Báo chí là một nghề đặc biệt, đòi hỏi nhà báo không chỉ có năng khiếu, sự yêu nghề, niềm đam mê mà còn phải có bản lĩnh và tinh thần dấn thân.
Tác giả (bìa phải) cùng các đồng nghiệp châu Á đi thực tế tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hà Nội trong khuôn khổ khóa đào tạo báo chí khoa học quốc tế năm 2013. |
Sự phát triển của công nghệ và mạng xã hội tác động rất lớn đến cách thức tác nghiệp của các phóng viên. Tuy nhiên, dù công nghệ hiện đại đến đâu thì bạn đọc vẫn luôn đòi hỏi ở nhà báo những tác phẩm mang hơi thở cuộc sống. Và chỉ có dấn thân, nhà báo mới đáp ứng được sự mong đợi này của bạn đọc.
* Dấn thân mới có đề tài hay
Đề tài hay là yếu tố rất quan trọng làm nên sự thành công của bài báo và với nhà báo, điều khó nhất là tìm đề tài. Thực tế, rất khó để tìm được một đề tài mới chưa từng ai khai thác, nhưng nếu dấn thân, nhà báo sẽ tìm được đề tài mới ngay trong những điều đã cũ.
Thách thức của nhà báo khi thực hiện một đề tài mới trong những điều đã cũ sẽ rất dễ bị lặp lại ý tưởng của người đi trước. Nhưng kinh nghiệm 32 năm cầm bút, tôi thấy rằng nếu nhà báo biết dấn thân, đeo bám, biết nuôi dưỡng, biết làm “sống” lại đề tài cũ bằng một góc nhìn mới, bằng việc tìm kiếm được các chi tiết đắt giá và độc đáo thì bài viết vẫn hay như thường.
Chẳng hạn câu chuyện về bác sĩ Hồ Văn Hoài, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Cửu. Cách đây gần 20 năm, khi còn làm Trưởng trạm y tế xã Phú Lý, bác sĩ Hoài đã có rất nhiều sáng kiến trong việc phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe người dân ở một xã nghèo, vùng sâu, vùng xa. Thực tế, đã có khá nhiều bài viết về bác sĩ Hoài, nhưng bài ký chân dung Bác sĩ Hồ Văn Hoài: Người vác tù và hàng tổng của tôi (đăng trên Báo Sức khỏe và đời sống ngày 18-6-2019) đã đoạt giải nhì cuộc thi Sự hy sinh thầm lặng do Bộ Y tế và Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức.
Để có một bài ký báo chí mới từ một chân dung nhân vật cũ, tôi phải kiên nhẫn “nuôi” nhân vật đến 4 năm, cho đến khi các dự án: lập hồ sơ sức khỏe người dân trong xã, truyền thông y tế bằng internet, phòng, chống suy dinh dưỡng bằng rau, nuôi tảo xoắn Nhật Bản cấp cho người nghèo và nuôi dơi phòng, chống sốt xuất huyết… của ông thực sự đem lại hiệu quả, lợi ích cho người dân ở một xã nông thôn nghèo thì lúc ấy, tôi mới đủ những chi tiết đắt giá để chắp bút viết về ông.
Vụ trưởng Vụ Báo chí (Ban Tuyên giáo Trung ương) TỐNG VĂN THÀNH từng nói: “Sự dấn thân của nhà báo không chỉ là đi vào những vùng nguy hiểm, mà là bằng sự khát vọng, bản lĩnh và thiên chức nghề nghiệp nhà báo đã bảo vệ cái đẹp, đấu tranh với cái xấu, lan tỏa sự nhân ái và gìn giữ giá trị văn hóa”. |
Hoặc câu chuyện báo chí thông tin đợt dịch Covid-19 cách đây 3 năm. Thời điểm đó, trách nhiệm của báo chí vẫn phải thông tin về diễn biến dịch bệnh, cuộc sống và công việc của các lực lượng tuyến đầu, “thế giới” của những người ở khu cách ly… Lúc đó, ngành y tế cũng lập một nhóm zalo “Các nhà báo y tế” để cung cấp những thông tin cần thiết. Nhưng, nếu chỉ ngồi tập trung đưa thông tin từ báo cáo, những con số khô khốc, vô hồn thì bài viết chẳng khác gì một bài… báo cáo hóa.
Không thể chỉ ngồi viết… chay, dẫu biết đi vào tâm dịch có thể nguy hiểm đến tính mạng, nhưng với trách nhiệm của một nhà báo, tôi đã “xung trận” đi vào tâm dịch, vào những bệnh viện dã chiến, các khu cách ly để được… đến tận nơi, nhìn tận mắt, gặp tận mặt để đưa những thông tin chân thực về những “chiến sĩ” áo trắng ở tuyến đầu điều trị và phòng dịch; về những cảnh đời đau thương khi gia đình chia lìa vì Covid-19; về những tấm lòng thơm thảo của người lành với người nhiễm… Rõ ràng, những bài viết có sự dấn thân của nhà báo vẫn sinh động hơn, có sức lay động, truyền cảm hứng mạnh mẽ, lan tỏa tới cộng đồng nhiều hơn...
Cho nên, đôi khi một đề tài hay không phải đao to, búa lớn mà đơn giản là những câu chuyện được dư luận quan tâm, những câu chuyện làm xúc động lòng người, câu chuyện mà qua ngòi bút của nhà báo sẽ khơi dậy sự hướng thiện, làm nảy sinh hành động nhân ái, lan tỏa, thôi thúc một ai đó vươn lên, cùng chia sẻ, giúp đỡ nhau để có cuộc sống tốt hơn…
* Dấn thân mới tạo nên sự khác biệt
Ai thường xuyên đọc báo sẽ thấy, khi một hiện tượng, vụ việc xảy ra hoặc sau một hội nghị nào đó, nhiều tờ báo sẽ xuất bản tin bài na ná nhau, các các nhà báo phản ánh trung thực và xuôi chiều những thông tin ghi nhận được. Nhưng nhà báo “có nghề”, có con mắt tinh tế sẽ thấy được những góc khuất của vấn đề, chính điều này sẽ tạo nên sự khác biệt của mỗi nhà báo trong lòng bạn đọc.
Năm 2013, tôi may mắn được tham gia khóa đào tạo báo chí khoa học quốc tế tại châu Á (do Liên đoàn Báo chí khoa học thế giới tổ chức). Trong 2 năm học lý thuyết và những chuyến đi thực tế, tôi đã học được cách các nhà báo nước ngoài dấn thân để đi đến tận cùng của vấn đề. Từ trải nghiệm, tôi cho rằng đây là cách làm báo rất có chiều sâu.
Tác giả (phải) trong một chuyến đi thực tế viết về những tác động của dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đối với Vườn quốc gia Cát Tiên tại tỉnh Lâm Đồng. |
Thực tế, có không ít nhà báo cho rằng, báo chí hoặc nhà báo chỉ làm nhiệm vụ nêu vấn đề, còn giải quyết là chuyện của cơ quan chức năng. Nhưng không, nhà báo phải có chính kiến về vấn đề mình đã nêu. Trách nhiệm của nhà báo là phải tìm được các góc khuất, biết đặt vấn đề và phản biện nó bằng việc cung cấp cho cơ quan chức năng thông tin đa chiều từ nhiều nguồn, bằng nhận định, phân tích, đánh giá từ nhiều nhà khoa học, từ nhiều người có trách nhiệm liên quan… để giúp các nhà hoạch định chính sách hoặc người có trách nhiệm có đủ cơ sở để giải quyết vấn đề đó tốt nhất, có lợi cho dân nhất. Nhưng để làm được điều này, đòi hỏi nhà báo đó phải có năng lực tư duy, khả năng phân tích, lập luận, phán đoán tốt và có đủ cơ sở từ thực tiễn.
Còn nhớ năm 2007, trong một lần dừng xe uống nước ven đường ở xã Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu), tôi thấy những chiếc xe tải chở thùng phuy, thùng nhựa lớn nhỏ ra vào, tập kết tại một cơ sở chuyên xử lý chất thải công nghiệp. Bà bán nước nói, ngày nào mấy chiếc xe đó cũng chở thùng chứa hóa chất lấy từ mấy công ty về đem ra suối súc rửa, nước suối nồng nặc mùi hóa chất, váng hết cả đầu.
Từ câu chuyện của bà hàng nước, tôi bắt đầu để ý, lân la tiếp cận, đeo bám theo các xe chở phế liệu công nghiệp từ nhà máy đến cơ sở tái chế; đóng vai người thu mua phuy, thùng nhựa hóa chất đã qua xử lý để tiếp cận với cơ sở tái chế. Tôi cũng lội dọc theo con suối đầy hóa chất; phục chờ hàng giờ để quan sát việc xử lý chất thải này. Qua 3 tháng trời lặn lội đeo bám, tôi đã phát hiện được sự dối trá của cơ sở xử lý chất thải công nghiệp này. Đó là cơ sở này hợp đồng với doanh nghiệp để nhận xử lý chất thải nguy hại với giá cao, nhưng về lại không xử lý đúng quy trình. Nước sau súc rửa các bao bì chứa hóa chất phải được thu gom và đưa vào lò đốt vì đó là chất thải nguy hại, nhưng cơ sở mà lại xả thải thẳng ra môi trường để khỏi tốn chi phí xử lý.
Khi loạt bài 3 kỳ Chất thải nguy hại công nghiệp về đâu? đăng trên Báo Đồng Nai (tháng 7-2007) đã tạo được hiệu ứng khá mạnh mẽ. Lúc ấy, UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên và môi trường phải vào cuộc thanh, kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động thầu chất thải công nghiệp và xử lý chất thải nguy hại. Sau đó, một số cơ sở xử lý chất thải nguy hại bị rút giấy phép hoạt động; nhiều doanh nghiệp có chất thải nguy hại đã cắt hợp đồng với cơ sở xử lý…
Rõ ràng, khi nhà báo chịu khó đeo bám, dấn thân để tìm ra sự tận cùng của vấn đề bằng sự dấn thân, bằng sự nhìn nhận riêng, sẽ tạo ra sự khác biệt và độc đáo. Đó cũng là cách nhà báo thể hiện được bản lĩnh nghề nghiệp, qua đó khẳng định được tên tuổi của mình trong làng báo chí và trong lòng bạn đọc.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin