Báo Đồng Nai điện tử
En

Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai đồng hành và tiến bước

Mai Sơn
05:47, 21/06/2024

Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai được ra đời từ khi Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) Đồng Nai thành lập, đến nay đã bước vào năm thứ 45 (1979-2024). Hơn 4 thập kỷ miệt mài, bền bỉ tạo dựng một diễn đàn cho VHNT địa phương, tạo dựng tiếng nói riêng và hòa vào đời sống văn hóa văn nghệ của cả nước… thật là biết bao nhọc nhằn và bao điều trăn trở.

Lãnh đạo tỉnh chúc mừng Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Lãnh đạo tỉnh chúc mừng Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai nhân dịp kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

* 45 năm không thể nào quên

Lần theo hồi ức của các nhà văn lão thành và các thế hệ hội viên, có thể thấy Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai ngay từ khi ra đời đã hoạt động rất sôi nổi, tạo một sức hút lớn trong giới sáng tác và trong lòng bạn đọc, phạm vi phát hành tỏa rộng. Với hình thức ban đầu là tờ báo Văn nghệ Đồng Nai, phát hành hàng tuần, tờ báo đã khiến bao nhiêu người đọc trong và ngoài tỉnh phải mong đợi, đón đọc.

Nhà văn Hoàng Văn Bổn - nguyên Chủ tịch Hội, Tổng biên tập - từng ghi lại trong hồi ký về những tháng ngày vất vả nhưng đong đầy niềm vui ấy. Với sức trẻ của một Hội VHNT, một tờ báo văn nghệ, Ban biên tập đã huy động hết lực lượng sáng tác tham gia làm báo để tờ báo Văn nghệ Đồng Nai lan tỏa sâu rộng trong và ngoài tỉnh, có tính hấp dẫn, cạnh tranh.

Vì vậy, hầu hết các cây bút trẻ thời ấy đều trở thành những nhà báo văn nghệ hăng hái, xông xáo, sau này đã trở thành những cây bút có tiếng như: Đàm Chu Văn, Khôi Vũ (Nguyễn Thái Hải), Cao Xuân Sơn, Nguyễn Đức Thọ… Tờ báo cũng là hồi ức đẹp của nhiều hội viên, cộng tác viên như: Hoàng Đình Nguyễn, Đào Trọng Thử (thế hệ đầu tiên, đến nay vẫn tích cực đóng góp)…

Người làm báo văn nghệ ngoài tố chất nghệ sĩ, cần phải được đào tạo bài bản, trong môi trường làm báo chuyên nghiệp, không ngừng nâng cao nghiệp vụ, để mang những giá trị VHNT đến với công chúng một cách hiệu quả nhất.

Đồng chí Nguyễn Sơn Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh, đã tham gia tích cực mảng văn học dịch; nhiều cây bút tỏa đi Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương… Cả những học sinh ngồi trên ghế nhà trường thời ấy cũng từng là độc giả trung thành của Văn nghệ Đồng Nai và tiếp cận, tích lũy được rất nhiều vốn văn hóa từ tờ báo.

Sau này, Văn nghệ Đồng Nai được thay đổi hình thức, tên gọi thành Tạp chí Sông Phố, rồi Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai. Các bộ mới ra mắt thay đổi măng sét, cải tiến chất lượng, và quan trọng nhất là giới thiệu những sáng tác mới, ươm mầm cho nhiều thế hệ cầm bút…

Cùng với sự biến chuyển của đời sống, của nền kinh tế thị trường đã đặt VHNT nói chung, Văn nghệ Đồng Nai nói riêng vào những khó khăn, thử thách mới. Đã có khoảng thời gian không có kinh phí, không có nhân sự làm báo, song cơ quan chủ quản là Hội VHNT Đồng Nai đã cố gắng duy trì, tạo dựng một diễn đàn bền vững, ổn định trong làng văn nghệ của cả nước. Bởi vì Văn nghệ Đồng Nai luôn luôn như một người bạn đồng hành, không thể thiếu được đối với người viết và người đọc. Dù đời sống công nghệ phát triển đến đâu, các diễn đàn VHNT phong phú đến thế nào, thì các tác giả vẫn chăm chút và trao gửi tác phẩm của mình cho Ban biên tập; bạn đọc vẫn theo dõi, thưởng thức, góp ý…

Nhìn lại 45 năm quá trình hình thành và phát triển của Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai, cũng là trường hợp của các tờ tạp chí văn nghệ địa phương, thì đây không chỉ là sản phẩm của cơ quan báo chí theo Quy hoạch báo chí toàn quốc, mà cốt lõi bên trong là tình cảm, sự gắn bó sâu sắc, không thay thế được trong cuộc sống, cũng như trong môi trường văn hóa văn nghệ. Ở đó tạo dựng những giá trị nhân văn, đánh thức những tiềm năng sáng tạo và trao đổi, quảng bá những sáng tác mới nhất, những vấn đề đáng quan tâm nhất trong VHNT; và đặc biệt là xây dựng con người, giúp người viết, người đọc đi đúng hướng, góp phần tích cực cho sự phát triển không ngừng của báo chí cách mạng Việt Nam.

* Cơ hội đổi mới và phát triển

Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai trong những năm gần đây đã được tạo thêm nhiều điều kiện để đổi mới và phát triển. Nhờ sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh, tạp chí đã được bổ sung nhiều nguồn lực quý giá, từ kinh phí hoạt động cho đến sự quan tâm của bạn đọc các giới, các ngành nghề. Nhiều năm trước, tạp chí phát hành 2 tháng/kỳ. Từ năm 2023, tạp chí đã được tăng kỳ phát hành 1 tháng/kỳ, với số lượng in khá cao.

Từ đây, Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai được giao phó thêm một “sứ mệnh” quan trọng mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh mong muốn, đó là góp phần đưa VHNT, đặc biệt là các tác phẩm địa phương vào với nhà trường, đến các thao trường, công sở… Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai đã bắt đầu “phủ sóng” các thư viện trường học, đến với vùng sâu vùng xa của tỉnh, đến với các đơn vị lực lượng vũ trang thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các đơn vị đứng chân trên địa bàn…

Văn hóa văn nghệ vốn giàu cảm xúc, nghiêng về cảm tính, nên người làm báo văn nghệ càng cần phải tỉnh táo, minh định được những vấn đề, những câu chuyện liên quan đến thời sự, chính trị, xã hội; tuyển chọn những tác phẩm hay, mới lạ, độc đáo; xây dựng và phát triển thế hệ tiếp nối… Thời đại 4.0 cũng giúp nhà báo tích lũy nhanh kiến thức, vốn sống, nhưng cũng phải cạnh tranh với công nghệ AI trong báo chí… Vì vậy, không có cách nào khác, tạp chí Văn nghệ Đồng Nai cũng như các tờ báo, tạp chí khác đều phải chạy hết tốc lực tiến lên phía trước…

Đã từng có câu hỏi đặt ra là trong thời đại 4.0 hiện nay, với nhiều phương tiện nghe nhìn hiện đại, tối tân, thì việc cầm tạp chí lên tay và đọc có phù hợp không? Song đặc thù của VHNT là thưởng thức, là nghiền ngẫm; tạp chí đang góp phần phát triển văn hóa đọc, và mang đến niềm vui cho người đọc từ những trang giấy, những con chữ mang cảm xúc, triết lý sống, các giá trị thẩm mỹ… gói ghém vào đó. TS Hà Thanh Vân từng ví von: trong thời đại “lật” và “lướt” hiện nay, rất cần lưu giữ lại văn hóa đọc một cách chính thống, khoa học. Vì vậy, báo giấy cần được tồn tại và phát triển song song với báo mạng, báo điện tử và mạng xã hội.

Điều kiện làm báo đã được cải thiện, và trong bối cảnh công nghệ số phát triển, mô hình các tạp chí văn nghệ địa phương vốn mỏng, nhẹ lại tương đối phù hợp với thực tiễn. Văn nghệ Đồng Nai cũng đứng trước những cơ hội phát triển mới, để có thể mở rộng lực lượng viết, mở rộng đội ngũ cộng tác viên, nâng cao chất lượng cả về nội dung và hình thức. Sự đón nhận, tương tác đa chiều của bạn đọc góp phần làm cho Văn nghệ Đồng Nai thêm phong phú, hấp dẫn. Không có tính khuấy động, cạnh tranh như thuở ban đầu, song Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai vẫn luôn có chỗ đứng riêng trong lòng bạn đọc.

Để Tạp chí Văn nghệ Đồng Nai thực hiện tốt nhiệm vụ, vai trò của mình, tạo dựng được “thương hiệu” riêng, cần phải đổi mới và phát triển không ngừng bằng nhiều cách thức hiện đại và chuyên nghiệp hơn. Những thành quả bước đầu cho thấy tạp chí đang có một hệ sinh thái dồi dào, rộng mở, trong đó có thể khai thác rất nhiều sáng tác mới và sáng tạo trong cách làm. Người làm báo văn nghệ cần phải năng động, chủ động hơn, giúp sự kết nối trong cộng đồng người viết và bạn đọc trở nên mạnh mẽ, gắn bó hơn. Nói nôm na là giúp cho chất “nghệ” và chất “sĩ” hòa trộn với nhau ở trạng thái tốt nhất trong một con người và trong cả cộng đồng.

 

Mai Sơn


 

 

Tin xem nhiều