Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhạc sĩ Nguyễn Bòn: Đồng Nai cho tôi tình yêu và bén duyên với sáng tác âm nhạc

ĐÀO LÊ
07:40, 08/06/2024

Hơn 30 năm hoạt động nghệ thuật và gắn bó với văn hóa, văn nghệ quần chúng cấp cơ sở, nhạc sĩ Nguyễn Bòn đã có nhiều tác phẩm để đời về con người, mảnh đất Đồng Nai.

Nhạc sĩ Nguyễn Bòn.
Nhạc sĩ Nguyễn Bòn.

Với nhạc sĩ Nguyễn Bòn, Đồng Nai là quê hương thứ hai cho ông tình yêu với ca nhạc. Ông đã và sẽ tiếp tục nỗ lực góp sức để phát triển văn hóa, văn nghệ quần chúng ở cơ sở từ thực tế phát triển và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Trưởng thành từ văn nghệ ngành cao su

 Nhạc sĩ có thể cho biết rõ hơn về con đường đến với âm nhạc của mình và tại sao ông lại chọn gắn bó nhiều năm với Đồng Nai?

- Tôi sinh ra ở mảnh đất Quảng Trị nắng lửa nhưng có những giai điệu âm nhạc quê hương miền Trung thấm nhuần vào con người tôi. 12 tuổi, tôi bắt đầu tập hát và tập đàn, năm 16 tuổi gia đình tôi vào sinh sống tại huyện Cẩm Mỹ. Ở đây, tôi đã tham gia các chương trình văn nghệ tổng kết hàng năm của địa phương và Nông trường Cao su Cẩm Mỹ. Sau đó, tôi vào đội văn nghệ của nông trường, hoạt động ca hát phục vụ anh chị em công nhân ngành cao su. Năm 2004, huyện Cẩm Mỹ được thành lập, tôi về công tác tại Trung tâm Văn hóa thông tin thể thao huyện cho đến nay.

Nhiều năm tham gia các chương trình nghệ thuật của ngành cao su, địa phương, tôi đã đạt được nhiều thành tích. Vì thế, tôi được giới thiệu vào sinh hoạt tại Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai. Đây được xem là cột mốc đáng nhớ trong cuộc đời của tôi.

 Quá khứ hào hùng “miền Đông gian lao mà anh dũng” đã tác động như thế nào đến công việc và quá trình sáng tác của ông?

- Đồng Nai là mảnh đất tôi gắn bó từ thuở niên thiếu nên hiểu rất rõ quá khứ lịch sử hào hùng, cùng với những đổi thay của từng giai đoạn. Riêng trong lĩnh vực nghệ thuật, Đồng Nai là một trong những tỉnh mạnh nhất trên cả nước từ thập niên 80 của thế kỷ trước cho đến nay. Rất tự hào nơi mình đang sinh sống nên những ca khúc của tôi viết về Đồng Nai như: Đồng Nai tôi yêu, Đồng Nai tỏa sáng tương lai, Đồng Nai rạng ngời đất nước…đã được nhiều người đón nhận. Điều này đã khích lệ, tạo thêm niềm cảm hứng cho tôi để sáng tác thêm nhiều ca khúc về Đồng Nai.

 Với hàng chục ca khúc đã sáng tác thì thể loại nào nhạc sĩ tâm đắc nhất?

- Tôi tâm đắc nhất là các sáng tác thuộc thể loại hợp ca, vì những ca khúc này được dàn dựng trong các chương trình ca múa nhạc các hội thi, hội diễn, biểu diễn nghệ thuật. Những ca khúc này đều được đầu tư hoành tráng và công chúng dễ biết đến.

Năm 2023, ca khúc Đồng Nai rạng ngời đất nước của tôi đã đạt giải tại cuộc thi sáng tác khu vực Đông Nam Bộ. Tác phẩm này cũng được chứng nhận giải A, Giải thưởng Văn học nghệ thuật hàng năm của tỉnh năm 2023.

Mong muốn đóng góp công sức cho nghệ thuật quần chúng

 Nhạc sĩ có nhiều ca khúc về nông thôn mới và đã được dàn dựng để tuyên truyền, cổ động xây dựng nông thôn mới, ông có thể chia sẻ đôi điều về mảng đề tài này?

- Từ khi phong trào xây dựng nông thôn mới được phát động trong cả nước thì ngày càng có nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ tham gia sáng tác. Với chủ đề này, tôi có những ca khúc ca ngợi sự phát triển của nông thôn mới của Đồng Nai và cả nước.

Từ năm 2012, tôi đã tham gia các trại sáng tác trong tỉnh về chủ đề “tam nông”. Tôi viết rất nhiều ca khúc về các huyện và tỉnh, đã được in trong Tạp chí Văn Nghệ Đồng Nai và tập nhạc do Nhà xuất bản Đồng Nai thực hiện. Đề tài nông thôn mới những ca từ dễ nghe và dễ thấm sâu vào quần chúng trong thời kỳ phát triển kinh tế công hiệp hóa, hiện đại hóa. Ngày nay, ở các vùng nông thôn, cơ sở hạ tầng ngày càng phát triển. Nhiều hạng mục đều đạt tiêu chuẩn quốc gia nên tạo sự phấn khởi cho người dân và đó cũng là chất liệu cho các sáng tác của chúng tôi.

 Ông cũng là một nghệ sĩ đa tài khi vừa sáng tác, vừa chơi được rất nhiều nhạc cụ, đâu là động lực để ông có thể giữ được niềm đam mê ấy?

- Đó là niềm đam mê từ nhỏ của tôi. Máu nghệ sĩ thấm vào tôi từng ngày nên tôi cứ thế mà theo đuổi nghệ thuật. Tôi luôn tìm tòi và học hỏi về các nhạc cụ dân tộc và hiện đại, khi rèn luyện môn nào là phải nhuần nhuyễn chứ không bỏ cuộc. Sự đam mê của tôi không ngừng phát triển cho đến khi qua lĩnh vực sáng tác, được công chúng công nhận nên lại càng là động lực để tôi ra sức học hỏi, phát triển thêm.

 Theo nhạc sĩ, hiện nay, nghệ thuật quần chúng, nghệ thuật cơ sở có những điểm mạnh, hạn chế nào?  Ông có thể ví dụ thực tiễn ngay tại quê hương Cẩm Mỹ mình đang sinh sống?

- Hiện nay, nghệ thuật quần chúng được khích lệ qua các hội thi, hội diễn cấp cơ sở và cấp tỉnh.

Công diễn ca khúc Đồng Nai rạng ngời đất nước của nhạc sĩ Nguyễn Bòn.(Nguồn ảnh: NVCC)
Công diễn ca khúc Đồng Nai rạng ngời đất nước của nhạc sĩ Nguyễn Bòn.(Nguồn ảnh: NVCC)

Có một vấn đề khó khăn là ngày nay, nhiều phương tiện, loại hình nghệ thuật, phương tiện truyền tải mới xuất hiện nên nghệ thuật quần chúng không còn là chọn lựa của đông đảo người dân như trước đây nữa. Các đoàn nghệ thuật của tỉnh về biểu diễn tại các địa phương có ít khán giả đến xem. Đó là những trăn trở đối với người làm công tác văn hóa cơ sở như chúng tôi.

Trường hợp các chương trình phối hợp với các xã thì số lượng khán giả rất đông. Do vậy, tôi cho rằng khi thực hiện các chương trình nghệ thuật phục vụ quần chúng thì nên thực hiện theo mô hình này để có hiệu quả.

 Nhạc sĩ có thể chia sẻ những dự định sắp tới trong sáng tác lẫn và phát triển văn nghệ quần chúng ở cơ sở?

- Tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu về những phát triển của tỉnh và đất nước để sáng tác những ca khúc ý nghĩa. Trong đó, tôi sẽ tham gia các trại sáng tác của tỉnh và trung ương theo các chủ đề mà ban tổ chức đề ra để tìm thêm những cảm xúc cho sáng tác mới.

Về nghệ thuật quần chúng, văn hóa cơ sở, trong khả năng của mình chúng tôi sẽ nỗ lực cùng tổ chức các phong trào, hội thi, tiếng hát trong công nhân viên chức, thi dân vũ, hát Then… Tổ chức các hội thi, hội diễn của các ngành, hướng đến giới trẻ để khuyến khích thanh niên quan tâm nhiều hơn đến văn nghệ quần chúng. 

Bên cạnh đó, tôi sẽ mở những lớp tập huấn đào tạo người dẫn chương trình, thi đờn ca tài tử… Hy vọng những hoạt động trên sẽ giúp cho văn nghệ quần chúng tại địa phương luôn được duy trì, phát triển ngày càng gần gũi với công chúng hơn.

Mặc dù chưa học qua bất kỳ trường lớp nghệ thuật nào nhưng Nguyễn Bòn chơi thành thạo 7 loại nhạc cụ, cả truyền thống lẫn hiện đại.. Hơn 30 năm, ông đạt nhiều giải thưởng như huy chương vàng Hội diễn Nghệ thuật quần chúng ngành Cao su Việt Nam năm 1989; giải A Cuộc thi Sáng tác ca khúc chủ đề Tam Nông năm 2012.

 Xin cảm ơn nhạc sĩ!

ĐÀO LÊ (thực hiện)

Tin xem nhiều