Theo sách Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm hình thành & phát triển (Nhà xuất bản Đồng Nai, 1998): “So với trước năm 1954, công nghiệp của hai tỉnh Biên Hòa và Long Khánh phát triển hơn nhiều lần. Lần đầu tiên, một khu kỹ nghệ (KKN) nhiều ngành có quy mô lớn nhất miền Nam ra đời, các máy móc thiết bị hiện đại sản xuất nhiều mặt hàng đáp ứng phần nào nhu cầu xã hội, bảo đảm cung ứng một phần hậu cần cho quân đội Sài Gòn, mỗi năm có thể tiết kiệm khoảng 18 triệu đô la, nhưng quan trọng hơn, nó giúp thay đổi cơ cấu kinh tế trong tỉnh và giải quyết công ăn việc làm cho dân chúng…”.
Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh đến thăm Nhà máy Điện cơ Đồng Nai nằm trong Khu Kỹ nghệ Biên Hòa xưa (năm 1983). Ảnh: PHAN DẪU |
Sự ra đời của KKN Biên Hòa
Với nhiều mục đích: Đưa cơ sở sản xuất và lực lượng công nhân lao động ra ngoài phạm vi đô thành Sài Gòn; đồng thời góp phần giải quyết công ăn việc làm cho dân quận Đức Tu (thuộc tỉnh Biên Hòa) lúc này dân số đã hơn 300 ngàn người, trong đó riêng xã Hố Nai, có đến 75 ngàn dân di cư đang thiếu đất canh tác…; ngày 21-5-1963, chính quyền Việt Nam Cộng hòa ký Sắc lệnh số 49-KT giao cho Bộ Kinh tế thành lập KKN Biên Hòa theo quy hoạch của Trung tâm Khuếch trương kỹ nghệ quốc gia (Société nationale du développement des zônes industrielles, viết tắt là Sonadezi).
KKN Biên Hòa được xây dựng trên vùng đất đồi thuộc địa phận hai xã Tam Hiệp và Long Bình bởi các lý do: Toàn bộ khu vực nằm trên nền đất đá cứng ổn định, sát với hệ thống giao thông huyết mạch, như xa lộ Biên Hòa thông thương ra miền Trung, vùng cao nguyên, miền biển…, ga xe lửa Biên Hòa, sông Đồng Nai… và cách Sài Gòn chỉ 20km. Đặc biệt là trên khu vực này, từ những năm 1959, 1960 đã có vài cơ sở công nghiệp ra đời và đang hoạt động, như: Nhà máy giấy Đồng Nai, Nhà máy giấy Tân Mai…
Có được 40 triệu đồng do Ngân hàng Phát triển kỹ nghệ và Thương cảng Sài Gòn góp vốn, Sonadezi tiến hành việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho KKN Biên Hòa với đầy đủ hệ thống đường giao thông, điện, nước, điện thoại cùng khu hành chánh quản trị. Lần lượt có 42 nhà máy, xí nghiệp thuộc nhiều nhóm ngành hàng với trang thiết bị hiện đại được nhập từ Nhật, Tây Đức, Đài Loan, Pháp…, thu hút 6.355 công nhân, kỹ thuật viên có tay nghề.
Nhiều nhãn hàng “made in Việt Nam”
Nhiều chuyên gia nghiên cứu đều có chung nhận định: “Về mặt kinh tế, người Pháp trước sau chỉ muốn khai thác hơn là đầu tư ở thuộc địa Đông Dương. Do đó, nền tảng công nghiệp người Pháp để lại ở miền Nam Việt Nam chỉ có ngành trồng trọt và sơ chế cao su, mía đường, xay xát lúa gạo, khai thác lâm sản… Trong công nghiệp tiêu dùng, chỉ tập trung vào sản xuất thuốc lá, xà bông và bia rượu”.
Thế nên, cơ sở công nghiệp đầu tiên của Việt Nam là Nhà máy đường Biên Hòa do chủ tư sản Pháp Kresser thành lập năm 1870; thực chất là xưởng sơ chế mía đường, một chi nhánh của công ty tinh lọc đường Hong Kong. Phải gần 30 năm sau, tức năm 1907, Công ty Công nghiệp và lâm nghiệp Biên Hòa (Exploitation forestière de la Bien Hoa industrielle et forestière, gọi tắt là BIF) mới xây dựng Nhà máy cưa Tân Mai - được xem là cơ sở công nghiệp lớn nhất tỉnh Biên Hòa trước năm 1945.
Khu công nghiệp đầu tiên của cả nước này được chuyển đổi công năng thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ nhằm mục tiêu bảo vệ môi trường nước sông Đồng Nai và mở rộng thêm không gian phát triển đô thị của thành phố Biên Hòa.
Mãi cho đến tận năm 1960, miền Nam Việt Nam vẫn chưa sản xuất ra được xi măng, dù thời điểm đó việc hình thành các đô thị như Sài Gòn, Biên Hòa, Gia Định, Mỹ Tho, Vũng Tàu… đang trên đà phát triển mạnh mẽ.
Do vậy, việc ra đời KKN Biên Hòa đã tạo ra bước nhảy vọt vô cùng ngoạn mục cho nền kinh tế miền Nam. Cả 42 nhà máy, xí nghiệp trong KKN đều theo hướng sản xuất hàng hóa, có nhiều sản phẩm mang thương hiệu quốc gia.
Tuy phần lớn các doanh nghiệp trong KKN Biên Hòa thuộc loại vừa và nhỏ với số lượng công nhân chỉ từ 50-100 người và nguyên liệu, vật tư, phụ tùng, kỹ thuật hầu như đều phụ thuộc nước ngoài; nhưng cũng đã đưa nền công nghiệp miền Nam tiến lên một bước phát triển. Doanh số hàng năm của cả 42 cơ sở sản xuất, dịch vụ trong KKN Biên Hòa đạt mức 8.403 triệu đồng Ngân hàng Việt Nam Cộng hòa (thời giá năm 1973).
Phiên bản Sonadezi mới
Sau sự kiện “Thầy Cai Hai Thượng” (Lý Ngọc Thượng) cùng hai cơ sở cách mạng xông vào trụ sở Sonadezi giữa KKN Biên Hòa vào lúc 5h45 sáng 30-4-1975 kéo cờ vàng 3 sọc đỏ xuống và treo cờ Mặt trận Giải phóng miền Nam lên; thì những ngày sau đó cùng chung hoàn cảnh khó khăn của đất nước, phần lớn các nhà máy trong khu công nghiệp hiện đại này chỉ hoạt động cầm chừng, có 12 cơ sở còn ngưng hoạt động; do chuyên gia, kỹ thuật người nước ngoài rút hết, công nhân bỏ việc, nguyên vật liệu cạn kiệt…
Xác định mục tiêu cơ bản của công nghiệp thời kỳ này là nhanh chóng khôi phục và ổn định sản xuất; ổn định đời sống và việc làm cho công nhân; tăng cường đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và đội ngũ công nhân cho các doanh nghiệp; tập trung mọi tiềm năng sẵn có để duy trì nhịp độ sản xuất, đồng thời xây dựng một số cơ sở sản xuất mới, vận động thành lập các đơn vị kinh tế tập thể (hợp tác xã và tổ hợp tác); từng bước Đồng Nai đã khôi phục và đi vào hoạt động ổn định tất cả những xí nghiệp quốc doanh do Trung ương và địa phương quản lý, xây dựng mới 29 xí nghiệp thuộc các ngành cơ khí, chế biến lương thực, vật liệu xây dựng; thành lập được 60 hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, 376 tổ hợp sản xuất, 4.051 cơ sỡ sản xuất tiểu thủ công nghiệp.
Bước vào thời kỳ mở cửa, một người trai Đồng Nai ra đời tại Chiến khu Đ, được ra miền Bắc học tập rồi trở về lăn lộn với các phong trào hành động cách mạng, sau đó trở thành Chủ tịch UBND tỉnh, Đại biểu Quốc hội là ông Huỳnh Văn Bình (Năm Bình) vẫn không ngừng ưu tư, trăn trở: “Đã được một năm, sau đổi mới đất nước, nhưng Đồng Nai vẫn còn khó khăn trăm bề; đặc biệt nạn đói vẫn còn lảng vảng trước cửa nhà của đông đảo người dân! Phải làm sao đây?”.
Cuối năm 1987, khi ra Hà Nội họp Quốc hội và tham gia thảo luận để thông qua Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Năm Bình tìm thấy thời cơ, nên khi về lại Đồng Nai liền tập trung nghiên cứu hồ sơ, tài liệu về KKN đầu tiên ở miền Nam trước đây và đặc biệt là cách thức thu hút vốn đầu tư, nguồn nhân lực có chất lượng cao của Sonadezi. Liên tưởng đến chuyện nhùng nhằng tại Tổng kho Long Bình, khu hậu cần lớn nhất Đông Dương do Mỹ xây dựng năm 1965 đang bị các đơn vị phá bung hàng rào để làm kinh tế, ông Năm Bình bật lên ý tưởng: “Tại sao chúng ta không làm một Sonadezi mới trên đất Long Bình rộng đến 24km2 này?”.
Sau nhiều ngày suy tính, Chủ tịch UBND tỉnh Năm Bình quyết định ra Hà Nội. Ông trực tiếp gặp Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước Đậu Ngọc Xuân và Chủ nhiệm Ủy ban Hợp tác đầu tư Đỗ Quốc Sam để trình bày ý tưởng của mình. Đề xuất của Chủ tịch UBND tỉnh Năm Bình có sức thuyết phục đến nỗi hai nhà kinh tế nổi tiếng này thống nhất cử một đoàn chuyên gia cao cấp “bí mật” vào Đồng Nai trực tiếp nghiên cứu phương án.
Qua 2 tháng làm việc cùng với đơn vị, địa phương liên quan, đoàn chuyên gia của trung ương đã hoàn thành Đề án Quy hoạch phát triển 17 khu, cụm công nghiệp trên địa bàn Đồng Nai. Sau khi đề án này được Chính phủ thông qua, ngày 15-12-1990, UBND tỉnh Đồng Nai ra Quyết định số 1713/QĐ.UBT về việc thành lập Công ty Phát triển Khu công nghiệp Biên Hòa (Sonadezi Biên Hòa) với chức năng kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp.
Thế là, phía bên kia xa lộ Hà Nội của KKN Biên Hòa ngày nào giờ được gọi là Khu công nghiệp Biên Hòa 1 với nhà đầu tư cuối cùng là Cám Con Cò của Pháp, Khu công nghiệp Biên Hòa 2 tấp nập giới đầu tư đến từ Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan, đặc biệt là những “siêu” công ty như: Fujitsu, Mabuchi Motor, Sanyo… của Nhật.
Lê Biên Hùng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin