Là tỉnh có diện tích rừng tự nhiên và độ che phủ rừng lớn nhất khu vực Đông Nam Bộ, lại là trung tâm sản xuất hàng hóa xuất khẩu lớn của cả nước, Đồng Nai có nhiều tiềm năng và lợi thế bán tín chỉ carbon rừng.
Rừng do Công ty TNHH MTV Lâm trường La Ngà quản lý, thuộc địa phận huyện Định Quán. Ảnh: B.Mai |
Hiện tại, tỉnh đã có đề án với mục tiêu net zero vào năm 2050, vì thế, khai thác tín chỉ carbon từ rừng là câu chuyện đã được tính toán.
Hơn 30% diện tích tự nhiên là rừng
Cuối tháng 2-2024, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 487/QĐ-UBND công bố hiện trạng, diện tích rừng tỉnh Đồng Nai năm 2023. Theo quyết định này, diện tích rừng có độ che phủ của tỉnh là hơn 170 ngàn hécta, nếu tính cả đất lâm nghiệp chưa thành rừng là hơn 181 ngàn hécta, cao nhất khu vực Đông Nam Bộ. Quỹ đất này cũng tương đương hơn 30% diện tích tự nhiên của tỉnh. Đây là lợi thế lớn để tỉnh nghiên cứu, hoạch định các chủ trương, chính sách đảm bảo mục tiêu phát triển rừng bền vững, phát triển kinh tế - xã hội mà không phải địa phương nào cũng có.
Rừng của Đồng Nai “giàu” giá trị đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học, phát triển du lịch sinh thái và tới đây là khai thác tín chỉ carbon. Hiện tỷ lệ che phủ rừng đạt hơn 29%, cao nhất vùng Đông Nam Bộ. Tỷ lệ này phần nào phản ánh tầm nhìn, quyết sách đúng đắn và nỗ lực của tỉnh trong công tác bảo vệ rừng, hướng đến sự phát triển kinh tế - xã hội mang tính bền vững.
Ông Đỗ Minh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Tổng công ty cao su Đồng Nai cho biết, đơn vị đang quản lý hơn 33,7 ngàn hécta cao su. Đây là lợi thế để doanh nghiệp tham gia thực hiện đề án Giảm thiểu carbon trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do UBND tỉnh mới ban hành đầu năm 2024.
“Phát triển xanh, bền vững là mục tiêu lâu dài của tỉnh và cũng là mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển của tổng công ty giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo. Do đó, chúng tôi kiến nghị tỉnh quy hoạch, duy trì ổn định diện tích cao su cốt lõi (khoảng 21 ngàn hécta) đã có từ năm 1975 trên địa bàn tỉnh để góp phần giảm phát thải và khai thác tín chỉ carbon” - ông Tuấn kiến nghị.
Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc, thời gian qua, công tác quản lý và bảo vệ rừng được thực hiện theo phương án UBND tỉnh phê duyệt. Diện tích các loài cây rừng và cây công nghiệp lâu năm tạo độ che phủ cao, có tác dụng phòng hộ tích cực. Hiện tại, khu vực trồng rừng sản xuất đang áp dụng tiêu chuẩn chứng chỉ FSC (chứng chỉ rừng bền vững hoặc chứng chỉ quản lý rừng bền vững) nhằm nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, đảm bảo nguồn nguyên liệu “xanh” cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu. Đồng thời, khi tham gia thị trường tín chỉ carbon, diện tích rừng đạt chứng chỉ FSC là lợi thế cho đơn vị cũng như tỉnh.
Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Văn Gọi cho rằng, tuy là tỉnh công nghiệp nhưng Đồng Nai giữ được diện tích rừng lớn. Đây là lợi thế để tỉnh thu hút các nhà đầu tư, nguồn lực tài chính, công nghệ để khai thác tín chỉ carbon, du lịch sinh thái rừng, nghiên cứu đa dạng sinh học. Nguồn lực này vừa phục vụ đắc lực cho các doanh nghiệp đang phát thải, vừa có thể tái đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng để giảm chi ngân sách nhà nước.
Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ độ che phủ rừng của Đồng Nai đạt hơn 29%, dẫn đầu khu vực Đông Nam Bộ cả về diện tích rừng lẫn tỷ lệ độ che phủ rừng.
Làm gì để rừng là tín chỉ carbon
Giảm phát thải carbon là mục tiêu lớn mà nhiều quốc gia, trong đó có Đồng Nai đang theo đuổi. Có nhiều giải pháp để giảm phát thải như: áp dụng khoa học công nghệ để giảm sử dụng điện, khí, xăng; phát triển năng lượng tái tạo cho mục đích sản xuất; chuyển sang dùng nguyên liệu thân thiện với môi trường; tái chế và tái sử dụng nhiều nhất có thể để giảm phát sinh chất thải ra môi trường; trồng cây xanh, trồng rừng để bù trừ cho lượng khí thải nhà kính phát ra…
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho rằng, Đồng Nai là trung tâm công nghiệp lớn của cả nước. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp cần nguồn năng lượng sạch, nguyên liệu thân thiện với môi trường để đáp ứng tiêu chí “xanh” trong hàng hóa xuất khẩu. Các doanh nghiệp có nhiều nỗ lực song việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo gặp nhiều khó khăn, nguyên liệu thân thiện với môi trường còn hạn chế và giá cao. Giải pháp đặt ra là doanh nghiệp phải cắt giảm lượng phát thải hoặc mua tín chỉ carbon để bù lại.
Ông Ching Hao Yeh, Giám đốc công nghệ Công ty TNHH công nghệ InSynerger Việt Nam cho rằng, biến đổi khí hậu và “luật chơi” mới về thương mại toàn cầu là thách thức cho các doanh nghiệp xuất khẩu lẫn địa phương trong giảm phát thải. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu này cần có kế hoạch với lộ trình theo từng giai đoạn, chuẩn bị nguồn nhân lực trong lĩnh vực chuyển đổi giảm carbon kết hợp chuyển đổi thông minh, xây dựng phương án giải pháp toàn diện.
Giải pháp toàn diện mà ông Ching Hao Yeh nhắc tới là phải xác định được kịch bản phát thải, phát triển các dự án giảm phát thải, đo lường và xác minh con số giảm phát thải và cấp tín chỉ carbon để trao đổi hoặc mua bán.
Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Đặng Minh Đức chia sẻ, Đồng Nai có lợi thế khai thác tín chỉ carbon từ tài nguyên rừng, tuy nhiên, hiện nay việc hình thành cơ chế trao đổi bù trừ tín chỉ carbon, giao dịch tín chỉ carbon trong nước vẫn chưa được thiết lập. Do đó, Sở Tài nguyên và môi trường kiến nghị với Chính phủ sớm ban hành các quy định về sử dụng, giao dịch, định mức, định giá, đối tượng mua bán tín chỉ carbon… Đồng thời, phân cấp cho UBND tỉnh chủ động triển khai thí điểm thực hiện cơ chế bù trừ tín chỉ carbon.
Về phía Sở Tài nguyên và môi trường sẽ đẩy mạnh công tác kiểm kê phát thải cũng như đánh giá khả năng “sản xuất” tín chỉ carbon của doanh nghiệp để từ đó tạo điều kiện có “hàng hóa” cho thị trường giao dịch vận hành.
Ban Mai
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin