chung tay với hệ thống thư viện, đưa sách đến gần hơn với bạn đọc, tiếp lửa để văn hóa đọc ngày càng phát triển và lan tỏa.

Ly Na

 

Ông NGUYỄN NGỌC THÀNH, Giám đốc Thư viện Đồng Nai:

Thúc đẩy văn hóa đọc từ chuyển đổi số

Thời gian qua, Thư viện Đồng Nai đã tham mưu cho Sở Văn hóa, thể thao và du lịch xây dựng bảng khái toán kinh phí thực hiện đề án Chuyển đổi số Thư viện tỉnh Đồng Nai giai đoạn từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Hiện tại, thư viện đã số hóa hơn 55 ngàn trang tài liệu sách địa chí, lịch sử, văn hóa con người Đồng Nai, đưa vào hệ thống máy chủ phục vụ bạn đọc trên môi trường mạng. Bên cạnh đó, thư viện đã tạo mã QR nhiều đầu sách mới để phục vụ bạn đọc trên ứng dụng điện thoại thông minh… Chuyển đổi số là cơ hội để ngành thư viện tăng tốc hiện đại hóa; liên kết, chia sẻ nguồn lực, tạo lập cộng đồng thư viện lớn mạnh, thúc đẩy và lan tỏa văn hóa đọc.

Anh PHẠM QUANG THẮNG, cán bộ Thư viện huyện Định Quán:

Đầu tư tiện ích cho thư viện cơ sở

Công nghệ phát triển, nhu cầu đọc của người dân cũng dần tăng lên. Điều này đòi hỏi điều kiện cơ sở vật chất, các tiện ích của thư viện phải ngày càng đa dạng, phong phú. Với thư viện cơ sở, mới chỉ một số ít thư viện đáp ứng được các tiêu chí đó, còn lại rất khó khăn. Tại Thư viện huyện Định Quán đã thực hiện xã hội hóa một số hoạt động song chưa nhiều. Thư viện đang phối hợp rất tốt với các trường học tổ chức các cuộc thi như: đại sứ văn hóa đọc, kể chuyện và vẽ tranh theo sách… nếu không có sự tham gia của các trường thì các hội thi rất khó thành công.

Ông HÀ LAM DANH, người dân thị trấn Long Thành, huyện Long Thành:

Mong có nhiều hội sách để người dân được tiếp cận với sách mới, sách hay

Là người viết sách và có nhiều đầu sách đề tài về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi thấy việc tìm kiếm các tài liệu, các sách nghiên cứu ở hệ thống các thư viện còn khá khiêm tốn. Muốn mua các sách chuyên ngành phải tìm kiếm qua mạng xã hội hoặc hệ thống các nhà sách online. Bởi vậy, hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc năm nay, tôi thấy khắp các địa phương tổ chức nhiều hội sách lớn, có sự tham gia của nhiều nhà xuất bản, đơn vị phát hành. Đây là cơ hội cho tôi và rất nhiều người dân đến đọc sách, tìm kiếm tài liệu cũng như được mua sách với giá ưu đãi. Hy vọng, trong thời gian tới sẽ có thêm những hội sách quy mô để bạn đọc được tiếp cận với các đầu sách mới, sách hay.

Em LÊ HUỲNH ANH THƯ, học sinh Trường TH-THCS-THPT Lê Quý Đôn - Quyết Thắng (thành phố Biên Hòa):

 Giao lưu, chia sẻ về sách và văn hóa đọc là hoạt động cần thiết

Không chỉ trưng bày sách, bán sách giảm giá…, Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam tại Thư viện Đồng Nai năm nay còn có giao lưu, gặp mặt các cô chú văn nghệ sĩ - những người có đam mê đọc sách, viết sách. Mặc dù thời tiết rất nóng bức nhưng các bạn học sinh đến tham gia rất đông. Hoạt động giao lưu, chia sẻ về sách và văn hóa đọc với em là rất cần thiết, đã tạo cho em thêm niềm cảm hứng, giúp em học hỏi thêm nhiều kiến thức và kỹ năng mới. Từ đó, phục vụ cho việc học tập và giải trí, nhất là tham gia cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc mà Thư viện Đồng Nai tổ chức hàng năm.

My Ny (ghi)

Tin xem nhiều