Trong thời hiện đại, nhiều người bận rộn với công việc, học hành, nên thời gian giao tiếp trong gia đình đang dần ít đi.
Tổ chức dã ngoại cuối tuần là cách giúp các thành viên trong gia đình yêu thương, gắn bó với nhau hơn. Ảnh minh họa: C.T.V |
Đây là vấn đề cần quan tâm, vì khi ít giao tiếp trong gia đình sẽ khiến các thành viên không thường xuyên chia sẻ mọi việc cùng nhau; thiếu sự gắn kết, thấu hiểu, dễ dẫn đến những xung đột, bất hòa, về lâu về dài ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình.
Ít trò chuyện, “lười” tâm sự
Do công việc bận rộn nên sau một ngày hối hả đến chiều về nhà, các thành viên trong gia đình đều mệt mỏi. Đa phần sau bữa ăn tối, mỗi người đều “rút” vào phòng riêng để nghỉ ngơi, giải trí theo sở thích, ít có thời gian ngồi trò chuyện, tâm sự với nhau.
Bà T.T.N. (67 tuổi, ngụ phường Trung Dũng, thành phố Biên Hòa) cho biết, bà đang sống với vợ chồng con trai. Sáng sớm, các con cháu vội vã ra khỏi nhà đi làm, đi học. Buổi trưa, con, cháu ăn ở cơ quan, ở trường; chỉ có buổi tối mới ngồi ăn cùng nhau. Ăn tối xong, ai nấy đều vào phòng riêng để làm việc, học hành, giải trí. Nhiều hôm, bà muốn nói chuyện lâu với con cháu thì mọi người đều tìm cớ để từ chối hoặc chỉ trao đổi qua loa.
Trước sự bùng nổ của mạng xã hội (MXH), giao tiếp trong gia đình ít nhiều bị ảnh hưởng. Không ít người khi về nhà vẫn dành nhiều thời gian để lướt Facebook, Zalo, YouTube. Thậm chí, các thành viên trong nhà trao đổi với nhau cũng qua tin nhắn trên MXH.
Chị T.T.T.H. (ngụ phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa) tâm sự, gia đình chị bây giờ có thói quen cần gì cứ nhắn qua Zalo để mọi người biết, giải quyết nên tối về nhiều khi cũng không có chuyện gì để nói. Nhiều khi tối về, vợ chồng nằm kế nhau, mỗi người cầm một điện thoại để lướt MXH.
Một nghiên cứu năm 2022 của Viện Gia đình và giới cho thấy, những cặp hôn nhân thành công, hạnh phúc đều nhờ vào sự giao tiếp lành mạnh, lắng nghe và thấu hiểu lẫn nhau; còn những cặp vợ chồng ly hôn thì trước đó họ đã không còn thường xuyên giao tiếp với nhau mỗi ngày.
Nghiên cứu này chỉ ra nguyên nhân nhiều cặp vợ chồng không còn đối thoại với nhau là do người vợ hoặc chồng có cách nói dễ gây mâu thuẫn, xung đột như mở miệng là chỉ trích, chê bai, so sánh, xúc phạm, gây tổn thương nhau… dẫn đến không thể ngồi lại nên không còn lắng nghe, thấu hiểu nhau, không còn nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của nhau.
Để “sợi chỉ” gắn kết được bền chặt
Ngày 22-6 vừa qua, nhân dịp về Đồng Nai nói chuyện chuyên đề Tự chữa lành - Bí quyết sống bình an, tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A, giảng viên Trường đại học Kinh tế - tài chính Thành phố Hồ Chí Minh, đã trao đổi về vai trò của giao tiếp trong “giữ lửa” hạnh phúc gia đình.
