Báo Đồng Nai điện tử
En

Tuổi trẻ sống đẹp - sống có ích

Nga Sơn
06:13, 11/05/2024

Vượt lên nghịch cảnh, sống có ước mơ, hoài bão; biết yêu thương, giúp đỡ những người xung quanh; cống hiến cho cộng đồng… là những việc mà nhiều bạn trẻ ngày này đã và đang làm, góp phần lan tỏa lối sống đẹp, sống có ích trong giới trẻ và cộng đồng.

Đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh được tạo điều kiện tham gia hoạt động tình nguyện vì cộng đồng.
Trong ảnh: Đoàn viên, thanh niên tặng quà, tổ chức vui chơi cho thiếu nhi tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh. Ảnh: N.Sơn
Đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh được tạo điều kiện tham gia hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Trong ảnh: Đoàn viên, thanh niên tặng quà, tổ chức vui chơi cho thiếu nhi tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh. Ảnh: N.Sơn

Từ một người sống khép kín, luôn mang trong mình sự mặc cảm, tự ti bởi đôi chân yếu, đi lại khó khăn, cô gái trẻ Huỳnh Ngọc Hương Hoa đã “lột xác” thành phiên bản khác kể từ khi là sinh viên Khoa Nông học, Phân hiệu Trường đại học Lâm nghiệp tại Đồng Nai (đóng tại huyện Trảng Bom).

* Vượt lên nghịch cảnh, vươn tới ước mơ

Hương Hoa chia sẻ, chị không được may mắn khi sinh ra đã bị yếu đôi chân. Khi chị lên 2-3 tuổi, bạn bè cùng trang lứa có thể đi lại, chạy nhảy thì chị lại chỉ ngồi một chỗ. Không chỉ khiếm khuyết vận động, chị Hoa còn mắc tật khúc xạ mắt khá nặng. Cha mẹ đưa chị từ tỉnh Quảng Ngãi vào Thành phố Hồ Chí Minh khám và được bác sĩ chẩn đoán, chị bị liệt một phần não làm đôi chân bị yếu, thị lực kém. Song may mắn là chị vẫn có thể giao tiếp bình thường.

Cũng vì thế mà chị đi học muộn 1 năm so với tuổi. Từ ngày đi học, mẹ chị trở thành đôi chân đưa đón đi học mỗi ngày. Đến lớp, chị Hoa chỉ ngồi một chỗ, không thể chơi cùng bạn bè. Giữa năm học lớp 1, gia đình đưa chị đi phẫu thuật đôi chân. Nhưng vì sức khỏe không đảm bảo nên việc phẫu thuật phải tiến hành nhiều lần. Sau phẫu thuật, chị Hoa đã có thể đi lại được nhưng vẫn không thể đi thẳng, chạy nhảy như người bình thường. “Lúc đó, bản thân tôi rất tự ti. Tôi không thích những ánh mắt hiếu kỳ, những câu hỏi thắc mắc về bản thân mình. Điều đó càng khiến tôi thu mình lại, không muốn mở lòng với bất kỳ ai” - chị Hoa kể lại.

Thay vì trò chuyện với mọi người, chị Hoa tìm cách trải lòng bằng việc viết ra những cảm xúc của mình dưới dạng thơ hoặc tản văn. Sau một thời gian viết, chị Hoa nhận thấy nếu những bài viết của mình chỉ để bản thân đọc thì không có giá trị bằng việc chia sẻ cho mọi người cùng đọc. Năm 2021, chị bắt đầu lập Facebook cá nhân và chia sẻ những bài viết của mình. Những bài viết chạm tới cảm xúc của những người trẻ nên thu hút nhiều người quan tâm và có phản hồi tích cực.

Sinh viên NGUYỄN THỊ HỒNG VÂN, Trường cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi cho rằng, muốn trở thành người như thế nào là do bản thân mỗi người quyết định. Muốn thay đổi, không có cách nào khác hơn là bản thân phải chủ động trong mọi việc.

 “Từ đó, tôi nhận thấy mọi thứ không tồi tệ như những gì mình nghĩ, quan trọng là cách bản thân mình nhìn sự việc đó như thế nào mà thôi” - chị Hoa bày tỏ. Với suy nghĩ ấy, chị tìm hiểu và tham gia thêm hoạt động ngoại khóa, làm cộng tác viên viết bài cho một số trang, dự án giáo dục giới tính, môi trường… nhằm lan tỏa những thông điệp tích cực đến những người trẻ.

Chị Nguyễn Thị Hồng Vân, sinh viên năm cuối Khoa Quản trị, Trường cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi (thành phố Biên Hòa) đã thay đổi bản thân một cách ngoạn mục. Chị Vân cho hay, chị đã từng trải qua những ngày tháng tồi tệ, luôn thấy mình vô dụng. Vào năm học lớp 7, chị học kém tới mức phải thi lại mới được lên lớp. “Thời điểm ấy, tôi luôn cảm thấy áp lực khi ai đó hỏi về kết quả học tập. Cha mẹ ngược lại luôn động viên và kỳ vọng một ngày nào đó tôi sẽ thay đổi và tiến bộ” - chị Vân bộc bạch.

Chính những áp lực xung quanh và đặc biệt là bản thân muốn minh chứng với những người xung quanh về vai trò, vị thế của phụ nữ ngày nay, chị đã quyết định “lội ngược dòng”. Làm sao để thay đổi là câu hỏi chị luôn trăn trở. Ngoài kiến thức thầy cô truyền đạt ở lớp, chị chủ động đọc sách, xem những video truyền cảm hứng trên YouTube. Đặc biệt, chị may mắn khi gặp được những “tiền bối” tâm huyết luôn sẵn sàng chia sẻ kiến thức, kỹ năng sống và cả môi trường để chị trải nghiệm… Nhờ đó, chị từng bước thay đổi. Từ một học sinh gần như “cá biệt”, chị đã phấn đấu trở thành một người “đặc biệt” - chủ động trong học tập, rèn luyện; có thành tích học tập tốt hơn; tích cực tham gia hoạt động cộng đồng.

* Lan tỏa động lực sống tích cực trong giới trẻ

Trong xã hội hiện đại, giới trẻ ngày nay trải qua nhiều áp lực, đó là những căng thẳng, mệt mỏi trong học tập, lao động và cuộc sống… Với những người có suy nghĩ và lối sống tích cực, họ dễ dàng vượt qua những áp lực. Ngược lại, có những người ngại, không vượt qua được áp lực thường suy nghĩ nhiều đến vấn đề tiêu cực.

Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Minh Kiên cho biết, thời gian qua, tổ chức Đoàn, Hội, Đội đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống cho đoàn viên, hội viên, thanh niên. Đồng thời, triển khai nhiều hoạt động, phong trào nhằm lan tỏa lối sống đẹp trong giới trẻ.

Phong trào Tôi yêu Tổ quốc tôi do Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phát động là một trong những phong trào điển hình, cổ vũ thanh niên thể hiện lòng yêu nước bằng những hành động cụ thể, như: tự giác học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, phấn đấu trở thành công dân tốt, có nghị lực sống, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội… Đối với đội viên, thiếu nhi có phong trào xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường. Tại các liên đội hàng năm đều tổ chức diễn đàn để giáo dục, định hướng đội viên, thiếu nhi biết tôn trọng, yêu thương và cùng chia sẻ với bạn bè trong học tập và trong cuộc sống.

Theo chị HUỲNH NGỌC HƯƠNG HOA, sinh viên Phân hiệu Trường đại học Lâm nghiệp tại Đồng Nai (đóng tại huyện Trảng Bom), đừng bao giờ ép bản thân mình phải vui, ép bản thân mình phải nỗ lực, mà thay vào đó hãy chấp nhận những cảm xúc tiêu cực để giải quyết nó và bước tiếp.

Từ năm 2018 đến nay, các cấp bộ Đoàn đã đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp do Trung ương Đoàn phát động nhằm lan tỏa thông tin tích cực trên không gian mạng với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. Các trang Fanpage của Đoàn, Hội, Đội từ đó đến nay thường xuyên đăng tải những câu chuyện đẹp, những tấm gương người tốt việc tốt, những thông tin tích cực. Điều đặc biệt, không chỉ chia sẻ những tin tốt, câu chuyện đẹp của đoàn viên, thanh thiếu nhi và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh mà các trang này còn chia sẻ những thông tin, tấm gương người tốt, việc tốt trong cả nước.

Bên cạnh đó, việc triển khai các hoạt động tình nguyện, đảm bảo an sinh xã hội đã và đang góp phần tạo ra môi trường thực tế để đoàn viên, thanh thiếu nhi trải nghiệm. Từ đó, giúp đoàn viên, thanh thiếu nhi nhận thức được giá trị của cuộc sống và có thêm động lực vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Trong suốt hành trình đi học của mình, chị Nguyễn Thị Hồng Vân, sinh viên Trường cao đẳng Công nghệ và quản trị Sonadezi may mắn được tham gia nhiều hoạt động tình nguyện vì cộng đồng. Đa số đối tượng mà chị có cơ hội tiếp xúc là trẻ em bị bệnh hiểm nghèo đang điều trị tại bệnh viện; trẻ em mồ côi sống ở các cơ sở bảo trợ xã hội; trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao. Ước mơ của các em là có sức khỏe, có cha mẹ chăm sóc, có cơm ăn, áo mặc, được học hành… “Từ ước mơ của các em, nhìn lại mình tôi thấy mình quá may mắn vì có đủ những điều này. Tôi nghĩ rằng, mỗi chúng ta cần học thêm chữ “đủ” để cảm thấy hạnh phúc với những gì mình đang có” - chị Vân bộc bạch.

Nga Sơn

 

Tin xem nhiều