Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai xưa và nay:
Đưa hàng động cơ 'made in Việt Nam' ra thế giới

Bùi Thuận
19:31, 24/05/2024

Trong bối cảnh bị cấm vận, nguyên liệu vật tư cạn kiệt, chuyên gia kỹ thuật và công nhân lành nghề bỏ việc…, 12 nhà máy, xí nghiệp trong Khu công nghiệp Biên Hòa phải đóng cửa. Thế nhưng vào cuối năm 1987, tại Tam Hiệp (thành phố Biên Hòa), Nhà máy Vinappro (Việt Nam kỹ nghệ động cơ công ty) đã chế tạo thành công động cơ Diesel 6 mã lực - sản phẩm cơ khí hoàn chỉnh đầu tiên của Việt Nam với tỷ lệ nội địa hóa gần 40%, vừa bảo đảm chất lượng sử dụng, vừa khắc phục được nhược điểm về độ bền, tiêu hao nhiên liệu… so với hàng ngoại nhập.

Kỹ sư Lê Tùng Hiếu.
Kỹ sư Lê Tùng Hiếu.

Thành công này mở ra thế đột phá trong việc chế tạo sản phẩm cơ khí phục vụ sản xuất, đời sống và xuất khẩu.

Mê ngành cơ khí

Sinh năm 1940, khi mới 12 tuổi, Lê Tùng Hiếu (thường gọi là Chín Hiếu) rời quê Long An lên Sài Gòn tìm cách lập thân. Vốn mê thích kỹ thuật, đặc biệt là cơ khí, Hiếu thi vào Trường Kỹ thuật Cao Thắng đậu hạng tối ưu, được cấp học bổng toàn phần, nhưng cậu vẫn xin phụ việc cho một garage chuyên sửa xe hơi ngoài giờ học.

Đậu bằng giáo khoa kỹ nghệ, Khoa Cơ khí nguội loại xuất sắc và sau đó tốt nghiệp Trường Kỹ thuật Cao Thắng với điểm số cao, Lê Tùng Hiếu được cấp học bổng sang Cộng hòa liên bang Đức theo chương trình đào tạo kỹ năng sư phạm kỹ thuật.

Trở về nước làm giảng viên cho Trường Kỹ thuật thực hành Việt Đức đến năm 1966, thầy Hiếu lại qua Đức du học chuyên ngành cơ khí. Tại Schweinfurt Wurzburg, Lê Tùng Hiếu được mời làm trợ giảng cho xưởng cơ khí thực hành của trường đại học với tiền thù lao lên đến 600 DEM (đồng Mark Đức)/tháng; trong khi toàn bộ sinh hoạt phí của một sinh viên nước ngoài ở ký túc xá trong thời bấy giờ chỉ có 50 DEM/tháng.

Năm 2004, kỹ sư Lê Tùng Hiếu được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Với suy nghĩ: “Không ở đâu bằng quê mình, nên lúc đó, tôi chỉ nghĩ đến việc sẽ trở về Việt Nam, mang kiến thức để chế tạo ra những chiếc máy, làm thay đổi cuộc sống của người nông dân, chứ không hề nghĩ về lợi ích cho mình”, năm 1972, Lê Tùng Hiếu về nước với tấm bằng kỹ sư chuyên ngành chế tạo máy của Cộng hòa liên bang Đức.

Bước chân vào Vinappro - nhà máy chuyên lắp ráp nông cơ do nhà tư sản Cao Văn Đức thành lập vào năm 1969 tại Tam Hiệp, cạnh xa lộ Biên Hòa, kỹ sư Lê Tùng Hiếu nhanh chóng được trọng dụng, nhờ những ý tưởng đề xuất đưa Vinappro  trở thành nhà máy sản xuất nông cơ hiện đại nhất Việt Nam.

Ông được cử sang Nhật Bản và Đại Hàn để trực tiếp nghiên cứu kỹ thuật mới trong chế tạo sản phẩm cơ khí thích ứng với thị trường. Những điều thu hoạch được từ chuyến đi nghiên cứu thực tế này được kỹ sư Lê Tùng Hiếu ứng dụng cho nhà máy; trước hết là cải tiến phương thức sản xuất đồng thời với việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ kỹ sư, thầy thợ.  Qua đó các sản phẩm máy cày, máy xới, máy bơm nước… nhỏ gọn theo mẫu mã Yanmar, Koler của Nhật mang thương hiệu Vinappro xuất hiện, nhanh chóng được nông dân miền Nam ưa chuộng.

Kỹ sư Lê Tùng Hiếu thăng tiến, từ Trợ lý lãnh đạo Vinappro trở thành Kỹ sư trưởng rồi Phó giám đốc nhà máy chỉ trong vòng 2 năm. Quý hơn, toàn thể lãnh đạo, kỹ sư, công nhân trong công ty đều trân trọng gọi ông là… “Thầy Chín Hiếu”.

Tính ra, 1995 là năm đầu tiên “vươn ra biển lớn” Vinappro có doanh số xuất khẩu chỉ 307 ngàn USD, thì đến năm 2000 đã đạt doanh số 4-5 triệu USD. Và kỹ sư Lê Tùng Hiếu từ Giám đốc Nhà máy chế tạo động cơ Vinappro đã kiêm nhiệm thêm chức danh Phó giám đốc Tổng công ty máy động lực - máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM).

Trong cái khó ló cái khôn

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thầy Chín Hiếu được lưu dụng lại trong vai trò Phó giám đốc kỹ thuật. Không thể khoanh tay đứng nhìn 200 lao động của nhà máy gồm nhiều kỹ sư, thợ giỏi phải bung ra tự cứu; trong tình cảnh linh kiện, phụ tùng máy móc đều nhập ngoại đã cạn kho, các loại vật tư, nhiên liệu và ngay cả điện cũng thiếu, ông Lê Tùng Hiếu bàn với Ban giám đốc phương án tháo gỡ.

Bằng việc tận dụng thiết bị, vật tư, phụ tùng… còn sót lại trong các kho đem ra chắp vá, lắp đặt thành mấy chiếc máy cày rồi lấy danh nghĩa là… “thử máy” để hợp đồng cày đất cho nông dân thu lại bằng gạo đưa về nhà máy cứu đói cho công nhân. Nhờ vậy, tinh thần lao động ở Vinappro được nhen nhúm trở lại.

Biết là các tàu đánh cá ở miền biển Long Đất, Xuyên Mộc, Vũng Tàu… đang có nhu cầu phục hồi, sửa chữa các loại động cơ thủy, Phó giám đốc Chín Hiếu liền cùng bộ phận kỹ thuật trong nhà máy nghiên cứu chế tạo các loại sơ mi kịp thời đáp ứng cho ngư dân. Thành công nổi bật trong giai đoạn này là chế tạo đồng bộ sơ mi và pit-tông LDF dùng cho động cơ thủy cỡ lớn, không thể tìm thấy trên thị trường.

Năm 1982, được giao đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Vinappro, ông Lê Tùng Hiếu cho rằng: “Công ty muốn tồn tại thì phải tự lực trong việc sản xuất chi tiết để lắp ráp”, nên ông chỉ đạo tập trung nghiên cứu chế tạo các loại phụ tùng động cơ để thay thế hàng ngoại nhập đang bị cấm vận. Cùng với biện pháp kỹ thuật “cải tiến quy trình và kết cấu khuôn đúc gang ly tâm. Định hình chống chai hai đầu” áp dụng vào sản xuất, từ đó hàng loạt phụ tùng động cơ, nhất là các loại nông cơ đang khan hiếm trên thị trường đã xuất hiện trước sự vui mừng của nông dân, ngư dân… Hoạt động của Nhà máy Vinappro khởi sắc trở lại.

Kỹ sư Lê Tùng Hiếu (bìa phải) bên chiếc máy Diesel 6 đầu tiên được chế tạo tại Vinappro.
Kỹ sư Lê Tùng Hiếu (bìa phải) bên chiếc máy Diesel 6 đầu tiên được chế tạo tại Vinappro.

Đến năm 1987, nhóm kỹ thuật do Giám đốc Lê Tùng Hiếu chỉ đạo đã chế tạo thành công động cơ Diesel 6 mã lực, mở ra thế đột phá cho nhà máy trong việc sản xuất kinh doanh với tên gọi mới là Nhà máy chế tạo động cơ Vinappro.

Đoán trước xu thế phát triển, với chủ trương “đi tắt đón đầu”, Giám đốc Lê Tùng Hiếu chỉ đạo nghiên cứu động cơ Diesel 22 mã lực và khi đi vào sản xuất, ông kết hợp cùng Công đoàn phát động thi đua Cải tiến kỹ thuật và tổ chức lại sản xuất để tiết kiệm nguyên vật liệu. Qua đó, nhiều biện pháp tiết kiệm đã dấy lên trong lực lượng công nhân, lao động nhà máy như: nấu gang kéo dài thời gian, rút ngắn công đoạn rót nhôm, thưởng phạt căn cứ theo lượng bán thành phẩm hỏng…

Động cơ Diesel 22 của Vinappro đã ra đời trong hoàn cảnh “cái khó ló cái khôn” như thế.

Đưa máy Việt ra thế giới

Sau Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI, làn gió đổi mới bắt đầu thổi vào nền kinh tế đất nước. Nắm thời cơ, Giám đốc Lê Tùng Hiếu đề ra chủ trương “Đa dạng hóa sản phẩm, phù hợp với thị hiếu và nhu cầu khách hàng” nhằm sản xuất các loại máy có công dụng thiết thực như: cối xay lúa HW60A, cối chà trắng gạo NODA 650. Hai loại cối này đã nhanh chóng có mặt khắp vùng nông thôn Việt Nam với số lượng lên đến hàng vạn chiếc.

Được đà, năm 1995, Nhà máy Vinappro thu hút thêm 200 kỹ sư trẻ, lao động có tay nghề và đích thân Giám đốc Lê Tùng Hiếu nghiên cứu, tìm hiểu thị trường thế giới, ký kết hợp đồng mua bán để doanh nghiệp này tiếp tục sản xuất thêm dòng Diesel các loại: DS 80, DS 105, DS 130, DS 155 cùng các sản phẩm đang “hot” hàng như: Cối chà trắng gạo RP 700, RP 1000, cối xay lúa BL 1000, BL 2000, RH 1000, RH 2000, 6 NPF- 10…

Trong các loại máy này, gồm: máy nổ, máy xay lúa, máy bơm nước, các loại động cơ…, những nông cơ mang nhãn hiệu Bông Lúa (mã danh BL) cùng thiết bị, phụ tùng đã được bán sang đến 15 nước và vùng lãnh thổ; từ bạn hàng gần như: Indonesia, Malaysia, Campuchia, Thái Lan, Đài Loan đến tận Trung Đông và châu Mỹ La Tinh như: Iraq, Syria, Ai Cập, Ấn Độ, Sri Lanca, Hàn Quốc, Hy Lạp, Ghana, Nam Phi, Panama.

Bùi Thuận

Từ khóa:

đóng cửa

Tin xem nhiều