Báo Đồng Nai điện tử
En

Lịch sử chữ quốc ngữ 1615-1919: Thành tựu đồ sộ, hấp dẫn về cội nguồn chữ Việt

Bửu Long
12:19, 14/06/2024

Ấn phẩm sử liệu quý giá Lịch sử chữ quốc ngữ 1615-1919 của tác giả Phạm Thị Kiều Ly do Nhà xuất bản Văn Học và Omega+ phát hành đúng dịp tròn 400 năm (1624-2024) vị giáo sĩ Đắc Lộ, tức Alexandre de Rhodes, đặt chân đến Hội An (Đàng Trong, Đại Việt bấy giờ).

Lịch sử chữ quốc ngữ 1615-1919 dày hơn 430 trang.
Lịch sử chữ quốc ngữ 1615-1919 dày hơn 430 trang.

Lịch sử chữ quốc ngữ 1615-1919 là tác phẩm quy mô về lịch sử hình thành và phát triển của chữ quốc ngữ. Ấn phẩm ra mắt công chúng Việt Nam tháng 6-2024 này góp thêm kênh tham khảo quý giá cho bất cứ bạn đọc nào muốn hiểu hơn về cội nguồn chữ viết mà mọi người Việt Nam đang dùng trong đời sống hàng ngày.

Từ luận án đến tác phẩm

Tác phẩm được phát triển từ luận án tiến sĩ của Tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly, bảo vệ năm 2018 tại Đại học Sorbonne Nouvelle (Pháp). Tác giả chỉnh sửa, bổ sung luận án và xuất bản ở Pháp năm 2022 dưới tựa đề Histoire de l’écriture romanisée du vietnamien (1615-1919).

Tiến sĩ KIỀU LY chỉ ra sự thay đổi vai trò của chữ quốc ngữ; vai trò của các chủng sinh người Việt trong công cuộc soạn từ điển Việt - La năm 1772-1773 cho thấy tư duy làm từ điển của người bản xứ.

Ấn bản tiếng Việt của công trình Lịch sử chữ quốc ngữ 1615-1919 gồm 6 chương, bao gồm chương mô tả các ngôn ngữ trên thế giới; Phiên âm tiếng Đàng Trong bằng chữ La-tinh (1615-1631) và Phiên âm tiếng Đàng Ngoài bằng chữ La-tinh. Tác giả cũng giới thiệu Hệ thống nguyên âm trong Dictionarium (Từ điển) của de Rhodes (1651) và chuẩn hóa chính tả (chương 4); Chữ quốc ngữ thời kỳ Hội Thừa sai Paris (1658-1858) được giới thiệu ở chương 5 và chương cuối là về Chữ quốc ngữ thời thuộc địa.

Bìa sách là hình ảnh minh họa những cá nhân đã có những đóng góp quan trọng vào quá trình hình thành và phát triển chữ quốc ngữ trong giai đoạn từ 1615 đến 1919, bao gồm các thừa sai dòng Tên: Cristoforo Borri, Francisco de Pina, Alexandre de Rhodes, António de Fontes, Gaspar do Amaral, António Barbosa, François Deydier, Pierre Pigneaux de Béhaine, Philipphê Bỉnh, Jean-Louis Taberd, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Diệu nhận định: “Công trình Lịch sử chữ quốc ngữ 1615-1919 của tác giả Kiều Ly mang đến cho độc giả nhiều thông tin mới và hữu ích, trong đó có giải đáp những câu hỏi về Hội Thừa sai Paris được khai sinh năm 1658, sự tồn tại song song (cùng dòng Tên) đóng góp/thúc đẩy như thế nào trong tiến trình phát triển lịch sử chữ quốc ngữ…

Nhiều đóng góp mới quan trọng

Lịch sử chữ quốc ngữ 1615-1919 là thành tựu nghiên cứu rất đầy đủ về lịch sử chữ quốc ngữ trong giai đoạn thời gian hơn 300 năm, tính từ năm 1615 - thời điểm các giáo sĩ dòng Tên tới truyền giáo ở Đàng Trong và kết thúc vào năm cuối cùng của khoa thi Hội tổ chức ở kinh đô Huế 1919. Đây cũng là năm đánh dấu chữ quốc ngữ được đón nhận và sử dụng rộng rãi bởi mọi thành phần người Việt cho đến ngày nay.

 

Tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly là giảng viên Trường Khoa học liên ngành và nghệ thuật - Đại học Quốc gia Hà Nội; thành viên Viện Nghiên cứu lịch sử các lý thuyết ngôn ngữ - Trung tâm Nghiên cứu khoa học Quốc gia Pháp. Với vốn kiến thức về tiếng La-tinh, tiếng Bồ Đào Nha và về cổ văn châu Âu, tác giả tiếp cận, sưu tầm văn khố quý hiếm, phân tích và nghiên cứu về lịch sử chữ quốc ngữ, lịch sử ngữ pháp tiếng Việt cũng như quan tâm nghiên cứu lịch sử chữ viết, di sản ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số đang có nguy cơ biến mất.

Một số đóng góp quan trọng và mới của công trình có thể kể là phục dựng được khá chi tiết thời kỳ đầu tạo ra chữ quốc ngữ nhờ việc sưu tầm và phân tích một số lượng lớn các văn bản viết tay. Chỉ ra được những mốc thời gian quan trọng như: chữ La-tinh đầu tiên xuất hiện trong văn bản năm 1617. Nhấn mạnh vai trò của António de Fontes - linh mục người Bồ Đào Nha đến Đàng Trong năm 1624 - là cầu nối của chữ quốc ngữ từ Đàng Trong ra Đàng Ngoài.

“Thành công của chữ quốc ngữ là chưa từng có trong khu vực chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, trên thực tế nó là thành quả của hai ý chí song song: ý chí của tầng lớp thực dân Pháp muốn học tiếng Việt dễ hơn và muốn xích hai nền văn hóa Việt - Pháp lại gần với nhau, và ý chí của tầng lớp sĩ phu Việt Nam, coi chữ quốc ngữ là một công cụ đấu tranh chống nạn mù chữ và phổ biến khả năng đọc viết (mà ngày nay chúng ta gọi là văn hiến)” là thông điệp đáng chú ý từ tác phẩm.

 

TS Phạm Thị Kiều Ly cùng họa sĩ Tạ Huy Long từng ra mắt cuốn truyện tranh về lịch sử chữ quốc ngữ dành cho trẻ em mang tựa 100 câu hỏi về Lịch sử chữ quốc ngữ do Nhà xuất bản Khoa học xã hội và Omega+ ấn hành năm 2023. Quyển sách có dạng hỏi đáp, khơi gợi sự tò mò tìm hiểu từ bạn đọc Việt Nam để đặt câu hỏi và câu trả lời về những vấn đề xoay quanh quá trình hình thành phát triển chữ quốc ngữ, những nhân vật có nhiều đóng góp quan trọng cho chữ quốc ngữ, chính tả của chữ quốc ngữ…

 

  Bửu Long

 

Tin xem nhiều