Theo tiến sĩ Tô Nhi A, hiện nay, nhiều cặp vợ chồng dù sống chung trong một nhà nhưng lại rất ít thời gian gặp nhau, dẫn đến tình trạng thiếu vắng hoặc không nắm bắt được diễn biến tâm lý người bạn đời; thậm chí không biết vợ hoặc chồng đang làm gì, có gặp những trục trặc gì trong công việc, sức khỏe thế nào, mong muốn điều gì… Từ đó, rất dễ tạo ra những khoảng trống vô hình trong giao tiếp giữa hai người.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng “tắt lửa” giao tiếp trong gia đình. Theo tiến sĩ Tô Nhi A, hiện nay, phụ nữ ra xã hội làm việc khá phổ biến nên cả phụ nữ và đàn ông đều có nhiều mối quan hệ và cơ hội giao tiếp ở bên ngoài. Do đó, khi về nhà, không ít cặp vợ chồng đã “lười” giao tiếp, tâm sự với nhau, ngoại trừ những lời nói thông thường, cơ bản.
Đặc biệt, sự phát triển của MXH cũng là nguyên nhân khá phổ biến khiến giao tiếp trong gia đình bị ảnh hưởng. Tiến sĩ Tô Nhi A cho rằng, do người dùng MXH có thói quen tương tác trên MXH nên ngại trò chuyện trực tiếp. Chưa kể, có những cặp đôi cứ ngồi lại là cãi nhau nên đã “né” trò chuyện và tìm sự giao tiếp trên không gian mạng để không phải đối diện thái độ “thấy ghét” của chồng hoặc vợ.
Có nhiều cách để “giữ lửa” hạnh phúc, nhưng quan trọng nhất để “sợi dây” gắn kết gia đình được bền chặt thì mỗi người cần học cách vun đắp tình cảm gia đình. Chẳng hạn gia đình bà Hoàng Thị Hương Lan (ngụ phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa) thống nhất chủ nhật là ngày của gia đình. Mọi thành viên trong gia đình tập trung vào các sinh hoạt chung như: đi chợ, dọn dẹp, nấu ăn, trò chuyện, giải trí cùng nhau; cả nhà sắp xếp về thăm ông bà hay đi dã ngoại…
“Để có được sự gắn kết này, các thành viên trong gia đình tôi đã mạnh dạn từ chối lời mời gọi đi nhậu, đi chơi, gặp gỡ từ người khác; hạn chế sử dụng, thậm chí tắt điện thoại để không bị công nghệ “đánh cắp” thời gian quý báu dành cho nhau” - bà Hương Lan chia sẻ.
“Việc dành thời gian giao tiếp, tâm sự, hay vui chơi với nhau để thắp lửa yêu thương trong gia đình có thể ban đầu hơi khó, nhưng rồi sẽ quen. Trong cuộc sống bận rộn, nếu cứ để khoảng trống giao tiếp, gắn kết gia đình mỗi ngày một rộng ra thì tan vỡ đã chực chờ ngoài cửa. Nếu muốn, các gia đình nên bắt đầu từ hôm nay vì sự gắn kết chưa bao giờ là muộn” - tiến sĩ Tô Nhi A khuyến cáo.
Song Liễu
Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch NGUYỄN THỊ MỘNG BÌNH:
Gia đình bền chặt, xã hội mới tốt đẹp
Hiện nay, sự thay đổi trong cấu trúc gia đình đã tạo cơ hội cho nhiều cá nhân và gia đình phát triển vượt bậc, nhưng cũng đặt ra những thử thách về nguy cơ tan vỡ cho không ít gia đình. Thông điệp Ngày Gia đình Việt Nam (28-6) năm 2024 là: “Gia đình hạnh phúc - Quốc gia thịnh vượng” đã khẳng định vai trò và giá trị của gia đình đối với sự phồn thịnh và phát triển của quốc gia.
Do đó, mỗi gia đình có trách nhiệm giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt. Muốn vậy, mỗi thành viên phải tăng cường sự tương tác, giao tiếp, quan tâm cũng như sự thấu hiểu, động viên, chia sẻ để làm bền chặt thêm “sợi dây” gắn kết hạnh phúc.
Kim Liễu (ghi)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin