Anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót |
Những năm 90 của thế kỷ trước, từ thành phố Biên Hòa, tôi dùng chiếc xe gắn máy vượt trên 30km tìm tới nhà một người lính Điện Biên Phủ năm xưa, tại ấp Long Đức 1, xã Tam Phước, huyện Long Thành (nay là phường Tam Phước, thành phố Biên Hòa).
Ông tên là Nguyễn Văn Lưu, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh (CCB) xã này, lúc ấy đã ở tuổi 70.
* Toàn thân anh đã bịt chặt họng súng quân thù
Nhắc tới người đồng đội chí cốt Phan Đình Giót của mình, người cựu chiến binh này giọng chùng xuống, hai khóe mắt rơm rớm lệ hồi tưởng lại: “Chúng tôi cùng ở một Trung đội thuộc Đại đội 58, Đại đoàn 312. Trung đội này do anh Nguyễn Khang làm trung đội trưởng, tôi làm trung đội phó, còn anh Phan Đình Giót là tiểu đội phó.
Trong trung đội có 24 anh em, hơn nữa cùng quê “Khu Tư” (anh Giót ở Cẩm Quan, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đều nói tiếng “trọ trẹ mà dễ nghe” nên chúng tôi rất hiểu tâm tính của nhau. Anh Giót hơn tôi 7 tuổi, hồi ấy anh 30, còn tôi mới 23…
Tính anh hiền lành, chất phát, ít nói nhưng tận tụy với mọi công việc được giao. Do nghèo khổ phải lam lũ nên anh thạo về đan lát. Những nan tre, nứa qua bàn tay của anh tạo nên những chiếc mũ nan vừa chắc, vừa bền lại đẹp. Nhiều người trong đơn vị được anh trang bị, ưng lắm. Chính tôi cũng được anh tặng một chiếc mũ nan như thế để chụp ảnh lưu giữ tới hôm nay. Mỗi lần nhìn ngắm chiếc mũ in dấu bàn tay người tạo ra nó mà như thấy hình ảnh của anh hiện về lòng càng xao xuyến lạ.
Mở đầu trận đánh đồi Him Lam, trung đội đánh bộc phá chúng tôi có nhiệm vụ phá toang cửa để xung kích xông lên. Nhiệm vụ ấy khá nặng nề và cực kỳ nguy hiểm. Bởi, khi bộc phá nổ, hỏa lực đối phương đều dồn hết về đây. Đồi Him Lam có những 15 lớp hàng rào các loại và chiều sâu tới 80m, quét sạch chướng ngại không đơn giản. Trong quá trình chiến đấu, anh Khang - trung đội trưởng hy sinh, tôi tiếp tục thay thế chỉ huy trung đội. Tất cả sức mạnh tinh thần, ý chí, quyết tâm đều dồn hết vào đó.
Đạn địch bắn xối xả như mưa rào. Xung kích đang nóng lòng chờ đợi. Trung đội đánh bộc phá người trước ngã, người sau tiến lên, cứ tiếp tục như thế. Phan Đình Giót đánh hết số bộc phá của mình, rồi dùng tiếp số bộc phá của đồng đội đã hy sinh dồn dập tới 10 quả như thế. Bị thương lần thứ nhất, thứ hai rồi thứ ba, cho tới khi ngất lịm. Lúc tỉnh lại vẫn thấy hỏa lực địch bắn như điên loạn về phía quân ta, súng cũng đã hết đạn. Tuy đã gần như kiệt sức vì mất nhiều máu lại dồn dập đánh bộc phá nhưng anh vẫn cố trườn người lên từng tấc một để tránh hỏa lực. Rồi anh dùng cả khối căm hờn được dồn nén từ lâu lao vào ngàn độ lửa. Bỗng tiếng súng địch từ lỗ châu mai như chựng lại, đó là lúc toàn thân anh đã bịt chặt họng súng quân thù, chớp thời cơ xung kích ta ào ạt xông lên chiến đấu tiêu diệt địch.
Trận đánh kết thúc, chúng tôi tổ chức đưa thi thể anh về phía sau. Toàn thân anh bầm dập bởi hàng trăm vết đạn và đen nhẻm vì thuốc súng. Ai nấy đều nghẹn lòng, chỉ biết chào vĩnh biệt đồng đội bằng dòng lệ tiếc thương vô hạn.
Vào trận, trung đội bộc phá chúng tôi có 24 anh em nhưng sau khi ta đã làm chủ được cứ điểm chỉ còn lại 5 người, mà hầu hết đều bị thương, trong đó có tôi bị hai vết thương vào đùi, vào lưng nhưng vẫn cố bám sát đồng đội chiến đấu đến cùng.
Sau khi trận đánh Him Lam vừa kết thúc, tôi được chi bộ Đại đội 58 tuyên bố kết nạp Đảng tại chiến hào, liệt sĩ Phan Đình Giót cũng được truy nạp vào Đảng trong giờ phút thiêng liêng ấy. Và sau đó, ngày 2-5-1954, anh được truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Cái tin đặc biệt này như có cánh bay, chẳng mấy chốc lan truyền trên toàn Mặt trận Điện Biên Phủ, càng tăng thêm sức mạnh tinh thần, ý chí cho đồng đội vượt qua mưa bom, bão đạn quân thù để đè bẹp chúng. Quả thật, chỉ ít ngày sau đó, đúng mùng 7-5-1954, lá cờ quyết chiến, quyết thắng của quân ta đã phần phật tung bay trên nóc hầm sở chỉ huy của viên tướng Pháp đầy kiêu căng, ngạo mạn và quân giặc theo đó lũ lượt kéo cờ trắng ra hàng một cách thảm hại…”.
* Thăm nơi chôn nhau cắt rốn của người anh hùng
Tháng 10-1998, từ miền Đông Nam Bộ, tôi trở về thăm quê huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Từ đây ra quê Phan Đình Giót thuộc xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, chỉ cách tầm 30km.
Bất giác tôi gặp một ông nông dân và hỏi nhà anh hùng Phan Đình Giót. Ông ngước nhìn tôi đầy cảm mến và hồ hởi cho biết ông là em trai của anh Giót.
Đặt chân vào căn nhà mới, tôi gặp chiếc bàn thờ gia tiên, duy nhất có bức ảnh của liệt sĩ Phan Đình Giót do Bảo tàng Quân đội gửi kỷ niệm cho gia đình để thờ. Còn các cụ thân phụ và thân mẫu chỉ có bát hương chứ trước đây nhà nghèo làm gì có ảnh - ông Giáp nói vậy.
Ông Giáp cũng cho biết ngôi nhà mới này là nhà tình nghĩa, do Công đoàn Bưu điện Hà Nội quyên góp kinh phí và xây tặng, thay cho căn nhà cũ xưa đã hư hỏng, dột nát. Sau khi có ngôi nhà khang trang, họ lại tặng thêm bàn thờ làm nơi hương khói cho các cụ và cả anh Giót.
Ban biên tập Báo Đồng Nai thắp hương trước mộ phần Anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót tại Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ (thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) tháng 3-2023. Ảnh: HUY ANH |
Ông Giáp kể về giờ phút anh Giót chia tay gia đình để lên đường tòng quân: “Mẹ tôi thương con lên đường chưa hẹn ngày trở lại mà cái bụng đói meo. Không biết mẹ xoay xở đâu ra được mấy ống bơ gạo đỏ quạch, giống lúa hom, chỉ có những đồng quê đất chua mặn, thế cũng đã quý lắm rồi để cho con vui. Cơm chín, đang nóng hôi hổi, mẹ lấy mo cau gói một phần để anh đem theo ăn dọc đường với bạn bè. Phần cơm còn lại mẹ cứ giục anh ăn cho ấm bụng. Thương mẹ quá, anh không nỡ ăn. Mẹ một mực năn nỉ mãi, anh đành bưng bát cơm vơi vơi thôi, vừa ăn mà nước mắt chan hòa… Đó là cái ăn, còn cái mặc cũng gian nan lắm. Đời nhà ai một người trai cất bước tòng quân mà mặc chiếc quần đùi vá chằng vá chịt. Tôi không đành lòng nên rỉ tai: Em ở nhà việc đồng áng mặc sao cũng được, còn anh nên tươm tất một chút. Anh cần vận chiếc quần đùi này của em, tuy cũ nhưng vẫn ít mảnh vá hơn của anh. Đắn do một lúc anh chấp nhận…”.
Ông Giáp cho biết thêm: “được sự quan tâm của cấp trên đã tổ chức cho một số thân nhân gia đình có người thân hy sinh trong tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, trong đó có tôi, được cán bộ Trung ương, Bộ Quốc phòng gặp gỡ thăm hỏi động viên ở Hà Nội rồi hành trình lên Điện Biên. Lần đầu tiên đặt chân lên mảnh đất này, cán bộ chỉ dẫn đi thăm các di tích lịch sử và ra thăm nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên bạt ngàn ngôi mộ, còn hàng hà nấm mộ chưa biết tên. Tôi được đến bên ngôi mộ anh Phan Đình Giót, thắp nén hương trầm thơm ngát mang từ quê nhà Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh và đôi lời cầu nguyện…”.
***
Khi những trang viết này lên mặt báo vào dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ thì những nhân chứng lịch sử như ông Nguyễn Văn Lưu và ông Phan Đình Giáp (em ruột của anh hùng liệt sĩ Phan Đình Giót) đều đã trở thành người thiên cổ theo quy luật của tạo hóa...
Nguyễn Quốc Hoàn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin