Cả làng nhộn nhịp chuẩn bị cho lễ hội lớn nhất trong năm, cũng là một lễ hội lớn hàng năm ở thủ đô. Đó là Hội Gióng để tưởng niệm và ca ngợi Thánh Gióng, một trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt.
Tranh minh họa: Nguyễn Hằng Xuân |
Hồi đầu năm âm lịch, ở Sóc Sơn đã có Hội Gióng được tổ chức trang trọng và linh đình, do Sóc Sơn là nơi Thánh Gióng dừng chân sau khi đánh tan giặc Ân, sau đó Ngài cưỡi ngựa sắt bay về trời.
Bây giờ là Hội Gióng ở Gia Lâm, nơi chú bé Gióng sinh ra ngày nào.
***
Hội Gióng ở đền Phù Đổng chọn người đóng những vai quan trọng. Vai ông Hiệu Trống mấy năm liền thuộc về ông Phùng. Năm qua, ông đã tuổi già sức yếu nên làng chọn người khác thay thế. Tuy nhiên, gia đình ông Phùng lại vinh dự có cô con gái được chọn vào nhóm “Cô tướng” cùng cậu con trai được vào “Làng Áo đỏ”. Nhờ vậy, hai chị em mới có dịp hiểu biết hơn về các vai diễn trong lễ hội. Chị em không bảo nhau mà cùng chăm chú nghe ông trưởng ban lễ hội nói chuyện trong buổi họp mặt toàn bộ thành viên tham gia tổ chức và lễ rước. Năm nào ông cũng nhắc lại những gì cần biết về Hội Gióng để người cũ ôn lại, người mới thì có hiểu biết cơ bản.
Cô chị chỉ ngồi nghe, cậu em còn bấm điện thoại ghi âm đủ một giờ nói chuyện của ông trưởng ban.
***
Hội Gióng Phù Đổng có dàn vai diễn đông đảo. Các ông Hiệu gồm Hiệu Cờ tượng trưng cho Thánh Gióng cùng Hiệu Trống, Hiệu Chiêng, Hiệu Tiểu cổ. Hệ thống tướng lĩnh của Ông Gióng gồm “Phù Giá” có 120 người, tượng trưng cho đội quân chính quy. Phường “Ải Lao”, trong đó có “Ông Hổ” cầm đầu, là đội quân tổng hợp; “Làng Áo đỏ” là đội quân trinh sát nhỏ tuổi; “Làng Áo đen” là đội dân binh. Các “Cô Tướng” gồm 28 người tượng trưng cho quân giặc, hai cô tướng chính là Tướng Đốc và Tướng Ngựa.
Hai chị em con ông Phùng đã hiểu mình là ai trong vai diễn. Cô chị hơi buồn nói nhỏ với em: “Đóng vai giặc chẳng thích tí nào!”. Cậu em an ủi chị: “Chỉ là vai diễn tượng trưng chứ có phải thật đâu. Với lại, có khối người muốn mà nào được chọn…”. “Vẫn biết thế. Nhưng mà…”. “Em mơ lớn lên sẽ được chọn làm ông Hiệu Trống như bố”.
Mỗi vai diễn đều mang những ý nghĩa riêng. Các đám rước cũng thế. “Rước khám đường” là trinh sát giặc; “Rước nước” là để tôi luyện khí giới trước khi xuất quân; “Rước Đống Đàm” là đi đàm phán kêu gọi hòa bình; “Rước trận Soi Bia” là mô phỏng cách điệu các trận đánh ác liệt.
Cờ phướn màu đỏ bên trên viết chữ “Lệnh” tôn nghiêm cùng với các động tác múa cờ lệnh của ông Hiệu Cờ. Phù giá là những vai diễn đóng khố, cởi trần, đầu đội mũ trên có đính chín con rồng nhỏ, tượng trưng cho Đất, vai đeo một túi có hình nửa vầng trăng, tượng trưng cho Trời, tay cầm chiếc quạt giấy màu nâu khắc cụp, khắc xòe theo khẩu lệnh của các ông “Xướng” và “Xuất”, tượng trưng cho một loại vũ khí có sức biến ảo khôn lường.
28 cô gái trẻ đóng vai tướng giặc, tượng trưng cho 28 đạo quân xâm lược của nhà Ân.
Phần lễ nghi, trước hết là nghi thức tế Thánh. Kế đó là lễ rước nước lau rửa tự khí, lấy từ giếng đền Hạ với ý nguyện được mưa thuận, gió hòa. Rồi lễ rước cờ “lệnh” từ đền Hạ lên đền Thượng. Tiếp đến là lễ khám đường, lễ duyệt tướng…
***
Ngày chính hội mùng 9 tháng 4, Hội Gióng diễn ra trang trọng, linh thiêng.
Hai chị em con ông Phùng trong trang phục vai diễn của mình thoạt đầu có chút ngượng ngùng, sau dần quen và “diễn” theo các bạn trong “Làng Áo đó” và “28 Cô tướng”. Cậu em rất tự hào, “diễn” tự nhiên cứ như mình đúng là một trinh sát nhỏ tuổi đi nắm tình hình giặc Ân về báo cáo chủ tướng. Cô chị cũng quen với vai “phản diện”, nhất là khi bắt gặp nhiều ánh mắt thèm thuồng của các cô gái “khán giả” đi xem đoàn rước.
Náo nhiệt nhất là hai “trận đánh”. Trận thứ nhất: đánh cờ ở Đống Đàm và trận thứ hai: đánh cờ ở Soi Bia. Chiến trường là 3 chiếc chiếu, mỗi chiếu có chiếc bát to tượng trưng cho núi đồi, úp trên tờ giấy trắng tượng trưng cho mây trời. Vây quanh là đại quân của Gióng và phía bên kia là đại quân của 28 nữ tướng giặc. Ông Hiệu Cờ lần lượt tiến vào từng chiếc chiếu, nhảy qua các quả đồi (bát úp) và thực hiện các động tác “đánh cờ”. Tiếng hò reo lúc lúc lại dội lên trong tiếng chiêng, tiếng trống, thể hiện sự quyết liệt của trận đánh. Điệu múa cờ của ông Hiệu Cờ phải thật chính xác, khéo léo để tránh điều tối kỵ là làm lá cờ bị cuốn vào cán. Theo niềm tin của cư dân nơi đây thì đó là điềm xui rủi. Kết thúc mỗi màn múa cờ là kết thúc một trận đánh, ông Hiệu Cờ vừa bước ra khỏi chiếu là chiếc chiếu được tung lên, dân chúng ào vào cướp lấy những mảnh chiếu mà họ tin tưởng là sẽ đem đến cho gia đình mình điều may mắn trong suốt một năm.
Chị em con ông Phùng không tham gia cướp chiếu. Phần vì họ đang đóng vai diễn, phần khác thì họ có suy nghĩ giống nhiều người trẻ, rằng việc “cướp” ở đây tuy không mang ý nghĩa xấu, nhưng “nó không thể hiện sự nỗ lực của bản thân trong cuộc sống”.
Cuối cùng là lễ rước cờ báo tin thắng trận với trời đất và lễ khao quân trong tiếng cười, lời ca, điệu múa của phường Ải Lao, chiếu chèo và các trò chơi dân gian. Tướng, quân bên giặc được tha bổng và cho tham dự lễ mừng chiến thắng.
Cô chị quên hẳn vai “phản diện” của mình, cứ để nguyên trang phục mà ngồi nghe hát ca trù. Cũng chẳng ai để ý đến một “tướng giặc Ân” mà đều xem cô là một người dân làng Phù Đổng!
***
Chuyện nghe kể sau lễ hội:
Núi Sóc nằm ở xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, là nơi Gióng ngồi nghỉ, ngắm nhìn đất nước lần cuối trước khi cưỡi ngựa về trời. Tại khu vực này có một quần thể di tích gồm đền Thượng, chùa Đại Bi, chùa Non Nước, đền Hạ (Đền Mẫu), miếu Thánh Mẫu và nhà Bia.
Lễ hội Gióng Sóc Sơn diễn ra trong ba ngày, từ ngày mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng, với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng - nơi thờ Thánh Gióng.
Trước ngày hội, bảy thôn làng đại diện cho bảy xã của huyện chuẩn bị lễ vật trong ngày mở đầu hội chính. Việc chuẩn bị vật tế lễ cũng hết sức công phu, nhất là việc đan voi mà theo truyền thuyết thì đoàn quân tham gia đánh giặc cùng Thánh Gióng có cả đàn voi chở lương thực đi theo; thứ nhì là việc làm giò hoa tre tượng trưng cho gậy tre của Thánh Gióng dùng đánh giặc. Hoa tre được làm bằng những thanh tre dài khoảng 50cm, đường kính khoảng 1cm, đầu được vót thành xơ và nhuộm màu. Hai việc này phải tiến hành từ nhiều tuần trước lễ hội.
Từ xa xưa, việc rước hội đã được phân công cụ thể cho từng thôn chuyên trách và đi theo theo thứ tự: Trước hết là thôn Vệ Linh rước giò hoa tre, tiếp theo là thôn Dược Thượng rước voi, các thôn khác rước trầu cau, rước ngà voi, rước cỏ voi (thân cây chuối), rước tướng và mấy năm gần đây có thêm thôn Xuân Dục rước “Cầu Húc” (quả cầu tượng trưng cho mặt trời theo tín ngưỡng thờ thần mặt trời có từ xa xưa của cư dân nơi đây).
Nghi lễ đặc biệt được thực hiện vào đêm mùng 5 là lễ Dục Vọng để mời ông Gióng về với các lễ vật, lễ phẩm đã được chuẩn bị chu đáo. Người dân thành kính mong đức Thánh Gióng phù hộ cho họ có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ngoài ra, trong hội còn có nhiều trò chơi dân gian sôi động như chọi gà, cờ tướng, hát ca trù, hát chèo…
Ngày chính hội là mùng 6, ngày Thánh hóa theo truyền thuyết. Ngày khai hội, dân làng và khách thập phương dâng hương, đúng nửa đêm có Lễ khai quang - tắm cho pho tượng Thánh Gióng. Nghi lễ chủ yếu trong ngày chính hội là dâng hoa tre ở Đền Sóc và chém tướng giặc. Sau lễ dâng hoa, tre được tung ra trước sân đền cho người dự hội lấy để cầu may. Chém tướng giặc được thực hiện bằng cách chém một pho tượng, diễn lại truyền thuyết Gióng dùng tre ngà quật chết tướng cầm đầu giặc Ân là Thạch Linh (đá thành tinh).
Hai chị em nghe chuyện cướp hoa tre thì cùng nhìn nhau cười mỉm. Dù sao đây cũng là một tục lệ!
***
Trong buổi họp mặt rút kinh nghiệm sau lễ hội, mọi người tâm tình góp ý với ban tổ chức và với nhau. Chị em con ông Phùng mới tham gia lần đầu nên không có ý kiến gì, chỉ ngồi nghe. Tuy vậy, hai chị em cũng vỡ ra nhiều điều, nhất là về ý nghĩa của lễ hội và vị trí của Hội Gióng.
Hai hội Gióng Phù Đổng và hội Gióng Sóc Sơn đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ngoài ra còn hơn 10 hội Gióng cũng thuộc địa bàn Hà Nội (gọi là vùng lan tỏa) chưa được UNESCO ghi danh.
Ông trưởng ban tổ chức kết luận:
- Giá trị nổi bật toàn cầu ở Hội Gióng chính là một hiện tượng văn hóa được bảo lưu, trao truyền khá liên tục và toàn vẹn qua nhiều thế hệ. Mặc dù ở gần trung tâm thủ đô và đời sống cộng đồng trải qua nhiều biến động do chiến tranh, do sự xâm nhập và tiếp biến văn hóa, Hội Gióng vẫn tồn tại một cách độc lập và bền vững. Làng ta rất hãnh diện được góp phần vào sự trường tồn của Hội Gióng.
Không hiểu cô chị nghĩ gì chứ cậu em thì lại nghĩ về mơ ước trở thành ông Hiệu Trống!
Truyện thiếu nhi của Nguyễn Thái Hải
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin