Kiều Văn Phẩm là giáo viên dạy tiếng Anh. Không biết ông làm thơ từ bao giờ nhưng sau khi nghỉ hưu thì ông tìm đến Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai và những bài thơ của ông bắt đầu xuất hiện trên trang tạp chí của hội. Đề tài thơ ông hướng đến chủ yếu là tình cảm gia đình, cha mẹ, con cái, vợ chồng, tình làng xóm: yêu thương, lo toan, chăm sóc, chung thủy, mặn nồng.
Ông viết về tình mẹ:
Bóng râm mẹ mát đời con
Tiếng ru từ thuở trăng tròn nằm nôi
Măng non mẹ uốn thành người
Một thời xuân sắc nổi trôi héo tàn
(Tình mẹ)
Về mẹ đẻ của ông:
Góa chồng ở vậy nuôi con
Góc bàn thờ vịn đã mòn bàn tay
Cô đơn dằng dặc tháng ngày
Thờ chồng, ngậm đắng nuốt cay dãi dầu
(Mẹ tôi)
Ông nhớ lời mẹ dặn: “Mẹ ở sông quê, con phố xa/ Chòm mây còn vóc dáng quê nhà/ Nhớ ngày đưa tiễn lời mẹ dặn/ Trường học, trường đời lắm phong ba”.
Hình ảnh người cha in sâu trong ông: “Ẩn sâu trong mắt nhân từ/ Nửa như sắt đá, nửa như suối nguồn”.
Hồi ức về tình yêu của ông, thời xuân xanh của các ông, các bà những năm 60-70 của thế kỷ trước nhiều xưa cũ với thế hệ hôm nay nhưng xiết bao thân thiết với những người trong cuộc. Tình cảm buổi ban đầu dịu nhẹ, tinh tế của một thầy giáo trẻ hồi ấy: “Rợp trời áo trắng tan trường/ Mắt anh choáng ngợp tràn hương nơi nào/…Ngại ngùng anh khẽ gọi tên/ Nôn nao lá rụng bên thềm đợi em”.
Rồi họ yêu nhau. Chờ đợi, thề bồi, thử thách: “Bao mùa mưa nắng đợi chờ/ Anh chưa thi đậu em chưa lấy chồng”. Mối tình đẹp đẽ, thánh thiện kết thúc có hậu như mong ước truyền thống và cũng như thực tế: “Bên em áo cưới mà lòng nở hoa”.
Và tình yêu đã thành tình vợ chồng chung thủy, mặn nồng. Ông suốt đời trân trọng những kỷ niệm đẹp đẽ ấy, nó là tài sản vô giá suốt cuộc đời ông: “Anh vẫn giữ mùi hương thời hoa bướm/ Tiếng em cười cao vun vút ngàn cao”; “Cuộc đời như gió thoảng qua/ Em xưa áo trắng nay là của con”; “Em là giọt khát trong tôi/ Trái tim anh khát cả đời bên em”.
***
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, tác giả Kiều Văn Phẩm đã xuất bản 7 tập thơ. Ông đã đi xa. Những dòng thơ ông để lại đều là nguồn nước trong mát với đời.
Cả đời ông làm nghề giáo. Thơ ông là tiếng nói khuyên nhủ người đọc sống theo những điều tốt đẹp, theo đạo đức, đạo lý làm người.
Ông viết về cuộc đời giáo viên: “Hết hoa mai đến hoa sen nở rộ/ Tiếng ve kêu phượng đỏ sân trường/ Xưa ngồi lớp nay anh đứng lớp/ Vẫn quê nhà thơm mùi lúa thân thương”.
Tiếng thơ ông là tiếng thơ hiền hậu, ấm áp, đầy ắp yêu thương.
Ông cũng chạm tới đề tài xã hội, những cảnh đời, kiếp người nổi trôi, bèo bọt. Kiếp hồng nhan: “Hồng nhan một kiếp trần ai/ Chỉ còn bóng xế phơi ngoài chiều hoang”.
Những nỗi niềm ngang trái: “Người góc bể, kẻ chân trời/ Biết chi nhau để ngậm ngùi chia xa/ Dẫu còn nguyên lá nguyên hoa/ Tuổi xuân đánh mất, còn là nỗi đau”. Ông đề cập đến mặt bên kia của tình yêu: “Giá mà em chỉ có tôi/ Thì đâu cần phải thề bồi cho cam”.
Ông nhớ về quê hương với những kỷ niệm: “Một mùa đông rết mướt/ Chia nỗi nhớ hai miền/ Em có nghe sông thở/ Lửa tình là lửa thiêng”. Nhớ về cánh đồng quê, công việc lao động nhà nông, về tình yêu đôi lứa chân chất mộc mạc.
- Hôm qua nhát cuốc mồ hôi
Ngày mai cây trái rợp trời đâm bông
- Em từ phố đến quê anh
Hôm nay là khách mai thành cô dâu
Phố quê bắc một nhịp cầu
Ngàn năm cũng hát muôn câu thơ tình.
***
Ngôn ngữ thơ ông giản dị, là tiếng nói của lớp người sinh vào những năm 30-40 của thế kỷ trước. Ông viết theo lối truyền thống, với các thể thơ quen dùng là lục bát, thất ngôn bát cú Đường luật và thơ bốn câu. Thơ Đường luật đối ứng khá chỉnh. Câu chữ nhuần nhuyễn và chỉn chu.
Thơ lục bát của ông không dễ dãi, câu chữ khá nhuần nhụy, đằm thắm, mang âm hưởng ca dao, tục ngữ. Ông có những câu thơ giản dị, thăng hoa: “Tay em lúa trổ đòng đòng/ Vai anh đòn gánh uốn con trăng ngàn”; “Mưa bay phủ dòng sông bằng bạc/ Lá vàng rơi ngơ ngác hàng cây”; “Màu hoa vẫn giữ sắt son/ Gom sương nhặt nắng cho tròn thủy chung”...
Ông định nghĩa về thơ:
Thơ là cầu nối tri âm
Thơ là lá khẽ thì thầm với hoa
Thơ là cơn gió thoảng qua
Nông sâu thăm thẳm như là biển khơi
Thơ tôi viết để tặng người
Thơ trong, thơ đục, thơ vui, thơ buồn
Thơ chùng nắng lửa mưa tuôn
Ghim vào vách đá thành nguồn nước trong.
Đàm Chu Văn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin