Báo Đồng Nai điện tử
En

Bất đồng vì chọn ngành, chọn nghề

Công Nghĩa
07:26, 11/05/2024

Học sinh lớp 12 đang đứng trước áp lực của Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2024 và những tính toán trong xét tuyển đại học, cao đẳng. Việc chọn bậc học nào, ngành học gì phù hợp đang khiến không ít bậc cha mẹ và con cái trở nên bất đồng.

Học sinh Trường trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Nhơn Trạch) tìm hiểu ngành kỹ thuật tại Chương trình tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh do Báo Đồng Nai tổ chức. Ảnh: C.Nghĩa
Học sinh Trường trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Nhơn Trạch) tìm hiểu ngành kỹ thuật tại Chương trình tư vấn hướng nghiệp và tuyển sinh do Báo Đồng Nai tổ chức. Ảnh: C.Nghĩa

Theo các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, việc chọn trường, chọn ngành là vấn đề khó, không phải trường nào cũng có nhiều cơ hội trúng tuyển và ngành nào cũng hợp với tất cả thí sinh.

Khó xử vì bất đồng lựa chọn

Nguyễn Thủy Tiên, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Nhơn Trạch) có ý định sẽ xét tuyển vào ngành tâm lý học ở một trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh nhưng cha mẹ em thì không đồng ý vì muốn con theo học ngành quản trị kinh doanh để sau này có cơ hội làm việc ở nhiều lĩnh vực hơn.

Thủy Tiên chia sẻ: “Mỗi lần mang chuyện chọn ngành học ra bàn thì cả cha mẹ và em đều căng thẳng, thậm chí cha mẹ còn “hù” nếu em cương quyết chọn ngành tâm lý học cha mẹ sẽ không cho tiền đóng học phí và em phải tự thân vận động”.

Theo Tiến sĩ LÊ MINH CÔNG, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ sức khỏe tinh thần, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), chọn nghề cho tương lai là chuyện hệ trọng cả một đời, vì vậy cha mẹ cần tìm hiểu kỹ xu hướng phát triển của xã hội gắn với các nghề nghiệp. Bên cạnh đó, cha mẹ cần nắm chắc xem con mình có sở thích, sở trường, năng lực, tính cách ra sao, điều kiện kinh tế phù hợp với bậc học nào, trường công hay tư… Khi cha mẹ có đầy đủ thông tin, kỹ năng sẽ tìm được tiếng nói chung với con cái.

Dù không được cha mẹ ủng hộ nhưng Thủy Tiên cho biết em sẽ vẫn chọn ngành tâm lý vì các môn trong tổ hợp môn xét tuyển khối kinh tế (Toán, Vật lý, Hóa học) không phải là thế mạnh của em. Nếu chọn ngành tâm lý học thì thuận lợi hơn vì em theo ban xã hội ngay từ đầu, tính cách của em cũng có nhiều điểm phù hợp như: cởi mở, kiên nhẫn, hòa đồng, thích lắng nghe và thích khám phá thế giới nội tâm. Em sẽ kiên trì để thuyết phục cha mẹ ủng hộ lựa chọn của mình, hoặc sẽ tìm hiểu thêm những ngành học nào phù hợp với khả năng lẫn tố chất mà không phải là ngành quản trị kinh doanh.

Còn em Nguyễn Minh Quang, học sinh lớp 12 Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (thành phố Biên Hòa) cũng đang rơi vào tình thế khá khó xử khi em và cha mẹ mình không cùng ý nguyện. Em muốn học cao đẳng nghề, còn cha mẹ quả quyết em phải học lên đại học để tránh bị “lỗi thời” và được bằng bạn bằng bè.

Chia sẻ lý do chỉ muốn học cao đẳng thay vì đại học, em Quang cho hay nhà em không được khá giả, trong khi 2 người anh cũng đang học đại học, hàng tháng cha mẹ phải đối mặt với chi phí học hành khá tốn kém. Nếu em tiếp tục chọn học lên đại học, cha mẹ càng thêm vất vả. Mặt khác, em có sở thích và phù hợp với ngành kỹ thuật, học phí thấp hơn nhiều so với học đại học, thời gian học lại ngắn và dễ tìm được việc làm hơn.

Trong khi đó, chị Đinh Như Thoa ở xã Quảng Tiến (huyện Trảng Bom) - một phụ huy có con đang học lớp 12 cho hay: “Tôi tôn trọng ý nguyện chọn ngành, chọn trường của con nhưng lại khá lo lắng khi con không thể trình bày được lý do cho sự lựa chọn của mình mà chỉ đơn giản là chọn theo bạn bè”.

Thí sinh cần hiểu chính mình

Theo các chuyên gia tư vấn hướng nghiệp, khi học hết bậc THPT đồng nghĩa là học sinh đã bước sang tuổi trưởng thành, nhiều em đã có thể xác định rõ mình thích gì và thực sự phù hợp với ngành nghề nào. Tuy nhiên, không ít em vẫn còn khá mơ hồ về con đường nghề nghiệp mình phải chọn cho tương lai, thậm chí nhiều em cho rằng muốn thành công thì chỉ có con đường đại học. Không ít em vì thiếu thông tin, hoặc bị “tô hồng” quá mức về ngành học tương lai, trong khi bản thân các em lại yếu về năng lực để có thể trúng tuyển, hoặc không có sở trường học những ngành đó.

Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 Nguyễn Quang Trung cho biết, nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THPT thường có tâm lý phải học lên đại học hơn là chọn học cao đẳng nghề, trong khi đó cao đẳng nghề hiện có những ngành rất “hot”, doanh nghiệp đang rất “khát” lao động. Chẳng những thế, lao động có trình độ cao đẳng nghề kỹ thuật đang được nhiều doanh nghiệp trả lương cao, thậm chí cao hơn cả người có trình độ đại học nếu thuần thục trong công việc.

Tiến sĩ Mai Hải Châu, Phó giám đốc Trường đại học Lâm nghiệp phân hiệu tại Đồng Nai (huyện Trảng Bom), cho biết khi tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, các em thường quan tâm đến ngành “hot” trong xã hội hiện nay nhưng không nghĩ tới mình có thực sự đủ năng lực để trúng tuyển, thậm chí có thể theo học những ngành “hot” đó hay không. Trái lại, có những ngành học tên gọi không được “hot” nhưng tương lai lại rất rộng mở.

Tiến sĩ Mai Hải Châu dẫn chứng, học phí ngành thú y của trường chỉ 11 triệu đồng/năm học nhưng ra trường lại rất dễ xin việc, lương cao. Không ít sinh viên tốt nghiệp ngành bác sĩ thú y từ trường ra hiện có lương “khủng” khi làm việc cho các tập đoàn chăn nuôi nước ngoài, hoặc mở spa chăm sóc “thú cưng” tại nhà”.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều